Phim ngắn: Bước đệm cho các nhà làm phim trẻ chinh phục “giấc mộng” phim dài

VOV.VN - Bước đầu thử sức với phim ngắn trước khi “vẽ” nên nhiều điều lớn lao đang là xu hướng của những nhà làm phim trẻ. Đây cũng là cách để họ thử thách bản thân, rèn luyện cá tính làm phim và giữ ngọn lửa đam mê yêu nghề.

Trong những năm trở lại đây, các cuộc thi làm phim ngắn đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng làm phim và các bạn trẻ yêu thích điện ảnh. Thực tế, trước khi tiếp cận với những dự án lớn trong phòng vé, đạo diễn và các nhà làm phim cần đi từng bước đầu cơ bản nhất. Và phim ngắn chính là bước đệm quan trọng để họ định hình được phong cách, cá tính, tạo dựng đội ngũ làm việc ăn ý và có được những mối quan hệ cần thiết để phát triển lâu dài. Phim ngắn cũng là con đường chính thống nhất để các nhà làm phim trẻ chạm tới ước mơ chinh phục “giấc mộng” phim dài. 

Dự án phim ngắn CJ là cuộc thi do CJ Cultural Foundation và CGV Việt Nam tổ chức, nhằm tìm kiếm và nuôi dưỡng các tài năng trẻ của ngành điện ảnh, thông qua việc tài trợ ngân sách làm phim lên đến 1,5 tỷ đồng và hỗ trợ kinh phí đưa tác phẩm tham dự các Liên hoan phim quốc tế uy tín. Qua 3 mùa tổ chức, cuộc thi đã trở thành một bước đệm quan trọng cho nhiều dự án phim ngắn nổi bật của điện ảnh Việt và là sân chơi công bằng để các đạo diễn trẻ có cơ hội được trải nghiệm, thử sức mình.

Ngày càng có nhiều đạo diễn trẻ là nữ

Theo thông tin từ Nhà sản xuất phim Nguyễn Hoàng Điệp, số lượng đạo diễn trẻ là nữ thử sức với phim ngắn đang ngày càng tăng lên theo mỗi năm và mỗi mùa CJ. Đây được coi là một tín hiệu đáng mừng, bởi vốn dĩ rất ít những cô gái trẻ ở Việt Nam dám thử sức với vai trò là một nhà làm phim. Điều này cũng cho thấy thị trường điện ảnh đang dần mở ra một sân chơi lành mạnh và công bằng hơn cho bất kỳ ai có đam mê với môn nghệ thuật này.

“Thực tế, việc chọn phim vẫn có những luật lệ riêng. Thế nên chúng tôi vẫn phải tuân thủ theo luật chơi đã được đề ra. Suốt 3 mùa, có lẽ tôi là người hay đòi hỏi ở các nhà làm phim nữ nhất. Tôi nghĩ, để đòi quyền lợi cho các nhà làm phim nữ là một chuyện ban đầu tôi đã nghĩ là dễ, nhưng thực ra thì nó không hề dễ chút nào. Mỗi một năm,, tôi nhận ra những dự án được gửi về bởi các nhà làm phim nữ đều được tăng lên”, Nhà sản xuất phim Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ. 

Dự án phim ngắn CJ mùa thứ 3 đánh dấu sự thành công của các đạo diễn trẻ khi trong số 5 bộ phim ngắn xuất sắc nhất thì có tới 3 tác phẩm là của những đạo diễn nữ. Đó là Điềm báo của Hồ Thanh Thảo, Cá mặt trăng của Trần Thị Hà Trang và Con dại cái mang của Đào Thu Uyên. Mỗi bộ phim đều khai thác đề tài và góc nhìn khác nhau. Nếu “Điềm báo” lấy bối cảnh ở một vùng quê của Đồng bằng Bắc bộ, màu phim cũng mang đậm nét truyền thống xưa của Việt Nam, thì tác phẩm “Cá mặt trăng” lại được lấy bối cảnh ở vùng biển, với cách khai thác chủ yếu dựa vào ánh mắt, hành động của nhân vật mà không sử dụng nhiều lời thoại. Tác phẩm “Con dại cái mang” lại được đạo diễn trẻ Đào Thu Uyên chọn địa điểm là vùng đồi, núi để triển khai ý tưởng của mình, rất độc đáo và mang đậm phong cách điện ảnh riêng của tác giả. 

