"Nửa kia biệt tích" - Tiểu thuyết hay nhất năm 2020 của nhà văn Brit Bennett
VOV.VN - Bốn năm sau khi ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay "The Mothers", nhà văn người Mỹ Brit Bennett tiếp tục xuất bản cuốn sách "Nửa kia biệt tích" (The Vanishing Half).
"Nửa kia biệt tích" được đánh giá cao bởi đã chạm tới chiều sâu tâm lý của một gia đình nhiều thế hệ trước vấn đề bản sắc chủng tộc, định kiến, sự cố chấp và những ảnh hưởng của quá khứ khi nó định hình những lựa chọn, khao khát và kì vọng của một con người.
Lấy bối cảnh trong khoảng dài gần nửa thế kỷ, từ những năm 1940 đến những năm 1990, "Nửa kia biệt tích" viết về hai chị em sinh đôi Desiree và Stella Vignes. Họ được sinh ra và lớn lên ở Mallard, Louisina, một thị trấn nhỏ (hư cấu) được thành lập bởi ông cố của họ, như một nơi duy nhất dành cho người da đen sáng màu như ông. "Ở Mallard, không ai cưới người da đen". Qua thời gian, định kiến ngày càng rõ rệt hơn khi làn da của những người dân nơi đây ngày một sáng hơn, "như một tách cà phê pha loãng với kem." Cặp song sinh nhà Vignes, với "làn da màu kem, đôi mắt màu hạt dẻ, mái tóc xoăn bồng bềnh" chắc hẳn đã làm rạng ngời tổ tiên của họ.
Dù vậy, làn da sáng màu không thể cứu sống cha họ, người chịu tấn công bởi một đám người da trắng và cái chết khủng khiếp của cha đã in dấu trong lòng hai cô gái mãi mãi. Làn da sáng màu cũng không thể giải thoát mẹ của họ khỏi công việc dọn dẹp nghèo khó cho các gia đình da trắng giàu có ở các vùng lân cận, và nó cũng không thể cứu cặp song sinh khỏi cuộc sống chật hẹp nếu như họ ở Mallard. Ở độ tuổi 16, hai chị em Desiree và Stella bỏ trốn tới New Orleans, nhưng chỉ sau một năm, cặp song sinh chia rẽ, Stella trở thành người da trắng và Desiree kết hôn với người đàn ông da đen nhất cô từng thấy.
Sử dụng hình tượng cặp song sinh và những lựa chọn hoàn toàn trái ngược của họ, tác giả Brit Bennett đưa bạn đọc khám phá các vấn đề về con người: điều gì tạo nên con người ta, do bản chất hay môi trường nuôi dưỡng? Có khi nào người ta nhìn nhận nhầm về căn tính của chính mình? Khi tách rời khỏi người chị em sinh đôi, họ là ai?
Hình ảnh cặp sinh đôi cũng là cách để tác giả Bennett diễn tả sự tuyệt vọng cùng cực của việc bị bỏ rơi thông qua nỗi đau của nửa này khi đánh mất người chị em sinh đôi của mình.
Nửa kia biệt tích hay nửa này hiện hữu không chỉ là vấn đề của nửa này - nửa kia, của cặp chị em song sinh kì lạ nhà Vignes. Nó còn là nỗi niềm của vô số cá nhân từng thổn thức, vật lộn, thậm chí từng truy cầu đến tận cùng câu hỏi: Thực ra ta thuộc về đâu? Ta sẵn sàng đánh đổi điều gì để trở thành cái mà ta mong muốn? Rốt cuộc thì, ta là ai khi đứng trước tấm gương soi, là ai khi đối diện với những khuôn mặt quen thuộc lẫn xa lạ mỗi ngày?
Sự lựa chọn có ảnh hưởng không lường trước được tới cuộc đời của chúng ta thế nào? Các nhân vật tính toán và liên tiếp giằng xé giữa cái được - cái mất, cái biến mất - cái ở lại. Có những nhân vật có thể là hai người hoàn toàn khác biệt trong một cuộc đời hoặc thậm chí chỉ trong một giờ: chuyển đổi từ giới tính này sang giới tính khác; từ người chồng yêu dấu sang kẻ bạo hành vợ; từ người da đen thành người da trắng.
Chạm tới nội tâm con người, "Nửa kia biệt tích" đưa bạn đọc một cái nhìn cảm thông hơn là phán xét và lên án với bất cứ quyết định nào của nhân vật.
Năm 2021, HBO có kế hoạch sản xuất một loạt phim chuyển thể giới hạn của cuốn tiểu thuyết mà Bennett sẽ là nhà sản xuất điều hành, cùng với Issa Rae, cựu sinh viên Stanford./.
Brit Bennett là nhà văn Mỹ sống ở Los Angeles. Cuốn tiểu thuyết đầu tay The Mothers (2016) của cô là sách bán chạy nhất của New York Times. Cuốn tiểu thuyết thứ hai của cô, "Nửa kia biệt tích", cũng là sách bán chạy nhất của New York Times và chọn là một trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2020.