Tính cách hiền hòa là “điểm vàng” để người Khánh Hòa vươn xa
VOV.VN - “Khánh Hòa là xứ Trầm Hương non cao, biển rộng người thương đi về” 2 câu thơ mộc mạc của thi sĩ Quách Tấn nói về Khánh Hòa, vùng đất đang kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển. “Hiền hòa” là đặc trưng nổi bật của chủ nhân vùng đất này, hiền hòa đã thu hút những “người thương” khắp mọi miền hội tụ.
Tháp Bà Ponagar nằm trên ngọn núi Cù Lao, bên cửa sông Cái. Tháng 3 hàng năm, tại đây diễn ra Lễ hội cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên. Đây là lễ hội nằm trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài người Chăm, lễ hội còn có sự tham gia đông đảo người Kinh tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Nữ thần Ponagar là Mẹ xứ sở của người Chăm, vốn mang trong mình tâm thức thờ Mẫu. 370 năm trước, khi vào sinh sống cùng người Chăm tại vùng đất Khánh Hòa, người Việt đã đã “tiếp biến” tín ngưỡng này và gọi là Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho rằng các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại Tháp Bà Ponagar là minh chứng sinh động cho sự giao thoa, hài hòa của 36 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đây là vùng đất được ví như “một nước Việt Nam thu nhỏ” với những ngọn núi vươn mình ra biển, hàng trăm hòn đảo, mưa thuận, gió hòa, người dân khắp mọi miền cùng hội tụ hình thành nên bản tính con người Khánh Hòa chất phát, hiền hòa, thơm thảo.
“Khí hậu hiền hòa, không mưa gió, không bão bùng. Không ảnh hưởng, tác động nhiều thiên nhiên như những vùng khác. Chất con người ở đây được thiên nhiên gắn môi trường đó, họ phải hiền hòa chứ không thể thay đổi. Người Việt vào đây cũng dung hòa, tiếp nhận văn hóa của Chăm Pa. Tháp Bà Ponagar thể hiện sự giao thoa, cộng sinh, cộng hưởng, cứ bồi đắp với nhau để tạo thêm văn hóa Khánh Hòa sống động hơn. Có chung thờ Mẫu, chung một di tích, chung một tấm lòng”.
Tỉnh Khánh Hòa có nhiều đầm, vịnh nước sâu, có nhiều ngọn núi cao trên 1.500m, trong đó, ngọn núi cao nhất là Hòn Giao, cao 2.062m. Thiên nhiên hùng vĩ cùng người dân chịu khó đã sớm khai thác được những sản vật mang tầm quốc gia như trầm hương, yến sào, tôm hùm... Cần mẫn trong lao động, hiền hòa trong tính cách, trong tiến trình lịch sử của dân tộc, người Khánh Hòa luôn có những đóng góp từ rất sớm và ghi dấu ấn.
Đó là phong trào Cần Vương vào năm 1885 do Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong làm thủ lĩnh. Ngày 24/2/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Tân Định, nay là thị xã Ninh Hòa ra đời, 4 tháng sau, đã vận động quần chúng nhân dân, tiến hành cuộc biểu tình chống lại thực dân Pháp và bọn tay sai phong kiến. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn đầu tiên ở các tỉnh Nam Trung bộ giành thắng lợi sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Ngày 19/8/1945, người dân tỉnh Khánh Hòa đã nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền thành công. Đến ngày 23/10/1945, quân dân Khánh Hòa đồng loạt tấn công quân Pháp tại nhiều vị trí, mở đầu kháng chiến chống Pháp tại Nam Trung bộ. Ngày nay, huyện đảo Trường Sa luôn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền của quốc gia.
PGS.TS Chu Đình Lộc (Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Khánh Hòa) cho rằng cần cắt nghĩa đầy đủ tính cách “hiền hòa”, có nghĩa là hòa hiếu, bình an nhưng không có nghĩa là không phấn đấu. Trong lịch sử 370 năm xây dựng và phát triển, vùng đất này đã có những đóng góp rất sớm, rất tiêu biểu, thăng trầm theo vận nước.
