Quầy sách “mời nhân dân đọc“
Ngay sau di tích gò Đống Đa (Hà Nội) có một quầy sách, báo với “quảng cáo” nhiệt tình: Mời nhân dân đọc miễn phí.
Quầy sách, báo với “quảng cáo” nhiệt tình: Mời nhân dân đọc miễn phí. Quầy phục vụ từ sáng đến đêm, có dịch vụ điện, nước, kính lão đi kèm, cũng miễn phí nốt. Chủ quán là một cụ bà.
Tên đầy đủ của bà là Phạm Thị Huyền Dung, từng là giảng viên của Học viện Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh-PV). Bà Dung đã nghỉ hưu hơn 20 năm nay. Chồng bà khuất núi gần chục năm, một mình bà “lãnh đạo” ba cậu con giai vượt qua khó khăn. Nay các con của bà đã yên bề gia thất, sinh cho bà 6 đứa cháu, đủ “nếp, tẻ”. Các con, các cháu đều khỏe mạnh, hiếu thảo, có công ăn việc làm, tuổi già của bà tạm yên.
Cái duyên mở quầy sách miễn phí đến với bà một cách tự nhiên: “Trước tết tôi bị tai biến nằm Việt-Xô hai tháng, sau đó nhờ bác sỹ, con cái chăm sóc, bản thân nỗ lực tập luyện mà tôi trở lại bình thường. Mồng 2 tháng 9 năm ngoái tôi tròn 50 năm tuổi Đảng, Đảng bộ Hà Nội cấp cho tôi một tờ báo, báo Hà Nội Mới, được phát hàng ngày. Một mình tôi đọc thấy lãng phí quá, con trai thì bận sửa xe máy, con dâu bận con nhỏ, bảo chúng đọc, chúng bảo mẹ cứ đọc, có nội dung gì mẹ nói cho chúng con. Tôi nghĩ hồi lâu, rồi kiếm mảnh gỗ, đặt trên vỉa hè, mời nhân dân cùng đọc”.
Cái biển gỗ chào mời đọc báo miễn phí khiến người qua đường đứng lại, vì tò mò họ cầm tờ báo lên xem. Sống ở ngôi nhà nhỏ bên đường, bà Dung âm thầm quan sát thái độ của khách. “Lúc đó chưa có quyển sách nào đâu, tôi thấy một đầu báo ít quá nên bỏ ra khoảng nửa tháng để mua thêm một số đầu báo khác như: Báo Tiền Phong, Báo Bóng Đá, Báo Pháp Luật, Báo Người cao tuổi… bằng tiền lương hưu của mình. Tôi đặt tiếp ở vỉa hè, thấy nhiều người đọc hơn. Buổi chiều, tôi mang những cái ghế thấp đặt ở đó để khách ngồi đọc. Buổi tối, tôi mắc điện từ nhà sang, cung cấp ánh sáng. Sau đó, dân thấy hay hay, người ta bắt đầu đóng góp”, bà kể về sự ra đời của quầy sách, báo miễn phí “độc nhất vô nhị” trên đường phố thủ đô.
Sự tích những chiếc ô
“Văn hóa đọc không xuống cấp”, bà Dung lạc quan khẳng định với tôi điều đó, với bằng chứng cụ thể: Quầy sách miễn phí vẫn có khách. Tất nhiên khách nhiều hay ít, khách thưa hay đông, tùy hôm. Giống như thi sĩ Xuân Diệu làm câu thơ giới thiệu ngôi nhà của mình: “Nhà tôi 24 Cột Cờ/Ai yêu thì ghé, hững hờ thì qua”, bà Dung cũng không đặt nặng chuyện đông hay vắng khách: “Cửa hàng miễn phí mà, có ai ép ai đọc đâu”.
Chỉ là sự thích thú tự nguyện khiến người ta dừng lại bên đường nên những khách hàng đã đến với quầy sách miễn phí đều khá đặc biệt. Bà Dung kể về sự tích những chiếc ô to che nắng: “Trước đây có một ông cụ 97 tuổi, ở phố Khâm Thiên thường đi xe bus xuống, ông cụ tặng sách tôi và ngồi đọc luôn. Ông ấy thường xuống từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều mới về, cứ đọc suốt, mà trời có hôm nắng lắm.
