Tiếc thương nhiều văn nghệ sĩ qua đời trong năm 2023

VOV.VN - Năm 2023 chứng kiến sự ra đi của nhiều văn nghệ sĩ tài hoa như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trần Tiến, NSND Thái Thị Liên, nhạc sĩ Xuân Phương, NSND Long Vân…

NSND Doãn Hoàng Giang

NSND Doãn Hoàng Giang qua đời ngày 16/1. Ông từng dàn dựng nhiều vở kịch nổi tiếng như: Số đỏ, Hà Mi của tôi, Nàng Sita, Nhân danh công lý, Tiếng đàn vùng Mê Thảo, Công lý không gục ngã.

Doãn Hoàng Giang là đạo diễn cuối cùng của thế hệ sân khấu gạo cội có vai trò quan trọng trong hình thành sân khấu Việt Nam hiện đại ở cả sân khấu kịch nói, chèo đến cải lương.

Với lòng yêu sân khấu đắm đuối, ông từ một diễn viên thuộc lứa diễn viên đầu tiên của sân khấu kịch nói đã tự học là chính mà thành nghề đạo diễn tài năng, người đã tạo nên rất nhiều màu sắc cho nhiều đoàn sân khấu cả nước.

NSND Trần Tiến

NSND Trần Tiến, một trong những cây đại thụ của sân khấu kịch Việt Nam đã qua đời vào 16 giờ 30 phút chiều 22/1 (tức mùng 1 Tết Quý Mão).

Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông được biết đến với những vai diễn, như: Đại Cát trong vở "Quẫn", Đế Thích trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", Hoài Nghi trong "Chuông đồng hồ điện Kremli", "cố vấn ái tình" trong "Kén rể"...

NSND Trần Tiến còn góp mặt trong hơn 20 bộ phim thuộc các thể loại và đề tài khác nhau với các vai diễn ấn tượng, như "Thằng Bờm", "5 ngày làm Thượng đế", "Chuyện làng Nhô", "Hà Nội 12 ngày đêm", "Những người săn lùng cái đẹp"…

NSND Trần Tiến từng đóng Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Hoài Nghi trong Chuông đồng hồ điện Kremlin, Cố vấn ái tình trong Kén rể. Ông qua đời vào chiều ngày 22/1.

Nhà thơ Giang Nam

Nhà thơ Giang Nam qua đời vào sáng 23/1/2023 (nhằm ngày mùng 2 Tết Quý Mão). Ông là tác giả của bài thơ “Quê hương” nổi tiếng với những câu thơ đi vào lòng người. Ông từng là đại biểu Quốc hội khóa VI, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II, III. Nhà thơ cũng từng giữ chức Tổng biên tập báo Văn nghệ, Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Nhà giáo Nhân dân, NSND Thái Thị Liên

Nhà giáo Nhân dân, NSND Thái Thị Liên, mẹ của NSND Đặng Thái Sơn qua đời sáng 31/1 tại nhà riêng, hưởng thọ 106 tuổi.

Bà Thái Thị Liên là một trong số nữ danh cầm piano đầu tiên của Việt Nam, là một trong những người tiên phong đồng sáng lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, phụ trách bộ môn piano và biên soạn bộ giáo trình đầu tiên.

Bà là thầy của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có hai con bà là NSND, Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và NSND Đặng Thái Sơn - đoạt giải nhất Cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (tháng 10/1980) ở Warszawa (Ba Lan). NSND Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ dương cầm châu Á đầu tiên giành giải Nhất ở cuộc thi này.

Nghệ sĩ Thiên Kim

Nghệ sĩ Thiên Kim trút hơi thở cuối cùng vào lúc 0h30 ngày 20/2/2023 tại Viện dưỡng lão Nghệ sĩ TP.HCM, hưởng thọ 89 tuổi.

Suốt nhiều năm qua, Thiên Kim gắn với hình tượng người mẹ, người bà trên màn ảnh nhỏ. Những bộ phim nổi tiếng có sự tham gia của bà: Vĩnh biệt đàn bà, Võ sĩ bất đắc dĩ, Vua sân cỏ, Mẹ chồng nàng dâu, Hạnh phúc quanh đây, Những đứa con thành phố, Bỗng dưng muốn khóc, Hot boy nổi loạn...

Diễn viên Ốc Bảo Bảo

Tối 27/2, thông tin nam diễn viên Ốc Bảo Bảo  đột ngột qua đời vì tai nạn đuối nước thương tâm khi đi tắm biển ở Vũng Tàu đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa.

