Người Nga không có lỗi khi nghĩ Việt Nam gắn liền với chiến tranh!

VOV.VN - Sau 20 năm mới lại tiếp tục có truyện ngắn Việt được dịch ra tiếng Nga. Do vậy việc dịch "Ngải đắng ở trên núi" là một dấu ấn...  

Nhân tập truyện ngắn đương đại Việt Nam nhan đề “Ngải đắng ở trên núi” được dịch và xuất bản tại Moskva, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền về dự án sách này.

Lần cuối cùng, truyện ngắn Việt Nam được dịch và in bằng tiếng Nga là từ năm 1993. Như vậy, trong năm 2015, có hai quyển sách quan trọng tiếng Việt đã được chuyển ngữ ra tiếng Nga, trước tuyển truyện ngắn “Ngải đắng ở trên núi” (do Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga Việt bảo trợ), là Truyện Kiều (do người Việt tại Nga bảo trợ ấn hành).

Dịch giả Kim Hiền
PV: Sau 20 năm mới lại tiếp tục có truyện ngắn Việt được dịch ra tiếng Nga. Chỉ nói về thời gian thôi, việc ra mắt tuyển sách Ngải đắng ở trên núi thực sự là một dấu ấn lớn trong việc dịch thuật truyện Việt Nam ra tiếng nước ngoài. Là một trong những thành viên chủ chốt tham gia dịch cũng như kết nối dự án, xin chị cho biết dự án dịch sách này bắt đầu như thế nào?

Dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền: Thế hệ chúng tôi lớn lên dưới ảnh hưởng của văn học Nga, được đọc nhiều  tác phẩm kinh điển Nga chuyển ngữ sang

tiếng Việt. Thời đó, nhiều tác phẩm văn học Nga trở thành sách “gối đầu giường” của thanh niên Việt Nam; ngược lại, nhiều tác phẩm văn học Việt cũng được dịch sang tiếng Nga và được độc giả Nga đón nhận.  Trong những năm 1980-1990, NXB Cầu Vồng của Liên Xô đã tổ chức dịch và in hàng trăm tác phẩm văn học Việt Nam bằng tiếng Nga, trong đó có cả bộ tác phẩm tổng tập văn học Việt Nam đồ sộ 15 quyển. Nhưng kể từ sau khi Liên Xô tan rã, văn học Nga không còn được giới thiệu nhiều tại Việt Nam như trước. Và ngược lại, văn học đương đại  Việt Nam cũng không được dịch và xuất bản tại Nga.

Tình hình đã thay đổi kể từ năm 2012, ông Dmitri Medvedev sang thăm Việt Nam, khi đó là tổng thống Liên bang Nga. Tại cuộc tiếp xúc giữa ông Medvedev với cựu sinh viên Việt Nam từng học đại học ở Liên Xô và Nga, một số dịch giả đã đề nghị tổng thống hỗ trợ việc dịch và giới thiệu văn học Nga và Việt Nam với độc giả hai nước. Theo chỉ thị của tổng thống Nga, đề án hợp tác dịch và giới thiệu văn học hai nước được thực hiện.  Tháng 5 năm 2012, Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam và văn học Nga được thành lập, do nhà văn Thúy Toàn làm giám đốc, hai phó giám đốc là ông Lê Đức Mẫn và nhà thơ, dịch giả Thụy Anh. Còn  dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền được cử làm đại diện của quỹ tại nước Nga.

 
Chi phí mua bản quyền, tổ chức dịch và xuất bản hoàn toàn do phía Nga, cụ thể là do ngân hàng VTB của Nga tài trợ. Tức là phía Việt Nam tổ chức dịch, một nhà xuất bản Nga ở Moskva nhận tiền từ ngân hàng để in và giả nhuận bút cho dịch giả. Sách in ra không bán, mà chỉ để tặng cho các trường đại học, thư viện và độc giả.

Kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ Hỗ trợ và quảng bá văn học Việt Nam và văn học Nga đã tổ chức dịch và giới thiệu được hàng chục tác phẩm, nhưng chủ yếu là dịch văn học Nga sang tiếng Việt. Vì những lý do khách quan, mảng dịch văn học Việt Nam sang tiếng Nga có vẻ không sôi nổi bằng, mới chỉ xuất bản được hai cuốn là Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, do nữ dịch giả kỳ cựu Inna Zimonina chuyển ngữ. Quyển thứ hai chúng ta đang nói đến là tuyển truyện ngắn đương đại Việt Nam, nhan đề Ngải đắng mọc trên núi, gồm tác phẩm của các nhà văn đương đại Việt Nam nổi tiếng như Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều, Y Ban, Sương Nguyệt Minh, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Tạ Duy Anh, Thùy Linh, Thụy Anh, Võ Thị Xuân Hà, Phan Thị Vàng Anh…

Chị tập hợp đội ngũ dịch truyện này như thế nào?

Cách đây mấy năm, tôi được Hội nhà văn Việt Nam mời về dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Sau đó, tôi rất muốn làm sao để tổ chức dịch được các tác phẩm văn học Việt Nam giới thiệu với độc giả Nga. Hàng năm, chúng tôi đi Hội chợ sách quốc tế Moskva, thấy sách nước ngoài dịch rất nhiều, nhưng không hề có quyển nào của các nhà văn Việt Nam đương đại. Ở tủ sách của ban tiếng Việt nơi tôi làm việc có một số quyển của Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Đoàn Giỏi, Nam Cao, Chu Văn… được dịch sang tiếng Nga từ mấy chục năm trước, nhưng không hề có tác phẩm văn học mới giai đoạn gần đây.

Sau khi những dịch giả nổi tiếng như Marian Tkachev và Nikolai Nikulin qua đời, trong lĩnh vực dịch văn học Việt Nam sang tiếng Nga hầu như trống vắng chuyên gia dịch. Tôi đã mời một số người Nga biết tiếng Việt tham gia dịch truyện Việt Nam nhưng không mấy người nhận lời. Phần lớn các nhà Việt Nam học kỳ cựu tuổi đã cao, điều kiện sức khỏe không cho phép. Những người trẻ thì không hứng thú với việc ngồi tra từ điển, sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Việt họ đi làm ở Bộ ngoại giao, các công ty du lịch, các tập đoàn Nga có đại diện ở Việt Nam. Vả lại, dịch sách là công việc đòi hỏi có năng khiếu, sự say mê, kiên trì, có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Để dịch được một truyện, một câu, thậm chí một từ, nhiều khi dịch giả phải tra cứu về nhà văn, về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, về văn hóa, lịch sử liên quan… Mất hàng tuần, có khi hàng tháng miệt mài mới dịch được một truyện ngắn. Mà tiền nhuận bút vô cùng bèo bọt, không xứng đáng với công sức bỏ ra để trau chuốt bản dịch.

Hai dịch giả người Nga tham gia dịch cuốn sách.
Vì vậy, tham gia dịch các tác phẩm trong tập sách gồm hai người Nga, cán bộ Ban tiếng Việt đài phát thanh Tiếng nói nước Nga, nơi tôi làm việc. Đó là anh Igor Britov và chị Elena Nikulina. Hai chuyên gia này rất giỏi tiếng Việt, làm việc lâu năm ở mảng Việt Nam. Anh Igor Britov tốt nghiệp Học viện ngoại giao Moskva, chuyên gia tiếng Việt và văn học Pháp. Chị Elena Nikulina tốt nghiệp trường đại học quốc gia Moskva mang tên Lomonosov, trước đây làm ở ban biên tập tiếng Việt nhà xuất bản Tiến Bộ, sau khi Liên Xô tan rã chuyển về ban Việt ngữ đài iếng nói nước Nga.  Nhóm chúng tôi đã làm việc cùng nhau trong mấy năm liền để dịch được những truyện ngắn nổi bật của các nhà văn Việt Nam.

