Triển lãm "Trong rừng sâu" của họa sĩ Mai Đại Lưu
VOV.VN - Ngày 14/4, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm cá nhân lần thứ 2 của họa sĩ Mai Đại Lưu sẽ diễn ra. Sau khởi đầu của “Tôi là Mai Đại Lưu” vào tháng 7/2020, lần này là “Trong rừng sâu” với một cách tiếp cận khác.
Nếu triển lãm đầu tay của Mai Đại Lưu đánh dấu mười năm kể từ khi tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội và làm nên tên tuổi trong giới nghệ thuật Việt Nam, Trong Rừng Sâu tiếp nối cuộc hành trình của anh bằng những mối quan tâm lớn hơn. Thai nghén trong đại dịch, sêri này là một ẩn náu về mặt tâm tưởng - một chất vấn nội tại về xã hội, con người và đời sống trong thời giãn cách, một can thiệp hướng đến sự cân bằng giữa thực tại tản mát và bình yên bên trong. Sự ngây thơ – Mờ đi đường biên giữa các thế giới tham vọng tìm kiếm một sự “ngây thơ căn nguyên ở chốn lui thân biệt lập, nghệ sĩ người Mỹ Agnes Martin diễn tả bản chất của hội họa là sự sở hữu của “vô cùng không gian, và buông bỏ hình thể,” dẫn đến sự cô đọng tiếp nhận thị giác rất đặc trưng của bà như những kẻ ô tối giản, dấu chấm hay những mảng màu đơn sắc; còn với Mai Đại Lưu thì thông qua thực hành tự vấn, kích nổ hoành tráng một hỗn hợp của hình dạng và màu sắc.
Ở triển lãm "Trong rừng sâu", sự khám phá về “ngây thơ” của Mai Đại Lưu đi cùng với tham vọng cụ thể hóa một câu hỏi hiện sinh về văn minh và cấu trúc xã hội tại thời điểm nguyên thủy của loài người. Một thế giới mà con người trở thành một phần của quang cảnh: những bông hoa tồn tại và phi tồn tại cùng một lúc – hay một cách điệu của những nguyên bản sẵn có – “những bông hoa trong tâm tưởng” này đa đạng về màu sắc và quá khổ về kích cỡ khi đứng cạnh chủ thể con người trong tranh, những người cũng đang choáng ngợp bởi chính diễn cảnh lạ lẫm mà họ cư trú. Chính cái choáng ngợp đấy chuyến mình thành một đối thoại về tình yêu và sự nảy nở.
Trong những bức tranh như “Đôi tình nhân” hay “Lặng yên thấy tình yêu”, nơi mà chủ thể người xuất hiện trong trạng thái nghỉ, và vì thế, sự sống động và tính thân mật lại được tìm thấy ở những loài hoa đua nở trên phông nền. Trong trường hợp này, những bông hoa trở thành một điểm cầu cho hy vọng trong vô vàn những hình hài khác nội hàm trong trí tưởng tượng của Mai Đại Lưu.
Ở triển lãm lần này, rất nhiều những bức tranh khổ lớn (lên tới tám mét chiều ngang) như “Trong rừng sâu” và “Ngắm nhìn hoa nở” được sắp đặt san sát nhau thành một dải dày đặc, liên tiếp, dần dần trung hòa không gian theo tỷ lệ 1:1 đến khi tiếp nhận vật lý của ta hòa làm một với môi trường trong tranh. Thông qua đó, "Trong rừng sâu" trở thành một lời mời gọi chuyển giao thực tại của chính mình qua một cú ngã thức thời – một trải nghiệm ngắn hạn của một người đồng cư trong môi trường mởi khởi tạo.
Chia sẻ về quá trình thực hành của mình, Mai Đại Lưu không hề phác thảo hay lên kế hoạch sơ bộ cho tác phẩm trước khi vẽ. “Nghệ thuật đi ra khỏi con người một cách tự nhiên”, anh chia sẻ. Ngay khi đầu cọ va chạm với mặt toan, anh liền cho phép tiềm thức của mình dẫn lối các ngón tay, hành động mà theo anh, đóng vai trò như một nỗ lực để “sống” cùng tác phẩm. Những nét cọ trở nên cảm tính và luôn luôn sẵn sàng dạo bước trên toan. Đối với Mai Đại Lưu, việc vẽ, việc sống, tưởng tượng và mường tượng giải thể thành một tự giác cơ thể thống nhất và kết thúc bằng những bất ngờ./.