Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ về tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Nhà văn
VOV.VN - Tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh đã đoạt giải Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam.
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là cuốn sách duy nhất của thể loại văn xuôi giành được “Giải văn học 2014” của Hội Nhà văn Việt Nam. Giải thưởng là sự tôn vinh và ghi nhận sức nặng của một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử mà tác giả của nó đã viết với tất cả sự tâm huyết, lòng say nghề của một nhà báo chiến tranh, một nhân chứng chứng kiến những sự kiện trọng đại của lịch sử.
Sau ba lần in nối bản, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia-Sự thật đã quyết định tái bản có bổ sung cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” vào tháng 3-2015 nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015). Trong lần tái bản có bổ sung này, bước đầu Nhà xuất bản chọn in trong phần phụ lục 21 tài liệu tham khảo nguyên bản tác giả đang lưu giữ, gồm hơn 150 trang in.
Chia sẻ với VOV.VN nhân dịp nhận được tin vui từ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Trần Mai Hạnh lại say sưa nói về tâm huyết của mình: “Đây đều là các tài liệu nguyên bản, ở thời điểm đó là tuyệt mật của phía bên kia, gần như lần đầu được công bố toàn văn sẽ nâng cao giá trị, tính thuyết phục, tính trung thực của những sự kiện, sự việc, tình tiết và số phận các nhân vật mà nội dung cuốn sách đề cập đến, giúp ích cho nhu cầu tham khảo của độc giả về những ngày tháng cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn do Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống).”
“Tôi may mắn được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử từ đầu với nhiệm vụ là Đặc phái viên Việt Nam Thông tấn xã đi trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã khi đó dẫn đầu. Bám sát các binh đoàn chủ lực, tôi đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn, may mắn có mặt, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập”, nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ.
Ý định xây dựng cuốn sách này nảy sinh trong suy nghĩ của tác giả ngay từ những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng. Vì những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần, nên ông đã cố gắng ghi chép thật nhiều những gì có cơ may chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản từ phía bên kia mà mình có cơ duyên tiếp xúc, với mong muốn phục dựng lại trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu).
Nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các đồng chí và các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội ông đã tiếp cận được những tài liệu nguyên bản quý giá của phía bên kia, trong đó có những tài liệu thu được tại phòng làm việc và nơi ở của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Dinh Độc Lập và phòng làm việc của Cao Văn Viên, Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn vào trưa và chiều ngày 30-4-1975.
“Tôi xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” trên cơ sở chắt lọc từ khối lượng tư liệu, tài liệu đồ sộ được thu thập từ nhiều nguồn trong hàng chục năm cùng với những trang ghi chép tại chỗ những gì được tận mắt chứng kiến trong suốt quá trình tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng như những tháng ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng. Tính xác thực của những sự kiện, sự việc cũng như số phận các tướng lĩnh và những người cầm đầu chính quyền Sài Gòn được đề cập tới trong cuốn sách được đảm bảo bởi các văn bản, tài liệu nguyên bản cùng những nguồn tài liệu được chú dẫn rõ ràng hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Thông tin-Tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam, mà nếu cần bạn đọc có thể dễ dàng kiểm chứng”, nhà báo Trần Mai Hạnh cho biết./.