Chúng tôi chọn truyện để dịch từ tuyển tập mà giám đốc Quỹ quảng bá văn học Nga Việt Hoàng Thúy Toàn từ Việt Nam gửi sang. Đó là một danh sách khá đồ sộ, nhưng vì nhóm chỉ có vài người, nên cố gắng chọn những truyện tiêu biểu mà theo chúng tôi sẽ được độc giả quan tâm. Đó là những truyện phản ánh đời sống hiện thực Việt Nam giai đoạn mới đây như Mùa hoa cải bên sông của Nguyễn Quang Thiều, I am đàn bà của Y Ban… Có truyện nói về cộng đồng Việt Nam tại Nga như Gió mưa gửi lại của Thùy Linh, Cây cải Tashkent của Thụy Anh. Có truyện nói về thời bình như Cổ tích mới của Tạ Duy Anh, có truyện phản ánh dư âm cuộc chiến đã qua như Mười ba bến nước của Sương Nguyệt Minh. Với một số người Nga, Việt Nam luôn gắn liền với chiến tranh, với bom đạn. Họ không có lỗi khi nghĩ như vậy, mỗi người Việt Nam cần giúp họ hiểu về đất nước chúng ta. Chúng tôi mong muốn rằng qua những truyện ngắn trong tập, độc giả Nga sẽ phần nào hình dung được về đất nước, con người Việt Nam hôm nay.

Dịch giả thứ ba là Nguyễn Quỳnh Hương. Tôi chưa gặp Quỳnh Hương bao giờ. Giám đốc Quỹ Hoàng Thúy Toàn gửi các bản dịch của Hương cho tôi qua email. Mãi sau tôi mới biết Quỳnh Hương là cán bộ của tạp chí Báo ảnh Việt Nam, một người rất giỏi tiếng Nga. Các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Bích Thúy mà Quỳnh Hương dịch cho tuyển tập này là do chị lựa chọn. Phải nói rằng số người Việt dịch được sang tiếng Nga như Quỳnh Hương là rất hiếm.

 Như chị nói câu chuyện dịch thuật này không phải là con đường dễ dàng. Vậy các dịch giả đã gặp những khó khăn trong quá trình dịch thuật, cả về khách quan cũng như về ngôn ngữ?

Phải nói là giai đoạn đầu khi mới bắt tay vào dịch những truyện đầu tiên các dịch giả Nga rất vất vả. Vì đây là lần đầu tiên họ dịch văn học. Nhưng dần dần, họ có thêm kinh nghiệm và hứng thú với công việc. Gần như hàng ngày, khi được rỗi, chúng tôi bỏ ra mấy chục phút để nói chuyện, bàn bạc, giảng giải cho nhau về câu, từ khó trong văn bản. Khó nhất là dịch các nhà văn miền Nam, vì các dịch giả của chúng tôi chỉ được học “tiếng Hà Nội”. Chúng tôi phải tra cứu rất nhiều, có khi phải dùng hình ảnh trong mạng Internet để nói cho dịch giả hiểu. Những phong tục, nếp sống, lễ hội của người Việt Nam khá lạ với người nước ngoài. Chẳng hạn, khi dịch truyện ngắn Mười ba bến nước, dịch giả rất khó tìm từ tương đương để gọi “con thuồng luồng” trong tiếng Nga. Còn khi từ “tiểu sành” thì phải viết cả một đoạn chú giải khá dài. Mỗi khi gặp chỗ khó, chúng tôi phải liên hệ với dịch giả để hỏi lại cho thật chính xác. Hầu hết các nhà văn đều vui vẻ giảng giải cho dịch giả nước ngoài hiểu sự phong phú của tiếng Việt, nhưng cũng có người không trả lời.

Nhóm dịch giả đã có kế hoạch gì tiếp theo, sau sự ra đời của “Ngài đắng ở trên núi”?

Chúng tôi rất phấn khởi khi quyển sách cuối cùng đã được xuất bản. Sách khá dày dặn, in đẹp, gồm 23 truyện ngắn của 11 tác giả. Những phản hồi đầu tiên rất đáng phấn khởi và khích lệ động viên chúng tôi rất nhiều. Đáng tiếc là lần này NXB bỏ lại một số truyện chưa in, như Ba người trên sân ga của Hữu Phương, Ông cá hô của Lê Văn Thảo, hoặc Xóm sở Mỹ của Thu Trân, Người muôn năm cũ của Bão Vũ, Tiếng chuông trôi trên sông của Vũ Hồng, Ngày nghỉ cuối tuần của Khuất Quang Thụy, Trong bão tuyết của Nguyễn Văn Thọ… Hiện nay nhóm chúng tôi vẫn tiếp tục dịch để ra tập tiếp theo. Rất mong công việc quảng bá văn học Việt Nam với độc giả Nga sẽ được sự giúp đỡ không chỉ từ phía Nga, mà cả sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực từ phía nhà nước và cộng đồng Việt Nam.

