Bút ký

Sông Đà - nỗi nhớ niềm thương…

VOV.VN - Đầu tháng Chạp Giáp Ngọ, tôi trở lại công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu.

Dọc đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, rồi quốc lộ 4D Lào Cai - Lai Châu, hai bên đường đào, mai vườn nhà ai nở báo hiệu xuân mới đang về. Cúc quỳ, loài hoa hoang dại bạn đường thủy chung của khách lữ hành, trải vàng trên các sườn núi. Với người thợ xây dựng thủy điện, đây cũng là người bạn của một mùa thi công rộn ràng.

“Sắc đỏ của lá trạng nguyên và sắc vàng của hoa cúc quỳ làm nên màu cờ Tổ quốc. Đó cũng là điều thôi thúc những người thợ Sông Đà vượt khó đi lên trên các công trường”. Tôi đã viết như vậy khi công trường thủy điện Lai Châu mở ra trong năm 2010.  Thấm thoát đã hơn 4 năm và giờ đây công trường đã đi đến đoạn cuối cùng.

Dưới Hà Nội, trời đang rét ngọt. Trên Tây Bắc một ngày có đủ 4 mùa. Sáng ra gió hây hẩy đón xuân về. Giữa trưa nắng như đổ lửa. Chiều về trời mát dịu. Và đêm đến trời rét, độ khoảng 8-9 giờ tối, sương đã rỏ thành từng vệt tại hàng hiên mỗi nhà. Đêm về, trăng sáng vằng vặc. Bầu trời trong và cao, điểm nhẹ những vệt mây trắng. Trăng treo đầu hôm từ đỉnh núi bên này cho đến sớm mai ở đỉnh núi bên kia. Công trường ầm ầm xe máy nhưng tôi chắc không ít người thợ ca ba ngước nhìn trăng và nhớ về quê xa.  

Đấy là những ngày đẹp trời. Còn những khi gió mùa đông bắc tràn về, núi rừng mờ mịt trong sương. Quá mù ra mưa, lác đác mưa sa ướt áo. Trên đỉnh đập giữa lòng sông, 22 giờ ngày 23/1/2015, bước trên những bao tải đẫm nước phủ trên mặt bê tông, chúng tôi gặp Nguyễn Huy Chương, công nhân Công ty Sông Đà 5.01 đang phun nước tưới trên mặt đập. Anh giải thích: bê tông mới đổ, phải giữ cho lúc nào cũng ướt mới đảm bảo chất lượng. Cứ sau mỗi đợt, anh lại co ro ngồi bên ngọn đèn cao áp, lấy chút hơi ấm. Ca trực của Chương đến 6 giờ sáng.

Trên mọi ngóc ngách của công trường, đang có hàng nghìn người đang cần mẫn làm việc như vậy. Lao động của họ là lao động tự giác. Và họ làm với tinh thần trách nhiệm cao đối với công trình, bởi họ biết chỉ một tắc trách nhỏ cũng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. 

Tình cờ, người lái xe đưa chúng tôi đi lần này là Nguyễn Văn Hội, hai năm trước đã đưa chúng tôi đi hiện trường. Rất may, tôi vẫn mang theo bức ảnh chụp Hội dạo ấy. Nhận  ảnh, Hội phân trần: “Em cũng mới quay trở lại đây. Mấy năm rồi em lái bên Xê-ca-mản (Nam Lào)”. Hội sốt sắng đưa chúng tôi đến những góc cao nhất của công trường để có thể chụp những bức ảnh toàn cảnh ưng ý. Anh bạn truyền hình cùng đi cứ phàn nàn trời nhiều mù, không nắng, công trường vào phim, không “sướng”. Hội hóm hỉnh: “mù như vậy mới đúng cảnh công trường Tây Bắc anh ạ”.

 Khi tôi nhắc đến Vũ Xuân Toàn, tổ trưởng tổ bảo dưỡng bê tông đập, Hội trầm trồ: “Anh Toàn em biết, suốt ngày đêm ở trên đập không kể có đúng phiên trực hay không. Những người như anh Toàn thật đáng quý”, “ Và những người như Hội cũng thật đáng quý, Hội ạ”. Tôi thầm nghĩ. Chỉ là một người lái xe, nhưng ở Hội tôi thấy toát lên tình yêu đối với công việc, và lòng tự hào về những gì người thợ Sông Đà đang làm trên công trường.

