Phối hợp chặt chẽ trong quản lý phim trên không gian mạng
VOV.VN - Để việc quản lý phim phổ biến trên không gian mạng đạt hiệu quả cao nhất chắc chắn không chỉ trông chờ ở cơ quan quản lý, bản thân mỗi khán giả khi sử dụng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác, không để những bộ phim nhảm nhí độc hại, phản cảm có cơ hội lan tràn, cương quyết nói “không” với những bộ phim cài cắm hình ảnh xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Trong bối cảnh Internet và mạng xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, việc quản lý phim phổ biến trên không gian mạng luôn là vấn đề nan giải. Bên cạnh tình trạng vi phạm bản quyền, phim Việt bị sao chép, cắt xén, review trên mạng, thì việc kiểm soát, phân loại các bộ phim cũng rất khó khăn, nhất là phim ảnh nước ngoài có nội dung xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Khó nhưng cương quyết không buông lỏng, các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp và đưa ra những giải pháp quyết liệt trong việc siết chặt quản lý phim trên không gian mạng hiện nay.
Thay vì ra rạp hay xem phim tại các Nhà cung cấp phim nội địa, nhiều người dân lựa chọn xem phim trên các website phim lậu, vì không mất phí, lại cập nhật nhanh, đầy đủ bản phim chiếu rạp với chế độ phân giải cao, thậm chí có cả phim bị cấm chiếu, hoãn chiếu.
Bởi vậy mà vấn nạn phim lậu ngày càng khó kiểm soát dù các cơ quan chức năng liên tục xử phạt vi phạm hành chính đối với một số tổ chức, cá nhân, ngăn chặn truy cập hàng nghìn website và đường link có nội dung vi phạm. Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có đến trên 80% phim Việt từng chiếu rạp, sau đó phát hành trên các ứng dụng cung cấp nội dung trực tuyến OTT (Over The Top - dịch vụ gia tăng trên nền tảng mạng) bị phát tán trái phép trên mạng. Đây là nỗi ám ảnh đối với nhiều nhà sản xuất phim tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất là việc kiểm soát phim ảnh nước ngoài có nội dung xuyên tạc về lịch sử, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Thời gian qua, liên tiếp những vụ việc hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông được lồng ghép trong các sản phẩm văn hóa lưu hành ở nước ta. Đơn cử như nền tảng Netflix nhiều lần phát các bộ phim vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, như: "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta", "Một đời một kiếp", "Little Women".
Bà Phan Thu Hồng, Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết: “Qua theo dõi của chúng tôi, khoảng 2-3 năm gần đây, Trung Quốc sử dụng phương pháp đi vào các lĩnh vực văn học nghệ thuật, đặc biệt là các tác phẩm âm nhạc thơ văn và điện ảnh. Họ phổ biến đưa cái gọi là chủ quyền của họ ở Biển Đông. Như vậy, chúng ta cũng thấy dễ dàng là tại sao gần đây thì chúng ta thấy rất là nhiều những bộ phim, những tác phẩm điện ảnh khi phát hành trên không gian mạng thì các cơ quan chức năng chúng ta đã phát hiện và đã có những cảnh báo,đề nghị gỡ bỏ là như vậy”.
Các doanh nghiệp phát hành phim trong nước cũng nhận định, việc kiểm duyệt, phân loại, cảnh báo phim để phổ biến trên không gian mạng đang gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế, công nghệ hỗ trợ phân loại phim chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo bà Tô Nam Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Truyền hình FPT (FPT Play), bên cạnh việc xây dựng công nghệ phân loại và cảnh báo động, công ty đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI trong nhận diện những hình ảnh xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong các bộ phim.
Bà Phương nói: “Một trong những phần giải pháp công nghệ mà chúng tôi đang dùng để sử dụng AI để quét các hình ảnh không phù hợp, ngoài kiểm soát nội dung về điện ảnh FPT Play còn là dịch vụ cung cấp thêm một số dịch vụ khác giải trí về thể thao. Chúng tôi cũng đang cố gắng nỗ lực đưa các hoạt động sử dụng Ai vào việc kiểm soát các hình ảnh không phù hợp, đặc biệt là trong thể thao và trong các nội dung phim Trung Quốc. Dự kiến từ nay đến khoảng cuối năm thì con AI mà Fpt đang dạy thêm để nó có độ thông minh nhiều hơn, để có thể đảm bảo tìm được những đoạn tinh vi”.
Những năm gần đây, Luật điện ảnh 2022 đã bổ sung nhiều quy định chi tiết về phổ biến phim trên không gian mạng, đặc biệt là những tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo. Từ ngày 01/01/2024, các quy định về quản lý phim trên không gian mạng đã cơ bản được ban hành đầy đủ, thống nhất và đã có hiệu lực thi hành.
Ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh, (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: “Lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt là Luật điện ảnh và Nghị định 131 liên quan đến vấn đề quản lý phim trên không gian mạng từ Điều 12 đến Điều 17, quy định rất rõ, việc các chủ thể quản lý phim trên không gian mạng. Còn những cái chưa tuân thủ triệt để hoặc chưa kịp thời thực hiện thì lúc đó khi phát hiện được, Cục sẽ có những nhắc nhở, mà khi nhắc nhở rồi, vẫn không thực hiện nữa thì sẽ có những biện pháp buộc tất cả những chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng phải tuân thủ theo quy định”.
Đẩy mạnh công tác phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý phổ biến phim trên không gian mạng trong thời gian tới, ông Bùi Huy Cường – Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh một số giải pháp: “Những bộ phim đã có những vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là vi phạm điều cấm về chủ quyền lãnh thổ thì khi chúng ta gửi văn bản cho các doanh nghiệp yêu cầu gỡ bỏ, chúng ta cũng ban hành quyết định cấm phổ biến phim tại Việt Nam. Tất cả các đơn vị sẽ phải thực hiện việc đó, không có chuyện cắt bỏ hay sửa chữa để quay lại màn ảnh, lúc đấy đã là thành phim cấm rồi. Thứ hai, chúng tôi có đề nghị chia sẻ thông tin về các doanh nghiệp đủ điều kiện để phân loại phim và thứ hai là chia sẻ về cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp báo cáo với Cục như chúng tôi sẽ phổ biến phim trên nền tảng nào, trên nền tảng mạng xã hội hay trên nền tảng của doanh nghiệp. Khi đó việc xác định sai phạm rất dễ. Đề xuất thứ ba là xử lý các vi phạm về điện ảnh, theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông thì cần nhanh chóng, hiệu quả và thống nhất, có thông báo kết quả xử lý vi phạm để Bộ Thông tin truyền thông biết, phối hợp”.
Để việc quản lý phim phổ biến trên không gian mạng đạt hiệu quả cao nhất chắc chắn không chỉ trông chờ ở cơ quan quản lý, bản thân mỗi khán giả khi sử dụng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác, không để những bộ phim nhảm nhí độc hại, phản cảm có cơ hội lan tràn, cương quyết nói “không” với những bộ phim cài cắm hình ảnh xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cần nâng cao ý thức để mang đến những sản phẩm có nội dung lành mạnh, nhân văn, hữu ích với đời sống xã hội.