Nhà làm phim "sợ" diễn viên phẫu thuật thẩm mỹ
Nhiều nhà làm phim và khán giả “sợ” những gương mặt phẫu thuật thẩm mỹ quá đà, không còn cảm xúc của diễn viên xuất hiện trên màn ảnh.
Bị từ chối vì phẫu thuật thẩm mỹ
Diễn viên Hương Giang từng chia sẻ về cơ duyên nhận vai Mận, một phụ nữ thôn quê, trong bộ phim truyền hình Cô gái nhà người ta. Cô cho hay ban đầu, đạo diễn chọn một nữ diễn viên khác cho vai Mận nhưng do diễn viên này đã đi phẫu thuật thẩm mỹ nên khuôn mặt không còn phù hợp vào vai cô gái nông thôn.
Không chỉ có đạo diễn muốn “né” diễn viên phẫu thuật thẩm mỹ gương mặt một cách quá đà, không phù hợp với vai diễn mà ngay cả khán giả cũng không ít lần ngán ngẩm vì phải xem những gương mặt “đơ đơ”, thiếu biểu cảm. Khi xem bộ phim truyền hình Hướng dương ngược nắng, nhiều khán giả bày tỏ thất vọng trước diễn xuất của một nữ diễn viên cùng với việc chỉnh sửa thẩm mỹ khuôn mặt của cô: “Mặt bơm nhiều quá, có lẽ cũng ảnh hưởng đến sự biểu cảm”, “Khuôn mặt cứng làm nhân vật bị ghét”…
Gần đây khán giả phản ứng một số diễn viên mà họ từng hâm mộ về diễn xuất lại “diễn đơ đến bất ngờ”. Chẳng hạn, một nữ diễn viên từng có vai diễn được ca ngợi hết lời hơn 10 năm trước, nay tái xuất màn ảnh đã nhận về nhiều phản ứng chủ yếu vì gương mặt của cô bị đơ khi thể hiện các biểu cảm, thậm chí cả cơ miệng cũng được khán giả “soi” rằng: bị thiếu linh hoạt cả khi khóc/cười, diễn cảnh khóc mà trông đáng sợ hơn đáng thương, còn cảnh đanh đá nhìn cũng chẳng đáng giận…
Không phải diễn viên nào cũng mạnh dạn công khai từng phẫu thuật thẩm mỹ trên gương mặt, như diễn viên Lê Giang hay Tường Vi. Tuy nhiên, khán giả ngày nay không khó để nhận ra những thay đổi, khi việc này ảnh hưởng đến hiệu quả trong diễn xuất.
Đạo diễn - NSND Khải Hưng từng chia sẻ chuyện diễn viên Việt Anh khi mới đóng 10 trường đoạn của bộ phim truyền hình Sinh tử thì tự nhiên xin nghỉ. “Lúc anh trở lại, tôi thấy có vẻ khang khác. Tôi lấy ảnh cũ ra nhìn thì thấy mũi anh trông khác thật”, đạo diễn Khải Hưng nói. Theo ông, việc diễn viên Việt Anh đang đóng phim lại đi làm mũi mà không xin phép là không chuyên nghiệp, dù anh vẫn “rất chuyên nghiệp từ giờ giấc cho đến việc học thoại và còn sáng tạo cho vai diễn”. Ngay sau đó, diễn viên Việt Anh đã lên tiếng thừa nhận thiếu sót khi sửa mũi trong quá trình làm phim và xin lỗi đạo diễn Khải Hưng. Cũng may, việc phẫu thuật thẩm mỹ của nam diễn viên không quá đà đến nỗi biến dạng ảnh hưởng đến diễn xuất.
Dù vậy, trong nhiều trường hợp, không phải lúc nào người có ý định hoặc theo nghiệp diễn xuất cũng ý thức được việc phải đảm bảo sự biểu cảm trên gương mặt mình khi muốn làm đẹp bằng dao kéo. Nhà sản xuất Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Mega GS, cho hay có lần tuyển diễn viên cho một dự án phim điện ảnh, bà tưởng sẽ dễ chọn người phù hợp khi nhìn vào những bức ảnh gửi tới. “Nhưng thực tế, gương mặt của các bạn không được như trong ảnh. 10 bạn cũng chưa thể ưng được 1 bạn để thử vai. Không ít bạn đã sửa sang gương mặt quá nhiều, trong khi chúng tôi đang tuyển cho vai nữ có vẻ đẹp xưa”.
