Văn hóa và con người Hà Nội quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô

VOV.VN - Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã trình bày 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam và khắc phục những hạn chế, yếu kém, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô.

Phát biểu từ điểm cầu Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Năm 2020, Thủ đô Hà Nội tròn 1010 tuổi, được thế giới biết đến là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hoà bình”, “Thành phố sáng tạo”, nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế quan trọng. Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong xây dựng và phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Trong 35 năm đổi mới, Đảng bộ Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, thành phố luôn đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ (2020-2025) tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội. Đại hội cũng xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.

Để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, ông Nguyễn Văn Phong cho biết Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa bảo đảm đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá với 6 nhóm nội dung trọng tâm.

Một là, nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền thành phố. Đồng thời, thấu suốt quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển, vừa bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vừa thúc đẩy và đặt đúng vai trò chủ thể của người dân, các cơ quan, tổ chức, người thực hành văn hóa trong xây dựng và phát triển văn hóa tại Thủ đô; khẳng định con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội.

Hai là, định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo” - một động lực mới, thương hiệu mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận năm 2019, gắn với mục tiêu phát triển Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2045.

Ba là, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Trong đó, coi trọng xây dựng, thực hành văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Đảng về nêu gương và tinh thần Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII,  XIII)...

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện 2 Quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội đã ban hành; khuyến khích xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân mang bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội; thúc đẩy đưa các mô hình văn hóa gia đình, cộng đồng, trường học, nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đi vào thực chất, có hiệu quả và sức lan tỏa trong xã hội. 

Bốn là, tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, con người Hà Nội nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có khát vọng đổi mới sáng tạo, có ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa lịch sử Hà Nội bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Sáu là, phát huy tối đa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước, quan hệ kinh tế, thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; những “thương hiệu” được quốc tế vinh danh; cùng với tinh thần chủ động và sáng tạo trong hội nhập quốc tế về văn hóa để đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế.

Triển khai xây dựng mạng lưới “Sáng kiến Hà Nội” để thu hút, tập hợp, phát huy tâm huyết, trí tuệ và tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, cộng đồng… ở trong nước cũng như quốc tế tham gia đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị

VOV.VN - Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị cần quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa; bởi văn hóa giữ vai trò điều tiết và định hướng sự phát triển của xã hội và cột mốc văn hóa trong tâm trí mỗi con người là cột mốc vững chắc nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị

VOV.VN - Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị cần quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa; bởi văn hóa giữ vai trò điều tiết và định hướng sự phát triển của xã hội và cột mốc văn hóa trong tâm trí mỗi con người là cột mốc vững chắc nhất.

“Hội nghị Diên Hồng về văn hóa của Đảng”
“Hội nghị Diên Hồng về văn hóa của Đảng”

VOV.VN - Hôm nay 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Đây là sự kiện chính trị văn hóa rất quan trọng, được ví như “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa của Đảng”.

“Hội nghị Diên Hồng về văn hóa của Đảng”

“Hội nghị Diên Hồng về văn hóa của Đảng”

VOV.VN - Hôm nay 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Đây là sự kiện chính trị văn hóa rất quan trọng, được ví như “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa của Đảng”.

Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước
Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước

VOV.VN - Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đưa ra một số định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới.

Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước

Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước

VOV.VN - Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đưa ra một số định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới.