Mong phim Nhà nước được đầu tư thích đáng cho phát hành, quảng bá
VOV.VN - Ông Nguyễn Minh Phương, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phim truyện I, Giám đốc sản xuất Phim Đào, phở và piano chia sẻ, tin vui về bộ phim đã bất ngờ đến trong những ngày đầu Xuân, là sự động viên vô cùng to lớn đối với toàn bộ êkip trong bối cảnh phim Nhà nước đang long đong trên con đường đến với khán giả.
Giám đốc sản xuất cũng bày bỏ mong muốn Đào, Phở và Piano sẽ được phát hành rộng rãi trên toàn quốc, cũng như việc Nhà nước chú trọng đầu tư kinh phí thích đáng cho việc phát hành, quảng cáo, quảng bá cho các bộ phim được đặt hàng.
Với vai trò Giám đốc sản xuất của phim, ông đón nhận thông tin về Đào, phở và piano gây sốt khi ra rạp như thế nào?
Đối với mọi bộ phim dù rằng nhà nước đặt hàng hay các hình thức khác, kể từ khi kịch bản phim được phê duyệt và đưa vào sản xuất, Công ty Cổ phần Phim truyện I luôn làm với một tinh thần trách nhiệm cao, để làm nên những tác phẩm điện ảnh có giá trị phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.
Đặc biệt, Đào, phở và piano là bộ phim có yếu tố lịch sử, chúng tôi đã đầu tư toàn bộ nguồn lực, nhân lực, trí lực và tâm huyết với mong muốn lớn nhất tôn vinh lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam, trong đó có người dân Hà Nội, viết lên được một phần trong trang lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến giải phóng đất nước.
Trước khi bắt tay vào sản xuất bộ phim Đào, phở và piano, Công ty Cổ phần Phim truyện I đã đầu tư nghiên cứu các tư liệu, chất liệu, tái tạo lại bối cảnh của Hà Nội những năm 1940 để cố gắng làm nên một tác phẩm điện ảnh mang tính lịch sử. Chúng tôi vô cùng cảm kích với sự lựa chọn của khán giả, bộ phim đã đến được với đông đảo công chúng, đó niềm động viên vô cùng lớn đối với Công ty và toàn bộ êkíp làm phim.
Thông tin về bộ phim đang ngập tràn trên báo chí và mạng xã hội, tuy nhiên cảm xúc của êkip làm phim trong những ngày qua thì dường như chưa bộc lộ nhiều?
Khi nhận được thông tin bộ phim Đào, Phở và Piano sẽ được chiếu trong chương trình phim Tết chúng tôi vô cùng phấn khởi.
Bởi khi được khán giả đón nhận, chúng tôi hiểu được rằng thông điệp của bộ phim đã chạm được đến trái tim của khán giả. Đạo diễn Phi Tiến Sơn, họa sĩ Vũ Việt Hưng , tập thể nghệ sĩ, các diễn viên tham gia trong phim như Trần Lực, Trung Hiếu, Doãn Quốc Đam, Cao Thị Thùy Linh, Tuấn Hưng, và ê kíp làm phim,..... đã tìm được sự đồng cảm với khán giả.
Toàn thể cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ của Công ty Cổ phần Phim truyện I, êkip làm phim vào lúc này cảm xúc lâng lâng dâng trào. Một lần nữa chúng tôi vô cùng biết ơn và tri ân tới khán giả đã quan tâm và ủng hộ bộ phim.
Từ tín hiệu vui của Đào, phở và piano, ông có đề xuất gì cho chặng đường tiếp theo của bộ phim nói riêng, phim Nhà nước đặt hàng nói chung?
Chúng tôi mong muốn bộ phim Đào, phở và piano sẽ được phát hành rộng rãi trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu khán giả cả nước mong muốn được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật do Nhà nước đầu tư công phu và có giá trị lịch sử.
Cùng với mong muốn số lượng các phim đặt hàng hàng năm được tăng lên, đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa và có những chính sách chung tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, hỗ trợ cho ngành điện ảnh, bao gồm cả điện ảnh xã hội hóa và điện ảnh đặt hàng của Nhà nước.
Đặc biệt chú ý đến những yếu tố đặc thù của ngành điện ảnh. Mở rộng đề tài phim đặt hàng, không chỉ là phim về lịch sử, chiến tranh ..., mà còn các đề tài phim tâm lý xã hội... nhằm phục vụ được nhu cầu đa dạng và thị hiếu của khán giả cả nước. Có được sự quan tâm đúng mức, chính sách phù hợp thì điện ảnh Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển và trở thànhngành công nghiệp Văn hóa đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra quốc tế.
Đặc biệt, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước chú trọng đầu tư kinh phí thích đáng cho việc phát hành, quảng cáo, quảng bá cho các bộ phim được đặt hàng để khán giả cả nước có thể được biết đến khi các bộ phim được phát hành.
Việc hình thành một thị trường cho phim Nhà nước, nhìn từ trường hợp cụ thể này, theo ông có khả quan không?
Cá nhân tôi cho rằng, dù là phim nhà nước hay tư nhân đều hòa chung vào thị trường phim điện ảnh nói chung, và nếu được nhà nước đầu tư một cách thích đáng, đặc biệt vào từng dự án phim, để các đơn vị sản xuất có đủ điều kiện thực hiện một cách tốt nhất các ý tưởng của bộ phim thì tôi tin rằng các tác phẩm điện ảnh do nhà nước đặt hàng sẽ có chỗ đứng vững chắc trong thị trường phim Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!