Vì sao kết phim “Thương ngày nắng về” khác so với bản gốc Hàn Quốc?
VOV.VN - Thu Thủy, tác giả kịch bản phim "Thương ngày nắng về" kể những khó khăn cô phải đối mặt trong quá trình làm phim và vì sao cái kết của bộ phim khác so với bản gốc Hàn Quốc.
Tối 3/8, tập cuối của "Thương ngày nắng về" phần 2 lên sóng, khép lại 87 tập phim dài hơi được sản xuất trong vòng hơn 1 năm. Biên kịch Thu Thủy chia sẻ chi tiết về hậu trường quá trình đồng hành với bộ phim mà chưa nhiều người biết.
Cô viết: "Lại là dịp thật đặc biệt: ngày kết thúc phát sóng của một dự án phim! Khi gắn bó với một đại gia đình trong khoảng thời gian rất lâu, luôn xoay xở về số phận của họ, ngày ngày “hành hạ” họ, bắt họ nếm trải bao cay đắng, cũng trao họ chút ít ngọt bùi, và cuối cùng, giành lại cho họ những gì xứng đáng… thì thời điểm về đích, lần nào cũng thế, mình đều thấy vừa đợi mong, vừa mất mát.
“Thương ngày nắng về” là dự án dài hơi nhất mình tổ chức xây dựng nội dung. Bản gốc của phim - Mother Of Mine - phát sóng ở Hàn Quốc năm 2019, cùng thời điểm phát sóng với “Về nhà đi con”. Khi đó, mình còn cười rồi bảo may mà phim phát đồng thời chứ không mọi người lại bảo mình bắt chước, vì 2 phim đều là môtip một người bố/ người mẹ, goá vợ/ goá chồng một tay nuôi 3 cô con gái.
Và vì thế, khi được giao dự án này, mình ớ ra, lập tức xin từ chối vì không muốn làm 2 bộ phim gia đình với hệ thống nhân vật khá giống nhau.
Nhưng sếp mình bảo: Chính bởi vì em đã từng làm, nên em sẽ biết cách để tránh đi sự trùng lặp…
Mình thực sự vẫn rất băn khoăn, nhưng tối hôm đó, mình xuống nhà và thấy mẹ mình đang xem ti vi. Khi ấy, Tùng Dương đang hát bài “Mẹ tôi” của Trần Tiến.
“Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình
Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ…”
Mình thấy mẹ khóc. Có lẽ lúc đó, mẹ nhớ bà ngoại. Còn chính bản thân mình, nghe lời bài hát thôi, cũng rớm nước mắt, cũng sợ đến cái ngày không còn có mẹ".
Nữ biên kịch chia sẻ thêm: "Ở thời điểm đó, mình nghĩ, nếu làm dự án này, mình sẽ có cơ hội kể về mẹ mình và triệu triệu bà mẹ trên thế gian này, kể về sự tiếp nối những thế hệ phụ nữ, kể về tình thương muôn đời của mẹ và con gái.
Ừ, thế là làm thôi!"
Thu Thủy tâm sự, đôi khi xây dựng câu chuyện "Thương ngày nắng về", cô cảm thấy mình đánh mất sự khách quan. Bởi vì, có những chi tiết, có những nỗi lòng, cô luôn nhìn thấy mình, mẹ, bà nội, bà ngoại, thím ở đấy.
Thu Thủy kể, mẹ chị cũng từng bán hàng ăn sáng. Cũng từng buôn thúng bán bưng, lo chạy từng đồng tiền một. Mẹ vì vất vả, mà đôi khi quên cả dịu dàng, vì mệt nhọc mà luôn cáu gắt. Mẹ làm luôn chân luôn tay, nói năng nhiều khi mất lòng... Mẹ cũng hay khoe con cháu, thích buôn dưa, cũng chạnh lòng về đứa con nhiều tuổi mà vẫn bơ vơ. Mẹ chỉ cần nhắc về ông ngoại là mẹ khóc. Và chỉ hơi tí chút sự vô tâm của con cái, mẹ cũng sẽ tủi thân!!!
"Mình rất hay cáu mẹ, gắt mẹ. Nhưng lần nào xong, mình cũng đều hối hận.
Mà rồi, lần sau lại thế...
Thế nên, có lẽ, niềm hạnh phúc của mình, là không chỉ có những chi tiết lời nói thường ngày của mẹ được đưa vào phim, nhìn thấy mẹ mắng vui "Con bé này nó nói xấu tôi", mà còn nhìn thấy phản hồi của khán giả. Có những người nói xem phim nhìn bà Nga họ nhớ mẹ họ, thấy Khánh xin lỗi mẹ cũng muốn quay về xin lỗi mẹ mình, thấy Trang nói yêu mẹ mới nhớ mình cũng chưa từng nói lời thương yêu với mẹ...
Mình tin là các bạn biên kịch của mình cũng thế, đã đem những kỷ niệm và trải nghiệm của mình vào nhân vật và câu chuyện. Bởi vì ngay từ đầu, chúng mình đã muốn xây dựng một "bà mẹ thân quen" với những tính cách và lời nói, ta có gặp bất cứ nơi đâu trong cuộc đời này", Thu Thủy viết.
Nữ biên kịch kể tiếp: "Hôm trước, lúc đọc kịch bản, ông anh mình cáu khi chúng mình xây dựng tình huống bà Nga bị người qua đường đẩy ngã. Anh bảo, trái tim mong manh của anh không chịu được, khi bà Nga đến phút này còn bị người ta xô đẩy.
Đến lúc ấy, thì mình thực sự tin, "mẹ Nga" của chúng mình, được yêu thương rồi. Chỉ khi tin nhân vật, người ta mới yêu thương, mới mong mỏi đấu tranh cho họ những gì trọn vẹn tốt đẹp nhất.
