Văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa
VOV.VN - Trong xu thế hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng và thời đại toàn cầu hóa hiện nay, ngoại giao văn hóa được coi là “sức mạnh mềm” hay “quyền lực mềm”, giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia.
Nếu thế kỷ XX là thế kỷ của ý thức hệ, thì thế kỉ XXI là thế kỷ của văn hóa. Trong tương lai các quốc gia trên thế giới có thể sẽ quy tụ với nhau thành nhiều nhóm dựa trên văn hóa và tôn giáo. Trong thế kỷ này người ta sẽ hỏi “Anh là ai?” thay vì “Anh thuộc phe nào” như thời kỳ trước. Điều đó, có nghĩa là, đã có một sự chuyển biến về nhận dạng từ phe phái sang diện mạo. Câu trả lời trước tiên là dựa vào diện mạo văn hóa, bởi vì văn hóa gắn liền với con người trong thế giới hiện đại.
Mặt khác, lịch sử vận động và phát triển của các nền văn hóa là lịch sử của quá trình giao lưu, tiếp xúc, tiếp biến các giá trị văn hóa. Cùng với quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, giao thoa văn hóa đang trở thành một hiện tượng tất yếu mà không có một nền văn hóa nào có thể đứng ngoài. Mỗi nền văn hóa muốn phát triển, bên cạnh việc giữ gìn, cần mở cửa tiếp nhận những luồng gió văn hóa mới, tiến bộ để làm phong phú, sâu sắc hơn giá trị văn hóa của mình, đồng thời mở ra cơ hội quảng bá hình ảnh văn hóa của mình ra thế giới. Chính vì vậy, trong ngoại giao hiện đại, các quốc gia đều quan tâm đến quy luật, tác động của giao thoa văn hóa.
Trong xu thế hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng và thời đại toàn cầu hóa hiện nay, ngoại giao văn hóa được coi là “sức mạnh mềm” hay “quyền lực mềm”, giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia, góp phần bảo vệ an ninh, phục vụ phát triển và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Nhiều nước thậm chí còn xem ngoại giao văn hóa là “then chốt của ngoại giao nhà nước” trong thế kỷ XXI. Cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa ngày nay đã trở thành một trong ba trụ cột của ngoại giao toàn diện, hiện đại, vừa là nền tảng, vừa là biện pháp và mục tiêu của chính sách đối ngoại Việt Nam. Điều này, đã được Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng với ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa”.
Trong xu thế toàn cầu hóa đang ngày càng mạnh mẽ, tác động đến các quốc gia – dân tộc, đã đặt các nước, các khu vực trên toàn cầu vào sự phụ thuộc và tùy thuộc lẫn nhau, không một thực thể nào có thể tồn tại độc lập, biệt lập, càng không thể phát triển trong tính đơn tuyến, trong trạng thái ốc đảo, khép kín. Mở cửa và hội nhập do đó cũng trở thành môt sự lựa chọn giải pháp tất yếu, phổ biến đối với tất cả các nước khi tiến hành cải cách đổi mới. Các dân tộc tham gia vào quá trình này có cùng mục tiêu phát triển, đồng thời cùng nhau nỗ lực và hợp tác để tăng cường tính đa dạng văn hóa cho mình. Đó là hoạt động đem đến đồng thời là sự lĩnh hội, sự tiếp nhận. Đó là sự đóng góp sáng tạo mà cũng là sự chon lọc và lựa chọn rất nhiều lĩnh vực, quan hệ và chiều cạnh, làm giàu có vốn xã hội của mình và làm phong phú cho văn hóa dân tộc cũng như văn hóa thế giới.
Đối với nước ta, bằng lao động sáng tạo, ý chí đấu tranh bền bỉ, kiên cường trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng, nhân dân ta đã xây đắp nên nền văn hóa phong phú và đa dạng mang bản sắc Việt Nam. Nó là kết tinh sức mạnh và in đậm dấu ấn bản sắc, chứng minh sức sống kiên cường và bền vững của các dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hiện nay chúng ta đang tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập với khu vực và thế giới. Lấy những di sản văn hóa vật chất và tinh thần thiêng liêng của cha ông để làm điểm tựa phát triển đi lên, chúng ta càng có quyền tự hào và tin tưởng ở tương lai đất nước, càng phải chăm lo xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mở rộng giao lưu với thế giới và khu vực, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa nhân loại, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế./.