Có những kỷ niệm trào đến, có những nỗi niềm thương nhớ trỗi dậy chỉ từ những duyên cớ nhỏ nhoi. Đến bãi tổ hợp của chi nhánh Lắp máy 10 ở bờ trái sông Đà phía hạ lưu, ven con đường xưa đi vào Mường Tè, chợt nghe tiếng còi quen thuộc cất lên. Một công nhân đang dùng còi điều khiển chiếc cầu trục nhấc một khối van cong đập tràn để kiểm tra lần cuối trước khi đưa ra công trường. Nhớ đến dáng người thấp nhỏ, chắc nịch của “vua cẩu chuyển” Nguyễn Huyền Chiệc và tiếng còi của ông điều khiển lắp đặt các thiết bị siêu trường siêu trọng của nhà máy nhiệt điện Phả Lại 1 và thủy điện Hòa Bình.

Vào những năm 1980 của thế kỷ trước, thiết bị của ta còn nghèo, làm gì có những cần cẩu sức nâng 600 - 700 tấn như hiện nay. “Kê-kích-bắn-bẩy” là 4 thao tác thường dùng của nghề lắp máy. Từ kinh nghiệm nghề nghiệp, những người thợ lắp máy mà Nguyễn Huyền Chiệc là điển hình, đã dùng những cần cẩu sức nâng có hạn, nâng lên và lắp đặt vào vị trí trong gian máy những khối thiết bị khổng lồ nặng vài trăm tấn. Nguyễn Huyền Chiệc trưởng thành từ người thợ. Nhưng sự có mặt của ông trong những sự kiện đó làm yên lòng mọi người. Ông làm được vì đằng sau ông có cả một đội ngũ kỹ sư và thợ bậc cao lành nghề.

“Chúng tôi thường để ông xuất hiện trong những phút cam go nhất”. Giám đốc lắp máy 10 Hòa Bình Đặng Văn Vỵ  nói như vậy. Nhớ đến Đăng Văn Vỵ,tôi nhớ mãi cảnh ông trầm ngâm hàng giờ nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy qua tuy-nen số 2 thủy điện Hòa Bình để tìm ra giải pháp tối ưu cho  việc lắp đặt các thiết bị thủy công trên công trường. Cái dáng to cao của ông với cái mũ nhựa Thụy Điển (kỷ niệm của Giấy Bãi Bằng) với tôi, như một phần không thể thiếu của công trường lúc ấy.

Giờ thì Anh hùng lao động Nguyễn Huyền Chiệc đã yên nghỉ ở chốn vĩnh hằng. Kỹ sư Đặng Văn Vỵ cùng nhiều kỹ sư khác góp phần làm nên cuốn “sách giáo khoa” về lắp máy thủy điện cũng đã nghỉ hưu từ lâu. Thay anh Vị, ở Sơn La là kỹ sư Nguyễn Thế Trinh. Kết thúc Sơn La, Chỉ huy trưởng công trường lắp máy Nguyễn Thế Trinh được tuyên dương Anh hùng lao động. Thay Nguyễn Thế Trinh ở Lai Châu là một người còn rất trẻ, kỹ sư Lê Thiết Hùng.  Và gánh nặng trên vai Hùng không nhỏ. Năm  2015 này là “năm của lắp máy”. Thủy điện Lai Châu có phát điện tổ máy 1 vào cuối năm  được hay không tùy thuộc rất lớn vào họ.

Gặp nhau trên công trường, Lê Thiết Hùng tươi tỉnh: “ Hai cầu trục trong gian máy, mỗi chiếc sức nâng 560 tấn đã lắp đặt xong. Nếu thiết bị về đúng hẹn thì  đảm bảo phát điện tổ máy 1 đúng tiến độ. Và  lần lượt 3 tháng một, tổ máy 2 và 3 sẽ phát điện.”

Cũng xin nói thêm là bắt đầu từ thủy điện Sơn La, cầu trục gian máy, các tổ hợp thiết bị đóng mở cống dẫn dòng đã do nhà máy cơ khí Quang Trung chế tạo . Đây cũng là một bước tiến của ngành cơ khí chế tạo nước nhà.

Ở hạng mục đắp đập thủy điện cũng nhiều chuyện để nhớ. Đập Hòa Bình là đập đá đổ lõi đất sét. Đập thủy điện Sơn La là đập bê tông đầm lăn. Đây là một công nghệ đắp đập mới. Chỉ huy trưởng công trường đắp đập bê tông đầm lăn là kỹ sư Nguyễn Hoàng Cường, Giám đốc Công ty Sông Đà 9.08. Đập thủy điện Sơn La hoàn thành vượt tiến độ đề ra. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Cường cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ, còn bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ kỹ thuật với đề tài đắp đập bê tông đầm lăn. Làm Lai Châu, Nguyễn Hoàng Cường bàn giao công việc đắp đập và chức Giám đốc Sông Đà 9.08 cho kỹ sư Đinh Văn Đại, người trợ thủ đắc lực. Trở thành Tông giám đốc Công ty Sông Đà 9, một quả đấm mạnh về thi công cơ giới của Tổng công ty sông Đà - Nguyễn Hoàng Cường bước vào một thử thách mới: Đưa Sông Đà 9 trở thành một Tổng thầu EPC có uy tín ở khu vực.

