Nhà thơ Trần Nhương: “Cái tình đồng đội nó lạ kỳ...”
VOV.VN -“Tình cảm đồng chí rất thiêng liêng. Đó là một cái gì sâu thẳm, được cấy vào trong tâm hồn người lính, không dễ gì phai mờ”.
Gắn bó với nghề báo, say mê thơ ca hội họa, nhà thơ Trần Nhương có cơ hội được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều vùng đất. Song, trò chuyện với VOV ông cho rằng, những gì thuộc về ký ức bên đồng đội những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn là khoảng thời gian - không gian vô cùng thiêng liêng.
Cảm thấy như đồng đội theo về
PV: Trở lại thăm chiến trường Lào cùng đồng đội có điều gì đặc biệt với ông?
Nhà thơ Trần Nhương: Chúng tôi là những người lính của vận tải quân sự chi viện cho chiến trường Lào từ những năm 1965 cho đến khi nước Lào hoàn toàn giải phóng. Tôi không bám trụ ở vùng chiến trường này, nhưng hay đi công tác cùng anh em lái xe và những đồng chí làm nhiệm vụ ở đây. Có lần đến Noọng Hét, tất cả các đỉnh núi đều là vôi trắng, tức là bom đánh đến nỗi nung thành vôi. Ở hang Noọng Hét, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết bài thơ “Tiếng cười trong hang đá”. Hoặc những đêm chúng tôi đi trên đèo đất, lúc ấy đường bằng đất chứ không trải nhựa như bây giờ, tôi có cảm giác khi bánh xe lăn thì lớp bụi dày khoảng 30 - 40cm cứ kêu “bụp”, “bụp” như người ta giã bột. Trên đầu thì máy bay địch lượn. Vượt những trọng điểm như thế rất kinh khủng.
Gần nửa thế kỷ, bây giờ chúng tôi mới trở lại chiến trường này, cảm thấy như đồng đội cũng theo về. Những vong linh, những anh linh của những người lính đã ngã xuống cũng đang đón mình trên những cung đường Lào. Điều ấy khiến tôi rất xúc động và nghĩ lại cuộc chiến tranh mà những người lính, những người bạn đang tuổi thanh xuân phải hy sinh để bảo vệ, giúp đỡ nước Lào, nhưng đồng thời là bảo vệ Tổ quốc mình.
PV: Tính từ cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đến Xiêng Khoảng là một quãng đường dài, đi qua bao địa danh. Những địa danh đã thay đổi rất nhiều so với trước. Điều ấy có làm ông tiếc nuối?
Nhà thơ Trần Nhương: Trên những cung đường ấy có hang Noọng Pẹt. Tôi đã ngủ ở hang này mấy đêm cùng anh em công binh và coi kho. Ban ngày, trong hang cũng rất tối. Anh em phải dùng dây bấc bằng vải, cho vào chai dầu mazút, đốt lên để lấy ánh sáng. Lính tráng sau một đêm hít khói muội, lỗ mũi người nào cũng đen, buổi sáng nhìn nhau buồn cười lắm. Như bây giờ thì bảo độc hại, nhưng lúc ấy không nghĩ gì đến độc hại cả. Và cuộc chiến đã kéo chúng ta đi. Chúng ta đã phải dấn thân rất nhiều, hy sinh xương máu. Ở nghĩa trang Việt Lào có tới 11.000 mộ liệt sĩ. Đấy là chưa thể quy tập hết. Qua cuộc chiến tranh, không phải đến bây giờ chúng ta lại nuối tiếc rằng đáng lẽ thế nọ, đáng lẽ thế kia. Bởi vì thời điểm lịch sử ấy hình như nó đẩy dân tộc ta phải chiến thắng thì mới có Mùa xuân 1975.
Viết để tri ân người đã ngã xuống
PV: Rất nhiều người đã tri ân tuổi trẻ của mình. Còn ông với thì sao?
