“21 năm nối lại đôi bờ” kể giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc

VOV.VN - Người kể ở đây đã phổ vào cuốn sách tâm sự đau đáu của người lính Nam Bộ tập kết ra Bắc với khát vọng trở về giải phóng quê hương...

Tháng 7 năm nay, vừa tròn 65 năm ngày ký Hiệp định Genève (20/7/1954 – 20/7/2019) lập lại hoà bình ở Đông Dương. Theo hiệp định này, Việt Nam tạm thời chia thành hai miền, sau hai năm sẽ có Tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước. Nhưng thực tế lại khác hẳn. Đồng bào hai miền Bắc-Nam đã phải trải qua biết bao đau thương mất mát, chiến đấu kiên cường mới thực hiện được ý chí sắt đá “Việt Nam thống nhất”, “Bắc Nam sum họp một nhà”.

Quá khứ đã lùi xa, nhưng cũng nên nhắc lại cho các thế hệ Việt Nam ngày nay hiểu về một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Ông Nguyễn Long Trảo - một “anh bộ đội miền Nam “tập kết ra Bắc” tháng 7/1954 đã dày công sưu tầm tài liệu để khắc hoạ lại một thời không quên ấy trong các cuốn sách của mình. Nói là “các cuốn sách” vì vài năm trước đây, do sự động viên của người con gái và sự thôi thúc của một người lính, ông đã có tập hồi ký “Khi Tổ quốc gọi tên mình” kể lại cuộc đời của một thanh niên Nam Bộ, nghe theo tiếng gọi “mùa thu rồi, ngày 23” mà lên đường chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất 30/4/1975. Cuốn hồi ký được dư luận hoan nghênh, được biên tập lại, tái bản và Thành đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức giao lưu giữa tác giả với bạn đọc trẻ tuổi, có tiếng vang lớn.

Cuốn sách “21 năm nối lại đôi bờ” (nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh) là sự tiếp nối của tập hồi ký “Khi Tổ quốc gọi tên mình”. Sách gồm 4 phần lớn. Phần thứ nhất “Chuyện những người đi tập kết”. Phần thứ hai “Chuyện những người đi B”. Phần thứ ba: "Chuyện những người ở lại”. Phần thứ tư “Tấm lòng nhân dân miền Bắc”.

Nguyễn Long Trảo là con thứ 8 trong một gia đình đông con ở vùng Cao Lãnh. Sau cách mạng tháng 8/1945, rồi Nam Bộ kháng chiến, ông cùng với nhiều người thân trong gia đình lần lượt tham gia kháng chiến. Câu chuyện trong sách bắt đầu vào năm 1952 sau khi ông tốt nghiệp trường lục quân Trần Quốc Tuấn – phân hiệu Nam Bộ và được điều về làm cán bộ tác chiến Tiểu đoàn chủ lực 302 của miền Đông Nam Bộ. Tin về việc ký kết Hiệp định Genève đến với những người chiến sĩ như ông thật đột ngột. Tuy vui vì “có hoà bình” nhưng cũng làm nảy sinh hàng loạt băn khoăn. Có những băn khoăn chỉ đến hôm nay mới giải toả hết, được ông bộc bạch trong các trang viết. Và theo ông ở thời điểm ấy “khó có thể làm khác hơn”.

Toàn bộ cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 302 tập kết ra Bắc đi theo đường Cao Lãnh. Những chương Nguyễn Long Trảo viết về cuộc hành quân ra Bắc thật chi tiết, cụ thể, hiếm có người kể lại. Người đi, người ở lại chia tay trong bịn rịn, chia tay trong nước mắt và với lời thề chung thuỷ sắt son với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc và gia đình. Ta được biết thêm một chi tiết thú vị: những cán bộ chiến sĩ  đi tập kết cùng nhân dân địa phương Cao Lãnh đã tu bổ, tôn tạo khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi chụp ảnh mang ra Thủ đô kính dâng lên Bác.

Ra Bắc, Nguyễn Long Trảo được Quân đội cử đi học kỹ thuật tại Trung Quốc. Về nước, ông trực tiếp sửa chữa khí tài phòng không cho bộ đội ta. Có những chuyến công tác đi bằng xe đạp vào “đất lửa khu 4”. Tính cách của một chàng trai Nam Bộ bộc lộ rõ trong cách hành xử của ông, rõ nhất là việc ông từ chối khi cấp trên điều ông sang hoạt động tình báo. Sau ngày đất nước thống nhất, trở về quê hương, lặn lội đi tìm, bảo lãnh cho người thân bị buộc phải làm việc cho chế độ Sài Gòn. Rồi sau đó, xin giải ngũ với lý do đơn giản: chiến tranh đã chấm dứt.

Là một sự tình cờ, ông gặp gỡ kết duyên chồng vợ với Năm Hồng, con gái cụ Ca Văn Thỉnh và trở thành anh rể của Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân). Phần thứ hai của cuốn sách “Chuyện những người đi B” đã dành khá nhiều trang kể về ba người thân của ông từ đất Bắc trở về miền Nam (đi “B”) chiến đấu, “anh Ba Thanh Nha, anh Bảy Noãn” và Lê Anh Xuân, người em vợ mà ông quý mến. Anh Ba Thanh Nha khi ra Bắc hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Vở diễn “Tiếng sấm Tây Nguyên” mà ông là tác giả đã gây được tiếng vang lớn trên đất Bắc thời chống Mỹ. Trở về Nam, anh Ba Thanh Nha là soạn giả thường trực của đoàn Văn công Giải phóng. Những trang viết của Nguyễn Long Trảo cùng những hồi ức của bạn bè anh Ba Thanh Nha làm sáng lên hoạt động của một lớp văn nghệ sĩ ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam và các địa phương.

Với lòng tiếc thương, Nguyễn Long Trảo đã dày công đọc lại những di cảo của Ca Lê Hiến – Lê Anh Xuân, người em vợ đã hy sinh anh dũng. Trong tập sách này, ông trích nhiều đoạn nhật ký của Lê Anh Xuân từ ngày lên đường về Nam 22/12/1964 cho đến ngày hy sinh 24/5/1968. Trong khoảng thời gian 1.250 ngày đêm sống chết ở chiến trường, Lê Anh Xuân có đúng 416 lần ghi nhật ký, không chỉ những điều riêng tư, mà còn là những cảm xúc trước những điều “tai nghe mắt thấy” - một dạng “nhật ký chiến trường”. Và thơ của Lê Anh Xuân nữa. Từ những ngày sống trên đất Bắc “Quê hương đang nước sôi lửa bỏng/ Lẽ nào ta lại sống bình yên/ Ôi ta thèm được tay cầm khẩu sung/ Đi giữa đoàn quân cùng với bạn bè/ Nằm chờ giặc trên quê hương anh dũng/ Ta say nồng mùi lá rụng bờ tre” cho đến khi về tới quê hương Bến Tre (9/8/1965)…”Bến Tre ơi! Ta về đây/ Bao đêm ta nhớ bao ngày ta mong/ Đây rồi dòng nước Cửu Long/ Đây rồi đảo biếc mêng mông rừng dừa/…Ta cầm nắm đất cha ông/ Nghe thiêng liêng ngọn lửa hồng trong tay/ Bao người ngã xuống nơi đây/ Biết bao cay đắng đất này người ơi!”.

Lê Anh Xuân đã sống một thời “ngày Bắc đêm Nam”. Và khi trở về miền Nam, lại xôn xao khi nghĩ về đất Bắc, nơi có người vợ chưa cưới ( Bùi Xuân Lan cùng quê hương Nam Bộ) đang chờ mong. Và đây là bài thơ gửi đến người yêu dấu (24/8/1965): Về đi em:

Về đi em! Hỡi em yêu quý

Về với quê hương rợp bóng dừa xanh

Chắc em đã sẵn sàng rồi nhỉ

Em chờ ngày như khi đứng chờ anh…

…Em còn thức hay em đã ngủ?

Ôi Hà Nội đường thơm hoa sữa

Em có nghe ngoài cửa, cây xanh

Đang rì rào tiếng vọng của anh

Chắc em đã sẵn sàng rồi nhỉ

Một chiếc ba lô, một tâm hồn nghệ sĩ

Có phải em đêm ngủ không yên

Khúc quân hành đang giục giã trong tim”.