“Tôi nghĩ có 3 nhà làm phim nữ thì cũng vẫn là 3 nhà làm phim thôi, và nó vẫn còn quá ít, kể cả nhiều hơn nữa cũng vẫn là quá ít vì số lượng những nhà làm phim trẻ ở Việt Nam ngày càng tăng. Những cá tính điện ảnh cần được mọi người biết tới ngày càng tăng lên, nhưng cơ hội để các bạn ấy hiện thực hóa giấc mơ lại không nhiều”, chị Điệp cho biết thêm.

Mọi cơ hội và cả thách thức vẫn đang mở ra cho những nhà làm phim trẻ, đặc biệt là các đạo diễn nữ. Những cuộc thi phim ngắn được tổ chức cũng là một cách thúc đẩy họ dám thử sức với công việc này. 

Việc làm phim không phải bắt đầu từ việc có tiền hay không

Thông thường, những bộ phim ngắn sẽ có thời lượng khoảng 15 - 20 phút, đòi hỏi các đạo diễn phải khai thác triệt để bối cảnh và phát triển nội dung cốt lõi sao cho thật đầy đủ, cô đọng nhưng không kém phần sáng tạo và mới mẻ. Điều đặc biệt, để làm ra một bộ phim ngắn cũng không đòi hỏi quá nhiều ngân sách, khiến thể loại này thịnh hành đối với người làm phim trẻ mới bước vào nghề. Có những bộ phim được dựng lên với chi phí thấp, bối cảnh đơn giản nhưng lại mang đến cho khán giả những thông điệp sâu sắc, ý nghĩa và tạo được điểm nhấn mạnh mẽ.

“Cái quan trọng nhất là mình phải thực sự muốn làm phim đó. Thứ hai, để làm được bộ phim thì thứ quan trọng hơn tiền bạc phải là con người, mình phải có những người đồng hành cũng yêu phim, người ta hiểu và sẵn sàng đồng hành với mình”, đạo diễn trẻ Trần Thị Hà Trang nói.

Cũng chia sẻ thêm về vấn đề này, đạo diễn trẻ Lê Lâm Viên, cha đẻ của bộ phim Gì cũng sửa - một trong số dự án phim ngắn xuất sắc của mùa 2, cho biết để làm được những bộ phim ngắn không phụ thuộc vào việc người đạo diễn ấy có tiền hay không. Công việc này đều xuất phát từ niềm đam mê dành cho hình ảnh và cho từng thước phim. “Việc làm phim không phải bắt đầu từ việc mình có tiền hay không, mà nó đến từ việc mình thích quay, thích dựng và thích nhịp điệu của hình ảnh. Nếu đã thích làm phim, tôi nghĩ chỉ cần một chiếc điện thoại thì mọi người cũng đều quay được, một người bạn cũng có thể làm diễn viên và nhà mình cũng có thể trở thành bối cảnh. Từ những thứ mà mình có, mọi người đều có thể làm được phim. Mọi thứ bắt đầu từ đó, chứ không thể nào bắt đầu từ việc mình phải có tiền thì mới làm phim được”, anh cho biết. Quan điểm của Viên là đối với những bạn trẻ, hãy cứ làm vì bản thân thích trước, để rồi mới dần dần tiếp cận những thứ lớn lao hơn trong tương lai.