Nhà thơ Trần Nhương: Tôi nhập ngũ năm 1965, tham gia lực lượng vận tải, đến năm 1976, tôi mới về trại viết quân đội, sau đó đi học trường viết văn Nguyễn Du khóa I. Trong 11 năm ở vận tải quân sự, hầu hết các tuyến đường tôi đều đi qua. Ở đâu có lính lái xe, có lính hậu cần là chúng tôi đến, và rất nhiều lần được dẫn các đoàn anh hùng chiến sĩ thi đua của vận tải đi khắp tuyến để báo cáo thành tích. Đó là những năm tuổi xuân của mình trong sáng nhất, tươi đẹp nhất, khỏe mạnh nhất. Chúng tôi đi cùng nhau, ôm nhau ngủ hầm. Có những đêm thức trắng.
Tôi không quên một trận bom kinh hoàng ở chỗ đèo La Trọng (Quảng Bình). Đêm hôm ấy, anh em đưa tôi về. Trên xe chở một tử sĩ bọc trong túi nilon. Tôi đứng trên thùng xe. Đèo dốc nghiêng ngả, anh chiến sĩ hy sinh ấy cứ lăn sang bên nọ, bên kia. Tôi lại phải nhảy từ bên này sang bên kia để không động vào anh. Những ngày tháng ấy cho tôi một vốn sống không thể nào có được lần nữa. Có lẽ tôi trở thành người viết văn nhờ được nuôi dưỡng, được thai nghén từ những năm chiến tranh. Tôi viết với trách nhiệm của mình, vừa là công dân cũng là người xây dựng, đồng thời để tri ân người đã ngã xuống.
PV: 11 năm là lính vận tải, ông có mối tình nào không?
Nhà thơ Trần Nhương: 10 năm ở vận tải, lãng đãng thì có, nhưng yêu thì không dám vì kỷ luật quân đội rất cao. Thực ra cũng có những cô mình thấy đắm đuối chứ. Thí dụ khi tôi đóng quân ở Thanh Hóa có quen cô Trần Thị Bắc. Anh em cứ đùa nhau là mình cùng họ Trần, và hình như cô ấy cũng thầm yêu trộm nhớ tôi. Có lần tôi đi công tác khoảng hơn nửa tháng, khi về, cô ấy chạy đến ôm chầm lấy. Lúc ấy, anh lính Trần Nhương rất xúc động, nhưng có thể làm gì được! Đành gỡ bàn tay của cô ấy đang bám trên vai mình ra. Sau này nghĩ lại thì rất tiếc. Có chút ân hận nữa. Nhưng lúc ấy kỷ luật quân đội rất chặt chẽ, nên buộc lòng phải giữ gìn quân phong quân kỷ.
PV: Nhà thơ hay nhắc tới những người đồng đội của mình. Tôi nhớ có lần ông cảm thán: “Cái thằng đồng chí sao mà thương nhau đến như thế!”. Nếu thay dấu cảm thán bằng một dấu hỏi thì nhà thơ Trần Nhương có thể lý giải thế nào?
Nhà thơ Trần Nhương: Thực ra hỏi bất cứ người lính nào, họ đều thừa nhận cái tình đồng đội nó lạ kỳ. Đồng môn, đồng hương, đồng nghiệp, đồng gì chăng nữa… cũng không bằng đồng ngũ. Cái tình của những cựu chiến binh nó lạ, chính vì họ đã sống chết với nhau, gian khổ với nhau từng ngày, chung từng căn hầm, từng miếng lương khô, từng cốc nước, hoặc những đêm ở chốt, những đêm vượt đèo vượt đạn bom. Cho nên tình cảm đồng chí rất thiêng liêng. Đó là một cái gì sâu thẳm, được cấy vào trong tâm hồn người lính, không dễ gì phai mờ. Những người lính cùng đơn vị cùng chiến trường, gặp nhau họ ôm nhau, cảm thấy như là anh em ruột thịt một nhà. Tôi nghĩ chỉ có những người bên cái sống cái chết mới có sự gắn bó thiêng liêng ấy.
PV: Xin cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện này!