Ngày 24/5/1968, Lê Anh Xuân anh dũng hy sinh ở ấp Phước Quang xã Phước Lợi huyện Cần Đước tỉnh Long An trong đợt 2 của cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Anh còn kịp để lại bài thơ “Chào anh Giải phóng quân” mà khi được in ra, đổi thành “Dáng đứng Việt Nam”…

Anh chẳng để lại gì cho anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ: 

Anh là chiến sĩ Giải phóng quân,

Tên anh đã thành tên đất nước

Ôi anh Giải phóng quân!

Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

Phần thứ ba của tập sách “Chuyện những người ở lại” là những trang ghi ghép của Nguyễn Long Trảo về chuyện kể “người thật việc thật” mà ông gặp sau ngày đất nước thống nhất và trong quá trình biên soạn tập sách “21 năm nối lại đôi bờ”, trong đó có chuyện học sinh các cấp ở Cao Lãnh biểu tình chống địch phá “Đài chiến sĩ” mà bộ đội tập kết dựng giữa nội ô thị trấn Cao Lãnh. Ở đây có câu chuyện về “tiểu đoàn Lý Thường Kiệt” (do tỉnh uỷ Vĩnh Long thành lập) trước ngày miền Nam “đồng khởi” mang danh nghĩa giáo phái ly khai về hoạt động ở vùng Hoà Hảo thuộc hai huyện Bình Minh và Lấp Vò… Những trang hồi ức của những người trong cuộc là những sử liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về một thời “Nam Bộ thành đồng”, “đi trước về sau”.

Phần thứ tư của tập sách “Tấm lòng nhân dân miền Bắc”, Nguyễn Long Trảo ngợi ca tình nghĩa thuỷ chung với đồng bào miền Nam của nhân dân đất Bắc. Qua phát biểu của cán bộ chiến sĩ miền Nam đã từng sống trên đất Bắc, của đồng bào chiến sĩ “hậu phương lớn” vừa kiên cường chiến đấu đánh trả cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân Mỹ, vừa chi viện sức người sức của cho “tiền tuyến lớn” miền Nam, Nguyễn Long Trảo đã cắt nghĩa nguyên nhân thắng lợi của cuộc chiến đấu suốt 30 năm ròng vì độc lập tự do, vì thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Trong lời bạt, Phó giáo sư, Tiến sĩ ngữ văn Phạm Thành Hưng (giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Hà Nội) viết rất hóm hỉnh rằng nếu nhìn ảnh, xem tướng mạo, lướt nhanh những trang đầu về lý lịch quân nhân, người đọc có thể đoán: đây là cuốn thuộc dòng hồi ký tướng lĩnh, tác giả Nguyễn Long Trảo phải là một vị tướng. Đọc xong, mới hiểu vì sao ông không phải là một vị tướng, cũng không thành một cán bộ cao cấp trong quân đội.  Khi đã hiểu rồi, người đọc yêu mến tác giả hơn…độc giả chắc sẽ cảm thấy rất may là: tác giả không thành nột vị tướng. Vì nếu ông thành tướng, độc giả không có cuốn sách như thế này để đọc. Quân đội chúng ta có thể thiếu đi một vị tướng, nhưng đời sống văn hoá, văn học Việt Nam sau chiến tranh của chúng ta nhờ “thiếu tướng” ấy mà có thêm một cây bút, thêm một tác phẩm chào đời… Người kể ở đây đã phổ vào cuốn sách tâm sự đau đáu của người lính Nam Bộ tập kết ra Bắc với khát vọng trở về giải phóng quê hương, mong ước tới ngày thống nhất hai miền, non sông một dải…Độc giả mà ông nhằm tới chính là những thế hệ trẻ của hôm nay và của những thập niên đang tới.