“Ngày nay, việc xuất bản văn học Việt Nam ở Nga có thể nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ chế nhà nước Nga, có thể tận dụng sự nhiệt tình của các nhà Việt Nam học người Nga, nhưng việc quảng bá văn hóa Việt ở Nga chỉ có thể thực sự được tiến hành nếu chính những người Việt ở các cấp đều vào cuộc – đại sứ quán, các nhà văn và nghiên cứu văn học, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp... Hy vọng rằng, tại Hội chợ sách Mátxcơva, chúng ta sẽ được gặp đoàn đại biểu các nhà văn Việt Nam đến giới thiệu các tác phẩm của mình và khiến được các nhà xuất bản Nga quan tâm đến việc ấn hành các tác phẩm ấy bằng tiếng Nga.” 
(Dịch giả Igor Britov, giảng viên dạy môn lý thuyết cơ bản văn học dịch ở trường Đại học Nhân văn quốc gia Nga.)
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhà văn Y Ban không đến nhận Giải thưởng Hội Nhà văn
Nhà văn Y Ban không đến nhận Giải thưởng Hội Nhà văn

(VOV) - Hội Nhà văn Việt Nam vẫn giữ nguyên kết quả giải thưởng năm 2012 như đã công bố dù 2 tác giả không đến nhận giải.

Nhà văn Y Ban không đến nhận Giải thưởng Hội Nhà văn

Nhà văn Y Ban không đến nhận Giải thưởng Hội Nhà văn

(VOV) - Hội Nhà văn Việt Nam vẫn giữ nguyên kết quả giải thưởng năm 2012 như đã công bố dù 2 tác giả không đến nhận giải.

Ra mắt “Đàn bà đẹp” và “Đến độ hoa vàng” của Đỗ Bích Thúy
Ra mắt “Đàn bà đẹp” và “Đến độ hoa vàng” của Đỗ Bích Thúy

(VOV) -Buổi ra mắt sách ấn tượng với những tiết mục trình diễn văn xuôi

Ra mắt “Đàn bà đẹp” và “Đến độ hoa vàng” của Đỗ Bích Thúy

Ra mắt “Đàn bà đẹp” và “Đến độ hoa vàng” của Đỗ Bích Thúy

(VOV) -Buổi ra mắt sách ấn tượng với những tiết mục trình diễn văn xuôi

Nguyễn Ngọc Tư: 'Tôi không đứng về phía người phụ nữ thụ động'
Nguyễn Ngọc Tư: 'Tôi không đứng về phía người phụ nữ thụ động'

Nhà văn tâm sự, chị không muốn dùng trang viết để đứng về phía những phụ nữ sống cam chịu. Nhưng như một lẽ tự nhiên, những gì chị viết đầy thương cảm cho họ 

Nguyễn Ngọc Tư: 'Tôi không đứng về phía người phụ nữ thụ động'

Nguyễn Ngọc Tư: 'Tôi không đứng về phía người phụ nữ thụ động'

Nhà văn tâm sự, chị không muốn dùng trang viết để đứng về phía những phụ nữ sống cam chịu. Nhưng như một lẽ tự nhiên, những gì chị viết đầy thương cảm cho họ 

"Chúa đất" của Đỗ Bích Thúy- bi kịch tình yêu bạo chúa
"Chúa đất" của Đỗ Bích Thúy- bi kịch tình yêu bạo chúa

VOV.VN -"Chúa đất" là tác phẩm văn học thứ 13 viết về đề tài dân tộc miền núi của nhà văn Đỗ Bích Thúy

"Chúa đất" của Đỗ Bích Thúy- bi kịch tình yêu bạo chúa

"Chúa đất" của Đỗ Bích Thúy- bi kịch tình yêu bạo chúa

VOV.VN -"Chúa đất" là tác phẩm văn học thứ 13 viết về đề tài dân tộc miền núi của nhà văn Đỗ Bích Thúy