“Nhìn chung, tất cả những phong trào của dân tộc, từ đấu tranh giữ nước, đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ đất nước…người Khánh Hòa đều tham gia và tham gia ngay từ đầu, rất tiên phong. Nhưng trong dòng chảy chung của dân tộc, đều có đóng góp, sách sử có đề cập nhưng theo tôi nghĩ thì đánh giá trong sách sử chưa tương xứng lắm” - PGS.TS Chu Đình Lộc cho biết.
Nghị quyết 09/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu, Khánh Hòa trở thành nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc. Hiền hòa là tính cách của người dân Khánh Hòa và đặc trưng này đã trở thành mục tiêu để xây dựng địa phương này. Vậy “hiền hòa”, liệu có thể trở thành chìa khóa để người Khánh Hòa nói riêng, vùng đất Khánh Hòa nói chung vươn xa trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ nhưng cũng nhiều biến động như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa cho rằng “hiền hòa” là tính cách đặc hữu, giúp con người nơi đây luôn thân thiện, hướng đến nhau để yêu thương. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, mọi người rất cần bản tính hiền hòa để sống trong tình làng nghĩa xóm, trong lòng nhân ái và hòa bình cho cả nhân loại. Trầm hương, yến sào là những sản vật quý giá được các yriều đình thời phong kiến chọn làm quà tặng ngoại giao, ban tặng các bậc hiền tài của đất nước.
Theo ông Nguyễn Văn Tưởng, “hiền hòa” trở thành “điểm vàng” cùng với những sản vật quý giá sẽ giúp tỉnh Khánh Hòa lan tỏa, hội nhập, vươn xa: “Quảng bá, lan tỏa những giá trị sản vật, những giá trị con người như vậy, rõ ràng Khánh Hòa sẽ sớm đạt được kỳ vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đón du khách nhiều hơn. Nhiều nơi đổ về Khánh Hòa và công dân Khánh Hòa sẽ tăng lên. Những con người có văn hóa, có học vấn, có tay nghề sẽ về với Khánh Hòa nhiều hơn. Cùng với Khánh Hòa xây dựng một xã hội phát triển, đăc biệt là phát triển kinh tế biển, xây dựng xã hội trên biển. Với đặc tính hiền hòa, với những sản vật cao quý như trầm hương, yến sào, tôi tin sẽ làm được”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng Khánh Hòa là vùng đất đặc biệt, kết tụ giữa núi lửa, biển sâu, tạo nên linh khí của trời đất. Trên núi có trầm hương, kỳ nam, ngoài biển có yến sào. Yến sào giúp bồi bổ sức khỏe còn trầm hương lại bồi bổ tinh thần, là hương thơm kỳ lạ có tính chất kết nối, được các tôn giáo lớn chấp nhận. 370 năm là dấu mốc rất quan trọng, thời điểm mảnh đất của Khánh Hòa minh định vào lãnh thổ của Đại Việt trên tiến trình phát triển của dân tộc. Những di sản Chăm Pa để lại vùng đất này rất đặc sắc, là một phần của lịch sử Việt Nam, ngày càng có giá trị. Tỉnh Khánh Hòa đang thấy rõ những giá trị, ưu thế về tài nguyên văn hóa, lịch sử để làm giàu cho vùng đất này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, ngay trong tên gọi Khánh Hòa là mong ước của các bậc tiền nhân về một vùng đất hiền hòa. Đây là vùng đất dễ hội tụ của người muôn phương, sự hiền hòa là nhân tố để họ gắn kết với nhau để xây dựng vùng đất mới: “Hiền hòa là một bản tính, người Khánh Hòa phải thể hiện và đã thể hiện trong lịch sử. Làm sao cho sự hòa hiếu đấy trở thành một lợi khí cho sự phát triển. Không phải tự nhiên mà yếu tố người nước ngoài Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung là chính sự hòa hiếu đấy. Một đất nước trải qua nhiều thử thách lớn, rất nhiều nhưng lại tỏ ra hết sức hòa hiếu với mọi người. Đây là một đặc trưng và cũng là một ưu thế, chúng ta phải phát huy”./.