Ốc Bảo Bảo tên thật là Trần Trí Bảo, sinh năm 2003. Anh là gương mặt tiềm năng trong giới điện ảnh Việt. Bảo Bảo từng tham gia nhiều bộ phim và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả với lối diễn chuyên nghiệp dù còn trẻ tuổi. Mặc dù tham gia nghiệp diễn từ rất sớm nhưng tên tuổi của Bảo Bảo thực sự được nhiều người biết đến khi tham gia bộ phim Gạo Nếp Gạo Tẻ vào năm 2018. Bảo Bảo còn tham gia nhiều bộ phim hay sitcom nổi tiếng như Một lần đi bụi, Mầm non đáy chai, 78910, Lật mặt 3, Ở đây có nắng, Gia đình vui vẻ, Song lang, Lật mặt 3, Mặt trời con ở đâu?…

NSƯT Vũ Linh

Ngày 5/3, NSƯT Vũ Linh qua đời vì bạo bệnh.

NSƯT Vũ Linh là một trong những ông hoàng của sân khấu cải lương tuồng cổ, hồ quảng, sau thế hệ vàng của NSƯT Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương...

Những năm 1990, tên tuổi của NSƯT Vũ Linh vụt sáng với video cải lương. Vũ Linh - Tài Linh là đôi nghệ sĩ tài danh, cặp đào kém xưa nay hiếm với nhiều vở tuồng ăn khách như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Xử án Bàng Quý Phi, La Thông Tảo Bắc...

Ca nương Tú Thanh

Ca nương Tú Thanh qua đời sáng 1/7 do tai nạn giao thông. Tú Thanh từng tham gia các chương trình: Biệt tài tí hon, Người hùng tí hon, Gương mặt thân quen nhí. Năm 2016, em được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "Nghệ sĩ hát các dòng nhạc dân tộc cổ truyền của Việt Nam nhỏ tuổi nhất".

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa nhận xét về ca nương Tú Thanh: "Lời của các bài xẩm rất khó hát và trúc trắc so với một em bé học cấp 1 nhưng Tú Thanh lại làm rất tốt. Nếu bé tiếp tục theo đuổi dòng nhạc này thì chắc chắn làng nghệ thuật sẽ có thêm một tài năng. Tiếc là bé ra đi khi còn quá sớm".

NSND Bùi Đình Hạc

NSND Bùi Đình Hạc qua đời vào lúc 18 giờ 30 phút tối ngày 1/7 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt- Xô.

NSND, đạo diễn Bùi Đình Hạc thuộc thế hệ đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc đặt nền móng cho điện ảnh nước nhà ngày nay.

Trong hơn 50 năm sự nghiệp, NSND Bùi Đình Hạc vừa làm phim tài liệu, vừa làm phim truyện. Bên cạnh "Nước về Bắc Hưng Hải" - tác phẩm đoạt giải Vàng tại Liên hoan Phim Moscow và cũng là giải thưởng quốc tế đầu tiên cho điện ảnh Việt Nam, ông còn nổi tiếng với phim điện ảnh "Hà Nội 12 ngày đêm" (2002).

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã qua đời vào lúc 5h sáng 6/7 tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 74 tuổi. Trước đó, bà mắc căn bệnh Alzheimer trong nhiều năm, gây nhiều ảnh hưởng tới trí nhớ và hành vi. Từ đầu những năm 70, thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện trên thi đàn Việt Nam với những biên độ cảm xúc mở rộng hơn, với nhiều tứ thơ mạnh mẽ, mang âm hưởng cuộc chiến đấu lớn lao của dân tộc. Chùm thơ "Khoảng trời hố bom", "Gặt đêm", "Đường ở Thủ đô" giành giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1973 do nhà thơ Xuân Diệu làm chủ khảo đã khẳng định tài năng của bà. "Khoảng trời hố bom" được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ, được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường. Bài thơ "Truyện cổ nước mình" của bà cũng được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4.

NSND Trần Bảng

NSND Trần Bảng qua đời vào 6 giờ sáng ngày 19/7. Ông là cha đẻ NSƯT Trần Lực. NSND Trần Bảng là đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo nổi tiếng với mệnh danh "ông trùm chèo" thời nay.

