Sức mạnh Việt Nam trong 22 tập phim tài liệu “Con đường đã chọn”

VOV.VN - Bộ phim tài liệu “Con đường đã chọn” phản ánh có hệ thống, với cái nhìn chính sử, khách quan về cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021) và Quốc khánh 2/9 năm nay, bộ phim tài liệu “Con đường đã chọn” do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất, ra mắt khán giả, mang đến nhiều thước phim tư liệu quý trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Bộ phim tài liệu dài nhất, quy mô nhất của Điện ảnh Quân đội

Bộ phim tài liệu “Con đường đã chọn” được Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện trong khoảng thời gian 4 năm (2018 – 2021), quy tụ đội ngũ những nhà làm phim chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm làm phim về chiến tranh, am hiểu tư liệu chiến tranh như: NSND Đặng Xuân Hải, NSND Lê Thi, NSND Lưu Quỳ, NSƯT Phạm Huyên, Nhà Biên kịch Phạm Minh Lợi, Hà Đình Cẩn, Lại Văn Sinh, Lê Ngọc Minh… và thế hệ những đạo diễn trẻ nhiều nhiệt huyết như: đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Lâm, đạo diễn Đặng Thái Huyền, Bùi Chí Trung, Phạm Hồng Thắng, Nguyễn Thanh Hùng…

Sự kết hợp giữa các thế hệ đã mang lại màu sắc mới mẻ, sinh động và đa dạng trong từng tập phim, đồng thời vẫn bảo đảm được sự thống nhất về phong cách cho trọn bộ 22 tập.

Được biết, “Con đường đã chọn” là bộ phim tài liệu dài nhất, quy mô nhất của Điện ảnh Quân đội kể từ khi thành lập đơn vị đến nay. Trong thời gian vừa qua, mặc dù đơn vị phải di chuyển để phục vụ công tác xây dựng trụ sở mới, việc di dời và ổn định cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc mất khá nhiều thời gian, cùng với đó những tác động do dịch bệnh COVID-19 gây ra đã ảnh hưởng lớn tới công tác làm phim, tiến độ sản xuất phim nhưng với nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ, nghệ sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân đã vượt qua mọi khó khăn thách thức để hoàn thành tốt bộ phim theo Kế hoạch được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị phê duyệt.

Giám đốc sản xuất bộ phim, Đại tá - NSƯT Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân, cho biết sự kết hợp giữa các thế hệ làm nghề đầy tâm huyết đã mang lại màu sắc mới mẻ, sinh động và đa dạng trong từng tập phim, đồng thời vẫn bảo đảm được sự thống nhất về phong cách nghệ thuật.

Còn nhà biên kịch Lại Văn Sinh chia sẻ trước đây đã có nhiều phim về đề tài chiến tranh nhưng đó chỉ là những phim lẻ về một trận đánh hay nhiều lắm thì cũng chỉ 3-4 tập về một chiến dịch chứ chưa phản ánh được toàn diện cuộc chiến tranh trường kỳ và vĩ đại của dân tộc ta. Bởi vậy, việc thực hiện đề án này là nỗ lực lớn nhận của Điện ảnh Quân đội Nhân dân.

Bộ phim thể hiện chất anh hùng ca đậm nét

Theo Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường, mặc dù cũng đã có nhiều bộ phim tài liệu trong và ngoài nước làm về chiến tranh Việt Nam nhưng vẫn cần những bộ phim phản ánh một cách có hệ thống, với cái nhìn chính sử, khách quan về cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. “Con đường đã chọn” chính là khởi nguồn từ niềm trăn trở về cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc đã lùi xa gần nửa thế kỷ; hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải; giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng cũng đã lùi xa vài chục năm; nhiều nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, các vị tướng lĩnh cầm quân, nhân chứng của các thời kỳ lịch sử oai hùng và bi tráng đó đến nay dần đã mất đi…

Cụ thể, phim gồm các tập: "Hồn nước", "Vì độc lập, vì tự do", "Chiến khu", "Quân đội của nhân dân", "Làm chủ các địa bàn chiến lược", "Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến lịch sử", "Đất nước bị chia cắt", "Đồng khởi tự cứu mình", "Đoàn kết là sức mạnh", "Cuộc chiến đất đối không", "Con đường huyền thoại", "Vượt qua thử thách", "Bước ngoặt quyết định", "Vừa đánh, vừa đàm", "Tiến công chiến lược", "Đòn thăm dò", "Điểm huyệt Tây Nguyên", "Đánh trong hành tiến", "Thống nhất đất nước", "Cuộc chiến đấu mới", "Lời thề trên biển lớn", "Vững tin trên con đường đã chọn".

