Vân Dung: "Nếu không diễn tốt nhân vật Diễm Loan, tôi bỏ nghề cho rồi"
VOV.VN - “Đây là vai mà gần 30 năm làm nghề tôi mới được thể hiện, nếu không làm tốt nhân vật này, tôi bỏ nghề cho rồi” – Vân Dung về vai diễn trong "Hướng dương ngược nắng".
Nổi tiếng là diễn viên hài, Vân Dung đang đem lại cho khán giả nhận thức mới về chị khi tham gia phim Hướng dương ngược nắng.
PV: Trên màn ảnh Việt có rất nhiều nhân vật "tiểu tam" gây chú ý. Nhưng theo chị, điều gì giúp Diễm Loan của "Hướng dương ngược nắng" mang màu sắc hoàn toàn khác?
Vân Dung: Từ trước tới nay, "con giáp thứ 13" bao giờ cũng đáng ghét. Các vai "con giáp thứ 13" trên màn ảnh luôn nanh nọc, ghê gớm, nham nhiểm, mưu mô và thủ đoạn. Đấy là khuôn mẫu mà khán giả thường thấy ở dạng vai này.
Riêng Diễm Loan của Hướng dương ngược nắng lại mang màu sắc hoàn toàn khác. Đó là người đàn bà nông cạn, hời hợt, ngô nghê, sống đơn giản, thích sự lãng mạn, phù phiếm. Cô ta dại khờ trong tình yêu và thích hưởng thụ. Đây là vai "con giáp thứ 13" có lẽ chưa từng có trên màn ảnh Việt.
Ngay khi đọc kịch bản, tôi đã rất thích nhân vật này. Tôi nghĩ, mỗi người đàn bà có một tích cách, số phận riêng. Dù bề ngoài họ có đáng ghét đến mấy thì bên trong cũng sẽ có một khía cạnh nào đó rất đáng yêu. Diễm Loan là kẻ chen chân vào gia đình bà Bạch Cúc. Cô ta thích hưởng thụ, thích sự giàu sang, bỏ bê con cái chạy theo tình trẻ nhưng sâu thẳm bên trong, cô ta cũng giống như bao nhiêu phụ nữ khác, luôn khát khao được yêu thương. Dù bị đàn ông lừa bao nhiêu lần đi chăng nữa, Diễm Loan vẫn lao vào tình yêu một cách đầy si mê, dại khờ.
Những khán giả là phụ nữ có lẽ trong khoảnh khắc nào đó cũng sẽ tìm được sự đồng cảm ở khía cạnh này với nhân vật Diễm Loan. Vì thế, người xem có thể không đồng tình với hành động của Diễm Loan nhưng ít người ghét nhân vật này.
PV: Có nhận xét rằng, nếu vai Diễm Loan được giao cho diễn viên khác, chắc chắn nhân vật này sẽ nhận phải nhiều gạch đá chứ không dễ được tha thứ như với diễn xuất của chị?
Vân Dung: Ngay từ khi đọc kịch bản, tôi đã không muốn diễn nhân vật Diễm Loan theo lối mòn, theo những khuôn mẫu sẵn có về "con giáp thứ 13". Tôi cố gắng thể hiện nhân vật tốt nhất trong khả năng của mình và đúng với ý đồ của đạo diễn, biên kịch.
Đạo diễn Vũ Trường Khoa rất giỏi. Anh biết được ưu điểm của từng diễn viên và trong quá trình quay, anh gẩy vào đó rất nhiều trò, cho diễn viên thêm đất diễn. Chúng tôi kết hợp rất ăn ý để cho ra nhân vật Diễm Loan rất "độc".
Tôi nghĩ rằng, để có một vai diễn ấn tượng trên màn ảnh, cần công sức của rất nhiều người, đầu tiên là biên kịch, đạo diễn rồi mới tới diễn viên. Người xưa có câu: "Có bột mới gột nên hồ". Không diễn viên nào đủ tài năng để một mình biến nhân vật đáng ghét thành đáng yêu.
PV: Chị đã nói về công sức của đạo diễn, biên kịch, vậy hãy nói về nỗ lực của chị trong việc thể hiện vai Diễm Loan?