Trước thắc mắc của khán giả về việc đạo diễn trẻ đã làm cách nào thuyết phục hội đồng thẩm định hiểu về kịch bản và ý tưởng của mình, từ đó để họ đồng ý cung cấp kinh phí triển khai bộ phim cũng là điều then chốt giúp cho dự án phim được thông qua. Đạo diễn Lê Lâm Viên đã nêu lên kinh nghiệm của bản thân: “Mình phải là người hiểu câu chuyện của mình nhất, mình phải là người đặt ra tất cả những câu hỏi cho chính mình trước. Một ý tưởng đủ mạnh và chừng nào mình còn hiểu được câu chuyện của mình là gì thì dù giám khảo có hỏi thế nào mình cũng vẫn trả lời được. Hãy để họ nhìn thấy sự tự tin của bạn. Và sau cùng, làm phim thì ý tưởng đó phải là chỉ mình mình có thể làm được, còn nếu kịch bản đó đưa cho bất kỳ ai họ cũng làm được thì nó vẫn chưa phải là câu chuyện của mình”. Có thể thấy, làm phim ngắn chính là một bước đi đúng đắn để thỏa mãn niềm đam mê cho các nhà làm phim trẻ. Và những cuộc thi tuyển chọn phim ngắn xuất sắc là cơ hội để họ được thể hiện mình, cũng như ghi dấu ấn với các nhà sản xuất trong tương lai. 

“Một kinh nghiệm mà các bạn đúc kết ra đó là trong hồ sơ dự án, hãy thể hiện được tầm nhìn của đạo diễn. Đó là điều mà tôi nghĩ ban tổ chức sẽ quan tâm nhiều nhất”, Nhà sản xuất Phạm Minh Hằng gửi gắm tới các đạo diễn trẻ.  

Đừng đợi cuộc thi mà hãy làm phim trước khi có cuộc thi

Có chỗ đứng và có tên tuổi là điều mà các nhà làm phim trẻ coi là mục tiêu phấn đấu tiến tới trong tương lai. Và để có thể được bước tiếp một cách vững vàng trên con đường làm phim chuyên nghiệp, cũng như ít nhiều tạo tiếng vang trong giới để các nhà sản xuất chú ý tới, không ít các tài năng trẻ đã chọn cách tự rèn luyện bản thân từ những cuộc thi. Bàn về việc làm phim trước hay phải đợi có cuộc thi thì mới làm phim, Nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng đây là một vấn đề khá triết học và rất khó để biết làm điều gì trước mới là đúng. “Nó cũng giống như câu hỏi con gà hay quả trứng có trước vậy. Tôi nghĩ nếu điều gì đến trước thì các bạn nên bắt đầu trước”, chị nói.

Nền công nghiệp điện ảnh luôn mở ra cơ hội đón nhận sự sáng tạo, mới mẻ, thậm chí là táo bạo. Với nguồn năng lượng mới của tuổi trẻ, rất nhiều đạo diễn đã cho ra những ý tưởng tuyệt vời, từ đó phát triển thành những bộ phim dài ăn khách tại các phòng vé. Điển hình nhất là bộ phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy. Đây cũng chính là tác phẩm điện ảnh đầu tay của anh, được phát triển từ “16:30” - phim ngắn đoạt giải Cánh diều vàng 2012 và được chiếu trong hạng mục Góc phim ngắn của Liên hoan phim Cannes 2013. Được biết, Trần Thanh Huy đã mất 8 năm ròng rã để theo đuổi dự án, với sự kiểm duyệt gắt gao và kết quả đã không phụ lòng vị đạo diễn trẻ này. 

“Nói chung, phim ảnh có một sự tự do nhất định cho tác giả. Đối với cá nhân tôi, tôi làm phim thường hướng theo việc mình muốn làm gì để khán giả có thể xem được và có thể bán được vé. Còn hiện tại, tôi nghĩ mình cứ tập trung vào những việc mình muốn làm và làm thế nào để nói được điều mình muốn nói một cách rõ ràng nhất có thể, vì cũng không ai có thể làm hộ cho tôi được hết. Mọi thứ còn lại thì có dòng chảy lớn của điện ảnh, thị trường, mình không can thiệp được vào những điều ấy. Là đạo diễn thì mình chỉ là làm phim thôi, và nếu có cơ hội thì hãy cứ làm”, đạo diễn Lê Lâm Viên nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên