Nhà thơ Đỗ Quý Doãn ra mắt tập thơ “Rằng thương nhau cho trọn”
VOV.VN - Chiều 6/4 tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm và ra mắt tập thơ "Rằng thương nhau cho trọn" của nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn.
Tập thơ gồm 89 bài thơ được sáng tác từ năm 1978 đến năm 2016, trong đó có 10 bài thơ đã được phổ nhạc. Tại buổi tọa đàm, nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn đã chia sẻ với bạn đọc những trải nghiệm, xúc cảm, cũng như hoàn cảnh sáng tác của một số bài thơ tiêu biểu như: “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm”, “Trở về Quảng Trị”, “Huyền diệu sông Hàn”, “Trở về với Mạ”, “Cha”…
Nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn giao lưu cùng độc giả. |
Đỗ Quý Doãn là một người con của miền quê Quảng Bình - vùng đất “gió Lào và cát trắng” với những con người hiền lành, thật thà, chịu thương chịu khó. Mặc dù lớn lên ông không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mà làm trong lĩnh vực báo chí, rồi chuyển sang công tác quản lý, nhưng có lẽ tuổi thơ của ông đã bồi đắp tâm hồn ông những suy tư, tình cảm khi nhớ về quê hương của mình với hình ảnh người mạ (mẹ - tiếng địa phương), người cha yêu dấu như: “Nhật Lệ chiều”, “Xa em chiều Đồng Hới”, “Trở về với Mạ”, “Mạ ơi”, “Cha”…
Nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn ký tặng sách cho độc giả. |
Với Đỗ Quý Doãn đi đến đâu, ở đâu rồi rời xa đâu cũng để thương, để nhớ lại đó, mà nỗi nhớ nào cũng chân thành và da diết đến nao long. Những bài thơ của ông chứa đầy những từ yêu thương và nhớ nhung. Với Nhật Lệ thì “Nhớ chiều, nhớ biển”, “Nhớ lại thở xưa”, “Nhớ em”. Với Đồng Hới thì “Buồn chia ly”, “Nỗi nhớ”, “Mãi đợi chờ”, “Chờ mong”. Với Huế lại “Dùng dằng xa”, “Thôi đành chia tay”, “Nhớ hoài”, “Phượng đỏ cháy trời thương nhớ”… Với xứ Nghệ là “Thắm đượm tình quê”, “Răng mà thương mà nhớ”, “Xao xuyến tình đất nước”…
Nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn chụp ảnh kỷ niệm cùng độc giả. |
Thơ Đỗ Quý Doãn là tình yêu quê hương đất nước bình dị, nhưng thắm đượm, có sức lay động lòng người và thật có duyên với âm nhạc như bài thơ nổi tiếng “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm” được nhạc sỹ Trần Hoàn phổ nhạc năm 1981 khi ông đang học tại Trường Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov, hay “Xa Huế”, “Trở về neo đậu bến quê”, “Huyền Diệu sông Hàn”, “Nghe em hát ở Trường Sa”… được nhạc sỹ Thuận Yến, Nguyễn Đình Thậm, Xuân Đồng phổ nhạc. Tất cả những bài thơ, bài hát đó đều được đưa vào trong tập thơ ra mắt lần này của nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn./.
Ngày sách Việt Nam tôn vinh tác phẩm “Đường Cách mệnh“
Nhà thơ Hữu Thỉnh xin lỗi về sai sót trong Ngày thơ Việt Nam 2017
Ngày thơ Việt Nam 2017: Sự hòa quyện của mọi thế hệ thơ ca
Cần Thơ khai mạc Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