Vân Dung: Khi nhận kịch bản, tôi đọc rất kỹ, đọc đi đọc lại, gạch chân những chi tiết mà mình cần đặc biệt lưu ý. Chính nhờ sự nghiên cứu kỹ lưỡng này mà khi ra trường quay, tôi biết rõ ở phân cảnh này mình phải diễn thế nào, ở phân cảnh kia phải thể hiện sắc thái ra sao, phải chia câu thoại ra làm mấy phần, nhấn vào từ nào để thể hiện tốt nhất cung bậc cảm xúc của nhân vật.
Đặc biệt, trên trường quay, tôi hầu như không động tới điện thoại. Vì có khi chỉ một tin nhắn cũng làm xáo trộn cảm xúc của tôi, khiến tôi diễn không được kỹ, không được cẩn thận.
Tôi tự nhủ, Diễm Loan là nhân vật có số phận, đầy màu sắc. Đây là dạng vai mà gần 30 năm làm nghề, giờ tôi mới có cơ hội thể hiện. Nếu tôi không thể hiện tốt nhân vật này thì bỏ nghề cho rồi. Với Diễm Loan, tôi có cơ hội thể hiện một nét mới trong diễn xuất của mình. Về diễn hài, tôi đã có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên, khán giả thấy tôi diễn được cả hài và bi.
Trong quá trình quay phim, mỗi khi tôi diễn hài thì cả đoàn, từ người làm đạo cụ tới người làm hậu cần đều chạy ra xem. Khi tôi diễn bi thì mọi người đều rất xúc động, thậm chí bạn quay phim còn nói với tôi: 'Chị khiến em xấu hổ cực kỳ vì khi xem chị diễn, em là đàn ông nhưng cũng rơi nước mắt'.
PV: Người trong đoàn làm phim phản ứng tốt với diễn xuất của chị như thế, chắc hẳn chị sẽ rất tự tin trong việc chinh phục khán giả?
Vân Dung: Thú thực, khi nhận được vai Diễm Loan, mỗi lần đi lễ, đi chùa, tôi đều chắp tay xin cho bộ phim Hướng dương ngược nắng cũng như vai diễn của tôi được khán giả yêu thích. Tôi cũng có trao đổi với đạo diễn Vũ Trường Khoa. Anh cũng tin rằng 50% phụ nữ khi xem phim này sẽ rất thích, còn khán giả nam giới thì phải đợi phim lên sóng mới biết.
Trong quá trình quay phim, tôi thấy diễn viên nào diễn cũng tốt. Nhưng đôi khi, cái nhìn của người trong nghề lại khác gout của khán giả đại chúng. Có những phim, giới trong nghề đánh giá rất cao nhưng người xem vẫn không thích.
Hơn nữa, vì cùng là người trong nghề, chứng kiến những nỗ lực, hy sinh của đồng nghiệp cho vai diễn nên cũng có thể chúng tôi dễ xúc động hơn, dễ tán dương nhau hơn. Còn khán giả, họ chỉ cần nhìn những thứ hiệnra trên màn ảnh, những thứ phía sau họ không biết và cũng không có trách nhiệm phải quan tâm.
Vậy nên, khi Hướng dương ngược nắng được đón nhận như hiện tại, tôi vẫn thấy rất bất ngờ và hạnh phúc.
PV: Nhiều khán giả xem phim đặc biệt thích thú với cảnh nhân vật Diễm Loan đối đầu trực tiếp với bà Bạch Cúc trong ngôi biệt thự của Cao gia. Chị có kỷ niệm đặc biệt nào khi thực hiện cảnh quay này?
Vân Dung: Bạn có thấy trong cảnh quay đó, cách hành xử của Diễm Loan mang màu sắc "rẻ tiền" không? Tôi cố tình diễn ra chất đó đấy. Nếu tôi cũng chọn cách diễn đanh đá, nanh nọc, chắc chắn cái nanh nọc đó không thể sang và dễ được cảm thông như bà Bạch Cúc. Hơn nữa, nếu chọn cách diễn như thế, cả hai nhân vật sẽ bị cùng màu, phải có sự đối lập rõ nét thì mới đem lại sự thú vị cho khán giả.
Nếu bà Bạch Cúc sang trọng bao nhiêu thì Diễm Loan "rẻ tiền" bấy nhiêu. Nếu bà Bạch Cúc thể hiện rõ sự khó chịu, kiêu kỳ thì Diễm Loan lại phải tưng tửng, bất cần. Tôi và NSND Thu Hà phải diễn cảnh đó sao cho chỉ cần nhìn vào, khán giả sẽ hiểu Diễm Loan và Bạch Cúc đối lập nhau thế nào và vì sao ông Đạt lại chọn ở bên Diễm Loan và sợ hãi khi phải ở bên vợ.