NSND Trần Bảng còn viết nhiều sách nghiên cứu, giảng dạy từ khóa diễn viên chèo đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ông nghiên cứu, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân nghệ thuật cho chèo…

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời vào ngày 24/7, hưởng thọ 87 tuổi. Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả của các tập bút ký nổi tiếng như: Rất nhiều ánh lửa (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1980-1981), Ngọn núi ảo ảnh, Rượu hồng đào chưa uống đã say, Miền cỏ thơm (tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam 1999, 2002, 2007). Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Ai đã đặt tên cho dòng sông, viết ở Huế năm 1981, từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông.

NSND Đào Trọng Khánh

NSND Đào Trọng Khánh qua đời vào đầu giờ chiều ngày 20/9. Ông ra đi ở tuổi 84, để lại nỗi xót thương cho gia đình và bạn bè đồng nghiệp. Đạo diễn Đào Trọng Khánh từng đảm nhiệm nhiều vai trò của một nhà sản xuất như viết kịch bản, viết lời bình, làm đạo diễn cho hàng chục bộ phim tài liệu khác nhau. Phim của ông không chỉ giàu giá trị nghệ thuật mà còn đầy cảm xúc, với sự tinh tế từ tên gọi, lời bình tới hình ảnh. Ông cũng là người trực tiếp cầm máy quay ghi lại những thước phim lịch sử về Hải Phòng trong những ngày bị máy bay Mỹ bắn phá. Hầu hết các phim ông làm đều nhận được các giải thưởng danh giá, với gần 20 giải cao cho các tác phẩm, trong đó có 7 giải cá nhân (3 giải kịch bản, 4 giải Đạo diễn xuất sắc nhất).

Nhạc sĩ Chu Minh

Nhạc sĩ Chu Minh đã qua đời vào sáng 17/10 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Ông hưởng thọ 92 tuổi. Cùng với các nhạc sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), nhạc sĩ Chu Minh đã có công đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc cách mạng – nền âm nhạc mới Việt Nam nửa sau thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI.

Nhạc sĩ Chu Minh được coi là là người tiên phong và là "bậc thầy" trong nền âm nhạc mới Việt Nam. Ông là một trong số ít nhạc sĩ thế hệ của mình thành công trong cả hai loại hình: Thanh nhạc và khí nhạc. Trong đó, hai ca khúc "Người là niềm tin tất thắng" và "Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam" được ông viết ở 2 giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc, đã trở thành các tác phẩm lớn trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Nhạc sĩ Xuân Phương

Nhạc sĩ Xuân Phương - tác giả bài hát nổi tiếng gắn với tuổi học trò "Mong ước kỷ niệm xưa" - qua đời ở tuổi 50, sáng 29/11 vì bệnh ung thư.

Xuân Phương sinh năm 1973 ở Hưng Yên, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh nổi tiếng qua các ca khúc Lời ru cho con, Nếu phải xa nhau và Mong ước kỷ niệm xưa. Anh là một trong những người thành lập ban nhạc Chìa Khóa Vàng, nổi tiếng ở Hà Nội đầu những năm 1990. Với phong cách tươi trẻ, lại hợp tác cùng những giọng ca nổi tiếng lúc ấy như Bằng Kiều, Mỹ Linh, Ngọc Anh 3A, Chìa Khóa Vàng được thế hệ 7X, 8X yêu thích.

Nghệ sĩ cải lương Xuân Thu

Nghệ sĩ Xuân Thu qua đời vào lúc 3h45 ngày 18/12 tại nhà riêng sau hơn một tháng điều trị, hưởng thọ 67 tuổi.

Nghệ sĩ Xuân Thu là diễn viên đa tài, có thể hóa thân nhiều loại vai diễn trên sân khấu tuồng cổ và luôn tạo ấn tượng với người xem. Trong đời làm nghệ thuật của mình, Xuân Thu đã để lại nhiều dấu ấn trong các vở diễn như Câu thơ yên ngựa, Bức ngôn đồ Đại Việt, Lưu Bị cầu hôn giang tả, Phàn Lê Huê, Trần Quốc Toản ra quân, Thanh gươm nữ tướng, Ngọn lửa Thăng Long….

Đạo diễn Long Vân

Đạo diễn Long Vân qua đời sáng 24/12 ở tuổi 87 sau một thời gian bị bệnh nặng. Những năm cuối đời ông di chuyển khó khăn, chủ yếu dùng xe lăn. Vài tháng gần đây, đạo diễn Long Vân chỉ nằm một chỗ, sức khỏe sa sút trông thấy.