Tôi còn nhớ, đó là một buổi cuối tháng 3, nắng tới 37-38 độ, thằng cháu nội tôi đứng trên tầng 2 gọi vọng xuống: “Ông ơi nắng lắm, ông quay lưng lại đi không ông ốm đấy”. Nhưng tôi ngó xuống vẫn thấy cụ ngồi yên đọc. Lúc đó có một cậu bán hàng rong đi qua, tôi mua một cái ô to, cắm vào chỗ ông cụ. Thế là chiếc ô đầu tiên ra đời”. Nói đến đây bà Dung trầm xuống: “Nhưng dạo này cụ không đến nữa, không biết tại sao, nếu tôi có địa chỉ cụ thể của cụ, thế nào tôi cũng đến thăm”.
Có một vị đại tá công an đã về hưu đề nghị được trả tiền mua ô cho bà Dung nhưng bà nhất quyết từ chối: “Bởi đó là kỷ niệm của tôi với ông cụ. Tôi muốn giữ”. Sau đó, vị đại tá đề nghị: “Thế bà cầm tiền mua cho tôi một cái ô nữa”. Bà vui vẻ cầm tiền và sắm chiếc ô thứ hai. Một người hàng xóm của bà thấy vậy lại tặng tiếp bà cái ô thứ ba.
Bây giờ quầy sách miễn phí lúc nào cũng râm mát, trên có tán cây che, dưới lại có ô. Những hôm trời không nắng nóng, buổi trưa khách hàng yêu sách có thể ngồi đọc mà không cần quạt. Còn những ngày thời tiết khắc nghiệt, nếu khách hàng vẫn nhiệt tình thì bà chủ đã có biện pháp chống nóng, cung cấp ngay quạt máy miễn phí. Khách đến cửa hàng đủ mọi lứa tuổi: Từ cụ già tới trung niên rồi thanh niên, thiếu niên. Với người đọc cao tuổi, quầy sách cung cấp kính lão miễn phí.
Chưa bao giờ mất trộm
Ở phố thị, khắp nơi thấy cảnh báo: “Đề phòng mất trộm” nhưng ở quầy sách miễn phí chưa từng xảy ra chuyện này. Ngay cả những người nhìn thấy sách, báo cũ là mắt sáng lên như các chị đồng nát cũng không làm điều đó, bởi: “Đó là cửa hàng của nhân dân, do nhân dân đóng góp”, bà Dung bảo vậy.
Từ ô che nắng đến kệ bày sách đều có công sức của nhiều người: “Chiếc kệ đầu tiên do đồng chí công an tặng, chiếc kệ thứ hai do cô đồng nát cho, chiếc kệ thứ ba do con tôi mua tặng”. Bà chỉ tay sang cái tủ bằng inox đựng đầy báo: “Một anh giáo viên với một sinh viên ở Sơn Tây mở cửa hàng kem ở gần nhà tôi tặng tôi đấy. Cái tủ này trước đây được dùng để bán bánh mỳ cay Hải Phòng. Do chủ kinh doanh thua lỗ đã bán lại cho anh giáo viên với giá 5 triệu đồng. Thấy tôi bưng đi bưng lại sách báo khổ quá, cậu ấy đã tặng tôi đê đựng. Nhưng tôi theo dõi thấy cửa hàng kem của cậu không bán được, mới bảo: Cháu lỗ quá, bà trả cho cháu 2 triệu đồng cho cháu đỡ lỗ. Mỗi tháng lĩnh lương tôi trả cho cậu ấy 1 triệu đồng. Cậu không muốn cầm nhưng tôi ép, nếu cháu không nhận, cháu kéo tủ về, vì cháu đắt hàng bà xin cả nhưng bây giờ cháu lỗ thế này, để bà bù đắp một chút”. Nói đến đây, bà tổng kết: “Cuộc đời này còn nhiều người tốt lắm”.
Bà Dung đưa tay về phía kệ sách giới thiệu tiếp: “Toàn sách do nhân dân đóng góp cả đấy. Có cụ ở trên tập thể của Bộ y tế ở Giảng Võ, đi xe bus xuống đây, hai tay xách hai túi sách nặng, đưa cho tôi. Có hai mẹ con ở Cát Linh cũng chở sách xuống ủng hộ. Tôi nhớ nhất ngày 26 tháng 6 vừa qua, có một ông cụ ở Linh Đàm bảo đứa cháu lên hỏi tôi có lấy sách không, khi tôi đồng ý ông mới cho người nhà chở lên ba bao tải đựng đầy sách, báo. Tôi đếm cả mỏng, dày hơn 400 đầu sách, báo, trong đó có nhiều cuốn sách quí”.
