Nhà văn Lê Minh Khuê: Chiến tranh ám ảnh từng trang viết
VOV.VN - Với một nhà văn, nhà báo trưởng thành trong cuộc chiến, có lẽ tài sản
lớn nhất của Lê Minh Khuê chính là kí ức về chiến tranh.
lớn nhất của Lê Minh Khuê chính là kí ức về chiến tranh.
Với một nhà văn, nhà báo trưởng thành trong cuộc chiến, có lẽ tài sản lớn nhất của nhà văn Lê Minh Khuê chính là kí ức đẹp và buồn. Kí ức chiến tranh cũng có thể là một món nợ và buộc bà phải cầm bút. Kí ức ấy đã được bà tái hiện qua “Những ngôi sao xa xôi” - chuyện kể về 3 nữ thanh niên xung phong gan dạ, trách nhiệm và yêu đời. Giữa núi rừng bạt ngàn, giữa trận chiến ác liệt, họ vẫn thấy mình tự do, đầy lý tưởng.
Nhà văn Lê Minh Khuê |
Chiến tranh còn có cả sự khốc liệt, dữ dằn, trớ trêu. Đó là chuyện của tác phẩm “Nhiệt đới gió mùa” - truyện ngắn mới nhất của nhà văn Lê Minh Khuê. Nhà văn Tạ Duy Anh nhận xét, cách viết của bà mới lạ, tiêu biểu cho số ít những nhà văn, tác phẩm viết về đề tài chiến tranh khi đề cập đến những xung đột mà ít người ngại nhắc đến. Dù có lúc day dứt hay có lúc ẩn mình với nụ cười sâu cay, nhà văn Lê Minh Khuê vẫn thể hiện niềm tin vào con người, vào lớp trẻ.
“Chị là người sùng bái tuổi trẻ. Tất cả những nhân vật trẻ của chị Khuê đều trải qua những giây phút ghê gớm của cuộc đời nhưng cuối cùng đều giữ được hạt ngọc của nhân cách. Thế hệ trẻ chính là những người phải nắm lấy vận mệnh của chính mình. Những hiện thực mà chị đã nêu lên cộng với yếu tố hài hước khiến cho tác phẩm của chị, dù nặng nề đến đâu, dù khốc liệt đến đâu, dù cho đọc cảm thấy rợn người đến đâu, nhưng cuối cùng, chúng ta - người đọc vẫn tìm được sự bám víu, vào chiếc phao cứu sinh để hi vọng vào sự vĩnh cửu” – nhà văn Tạ Duy Anh nhận xét.
Bom đạn và nỗi đau đâu phải khi vào chiến trường mới biết. Đối với nhà văn Lê Minh Khuê, khi còn là cô gái 15 tuổi đã biết đến mùi khói súng, xác chết, mùi bom nổ sát vách nhà. Năm 1964, tấm gương hi sinh của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã tác động mạng mẽ đến ý thức, tư tưởng của lứa thanh niên cùng thời. Cô gái Minh Khuê mới tròn 15 đã tự khai thêm tuổi và gia nhập đội nữ thanh niên xung phong, có mặt ở biên giới Việt-Lào.
Nhà văn Minh Khuê chia sẻ: “Đường lên phía Tây kinh khủng lắm. Tôi nhớ lúc ấy bom đạn cứ dội ầm ầm xuống. Có lẽ lúc đó còn ít tuổi quá, tôi không biết sợ là gì, nhưng sau này khi có con thì mới cảm thấy sợ. Người ta đi chiến đấu, người ta chia tay, người ta chết, người ta thương tật… đó là những chuyện bình thường của chiến tranh. Tất cả những gì ghê gớm nhất là sau cuộc chiến”.
Sau thời gian đi thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê trở về công tác tại báo Tiền phong. Trận chiến ngày càng ác liệt đòi hỏi tiếng nói phản ánh hiện thực cuộc sống chiến đấu của quân và dân trên các mặt trận. Và một lần nữa, Lê Minh Khuê tự nguyện thân vào các tuyến lửa. Từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị rồi vào Đà Nẵng, đi tới đâu Minh Khuê viết tới đó. Hễ gặp chiếc xe nào trên đường ra Bắc, bà lại gửi bài về tòa soạn. Mà cũng lạ, thời bấy giờ trách nhiệm của người ta cao lắm, không một bài báo nào bị lạc, bị bỏ sót nơi chiến trường.
Nhưng có lúc, nỗi ám ảnh về chiến tranh quá lớn, đã có những câu chuyện bà chưa dám đưa vào tác phẩm của mình, vì sợ rằng nó sẽ để lại cho người đọc sự day dứt khôn nguôi. Đó là một trong vô vàn những câu chuyện buồn mà khi chạm tới, bà khẽ rùng mình rồi lại can đảm sẻ chia: “Hồi đi làm báo, vào viện quân y 111, tôi ngồi bên cạnh anh sĩ quan, bị bom phạt mất hết cằm, hai tay hai chân cũng mất. Anh mê sảng, cằm đã mất nhưng vẫn gọi được “Mẹ, mẹ ơi”. Chỗ băng cứ trào máu ra. Tôi cứ vỗ vai anh và nói “mẹ đây, mẹ đây!”. Một lúc sau tôi đi đến các hầm thương binh và quay lại thì chị y tá bảo, vừa bó anh rồi, anh đã mất”.
Ngôi nhà của nhà văn Lê Minh Khuê nằm gọn trong một con ngõ đường Xuân Thủy, Hà Nội. Bà dành cho mình một không gian trầm lắng với nhiều tranh phong cảnh yên bình, sông nước, cỏ xanh. Thế nhưng nhiều khi, trong giấc mơ của mình, bà vẫn thấy hình ảnh quá khứ hiện về, với những đồng đội đã đi qua cuộc đời mình, những hình ảnh khốc liệt của bom đạn. Có những lúc bất chợt tỉnh giấc và nhìn lại, hóa ra mình đang mơ. Bà vẫn bảo, viết văn còn có cả sự tưởng tưởng hay nghe bâng quơ đâu đấy một câu chuyện và mình viết tiếp. Nhưng có lẽ, một khi người ta trải qua biết bao sự khốc liệt thì sự chịu đựng quá khứ trong lòng lại càng dồn nén, lại rõ ràng hơn. Và đó cũng chính là động lực cầm bút của nhà văn Lê Minh Khuê.
Ai cũng bảo, nhà văn Lê Minh Khuê mê tuổi trẻ lắm. Cho nên, những nhân vật của bà ai cũng đẹp, cũng trẻ, đầy sức sống. Tất cả sự say mê, niềm khao khát và tự hào, sự cống hiến sôi nổi nhất là khi mình còn trẻ. Và tất nhiên, "người đàn bà thấu thị" ấy vẫn còn nội lực để tiếp tục cho ra đời những trang văn thấm đượm tình đời./.