Lê Lựu - "kẻ kể chuyện" hào phóng đã về với mây trời

VOV.VN - "Lê Lựu là một tấm gương cho tôi học khi ông chăm chỉ, lam lũ cày bừa trên cánh đồng chữ để lại nhiều tác phẩm danh giá có sức sống lâu bền. Hơn nữa, ông lại bền bỉ làm đẹp một lòng nhân để chúng tôi noi gương..."

Tôi đọc biết Lê Lựu từ ngày ở trong rừng, những khi ấy anh chưa rực cháy như các anh, các bạn cùng lớp lứa trong nhà số bốn, trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, như cụ Xuân Thiều, bác Nguyễn Minh Châu, ông Nguyễn Khải hoặc Thu Bồn, thậm chí còn mờ nhạt trước cả Phạm Tiến Duật, đàn em ông v.v...

Rồi tôi có vợ lần thứ nhất. Chị vợ tôi kể chuyện “Nhà ông Lê Lựu”. Bác nhà văn yêu cháu gái xinh đẹp của một yếu nhân ngụ ở 23-25 Đặng Dung. Chị vợ cũ tôi là người đưa thư cho cả hai người. Theo chị và cả nhà phê bình, nhà thơ Trần Đăng Khoa đều nhận xét, thì Lê Lựu vẻ ngoài “quê mùa một cục” “có ăn mặc thế nào vẫn lộ ra anh nhà quê”.

Hầu hết các nhà văn Việt Nam đều xuất thân là nông dân, hay gốc gác sâu bền gắn bó với nông thôn, nên nhà văn ta ít nhiều biểu hiện căn tính nông dân cũng không lạ. Riêng Lê Lựu thì cái bản chất nhà nông lẽo đẽo như keo dính theo ông đến khi chết, may mắn, phần nhiều là các phẩm chất tốt đẹp, đặc trưng nông dân, như xuề xòa trong phục sức, mộc mạc chân thành “chân quê” ở giao tiếp. Còn cái phẩm chất nông dân Việt nữa trong ông là sự cực kì hóm hỉnh và láu lỉnh. Ông ứng khẩu đối thoại tinh ranh, lối vệt của anh nhà quê khôn ranh, thông minh. Chẳng thế ông từng có những bài phát biểu sau chuyến đi thăm Mỹ giàu chất giễu nhại. Bài nói chuyện vo ấy trước công chúng, được đám buôn bán đánh hơi thấy mùi tiền lập tức in ra băng, bán khắp châu Âu, từ Nga sang Đức. Chẳng nhà văn nào làm được như thế, một bài nói chuyện vo, in vào Cassette ở Đức bán đắt gần giá bàn là Nga.

Lê Lựu là điển hình của sự luận chữ Tài trong chữ Mầm. Cả đời ông thực sự là phu chữ, in hơn hai mươi đầu sách, cơ bản là truyện ngắn và tiểu thuyết. Con người như Lê Lựu suốt đời lao động cật lực, mài dũa ngày ngày đêm đêm cho cái chữ tài lộ ra phát sáng rực cháy, để cái mầm tài rõ ra người tài, trở thành một hiện tượng văn học trong văn đàn xứ Việt với tác phẩm "Thời xa vắng". Thực ra sau đó ông còn cuốn "Chuyện làng Cuội" đầy tâm huyết. Nhưng "Chuyện làng Cuội" cái lối kể chân thành những ẩn ức của đời sống không qua được bóng câu chuyện của Anh Sài trong "Thời xa vắng".

"Chuyện làng Cuội" bị quy chụp nặng nề thời đó được bạn vong niên Trần Đăng Khoa dũng cảm bênh vực. Khoa "đơn thương độc mã" viết thành văn bản trong "Chân dung và đối thoại": “Nhược điểm lớn nhất của cuốn sách này là nó rất dở. Sự thực chỉ có vậy. Nhân đây, tôi đề nghị các bạn đồng nghiệp và các nhà chức trách không nên dùng chữ phản động để quy chụp các nhà văn, những người phận mỏng cánh chuồn, tay yếu ruột mềm, chẳng có quyền bính gì hết. Họ chỉ có duy nhất một năng lực. Đó là phơi ruột gan mình, phơi tâm can mình ra trước cái pháp trường trắng, là trang giấy trắng đến rợn người. Sở dĩ tiểu thuyết của Lê Lựu gây cho một vài độc giả cảm giác u uất, cũng là do vấn đề đặt ra của cuốn sách. Đó là cái chuyện Cuội cả làng Cuội, cả tổng Cuội. Người ta lừa gạt nhau để sống. Cả làng sinh tồn trên sự dối trá.” – (TĐK Chân dung Lê Lựu trong Chân dung và đối thoại).

