“Minari” và tình thế oái ăm tại giải thưởng “Quả cầu Vàng 2021”
VOV.VN - “Minari” – một bộ phim Mỹ được trao giải “Quả cầu Vàng” ở hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" đã tạo nên một làn sóng tranh cãi lớn.
Ngày 1/3, lễ trao giải “Quả cầu Vàng” lần thứ 78 diễn ra tại hai thành phố New York và Beverly Hills, Mỹ đã chính thức khép lại với loạt giải thưởng danh giá được trao cho những bộ phim, diễn viên ghi dấu ấn tượng trên màn ảnh. Một trong số đó là tác phẩm “Minari” của đạo diễn Lee Isaac Chung. Bộ phim giành chiến thắng ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất”.
“Minari” kể câu chuyện về một gia đình 3 thế hệ gồm những người nhập cư Hàn Quốc để tìm cơ hội đổi đời ở Mỹ thập niên 1980. Phim dựa trên ký ức tuổi thơ của chính đạo diễn Lee Isaac Chung. “Minari” quy tụ dàn sao đình đám như ngôi sao “The Walking Dead” Steven Yeun , Yeri Han, Yuh Jung Young...
Phân biệt chủng tộc ở giải thưởng lớn
“Minari” đã càn quét các giải thưởng cao nhất tại các Liên hoan phim Sundance, Middleburg, Heartland và Denver... Hơn nữa, chuyên trang điện ảnh Variety gọi tên “Minari” trong top ba ứng cử viên hàng đầu cho hạng mục “Phim hay nhất” của giải Oscar 2021. Thế nhưng, Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood (HPFA) chỉ trao giải thưởng “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” cho “Minari” ở lễ trao giải “Quả cầu Vàng”, một trong những ứng viên hàng đầu cho giải thưởng “Phim hay nhất của năm”. Quyết định khó hiểu này gây ra không ít tranh cãi trong giới phê bình.
Tác phẩm của đạo diễn Lee Isaac Chung bị đặt vào một tình thế oái oăm khi một bộ phim song ngữ Anh – Hàn được sản xuất tại Mỹ, có đạo diễn là người Mỹ gốc Hàn lại chỉ được tranh giải ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”. Điều này đồng nghĩa “Minari” bị loại khỏi ở hạng mục “Phim hay nhất của năm”. Tác phẩm chỉ có thể tranh tài với nhiều phim nước ngoài khác như “La Llorona” (Guatemala), “Another Round (Đan Mạch), The Life Ahead (Ý) và Two of Us (Pháp) .Bên cạnh đó, dàn diễn viên của “Minari” dù đủ điều kiện nhận đề cử diễn xuất nhưng cũng không nhận được bất kỳ.
Mặc dù quyết định này được giải thích là dựa trên quy tắc phân loại của HPFA. Bất kỳ bộ phim nào có hơn 50% sử dụng ngôn ngữ không phải là tiếng Anh đều không đủ điều kiện tham gia đề cử “Phim hay nhất của năm”, thế nhưng nhiều người vẫn không khỏi nghi ngờ rằng phải chăng đã có sự phân biệt chủng tộc tại đây.
Nhiều ý kiến cho rằng “Minari” đang chịu sự bất công không đáng có khi trước đó, có 2 bộ phim không đạt ngưỡng 50% tiếng Anh đã được gửi - và được đề cử - ở một trong những hạng mục “Phim hay nhất” là “Babel” (2006) (đã chiến thắng ở hạng mục phim truyền hình) và “Inglourious Basterds”(2009). Điểm khác biệt giữa “Minari” với 2 bộ phim trên là có dàn diễn viên có sự xuất hiện của các ngôi sao hạng A da trắng.
Jason Carlos, quản lý truyền thông mạng xã hội của của Liên hoan phim quốc tế Toronto (Tiff) nhấn mạnh trên trang Twitter cá nhân: "Hãy nhớ rằng “Minari: là phim Mỹ". "Bằng một cách nào đó, một phim Mỹ xuất sắc như Minari lại được trao giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Có nhiều người Mỹ thực chất chủ yếu và chỉ nói được các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh trên đất Mỹ".
“Hơn 350 ngôn ngữ được sử dụng trong các gia đình Mỹ ngày nay. Vậy ngôn ngữ “nước ngoài” có nghĩa là gì?" Charlene Jimenez, Giám đốc đối tác giải trí và vận động cho tổ chức phi lợi nhuận Define American đặt câu hỏi với quyết định của Hiệp hội. Cô cho rằng Hiệp hội phải đánh giá lại các tiêu chí sử dụng cho các giải thưởng danh giá của mình.
Nancy Wang Yuen, nhà xã hội học, tác giả của cuốn sách “Reel Inequality: Hollywood Actors and Racism” cho rằng sự việc này cho thấy vấn nạn phân biệt chủng tộc ngày càng trở nên nghiêm trọng và đáng lo ngại, đặc biệt vào thời điểm mà người Mỹ gốc Á hàng ngày phải đối mặt với sự tấn công bạo lực về thể chất và tinh thần.
“Thật tuyệt khi những bộ phim này đang được thực hiện, nhưng thật khủng khiếp khi chúng bị xếp vào hạng mục tiếng nước ngoài. Chúng ta không nên bị trừng phạt vì đã kể những câu chuyện khác nhau của người Mỹ chưa từng được kể trước đây”, Nancy Wang Yuen bày tỏ.
