Tủ sách Nghĩa Hưng - Chan chứa nghĩa tình
VOV.VN - Sự kiện lập tủ sách tại xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường - Tỉnh Vĩnh Phúc là cơ duyên lớn, xuất phát từ những con người dành nhiều tâm huyết và nghĩa tình với vùng đất này.
Là người con của miền đất Hạ Hòa - Phú Thọ nhưng nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển luôn coi xã Nghĩa Hưng - huyện Vĩnh Tường - tỉnh Vĩnh Phúc là quê hương thứ hai của mình. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Nhà văn, Nhà báo Nguyễn Uyển đã gắn tuổi trẻ của mình với Nghĩa Hưng khi ông sinh cơ, lập nghiệp với nghề giáo tại nơi này. Và cũng chính miền đất ấy đã chào đón người con trai cả của ông chào đời. Ông thương mến đặt tên anh là Hồng Nghĩa, Nghĩa chính là dấu ấn sâu đậm - Nghĩa Hưng. Và rồi, ý tưởng thực hiện tủ sách tại Nghĩa Hưng đến với ông đầy bất ngờ, nhưng rất hữu duyên.
Nhà văn, Nhà báo Nguyễn Uyển cho biết: "Ý tưởng bắt nguồn từ anh Hải Thanh - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc. Cách đây nửa năm anh gặp tôi, anh nói đã xin đề án làm tủ sách gửi tặng nhân dân xã Nghĩa Hưng. Tôi thấy ý tưởng hay quá. Tôi về làm việc trực tiếp với xã Nghĩa Hưng thấy các lãnh đạo rồi mọi người rất nhiệt tình. Đó là một xã biết chuộng sách, quý sách, yêu sách. Tôi đưa thông tin lên facebook đã có rất nhiều các anh chị góp sách như: Đây là nơi đầu tiên làm ở Vĩnh Phúc. Tôi mong muốn nếu làm tốt thì sẽ nhân rộng mô hình, có thể làm mô hình nhỏ hơn, để đưa sách về nông thôn".
Nhà thơ Hải Thanh - Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Phúc, cũng là một người tâm huyết với việc phát triển văn hóa đọc tại địa phương cho biết: Từ nhiều năm nay, Hội VHNT Vĩnh Phúc luôn mong muốn hiện thực hóa ý tưởng xây dựng tủ sách tại địa phương nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định lấy 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, càng hối thúc Hội bắt tay cùng nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển thực hiện sớm chủ trương ươm gieo tri thức.
"8 năm qua từ khi có Ngày sách Việt Nam, chúng tôi chủ trương thực hiện tủ sách cho các địa phương. Được sự giúp sức của nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển và các anh chị giúp sức, chúng tôi đã làm được tủ sách với 1.500 cuốn sách các loại tại xã Nghĩa Hưng. Đây không phải lấp lỗ hổng mà tôi muốn làm nhỏ, đóng góp một niềm vui nho nhỏ cho tiêu chí văn hóa của nông thôn mới đầy đặn hơn. Làm được điều tốt, gieo điều tốt trong thiên hạ dù ít hay nhiều cũng gặt được điều tốt trong tương lai"- Nhà thơ Hải Thanh chia sẻ.
Là một xã thuần nông, công tác giáo dục, bồi dưỡng tri thức đối với thế hệ trẻ luôn được các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm, chú trọng. Việc được đón nhận tủ sách do Hội VHNT Vĩnh Phúc và nhà văn Nguyễn Uyển trao tặng, theo ông Trần Văn Thái - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hưng, đó là niềm vui gắn với nhiều ý nghĩa. Ông cho biết, nhằm nâng cao tối đa hiệu quả của tủ sách, xã sẽ chỉ đạo thực hiện các tủ sách mini tại nhà văn hóa của 7 thôn trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Thái cho biết, "Được UBND Tỉnh, Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc, nhà văn - nhà báo Nguyễn Uyển và nhà văn, nhà báo cả nước đưa ra chương trình này, ngay sau đó chúng tôi đã họp Đảng ủy, Ủy ban, chúng tôi thấy việc này rất bổ ích và nó có tác dụng đầu tư chiều sâu đến mọi người dân về nhận thức để nâng cao làm kinh tế và con em học tập tốt hơn, đưa Nghĩa Hưng đến văn hóa đọc sách sâu rộng hơn".