Sự thật cả đời văn như Lê Lựu thú nhận, ông chỉ là kẻ kể chuyện. Nhưng khi con người yêu thương làng quê đến đau đáu, da diết thì những câu chuyện của ông không chỉ rất đời, mà nhờ tài năng trời cho cộng với công phu rèn luyện: “... có khi chỉ chấm phá đôì ba nét qua mấy câu đối thoại ngắn gọn của nhân vật, ngòi bút Lê Lựu bỗng như xuất thần, như động gió và toả hương” - Trần Đăng Khoa - Chân dung và đối thoại.

Cuộc đời tôi gắn bó với ông từ những năm đầu thế kỉ 21. Đấy là khi tham gia cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội năm 2001-2003. Lê Lựu trong ban giám khảo cùng Xuân Thiều và Chu Lai có tiếng nói rất mạnh cho tôi đoạt giải Nhì (năm đó không có giải Nhất). Trở về nước đến tạp chí, tôi lên gác 2 thăm ông. Gian phòng chật hẹp tầng sau ngôi nhà số 4 còn có mấy cô gái trẻ giúp ông làm báo Doanh nhân gì đó. Họ đều trẻ và  rất xinh đẹp. Lê Lựu thấy tôi đến vồn vã cầm tay dẫn đi giới thiệu với mấy cô gái rất phấn khích. Thì ra ông không biết tôi đã viết văn từ những năm 85 cho báo Văn Nghệ. Ông say xưa nói về cái lạ của "Cõi Ảo", tấm tắc nói về "Nhà Ba Hộ" v.v...

Lê Lựu là lớp đàn anh, đi trước tôi cả vạn dặm, vậy mà ông cứ coi tôi như đồng nghiệp, bảo cái chuyện tình trên mạng của cậu tớ không sao viết được. Rồi dặn dò đủ thứ sau khi hỏi chuyện trời Tây của thằng lính phiêu dạt. Cái vẻ chân thành, cởi mở khích lệ cho đàn em ở ông lần ấy thật say mê như tìm được vật báu. Ông là lớp lứa đầy chữ nhân ái muốn tạo ra một dòng chảy văn học mà lớp sau kế tục lớp trước thành một dòng sông văn học cách mạng.

Rồi tôi được biết ông không chỉ đối xử với tôi như vậy. Bao nhiêu người như với nhà văn Đỗ Bích Thúy chẳng hạn. Ông dìu dắt trong giải thi từng chi tiết, từng đoạn văn. Ở câu chuyện này, ông không còn là kẻ nông phu vụng về nữa, ông là người hào phóng chia sẻ cho đàn em những kinh nghiệm mà cả đời ông gom góp. Hào sảng và không đố kị, ông đã hành động với trái tim yêu người, thấm đậm tinh thần của triết học về văn cách như cụ Lê Quý Đôn dạy trong "Vân Đài Loại Ngữ". Năm ông làm báo Doanh nhân, tôi rất vui và tự hào khi số báo đầu ông mời thi sĩ, nhà văn Trần Đăng Khoa và tôi cộng tác. “Hai cậu viết bài cho cánh tớ làm cho báo mình sang trọng”. Ở đời trong các mối quan hệ, quan trọng nhất là lòng tin. Tôi có cảm giác khi ấy ông tặng tôi một món quà vô giá.

Đời một nhà văn hay nhà thơ, may mắn lắm có vài tác phẩm. Lê Lựu là một tấm gương cho tôi học khi ông chăm chỉ, lam lũ cày bừa trên cánh đồng chữ để lại nhiều tác phẩm danh giá có sức sống lâu bền trong bạn đọc. Hơn nữa, ông lại bền bỉ làm đẹp một lòng nhân để chúng tôi noi gương mà dìu dắt, phát hiện, chăm bẵm cho các thế hệ đi sau mình.

Lê Lựu có những ngày dài trọng bệnh. Bệnh mà vẫn làm việc say sưa bồi dưỡng cho văn hóa doanh nhân. Cứ nghĩ hay nhớ đến ông mà thương cảm đến rơi lệ. Nghe tin ông mất, dù biết đó là quy luật sinh tồn mà sao tôi khôn cầm nước mắt. Nay bình tĩnh viết vài nét về ông, như một nén tâm lòng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhà văn Lê Lựu - tác giả "Thời xa vắng" qua đời
Nhà văn Lê Lựu - tác giả "Thời xa vắng" qua đời

VOV.VN - Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, nhà văn Lê Lựu ra đi ở tuổi 81.

Nhà văn Lê Lựu - tác giả "Thời xa vắng" qua đời

Nhà văn Lê Lựu - tác giả "Thời xa vắng" qua đời

VOV.VN - Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, nhà văn Lê Lựu ra đi ở tuổi 81.