Trong những lần ngược xuôi Tây Bắc qua Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu, tôi thường nhớ về những người thợ đã gắn bó cả đời mình với sự nghiệp trị thủy sông Đà, làm ra dòng điện cho Tổ quốc.

 Với tôi, họ vừa là những người bạn, người thầy, là những tấm gương cho mình học hỏi. Sông Đà cuộn chảy về xuôi, còn họ cứ ngược dòng sông Đà mà tiến tạo nên một “hào khí Sông Đà” không dễ gì có được trong thời buổi kinh tế thị trường này. Nhớ Nguyễn Kim Tới, Giám đốc Ban điều hành dự án thủy điện Sơn La đứng mũi chịu sào ở đê quai phía thượng lưu trong cơn lũ về đột ngột trước ngày khởi công công trình. Chỉ cần Tới lùi một bước, hàng nghìn người đang chống lũ sẽ mất sức chiến đấu, đê quai sẽ vỡ, cuốn theo hàng trăm người đang làm việc dưới lòng kênh dẫn dòng. Ngày khởi công và chặn dòng sông Đà sẽ chậm lại cả năm.

Nhớ Vũ Chí Mỹ, Phó giám đốc Sông Đà 9, người sát cánh bên Tới và đưa ra những giải pháp hết sức hợp lý góp phần chặn cơn lũ dữ. Nhớ Đinh La Thăng Bí thư Đoàn trên công trường Hòa Bình, đã dẫn đầu đoàn viên lao vào cứu kho thuốc nổ đang bị lửa cháy rừng uy hiếp. Nhớ Trần Thọ Chữ “thợ đào đường hầm”, với những đêm trắng cứu đồng nghiệp bị sập hầm, hai lá phổi dính đầy bụi đá, thường cất giọng ngân nga “ai cũng một thời trẻ trai… “Người Anh hùng ấy đang phải vật lộn với căn bệnh suy thận, cứ 3 ngày phải lọc máu một lần. Trong sổ tay công tác của tôi, ghi biết bao tên những người thợ  Sông Đà. Một niềm vui nho nhỏ: Nhiều lần cuốc bộ trên công trường, có lắm người thợ dừng xe chở đi, có lắm cánh tay vẫy chào. Nhớ mãi những người bạn - thợ lầm lũi làm việc, hôm nay ở đây, ngày mai đã đi công trường khác.

Sông Đà chảy xuôi. Những người trị thủy sông Đà thì cứ ngược dòng mà tiến. Giờ đây, đã là giai đoạn cuối cùng của công cuộc trị thủy sông Đà. Sông Đà không phải là Sông Đen nữa. Đã là Sông Đà ĐỎ, được đổi tên từ bản HÙNG CA của những người thợ Sông Đà.

Vào năm 2101, bức thư gửi thế hệ mai sau, đặt trong khối bê tông trên bờ trái sông Đà phía hạ lưu nhà máy thủy điện Hòa Bình được mở ra. Thế hệ trẻ sẽ thấy gì? Sẽ ngời lên khí phách của những người doàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, với dòng khẩu hiệu sáng ngời: “Chúng ta sống vì Tổ quốc”. Tôi mường tượng như vậy. Và dòng sông Đà tiếp tục cuộn lên bao nỗi nhớ niềm thương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủy điện Lai Châu về đích sớm 1 năm, Nhà nước lợi 5.000 tỷ đồng
Thủy điện Lai Châu về đích sớm 1 năm, Nhà nước lợi 5.000 tỷ đồng

VOV.VN -Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nếu đảm bảo tiến độ như hiện nay, sẽ rút ngắn thời gian thi công so với yêu cầu khoảng 1 năm.

Thủy điện Lai Châu về đích sớm 1 năm, Nhà nước lợi 5.000 tỷ đồng

Thủy điện Lai Châu về đích sớm 1 năm, Nhà nước lợi 5.000 tỷ đồng

VOV.VN -Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nếu đảm bảo tiến độ như hiện nay, sẽ rút ngắn thời gian thi công so với yêu cầu khoảng 1 năm.

Thủy điện Hòa Bình đặt mục tiêu phát trên 10 tỷ kWh
Thủy điện Hòa Bình đặt mục tiêu phát trên 10 tỷ kWh

VOV.VN - Theo Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, tình hình thủy văn sẽ khiến chỉ tiêu phát điện trên 10 tỷ kWh là một thách thức lớn.