Buổi trao tặng tủ sách diễn ra ấm áp, thân tình và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo bà con nhân dân xã Nghĩa Hưng, nhất là các em học sinh đang đeo trên vai chiếc khăn quàng đỏ. Trên tay cầm cuốn sách viết về chủ tịch Hồ Chí Minh, em Nguyễn Thảo Phương, lớp 6, trường THCS Nghĩa Hưng nở nụ cười rạng rỡ nói về niềm vui khi em và các bạn sẽ được thỏa sức đọc nhiều cuốn sách hay ngay tại quê hương mình.
Theo Thảo Phương, quanh em còn nhiều bạn say mê những trò giải trí trên không gian mạng, thờ ơ với sách. Em mong thời gian tới mình sẽ trở thành nhóm trưởng trong đội đọc sách thôn Chùa- nơi em sinh sống.
"Em thấy rất vui khi khai trương tủ sách của xã Nghĩa Hưng. Em rất thích đọc sách. Em thích các tập thơ hay những cuốn sách viết về Bác Hồ như “Nhật ký trong tù” hay “Bác Hồ với phụ nữ Hà Nội”. Khi tủ sách về đến làng Chùa của em, em sẽ thuyết phục để các bạn đi đọc sách cùng mình".
Bên cạnh các em học sinh, những người lớn tuổi như ông Phan Huy Nở, thôn Sen cũng hết sức quan tâm và phấn khởi khi tủ sách được lập tại xã nhà. Ông hy vọng tủ sách sẽ ươm mầm tri thức tới thế hệ con em: "Đối với người dân xã Nghĩa Hưng, đây là lần đầu tiên được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư tủ sách cho địa phương. Mọi người dân vui vì mong muốn được áp dụng khoa học, kỹ thuật trong những cuốn sách vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, động viên các cháu tham gia đọc sách tại thư viện xã thường xuyên là một việc rất tốt để các cháu học hỏi, mở mang, học tập tốt hơn".
Tủ sách thực sự là một thư viện thu nhỏ khi rất nhiều đầu sách thuộc mọi lĩnh vực được quy tụ. Nhiếp ảnh gia Trần Hồng đã góp 5 cuốn sách ảnh về mẹ và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp cho tủ sách xã Nghĩa Hưng với tất cả những tình cảm và hy vọng. Đã gần 80 tuổi, ông vẫn nhanh nhẹn cùng chiếc máy ảnh trên tay ghi lại nhiều bức hình kỷ niệm tại buổi lễ. Điều khiến ông tâm đắc chính là việc ông đã đích thân mang những tác phẩm của mình về với Vĩnh Phúc, tận tay trao cho các em học sinh như một sự tiếp nối và hy vọng.
"Ở Hà Tĩnh có rất nhiều xã làm, có những xã khi tổ chức rầm rộ lắm nhưng sau đó người đọc rất ít. Tôi mong và hy vọng ở đây không như thế vì thấy khuôn mặt rạng rỡ của các cháu học sinh. Thực sự ở đây cũng như quê tôi, rất khó khăn, nhưng nếu sách đến được với các cháu thì mở ra một thế giới mới. Ở quê tôi có xã làm tốt nhưng có xã lại mang tính hình thức. Ở Nghĩa Hưng cũng là điểm khởi đầu của Vĩnh Phúc để văn hóa đọc trở về đúng vị trí. Không đọc sách thì tâm hồn cằn cỗi" - Nhiếp ảnh gia Trần Hồng cho biết.
Có lẽ, lời bày tỏ của nhiếp ảnh gia Trần Hồng khiến chúng ta phải suy ngẫm: Mở tủ sách ra, có nơi rầm rộ, có nơi im ắng, làm sao để tủ sách hoạt động thực sự có hiệu quả chứ không chỉ mang tính hình thức, không bị lãng quên là điều thực sự khó. Ngoài sự quan tâm của các Ban, Ngành và những người dành tâm huyết để lập nên nó, cũng rất cần sự đồng thanh tương ứng trong cộng đồng với mọi lứa tuổi, cùng nâng cao tinh thần đọc, văn hóa đọc./.