Người đàn ông ngoại tình, họ không hẳn tìm kiếm người phụ nữ hơn vợ mình, mà họ tìm sự mới lạ. Họ sẽ có xu hướng tìm người phụ nữ đối lập với vợ. Đặc biệt, nếu ghét một người vợ quá giỏi, giỏi hơn mình rất nhiều, họ sẽ tìm tới những người phụ nữ tạo cho họ cảm giác họ có thể chỉ dạy, bao bọc và chở che cho người đó. Và Diễm Loan là người phụ nữ mà ông Đạt cần.
PV: Thế còn những cảnh điên, chị diễn thế nào?
Vân Dung: Cảnh nhân vật Diễm Loan lên cơn điên lấy của tôi rất nhiều sức lực. Đóng xong cảnh đó, tôi rũ hết cả người. Hai bạn trong ê-kíp làm phim phải dìu tôi vào ghế, tôi nghỉ một lát rồi mới có thể ra quay tiếp.
Với những cảnh này, nếu diễn giả vờ, khóc giả vờ, dùng thuốc nhỏ mắt giả làm nước mắt thì diễn viên sẽ không mệt, nhưng tôi không dùng biện pháp đó. Tôi cũng không bao giờ lấy cảm xúc trước khi diễn. Khi vào cảnh quay, lời thoại và bạn diễn sẽ khiến tôi xúc động.
PV: "Hướng dương ngược nắng" được nhiều khán giả yêu thích nhưng cũng gây tranh cãi, trong đó có vấn đề diễn xuất của Lương Thu Trang (vai Minh). Nhiều người bảo, giá như Trang diễn tinh tế hơn một chút, đừng gồng quá, có lẽ nhân vật Minh dễ được cảm thông hơn. Chị nghĩ thế nào về điều này?
Vân Dung: Trang là diễn viên rất thông minh. Trong phim này, bạn ấy rất cố gắng. Khán giả không biết cường độ quay của Hướng dương ngược nắng thực sự rất khủng khiếp. Là diễn viên chính, Trang gần như không có ngày nghỉ. Diễn xuất của Trang trong phim này thực sự vượt lên rất nhiều so với các bộ phim trước đó bạn ấy từng đóng.
Ở cương vị đồng nghiệp, là người diễn cùng, tôi thấy Trang diễn rất tốt. Diễn xuất của Trang gây tranh cãi bởi ngay xuất thân của nhân vật Minh cũng đủ khiến khán giả có ý kiến trái chiều. Là đứa con gái ngoài giá thú, Minh chắc chắn sẽ có người thương kẻ, kẻ ghét. Trang có diễn thế nào cũng không thể làm hài lòng hết khán giả.
Tuy nhiên, giá như Trang diễn tinh tế hơn một chút. Với Phúc, Trang phải diễn xuất sao cho Minh giống như một con mèo nhỏ, đáng yêu, cần che chở. Với Hoàng, Trang phải xù lông nhím lên, ương bướng nhưng vẫn toát lên vẻ đáng yêu. Còn với Kiên, Trang phải thể hiện rõ sự thông minh, cá tính, khôn ngoan, là một đối thủ không dễ chơi.
PV: Là nghệ sĩ hài đắt show, chị hãy thử so sánh cát-sê đóng phim với cát-sê diễn hài?
Vân Dung: Ôi, đừng nói chuyện tiền khi đi làm phim. Làm phim là công việc vất vả, hút hết sức lực và thời gian của người nghệ sĩ trong khi tiền không được là bao. Tuy nhiên, khi đóng phim, chúng tôi được nhiều thứ có ý nghĩa hơn tiền. Đó là được vùng vẫy, thỏa sức trong đam mê diễn xuất, là được chứng tỏ khả năng của mình, không chỉ với khán giả mà ngay cả với đồng nghiệp; và lớn hơn là được tình cảm của đông đảo người xem truyền hình.
Tôi rất hạnh phúc vì khi đóng phim truyền hình, khán giả sẽ nhận ra: 'Ồ, hóa ra Vân Dung không chỉ biết diễn hài mà còn thế lấy được nước mắt của khán giả'. Hy vọng trong thời gian tới, tôi sẽ có thêm nhiều cơ hội để thể hiện những màu sắc khác nhau trong diễn xuất của mình với công chúng./.