Bạn Hồ Khánh Vân (khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – thành phố Hồ Chí Minh) tâm sự: “thế hệ trẻ chúng tôi cũng sẽ thiệt thòi nếu như không có những người kể chuyện thời trước, những người mang lịch  sử đến hiện tại bằng ký ức…khi cầm trên tay tập hồi ức chiến tranh (21 năm nối lại đôi bờ), chúng tôi ý thức được rằng chỉ là những mảnh giấy kể chuyện mà đã lưu giữ một phần gia tài quá khứ của dân tộc từ sự trải nghiệm của con người có thật trong lịch sử… Thế hệ thời hậu chiến chúng tôi thực sự biết ơn từng câu chuyện kể, để chúng tôi hiểu cội nguồn của mình, để chúng tôi biết quá khứ của giống nòi, không phải theo một cách trừu tượng, mơ hồ mà rất chân thực, sống động, đủ đầy màu sắc, hình hài, đủ đầy cảm xúc của con người có thực: con người lịch sử, con người nhân văn”.

Ông Lê Minh Hoan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp khi nhận lời viết bài giới thiệu cuốn sách “21 năm nối lại đôi bờ” của ông Nguyễn Long Trảo, một lão thành cách mạng tuổi đã gần 90, đã nói rất hay rằng:  Thời đại Hồ Chí Minh đã viết lên câu chuyện thần kỳ: “Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Và thời đại Hồ Chí Minh cũng đã làm nên câu chuyện “21 năm nối lại đôi bờ, non sông liền một dải”, một giai đoạn hào hùng mà cũng lắm đau thương của toàn dân tộc…Lịch sử dân tộc là không thay đổi, nhưng nó yêu cầu mỗi người chúng ta phải đứng trên nghĩa cả dân tộc mới có được cách nhìn chuẩn xác đối với lịch sử. Đó là cái nhìn bao dung với quá khứ, cái nhìn trân quý trong hiện tại, cái nhìn lạc quan ở tương lại…Giờ là lúc tất cả cùng nhìn về phía trước, sống, học tập, làm việc, cống hiến sao cho xứng đáng với cộng đồng thương yêu, đoàn kết đang sống quanh ta.

Cảm ơn tác giả Nguyễn Long Trảo đã gửi gắm biết bao tình cảm, niềm tin cho thế hệ tương lại bằng những khắc hoạ sống động ghi lại những câu chuyện quá khứ. Câu chuyện "21 năm nối lại đôi bờ” sẽ mãi mãi còn in đậm trong tim những thế hệ tiếp theo”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Nhớ thương ở lại” - Nơi neo giữ tình thương
“Nhớ thương ở lại” - Nơi neo giữ tình thương

VOV.VN -Tập thơ “Nhớ thương ở lại” gồm 28 bài thơ kết tinh từ nỗi nhớ thương, tình cảm thiết tha, trĩu nặng của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ.

“Nhớ thương ở lại” - Nơi neo giữ tình thương

“Nhớ thương ở lại” - Nơi neo giữ tình thương

VOV.VN -Tập thơ “Nhớ thương ở lại” gồm 28 bài thơ kết tinh từ nỗi nhớ thương, tình cảm thiết tha, trĩu nặng của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ.

Nhà thơ Phan Vũ của “Em ơi Hà Nội phố” qua đời ở tuổi 93
Nhà thơ Phan Vũ của “Em ơi Hà Nội phố” qua đời ở tuổi 93

Bạn bè, gia đình thông báo nhà thơ Phan Vũ đã qua đời vào sáng 17/7, sau thời gian dài hôn mê do bệnh tật và sức khoẻ suy kiệt. 

Nhà thơ Phan Vũ của “Em ơi Hà Nội phố” qua đời ở tuổi 93

Nhà thơ Phan Vũ của “Em ơi Hà Nội phố” qua đời ở tuổi 93

Bạn bè, gia đình thông báo nhà thơ Phan Vũ đã qua đời vào sáng 17/7, sau thời gian dài hôn mê do bệnh tật và sức khoẻ suy kiệt. 

Cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”: Tôn vinh nông dân
Cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”: Tôn vinh nông dân

VOV.VN - Cuộc thi nhận được hơn 40 tác phẩm dự thi với chất lượng khá đồng đều. Bên cạnh những cây bút không chuyên còn có cả những nhà văn chuyên nghiệp.

Cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”: Tôn vinh nông dân

Cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”: Tôn vinh nông dân

VOV.VN - Cuộc thi nhận được hơn 40 tác phẩm dự thi với chất lượng khá đồng đều. Bên cạnh những cây bút không chuyên còn có cả những nhà văn chuyên nghiệp.