Liếc qua cửa hàng miễn phí, thấy góp mặt khá nhiều tác phẩm quen thuộc: “Chiến tranh và hòa bình”, “Liêu trai chí dị”, “Những người khốn khổ”…Có cả những cuốn sách cũ của nhiều tác giả tên tuổi nhưng ít phổ biến với số đông người đọc: Tập truyện ngắn “Những cánh hoa tàn” của Nam Cao, “Tào Mạt- Những lời tâm huyết”, “Các vĩ nhân tỉnh lẻ” của Dương Thu Hương… Và cả những tác phẩm đang “hot” của tác giả ăn khách như Murakami Haruki.
Miễn phí cũng long đong
“Cũng có những người phản đối quầy sách miễn phí chứ, đó là chuyện bình thường”, bà Dung cho biết. Có những người nói: “Không biết đằng sau cái miễn phí này còn âm mưu gì?”. Có người chửi bậy: “(…) chỉ có vài tờ báo đểu, rách nát mà cũng ra bày chòi”.
Để bảo vệ quầy sách, mấy con trai của bà Dung từng bị mời lên đồn, trong đó một cậu bị đeo còng số 8. Chuyện rằng: Có một cậu thanh niên, trước đây từng cắp chó của nhà bà Dung, một hôm bỗng đến quăng quật mấy kệ sách. Các con trai của bà Dung làm nghề sửa xe máy ở bên đường đã chạy ra ngăn cản sự phá phách của thanh niên kia. Khi đó bà không có nhà, cứ lời qua tiếng lại, mấy người đàn ông lao vào nhau, công an đến giải quyết, mấy con trai của bà bị gọi lên đồn. Đám con dâu nhà bà khóc um: “Vì quán báo của mẹ mà công an bắt chồng chúng con đi tù, mẹ có trách nhiệm thế nào với chúng con”. Bà trấn an các con: “Các con cứ yên tâm, mình không sai, người ta sai vì người ta đến quậy. Con mẹ bảo vệ mẹ là đúng, có thể cách thức các con làm chưa đúng”.
Cuối cùng, mọi chuyện cũng ổn thỏa, các con của bà được về nhà. Ông đồn trưởng công an phường còn khen các con trai của bà thông minh và thắc mắc: “Sao bà không cho các anh đi làm việc nhà nước”. Bà bảo: “Không ai ép ai được. Chúng thích làm ngoài là chuyện của chúng thôi”. Bà hào hứng khoe: “Tôi đấu tranh ghê lắm, bây giờ các anh công an cũng rất tôn trọng, bảo vệ tôi”.
Gần 4 giờ chiều, nắng bớt gắt, bà ra lật những tấm nilon che đậy sách, báo quầy miễn phí bắt đầu đón khách, hai người đàn ông đã về hưu bước vào. Một người ngồi đọc báo. Người kia trả cuốn “Ngầm” của Murakami với lời bình: “Đọc xong sợ quá”. Bà Dung mời hai vị khách uống nước. Cửa hàng có nước khoáng thiên nhiên miễn phí, lại cũng do nhân dân cung cấp.
Bà vừa tiếp tục câu chuyện với tôi, vừa gọi con í ới: “Cho mẹ mượn cái quạt trên nhà con ơi”, “Cắm hộ mẹ cái điện con ơi”. Bà không muốn những vị khách phải mướt mồ hôi khi thưởng thức “bữa ăn tinh thần” miễn phí. Ngước nhìn lên tấm biển ghi thời gian phục vụ: “6h30 đến 22h30”, tôi thán phục: “Bà phục vụ nhiệt tình quá, còn thời gian đâu để nghỉ ngơi!”. Bà chỉ cười, im lặng.
Quầy sách miễn phí mới mở từ sau tết nhưng nhiều người qua đường nói: “Trông bà Dung gầy và đen đi”. Có một đôi vợ chồng đèo con đi ngang qua quầy sách miễn phí bỗng dừng xe lại, người chồng rút ví lấy ra một tờ tiền mệnh giá cao nhất đưa cho bà Dung: “Bà dạo này ốm quá. Bà phải chú ý giữ gìn sức khỏe để còn phục vụ nhân dân”. Bà Dung nhất quyết từ chối với lí do: “Tôi có lương hưu rồi”. Ai cho kẹo, bánh bà vui vẻ nhận, lại mang ra mời khách cùng ăn nhưng cho tiền nhất định bà cảm ơn và từ chối. Một sự tự trọng âm thầm!/.