So sánh với giải thưởng điện ảnh lớn như Oscar, trong lịch sử, có nhiều ứng cử viên giải thưởng lớn khác trong năm qua cạnh tranh ở giải thưởng Quả cầu Vàng cho hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài” và vẫn tiếp tục được đề cử Oscar “Phim hay nhất” như “Ngọa hổ tàng long” (năm 2000), “Bức thư của Iwo Jima” (năm 2006), “Amour” (năm 2012), “Roma” (Năm 2018). Thậm chí, năm ngoái, tuyệt tác của điện ảnh Hàn Quốc “Parasite” (Ký sinh trùng) còn giành cú đúp giải thưởng tại Oscar lần thứ 92. Bong Joong Ho đã làm nên lịch sử khi một bộ phim không phải tiếng Anh đầu tiên nhận giải thưởng “Phim hay nhất của năm”.
Các quy tắc của “Quả cầu Vàng” không linh hoạt và gây nên nhiều tranh cãi trong những năm qua. Nhiều người cho rằng Hiệp hội phải đánh giá lại các tiêu chí trao giải. Tuy nhiên với kết quả của “Quả cầu Vàng” năm nay cho thấy Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood không có ý định thay đổi luật.
Nam diễn viên chính trong phim “Minari” Steven Yeun bày tỏ cảm nghĩ sau lễ trao giải: "Chúng ta không thể trông đợi các luật lệ, các tổ chức thu nhận hết mọi sự phức tạp của cuộc sống thực". Trước đó, theo điều tra của Los Angeles Times, tất cả 87 thành viên của ban tổ chức, những người đứng ra chọn kết quả chung cuộc, không có thành viên da đen.
“Minari” vượt lên mọi rào cản ngôn ngữ
Về phần mình, biên kịch kiêm đạo diễn Lee Isaac Chung cho biết ông không cảm thấy quyết định của Hiệp hội sẽ làm mất uy tín của bộ phim hay tác phẩm của ông. Tuy nhiên, ông hiểu sự thấy vọng của tất cả mọi người.
"Tôi hiểu điều đó trong bối cảnh là một người Mỹ gốc Á và đôi khi trong những tình huống mà bạn cảm thấy như thể mình đang bị đối xử như một người nước ngoài, đặc biệt khi bạn nói tiếng Hàn hay một ngôn ngữ khác”, Lee Isaac Chung chia sẻ.
Khoảnh khắc nhận giải thưởng tại nhà riêng, Lee Isaac Chung khẳng định: “Minari nói về một gia đình. Đó là một gia đình đang cố gắng học cách nói một ngôn ngữ của riêng mình”. “Nó đi sâu hơn bất kỳ ngôn ngữ Mỹ hay bất kỳ ngoại ngữ nào; đó là ngôn ngữ của trái tim. Và tôi đang cố gắng tự học và truyền đạt nó. Và tôi hy vọng tất cả chúng ta sẽ học cách nói ngôn ngữ của tình yêu này với nhau, đặc biệt là trong năm nay”.
Câu chuyện cảm động trong "Minari" được vẽ nên bởi một phần tuổi thơ của Lee Isaac Chung, là những hiện thực mà ông đã từng trải qua. Vì vậy, câu chuyện được truyển tải một cách chân thực nhất, tròn vẹn nhất những cảm xúc tuyệt đẹp của bản thân thông qua những thước phim lung linh.
Sở hữu cốt truyện nhẹ nhàng, sâu lắng, cùng với đó là lối diễn xuất của các diễn viên, kể cả diễn viên nhí, “Minari” mang đến cho người xem một cái nhìn đầy cảm xúc về cuộc sống của những con người xa xứ, đang ngày ngày vật lộn với cuộc sống vất vả nơi xứ người. Đó không chỉ là câu chuyện riêng của một gia đình nhập cư người Hàn mà nó là điều mà nhiều người Mỹ lớn lên trong các gia đình nhập cư có thể liên tưởng đến.
Niềm vui khi một thành viên gia đình đến thăm mang theo gia vị từ quê hương, cuộc đấu tranh của các thế hệ khác nhau để kết nối, những cảm xúc dồn nén của cha mẹ mạo hiểm mọi thứ để nuôi gia đình, gương mặt của những đứa trẻ đang cố gắng hòa nhập… “Minari” như tên gọi của chính loài cây thực vật này, đại diện cho tính kiên cường của người nhập cư tại Mỹ.
Các trang báo lớn của quốc tế đã không tiếc lời khen ngợi “Minari”. Trang Entertainment Weekly đã nhận xét về Minari: “Đẹp đến nao lòng… một tác phẩm nhất định phải xem”. Trang The Boston Globe đã khen ngợi câu chuyện gia đình mà “Minari” truyền tải: “Bộ phim sẽ xét nát trái tim bạn, chỉ để ghép lại thành một trái tim mạnh mẽ hơn”.
Năm 2020, với làn sóng phân biệt chủng tộc, sự kỳ thị hướng đến người nhập cư ở Mỹ gia tăng trầm trọng thì “Minari” được nhận xét như "liều thuốc giải độc cho tâm hồn", đề cao giá trị cao đẹp của lòng tốt, tình cảm gia đình cũng như những đóng góp củangười nhập cư vào văn hóa và lịch sử Mỹ./.