Quản lý phim trên không gian mạng: Cần được luật hoá
VOV.VN - Có lẽ chưa bao giờ, vai trò của quản lý nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng lại trở nên cấp thiết như hiện nay.
Đây là nội dung được đưa ra tại Hội thảo khoa học "Công tác quản lý phim trên không gian mạng" ngày 16/7, tại Hà Nội, do Cục Điện ảnh tổ chức. Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá, có cái nhìn tổng quát, tìm ra giải pháp khắc phục góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quản lý.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, TS Đỗ Quốc Việt cho biết, sự thay đổi về thói quen và phương thức xem phim của khán giả, các đơn vị, doanh nghiệp phát hành phim trong nước và nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển các ứng dụng phổ biến phim trên không gian mạng như: VTVgo, FPT Play, Galaxy Play, DA.NET, Apple TV, Disney Plus, WeTV… Đặc biệt, năm 2017, Netflix chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam tạo ra bước thay đổi đáng kể trong hoạt động phổ biến phim trên mạng.
Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ phát triển mạnh mẽ, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng đã đặt ra cho công tác quản lý nhà nước những khó khăn, bất cập nhất định.
Vấn đề đặt ra, không chỉ còn là việc kiểm soát nội dung các bộ phim xem có phù hợp với chính sách của một nhà nước hay không mà còn liên quan trực tiếp đến các khía cạnh khác như: việc thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ; chi phí và các mức thuế mà người xem phải chi trả cho việc xem các bộ phim được phát trên các trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài…
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước nhiều khi rơi vào trạng thái chưa chủ động do những thay đổi khách quan về công nghệ, về phương thức phổ biến... trong khi đó các văn bản quy phạm pháp luật vẫn cần tiếp tục hoàn thiện theo sự phát triển của xã hội và những đổi mới như vũ bão về công nghệ...
Theo số liệu từ App Annie, chỉ tính riêng trên điện thoại dùng hệ điều hành Android vào đầu năm 2020, Netflix đã có 1,6 triệu người dùng dịch vụ tại Việt Nam.
Mỗi năm Netflix thu về hơn 1.728 tỷ đồng tương đương với gần 1/2 doanh thu phòng vé của phim Việt chiếu rạp năm 2023 tại Việt Nam với số lượng ước đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỷ đồng), với tổng số 1.100 rạp chiếu trên cả nước.
Đặc điểm chung của các dịch vụ cung cấp phim trên không gian mạng là có thể thực hiện xuyên biên giới, nguồn phim đa dạng, phong phú với mức chi phí hợp lý (thu tiền qua tài khoản ngân hàng), tiện ích xem phim không giới hạn về thời gian và địa điểm.
Trước sự phát triển mạnh mẽ cùng những tác động nhiều chiều của không gian mạng, nhiều quốc gia đã có những điều luật, quy định để hạn chế, ngăn chặn các tác động tiêu cực đến người dùng, đến xã hội. Việt Nam cũng vậy, Luật Điện ảnh quy định về việc phát hành, phổ biến phim trên các nền tảng mạng. Các điều luật, quy định sửa đổi đã bao quát từ người cung cấp đến người sử dụng với nhiều chỉ dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy đã có những cài cắm tinh vi về chủ quyền, những tranh chấp trên đất liền, biển đảo… được lồng ghép trong những câu chuyện, hành động, lời thoại của nhân vật. Ví dụ như bộ phim Nhất sinh nhất thế (Một đời, một kiếp) phát trên nền tảng IQiYi Việt Nam, Hướng gió mà đi phát trên Netflix và fptplay.vn… có lồng ghép đường lưỡi bò (đường chín đoạn) trong một số chi tiết, phân cảnh phim. Trước đó, một số bộ phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta, Bà ngoại trưởng (chiếu trên Netflix)… đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ các vi phạm hoặc cấm chiếu.
"Đứng trước các diễn biến phức tạp, đa chiều từ không gian mạng mang lại, vai trò của quản lý nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng càng trở nên cấp thiết. Việc nhận thức sớm, nhận thức đúng cũng như dự báo những nguy cơ, hiểm hoạ từ một số bộ phim sẽ giúp các cơ quan quản lý có các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn kịp thời các tác hại xấu, độc không cho chúng phát tán rộng rãi. Những cảnh báo kịp thời từ các cấp quản lý về những bộ phim, cảnh phim xâm phạm chủ quyền quốc gia cũng giúp công chúng có sự tiếp thu có chọn lọc và không bị dẫn dắt theo những chủ ý sai lạc được cài cắm trong một số bộ phim", bà Ngô Minh Nguyệt, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTTDL) cho biết.
Theo bà Phan Thu Hồng, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Điều phối, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TTTT), vai trò quản lý của nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng cần được cụ thể bằng các điều luật, quy định cụ thể, rõ ràng. Càng cụ thể bao nhiêu thì càng hạn chế được những tác hại, mặt tiêu cực mà không gian mạng mang lại trong đó có lĩnh vực phổ biến phim.
"Việc xây dựng các điều luật cũng giúp cho các đơn vị sáng tạo nội dung, vận hành phổ biến phim trên không gian mạng có nền tảng pháp lý để định hướng, điều tiết các hoạt động của mình. Luật càng cụ thể, dễ hiểu càng giúp các nghệ sĩ, các đơn vị phổ biến phim dễ vận hành", bà Phan Thu Hồng nêu ý kiến.
"Vì vậy, cần phải tăng cường thẩm định, rà soát, xử lý đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng có nội dung sai phạm, bôi nhọ, xúc phạm đời tư các cá nhân, tổ chức, công dân, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và phát tán sản phẩm văn hóa, phim ảnh đồi trụy; cương quyết chuyển cơ quan điều tra truy tố, xét xử đối với các hành vi có dấu hiệu tội phạm để đảm bảo tính răn đe, nghiêm trị...".
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý, mỗi người dùng mạng xã hội cũng cần tự tạo sức đề kháng cũng như bày tỏ thái độ trước các nội dung xấu độc, nội dung "rác", kém chất lượng... để tránh sự lây lan, gây những tác động tiêu cực tới đời sống xã hội nói chung.