Tên tuổi đạo diễn Long Vân gắn liền với phim Biệt động Sài Gòn, bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam được công chiếu năm 1985.

Ông còn làm các phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Những đứa con của biệt động Sài Gòn, Tiếng gọi phía trước, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Người không mang họ...

Diễn viên Aly Dũng

Diễn viên Aly Dũng qua đời lúc 20h08 ngày 27/12, hưởng thọ 72 tuổi. Aly Dũng từng đóng vai anh lính trong phim Biệt động Sài Gòn, vai người nông dân trong Án xưa tích cũ và một số vai diễn phụ khác trên sân khấu kịch và phim truyền hình. Những ngày cuối đời, diễn viên Aly Dũng chống chọi với căn bệnh ung thư máu.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nghệ sĩ Thanh Điền chọn sống cô đơn, tài sản cả đời chỉ là cây đàn guitar
Nghệ sĩ Thanh Điền chọn sống cô đơn, tài sản cả đời chỉ là cây đàn guitar

VOV.VN - “Thanh Điền không nghĩ là sẽ lấy vợ đâu, ai đời lại đi làm khổ người ta vậy chứ”, nghệ sĩ guitar Thanh Điền từng tâm sự.

Nghệ sĩ Thanh Điền chọn sống cô đơn, tài sản cả đời chỉ là cây đàn guitar

Nghệ sĩ Thanh Điền chọn sống cô đơn, tài sản cả đời chỉ là cây đàn guitar

VOV.VN - “Thanh Điền không nghĩ là sẽ lấy vợ đâu, ai đời lại đi làm khổ người ta vậy chứ”, nghệ sĩ guitar Thanh Điền từng tâm sự.

Đạo diễn Long Vân 'Biệt động Sài Gòn' qua đời ở tuổi 87
Đạo diễn Long Vân 'Biệt động Sài Gòn' qua đời ở tuổi 87

VOV.VN - Đạo diễn Long Vân - người đã làm nên bộ phim Biệt động Sài Gòn qua đời ở tuổi 87 tại bệnh viện.

Đạo diễn Long Vân 'Biệt động Sài Gòn' qua đời ở tuổi 87

Đạo diễn Long Vân 'Biệt động Sài Gòn' qua đời ở tuổi 87

VOV.VN - Đạo diễn Long Vân - người đã làm nên bộ phim Biệt động Sài Gòn qua đời ở tuổi 87 tại bệnh viện.

Nhạc sĩ Minh Châu qua đời
Nhạc sĩ Minh Châu qua đời

Gia đình nhạc sĩ Lê Minh Châu thông báo ông qua đời lúc 18h ngày 11/12, hưởng thọ 80 tuổi. Ông là người đứng sau thành công của bài hát "Dàn đồng ca mùa hạ" - một trong những bài hát hay nhất thế kỷ 20 và được đưa vào giảng dạy trong chương trình âm nhạc lớp 5.

Nhạc sĩ Minh Châu qua đời

Nhạc sĩ Minh Châu qua đời

Gia đình nhạc sĩ Lê Minh Châu thông báo ông qua đời lúc 18h ngày 11/12, hưởng thọ 80 tuổi. Ông là người đứng sau thành công của bài hát "Dàn đồng ca mùa hạ" - một trong những bài hát hay nhất thế kỷ 20 và được đưa vào giảng dạy trong chương trình âm nhạc lớp 5.

Nhạc sĩ Xuân Phương - tác giả "Mong ước kỷ niệm xưa" qua đời ở tuổi 50
Nhạc sĩ Xuân Phương - tác giả "Mong ước kỷ niệm xưa" qua đời ở tuổi 50

VOV.VN - Nhạc sĩ Xuân Phương - tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Mong ước kỷ niệm xưa, Lời ru cho con, Lời chưa nói, Nếu phải xa nhau, Anh,...đã qua đời vào sáng 29/11 do mắc bạo bệnh.

Nhạc sĩ Xuân Phương - tác giả "Mong ước kỷ niệm xưa" qua đời ở tuổi 50

Nhạc sĩ Xuân Phương - tác giả "Mong ước kỷ niệm xưa" qua đời ở tuổi 50

VOV.VN - Nhạc sĩ Xuân Phương - tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Mong ước kỷ niệm xưa, Lời ru cho con, Lời chưa nói, Nếu phải xa nhau, Anh,...đã qua đời vào sáng 29/11 do mắc bạo bệnh.