Mỗi tập mang một tên phim riêng, tương ứng với từng sự kiện, từng giai đoạn lịch sử mang thông điệp chủ đề: “Không thế lực nào có thể ngăn cản con đường cả một dân tộc đã chọn cho mình: Độc lập, Tự do, Thống nhất đất nước. Đó là khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam, là truyền thống yêu nước, ý chí chống ngoại xâm của các bậc tiền nhân và cha ông truyền lại. Khát vọng đó được những con người của thời đại Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua bao chặng đường đầy hy sinh, gian khổ, kiên trì và mưu lược để giành thắng lợi.”

“Con đường đã chọn” không chỉ hệ thống lại các sự kiện lịch sử trong những chặng đường kháng chiến giữ nước, mà cố gắng tìm trong đó điều gì đã làm nên sức mạnh Việt Nam, đồng thời nêu bật tầm nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc lãnh đạo toàn dân kháng chiến; sự mưu lược của những tướng lĩnh cầm quân, và trên hết là sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân, để non sông thu về một mối, dân tộc Việt Nam làm chủ vận mệnh của mình.

Thành công của bộ phim chính là cách kể chuyện lịch sử khách quan, đa chiều, bằng góc nhìn của ngày hôm nay. Hơn nữa, các bộ phim này đều được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng, đạt độ chính xác cao về tư liệu hình ảnh lịch sử.

Bộ phim khép lại bằng tập 22 với tựa đề “Vững tin trên con đường đã chọn”. Đạo diễn Đặng Thái Huyền, biên kịch Lê Ngọc Minh và NSND Đặng Xuân Hải là người thực hiện tập phim này.  

Theo NSND Đặng Xuân Hải, phần “vĩ thanh” của bộ phim chính là hình ảnh xây dựng non sông đất nước Việt Nam phát triển như ngày nay. Đây là bộ phim thể hiện chất anh hùng ca rất đậm nét. Điều này rất thuận lợi cho công tác tuyên truyền.

NSND Đặng Xuân Hải tin rằng, bộ phim khi chiếu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì người xem sẽ hiểu thêm giá trị của độc lập, tự do. Thế hệ đi trước đã trải qua những chặng đường gian nan ra sao để có được một Việt Nam như hôm nay.

“Khi xem lại những thước phim này, sẽ là nguồn sức mạnh tinh thần để tiếp sức cho thế hệ hôm nay vững bước trong tương lai. Thông qua bộ phim, các chiến sĩ trẻ sẽ hiểu hơn về truyền thống của dân tộc và quân đội”, NSND Đặng Xuân Hải nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Triển lãm trực tuyến “Con đường độc lập” mừng 76 năm Quốc khánh 2/9
Triển lãm trực tuyến “Con đường độc lập” mừng 76 năm Quốc khánh 2/9

VOV.VN - Bằng ngôn ngữ tạo hình chân thực, cô đọng, "Con đường độc lập" kể lại một phần câu chuyện dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng nhau đoàn kết giành thắng lợi.

Triển lãm trực tuyến “Con đường độc lập” mừng 76 năm Quốc khánh 2/9

Triển lãm trực tuyến “Con đường độc lập” mừng 76 năm Quốc khánh 2/9

VOV.VN - Bằng ngôn ngữ tạo hình chân thực, cô đọng, "Con đường độc lập" kể lại một phần câu chuyện dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng nhau đoàn kết giành thắng lợi.

Tổ chức Đợt phim Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Tổ chức Đợt phim Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

VOV.VN - Các phim được chọn chiếu trong Đợt phim này bao gồm “Hạnh phúc của mẹ”, phim tài liệu “Chung một cội nguồn”, “Sắc xuân trên thổ cẩm”, phim hoạt hình “Người thầy muôn đời”.

Tổ chức Đợt phim Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Tổ chức Đợt phim Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

VOV.VN - Các phim được chọn chiếu trong Đợt phim này bao gồm “Hạnh phúc của mẹ”, phim tài liệu “Chung một cội nguồn”, “Sắc xuân trên thổ cẩm”, phim hoạt hình “Người thầy muôn đời”.

Những bộ phim quý hiếm về Quốc khánh
Những bộ phim quý hiếm về Quốc khánh

VOV.VN - Phim “Sao Tháng Tám” trở thành của hiếm quý của Điện ảnh Việt Nam về đề tài Quốc khánh 2/9/1945.

Những bộ phim quý hiếm về Quốc khánh

Những bộ phim quý hiếm về Quốc khánh

VOV.VN - Phim “Sao Tháng Tám” trở thành của hiếm quý của Điện ảnh Việt Nam về đề tài Quốc khánh 2/9/1945.