Đừng quá đà!
Một nhà sản xuất cho hay: “Đa số diễn viên bây giờ nếu không cắt gọt thì cũng tiêm, bơm nhằm căng da mặt, cổ hay bộ phận nào họ cảm thấy cần điều chỉnh - làm đầy. Tôi cũng từng nghe ngay tại phim trường, một diễn viên gạo cội khi bị chê sao chỗ này chị nhăn quá, cô ấy không ngại trả lời: “Em yên tâm, hôm nay về chị đi tiêm filler, mai sẽ đẹp, thẳng lại thôi”. Nhà sản xuất này cũng chia sẻ thêm rằng một số diễn viên còn cho chị xem hoặc chạm tay vào chỗ vừa tiêm filler trên mặt để nói về việc vùng da ấy đang rất căng, và ảnh hưởng ít nhiều đến diễn xuất.
Theo nhà sản xuất này: “Chính các bạn cũng thừa nhận khi tiêm vào, buồn hay khóc không còn tự nhiên được như trước. Thần thái trong diễn xuất nhiều khi không còn chuyển động theo cảm xúc, ý muốn được. Rất ít phim cần vai diễn mà nhân vật có vẻ đẹp của phẫu thuật thẩm mỹ. Vì vậy, diễn viên nên cân nhắc và biết giới hạn khi phẫu thuật thẩm mỹ, bởi một người diễn xuất nếu muốn đi xa, chuyên sâu hơn nữa, nếu đã đụng đến dao kéo trên gương mặt sẽ bị hạn chế trong trải nghiệm các loại vai khác nhau”.
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn báo chí, đạo diễn Trung Quốc nổi tiếng Trương Nghệ Mưu cho hay dù không đả kích ngành phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng ở góc độ làm phim, người có “dao kéo” can thiệp sẽ khó xuất hiện trong tác phẩm của ông.
Theo đó, vị đạo diễn này phân tích phẫu thuật thẩm mỹ thường sẽ phá hủy các cơ trên khuôn mặt; diễn viên sau khi phẫu thuật, các cử động trên gương mặt sẽ gặp vấn đề. Đó là chưa kể khi lên màn ảnh rộng, gương mặt của diễn viên được phóng đại nhiều lần. Vì thế, ông cho rằng từ diễn viên chuyên nghiệp đến sinh viên theo ngành nghệ thuật, tốt nhất không nên phẫu thuật ở gương mặt.
Với nhà sản xuất Nguyễn Minh, Giám đốc Công ty Kịch Bản Việt, một số diễn viên hợp tác với công ty anh có chỉnh sửa những bộ phận chưa hoàn hảo để đẹp hơn. Với những điều chỉnh nhỏ như vậy, họ không ngại chia sẻ vì thực tế nó không ảnh hưởng gì đến diễn xuất của họ, thậm chí còn giúp gương mặt trông nét hơn khi lên hình. “Tuy nhiên, từ quan sát nghề nghiệp cho thấy không ít diễn viên thay đổi khá nhiều trên gương mặt sau khi phẫu thuật thẩm mỹ. Với các diễn viên nữ, trong nghề nhiều người hay nói vui là sửa xong không còn nhận ra nét cũ. Còn với diễn viên nam thì trông "xinh hơn", ý nói là nét của họ bỗng dưng trở nên nữ tính”, anh cho biết và nói thêm: “Nhìn các diễn viên từng can thiệp dao kéo trên gương mặt, thông thường diễn xuất không còn nét tự nhiên của một người bình thường như nét đăm chiêu, nét khổ lụy... Những nét này phải là cơ thật, mặt thật... cùng với kỹ năng diễn xuất tốt mới có thể nhận ra”.
Nhà sản xuất Vũ Thị Bích Liên nhìn nhận không thể phủ nhận việc phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay đã thành xu hướng. Theo bà, nếu diễn viên thấy mình có khiếm khuyết như mũi thấp, mắt nhỏ có thể nâng mũi, hay cắt mí, nhưng đó là những can thiệp nhỏ, chứ đừng nên quá đà, lạm dụng làm gương mặt biến dạng./.