Thủy điện Hòa Bình đặt mục tiêu phát trên 10 tỷ kWh

Thủy điện Hòa Bình đặt mục tiêu phát trên 10 tỷ kWh

VOV.VN - Theo Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, tình hình thủy văn sẽ khiến chỉ tiêu phát điện trên 10 tỷ kWh là một thách thức lớn.

Điện Biên loại bỏ 11 dự án thủy điện vừa và nhỏ
Điện Biên loại bỏ 11 dự án thủy điện vừa và nhỏ

VOV.VN - Các công trình thủy điện này chiếm dụng nhiều đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường và hiệu quả thấp.

Điện Biên loại bỏ 11 dự án thủy điện vừa và nhỏ

Điện Biên loại bỏ 11 dự án thủy điện vừa và nhỏ

VOV.VN - Các công trình thủy điện này chiếm dụng nhiều đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường và hiệu quả thấp.

Người dân tái định cư thủy điện Lai Châu dựng nhà đón Tết
Người dân tái định cư thủy điện Lai Châu dựng nhà đón Tết

VOV.VN -Cùng với vốn tích lũy, nguồn tiền đền bù, hỗ trợ cũng giúp người dân dựng được   ngôi nhà khang trang hơn trước.

Người dân tái định cư thủy điện Lai Châu dựng nhà đón Tết

Người dân tái định cư thủy điện Lai Châu dựng nhà đón Tết

VOV.VN -Cùng với vốn tích lũy, nguồn tiền đền bù, hỗ trợ cũng giúp người dân dựng được   ngôi nhà khang trang hơn trước.

Bữa cơm đoàn viên của nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng
Bữa cơm đoàn viên của nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng

VOV.VN -Với những nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tết năm nay, họ như vừa mới sinh ra một lần nữa để được cảm nhận xuân đang hiện hữu.  

Bữa cơm đoàn viên của nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng

Bữa cơm đoàn viên của nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng

VOV.VN -Với những nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tết năm nay, họ như vừa mới sinh ra một lần nữa để được cảm nhận xuân đang hiện hữu.  

Tái định cư thủy điện Lai Châu: Điểm sáng Mường Tè
Tái định cư thủy điện Lai Châu: Điểm sáng Mường Tè

VOV.VN -Những ngôi nhà khang trang đang dần mọc lên bên dòng suối Bum Nưa là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trên cung đường vào thị trấn Mường Tè

Tái định cư thủy điện Lai Châu: Điểm sáng Mường Tè

Tái định cư thủy điện Lai Châu: Điểm sáng Mường Tè

VOV.VN -Những ngôi nhà khang trang đang dần mọc lên bên dòng suối Bum Nưa là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trên cung đường vào thị trấn Mường Tè

Phát động thi đua xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu năm 2015
Phát động thi đua xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu năm 2015

VOV.VN -Phong trào thi đua phát động với mục tiêu “Xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu đảm bảo chất lượng, an toàn, tiết kiệm và vượt tiến độ”.

Phát động thi đua xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu năm 2015

Phát động thi đua xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu năm 2015

VOV.VN -Phong trào thi đua phát động với mục tiêu “Xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu đảm bảo chất lượng, an toàn, tiết kiệm và vượt tiến độ”.

Xuân về trên công trường thủy điện Lai Châu
Xuân về trên công trường thủy điện Lai Châu

VOV.VN - Trên công trường thủy điện Lai Châu vẫn đang rộn ràng trong từng phần việc của những cán bộ, kỹ sư, công nhân không nghỉ Tết. 

Xuân về trên công trường thủy điện Lai Châu

Xuân về trên công trường thủy điện Lai Châu

VOV.VN - Trên công trường thủy điện Lai Châu vẫn đang rộn ràng trong từng phần việc của những cán bộ, kỹ sư, công nhân không nghỉ Tết. 

Đón xuân ở công trường thủy điện nơi địa đầu Tổ quốc
Đón xuân ở công trường thủy điện nơi địa đầu Tổ quốc

VOV.VN - Vì dòng điện cho Tổ quốc, những công nhân trên công trình thủy điện Nho Quế ở lại công trường, cùng nhau đón Tết.

Đón xuân ở công trường thủy điện nơi địa đầu Tổ quốc

Đón xuân ở công trường thủy điện nơi địa đầu Tổ quốc

VOV.VN - Vì dòng điện cho Tổ quốc, những công nhân trên công trình thủy điện Nho Quế ở lại công trường, cùng nhau đón Tết.