Thời tóp mỡ
VOV.VN - Một chiều đông lạnh, người phụ nữ của đời mình tấu lên giai điệu "mỡ sôi xèo xèo" trong một thứ mùi vị da diết, quấn quít.
Phải kìm nén lắm mới không nhào đến vớt vội mấy chiếc tóp mỡ cong cong để nếm, để níu kéo những vị xưa. Căn nhà những ngày cũ giờ thi thoảng trong mơ vẫn hiện về, nguyên vẹn. Nhà hẹp, lòng sâu, nở hậu - các cụ bảo thế là tốt về hậu vận. Phía sau nhà dành cho khoảng sân có giếng trời thoáng gió và góc bếp đáng kể nhất là chiếc chạn. Thời đó chạn được coi là chỗ xung yếu nhất của gia đình cùng với thùng tôn đựng gạo. Cái chạn chứa đủ thứ: Mắm muối, gừng tỏi, rau quả, đồ ăn thức uống... Và tất nhiên là phải có liễn mỡ “chiến lược” làm ấm cả mùa đông. Lũ trẻ tan học lả người vì đói, chả kịp đợi bố mẹ làm về, sục vào bếp xới bát cơm nóng rẫy, vùi một thìa mỡ đầy xuống đáy bát, rưới thêm thìa nước mắm mặn chát, thế là ngon lành món cơm trộn mỡ ngầy ngậy.
Lại nhớ ông chú quen gia đình làm loong toong ở một đại sứ quán. Bếp tây rán lấy mỡ nhưng bỏ tóp không dùng. Thấy phí của giời, chú xin về chia cho mỗi nhà đầy hự chiếc cặp lồng. Tóp mỡ tây có khác, thơm thơm một mùi xa xỉ. Rồi sau này chuyển nhà không dùng chạn nữa, có người đến xin về, thằng bé đứng nhìn ngẩn ra như sợ họ mang đi hết những hương vị. Giờ cao lương mỹ vị đủ thứ trên giời dưới bể, động lòng nhớ đám tóp mỡ thơm. Nhiều quán như bắt được nỗi hoài cổ của khách đã thức thời điền vào thực đơn những món chế từ tóp mỡ thần sầu. Hồi trước thiếu thốn, tóp mỡ mỏng dính mà nâng đỡ cả những cơn đói nặng nề, trợ giúp cho bao ước mơ, hoài bão. Thế mà giờ đây, khi mọi thứ no đủ, nó vẫn là một món nhiều người ưa chuộng. Có hẳn một ngôi làng cổ ngoại ô Hà Nội làm và cung cấp tóp mỡ từ lâu đã thành thương hiệu. Chỉ một cú bấm máy di động, không lâu sau bạn đã có trong bếp nhà những “bánh tóp” sẫm vàng chất lượng.
Hồi bao cấp, cơ quan nào cơ quan nấy đều phải cử người đến các hợp tác xã xin mua rẻ thịt lợn để về chia đụng ăn Tết. Chiếc Com-măng-ca tỏa ra các vùng quê, rồi như chiếc chuồng lợn di động nặng trĩu mang “chiến lợi phẩm” trở về, đem theo niềm vui ngày giá rét. Cả đơn vị tụ tập mổ, chia lợn, “eng éc” cứa vào màn đêm ngõ phố. Đó chính là thời điểm Tết về sớm hơn mọi bữa trong tiếng dao thớt rộn ràng. Cả năm mới thấy những gương mặt giãn ra, rạng rỡ, bớt lo âu. Và kiểu gì cũng phải rán chảo tóp mỡ nóng hôi hổi, báo hiệu ngày xuân có của ăn của để mang tầm chiến lược.
Giờ thì khác hẳn. Lợn ê chề nhưng chủ yếu nuôi lấy nạc, cũng ít đi những gia đình ăn mỡ, người ta dùng dầu thực vật nhiều hơn. Ông chú quê xa dịp Tết vẫn giữ “tục” đụng lợn, chia mỗi nhà ít thịt nửa nạc nửa mỡ, coi đó là niềm vui tuổi già. Vẫn nuôi lợn lấy mỡ, chú còn khoe lợn được uống sữa, nghe nhạc không lời như tận đẩu tận đâu người ta cho bò nghe giao hưởng. Thành thử thịt con nào con nấy thơm đến lạ. Những tảng mỡ thái đều ngập nửa cái chảo lòng trũng, ăm ắp mùa tết nhất. Bếp nhà mẹ vẫn còn nguyên cái chảo cũ rán tóp mỡ, “chinh chiến” qua bao năm tháng, nay đã sạm màu. Giống ở khu chợ đồ cũ một vùng ven xa xa trung tâm Hà Nội. Nhiều món đồ không dùng nữa người ta đem phơi ra chợ để bán. Đủ thứ từ tủ giả, bàn ghế đến cặp lồng, phích nước, cái kim sợi chỉ... tuốt tuồn tuột đều có thể lượm ở đây. Những đồ đạc ám màu ký ức kể về một thời tem phiếu bao cấp. Đống nồi niêu xoong chảo xủng xoảng gợi nhớ căn bếp hăng hắc bồ hóng. Mấy cái nồi, cái chảo có từ hồi về làm dâu trên căn gác khu phố cổ những năm 60 thế kỷ trước, mẹ giữ như vật quý.
Người già thích ngoái lại sau lưng. Nhà bếp giờ đã long lanh, tiện nghi hơn trước nhưng mẹ vẫn không nỡ vứt bỏ những cái nồi nguyên mùi củi, dầu hỏa..., nuôi nấng mấy thế hệ qua các cuộc ác liệt binh đao, nhọc nhằn bao cấp. Mẹ bảo chúng là ký ức, không dùng nữa nhưng nhìn vẫn thấy ấm lòng. Lũ trẻ lớn lên “khệnh khạng” dự đủ thứ tiệc, bỗng một ngày chạm lên mái tóc thấy sương khói phủ ngày một dày, chợt nao nao ngẫm ngợi lại những vẻ riêng không cần tô vẽ. Chúng vẫn còn đâu đây trong mỗi căn nhà, trong sự bộn bề này, một mình một góc chưa nguội phai củi lửa, cay cay tròng mắt cuộc đời... Phía sau là dằng dặc những buổi chiều lạnh lắm, khi bờ tường rêu in bóng mẹ thập thững đi về, ngọn đèn chốc lát sẽ được thắp lên, khe khẽ sáng một vùng ấm bình an. Những ngày cũ, với mẹ, cũng chính là những ngày sắp tới, đồng hiện một màu của những ước mong bình dị. Ở đó có những thứ nho nhỏ không tên khó lẫn vào ầm ào, hoành tráng, khiến con người ta cứ phải trắc ẩn nghĩ, trắc ẩn nhớ, trắc ẩn thương yêu và trân trọng./.