Một buổi tối, ở sân cơ quan, khi đó mình cùng nhóm biên kịch đang chạy đoạn kết của “Thương ngày nắng về”, thì gặp anh sếp mình. Mình tóm lược sơ qua về mạch chuyện đoạn cuối cho anh nghe. Anh gật gật và bảo, ừ, nhưng em thử nghĩ xem nhé. Anh muốn về kết phim, có một điều gì đó sẽ tựa như phép màu, một chút cổ tích cũng được.
Mình bị đần ra.
Khi 20 tuổi, hình dung về phép màu hoàn toàn khác mình của ngưỡng tuổi 40. Giống như xưa kia, mình xem Pretty Woman, mình hỉ hả với giấc mơ Mỹ, tin vào cuộc sống tuyệt đẹp, tin vào tình yêu vĩnh cửu của anh chàng tỷ phú và cô gái điếm ở đại lộ Hollywood sau 1 tuần bên nhau… Nhưng gần đây, ở status một người bạn, mình biết được rằng, hoá ra, kịch bản ban đầu của phim là một cái kết khác. Sau 1 tuần anh tỷ phú thuê cô gái điếm làm bạn gái với giá 3000 USD, anh đã lại quẳng cô lại đúng góc phố mà anh đã vợt được cô tuần trước. Khi đó cô gái điếm đã yêu anh tỷ phú. Nhưng anh tỷ phú thì không…
Và là mình của tuổi 40, mình sẽ chọn cái kết này. Vì, đó là cái kết mà mình tin.
Và vì, đó mới là cuộc sống.
Làm kịch bản, có những khi ta sẽ đứng giữa những tiêu chí của nghề nghiệp với mong muốn khán giả, và với ước mong của chính bản thân mình.
Nhưng lựa chọn, thì lại chỉ có một mà thôi.
Từ “phép màu” kia lẩn quẩn trong đầu mình rất lâu. Mình cũng trao đổi với các bạn nhóm biên kịch để cùng nhau suy nghĩ.
Và cuối cùng, chúng mình có một cái kết, như cái kết tối hôm nay phát sóng. Một chút cổ tích, một chút phép màu, nhưng vẫn là cuộc sống được vận hành bởi những quy luật muôn đời, mà chúng ta chẳng cách nào ngoài đương đầu, và đi tới".
Thu Thủy chia sẻ, quá trình sáng tác kịch bản của "Thương ngày nắng về" thật ra không hề tuần tự. Cô đã chạy xong 17 tập kịch bản đầu tiên rồi mới quay về viết 4 tập kịch bản thời quá khứ. 4 tập quá khứ viết đi viết lại, sửa đi sửa lại đến mức mình phát nản, nhưng bản cuối cùng, thì là bản cô rất yêu.
"Mình vẫn nhớ khi ấy, mình bị sốt xuất huyết, tiểu cầu xuống thấp, mình nằm ở viện 354, ở khoa truyền nhiễm. Lúc đó dịch dã đang căng, mình vào viện cũng chỉ có một mình, trong gian phòng mênh mông, và khóc như mưa khi xem những tập đầu tiên phát sóng.
Khi ấy, mình nhắn cho anh Khoa, cảm ơn anh vì những tập phim đầy cảm xúc. Vì chỉ cần xem phim, thì mình cũng đã biết cả đoàn phim đã kỳ công, vất vả thế nào cho 4 tập đầu ngắn ngủi.
Và hôm nay, thì mình có nhiều lời cảm ơn hơn. Cảm ơn sếp đã luôn giao cho em những đề bài thật khó để em tha hồ xoay xở. Cảm ơn anh Khải Anh đã luôn bám sát kịch bản, cho em nhiều góp ý và gợi ý hay!
Lời cảm ơn đặc biệt, thì mình muốn gửi tới anh Huy. Từ "Zippo" đến bây giờ đã 5, 6 năm, hai anh em mới làm việc với nhau. Chắc già cả rồi nên lần này dự án dài vãi mà hai anh em chưa cãi nhau bận nào cả. Khi phim lên, nhiều lúc mình có được niềm hạnh phúc khi đạo diễn “sửa sai” giúp mình, xử lý tinh tế hơn, đẩy cảm xúc cao hơn so với kịch bản.
Trên hành trình làm một dự án dài hơi, có lúc mệt, có lúc oải, nhưng tình yêu với câu chuyện, với nhân vật, sự trăn trở để làm sao có thể tốt hơn, mình đã luôn nhìn thấy ở anh Huy và ekip. Cảm ơn anh nhiều, vì đã “chịu đựng” cái đứa biên tập đã cảm tính còn lắm điều, rất hay ý kiến ý cò, rất hay dài dòng lải nhải này nhé", cô viết.
Thu Thủy cảm ơn cả ekip làm phim, những người ở hiện trường vất vả cũng như bộ phận hậu kỳ đầy áp lực cùng những diễn viên với những sự hoá thân xuất sắc, để những mẹ Nga, cậu Vượng, Khánh, Đức, Trang Duy, Vân Phong Sam So, bà Nhung, ông Hùng bà Hiền… trở thành những gương mặt thân quen, là niềm yêu thương, chờ đợi của khán giả, và cả bản thân những người viết kịch bản.
Cuối cùng, cô cảm ơn những khán giả đã dành cho phim sự thương mến, đã không ngừng đòi hỏi và đấu tranh cho số phận của các nhân vật, để mình và những đồng nghiệp, sẽ luôn còn thật nhiều động lực và mục tiêu cho những dự án sau này./.