Bút ký “Nơi tìm về” khắc họa những năm tháng hào hùng trên tuyến lửa Vĩnh Linh
VOV.VN - Sáng nay (30/7), Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Ban Thư ký biên tập VOV tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Nơi tìm về” của nhà báo Vĩnh Trà (Trần Đức Nuôi).
Nhà báo Trần Đức Nuôi, bút danh Vĩnh Trà, nguyên Trưởng Ban Thư ký biên tập VOV, sinh năm 1946, quê ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được nhận về Ban Biên tập, Đài phát thanh Giải phóng A. Năm 1972, nhà báo Trần Đức Nuôi khoác ba lô cùng đồng nghiệp rời Hà Nội vào chiến trường Trị Thiên khốc liệt, trở thành phóng viên chiến trường.
“Nơi tìm về” là tập hợp những bút ký của ông viết về tuyến lửa Vĩnh Linh trong thời kỳ chống Mỹ, là ký ức về sự chịu đựng và sức chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ và người làm phát thanh tại một vùng đất có sự gắn bó đặc biệt với VOV. Đây là một trong 4 tập bút ký ghi lại những năm tháng hào hùng, những tên đất tên người gắn liền với cuộc sống chiến đấu của đồng bào chiến sĩ tuyến lửa của nhà báo Vĩnh Trà viết về chuyện đời, chuyện nghề.
Nhà báo Phan Quang (nguyên Tổng Giám đốc VOV) chia sẻ cảm nhận trong cuốn sách: "Đặt bước vào nghề, Trần Đức Nuôi viết nhiều thể loại báo chí và văn học. Thế mạnh của anh là bút ký. Ở VOV, Trần Đức Nuôi làm nhiều việc, giữ nhiều chức trách, nhưng với anh đi, đọc, nghe, nhìn, viết là niềm đam mê. Cây bút Vĩnh Trà - đứa con của Vĩnh Linh đất đỏ lòng vàng vươn lên từ bấy giờ và ngày càng vững tay.
Sau ngày nghỉ hưu (2007) anh dồn sức cho trang viết. Bởi anh quan niệm “nghề Báo là nghề không hưu”. Hai mươi tập truyện ngắn, tiểu thuyết bút ký của nhà báo, nhà văn Vĩnh Trà lần lượt ra đời trong năm tháng được gọi là “tỷ phú thời gian” ấy. Hầu như trong tác phẩm nào cũng có bóng dáng đất và người Vĩnh Linh. Đậm đặc và sống động nhất là đặc khu Vĩnh Linh thành miền đất lửa, thành lũy thép anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước qua từng trang bút ký".
Theo nhà báo Phan Quang, tập bút ký “Nơi tìm về” bao gồm những bài viết nhanh, sống động, hấp dẫn, nhiều chi tiết của một người chan hòa trong cuộc sống, xa quê mà lúc nào cũng gắn bó với quê hương.
Chia sẻ về tác phẩm của mình, nhà báo Trần Đức Nuôi cho biết: “Ai sinh ra trên đời cũng có một miền quê, một miền đất để nhớ, một chốn đi về. Tôi không là ngoại lệ. Một miền quê có dáng hình, cảnh quan, sắc thái, cốt cách riêng. Cái rất riêng ấy là miền ký ức để nhớ, để thương, để không khi nào quên dù ở đâu, đi đâu trên đất nước này, trên trái đất này.
Vĩnh Linh quê tôi là vùng đất eo thắt của hình chữ S, đến củ khoai, củ sắn cũng eo thắt như hình đất nước. Theo miêu tả của nhà thơ Phạm Đình Ân “Tưởng có thể một tay vục vào biển cả/Bàn tay kia vươn tới dãy Trường Sơn”...
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954) vĩ tuyến 17 chạy ngang qua quê tôi trở thành ranh giới éo le và khắc nghiệt của lịch sử chia cắt tạm thời hai miền đất nước. 21 năm ròng quê tôi thành tuyến lửa. Sông Bố Hải trở thành sông tuyến, cầu Hiền Lương là cầu tuyến, cột cờ Hiển Lương là cột cờ tuyến. Cuộc chiến ở mảnh đất hẹp này không chỉ là bom đạn, chết chóc mà còn giành giật nhau từng câu nói phải trái, trắng đen, chính tà trên hệ thống truyền thanh mà bà con quê tôi gọi là “loa tuyến”.
8 năm liền (1965-1973) kẻ thù đã trút xuống quê tôi vô vàn bom đạn các loại có được trong kho chiến tranh tàn độc của chúng. Tính ra mỗi người dân quê tôi từ em nhỏ mới lọt lòng mẹ đến cụ già sắp kề miệng lỗ phải chịu trên vai 7 tấn bom đạn. Chúng biến mặt đất Vĩnh Linh thành bình địa, đến mức nhà văn Nguyễn Tuân phải thốt lên nơi đây không còn một cành cây cho chim đậu. Kẻ thù có thể hủy diệt những gì có được trên miền đất lửa này, nhưng không thể khuất phục người dân quê tôi. Không sống nổi trên mặt đất, người dân quê tôi đào hầm trong lòng đất mẹ để tồn tại và chiến đấu, giành chiến thắng. Không nơi đâu có tên mới “làng hầm” như nơi đây. Và cũng không có nơi nào thực hiện cuộc hành quân vĩ đại đẩy máu lửa và đậm chất nhân văn như cuộc hành quân K.8 (1967) đưa hơn 3 vạn trẻ em, người già, phụ nữ mềm yếu từ tuyến lửa Vĩnh Linh đi dưới nắng gắt, mưa dầm và bom đạn trên chặng đường hơn 400 cây số ra miền Bắc để bảo toàn lực lượng cho mai sau.
Có nơi đâu như quê tôi, cả đặc khu Vĩnh Linh là đơn vị anh hùng, các xã, thị trấn là những đơn vị anh hùng, có nơi được vinh danh hai lần anh hùng. Đúng là “Đất nghèo nuôi những anh hùng”".
Nhà báo Trần Đức Nuôi cho biết, tất thảy những sự kiện, con số, dấu mốc ấy lặp đi lặp lại trong bút ký của mình. Với ông, đó là miền ký ức, là điệp khúc nhớ, là niềm thương, là nơi ông tìm về.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VOV, Chủ tịch LCH Nhà báo VOV chia sẻ tại lễ ra mắt sách: "Nhà báo Trần Đức Nuôi là một người có sức sáng tạo rất bền bỉ. 28 cuốn sách của ông phần lớn gắn với ký ức chiến tranh, gắn với vùng đất Quảng Trị, đặc biệt là Vĩnh Linh, một địa danh rất thiêng liêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đọc những tác phẩm của ông, chúng tôi thấy rất xúc động, cùng với đó là suy nghĩ về những giá trị hiện tại mà thế hệ này theo đuổi là gì?".