Sức hấp dẫn của một “Biên bản chiến tranh”
VOV.VN - Chân thực, sống động, gay cấn, thuyết phục và hấp dẫn - đấy là những nhận xét không quá hào phóng dành cho “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”.
Tôi đã dành hầu hết kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa rồi để chậm rãi đọc hết cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75’’, một tiểu thuyết tư liệu lịch sử dày hơn 400 trang của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành. Vừa đọc vừa dùng Ipad để tra cứu, tham chiếu thêm trên mạng về những sự kiện, nhân vật lịch sử mà cuốn sách đề cập với sự thích thú và cảm giác bị lôi cuốn thật sự.
Đã có quá nhiều sách, báo, hồi ký, tiểu thuyết…“đào bới” khá kỹ lưỡng với nhiều góc nhìn về những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) cũng như toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam (nói theo cách của phương Tây) hay cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (theo cách nói của chúng ta). Vậy nên, thuyết phục được độc giả, nhất là trong thời buổi này, đọc thêm một cuốn sách quá dày dặn chữ nghĩa và đầy ắp những sự kiện của gần 40 năm về trước, thật không dễ. Thế mà nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã làm được điều đó.
Bìa cuốn sách "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75"
Cuốn sách vừa ra đời đã lập tức được các cơ quan truyền thông: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình ở cả Trung ương và địa phương giới thiệu và được bạn đọc đón nhận. Cuối tháng 4/2014 sách phát hành lần đầu, thì ngay tháng 5 và tháng 6, Nhà xuất bản đã 2 lần quyết định in nối bản.
Chân thực, sống động, gay cấn, thuyết phục và hấp dẫn - đấy là những nhận xét không quá hào phóng dành cho “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”. Vì sao một "Biên bản chiến tranh" - như cách nói của tác giả - về những sự kiện lịch sử của gần 40 năm trước, lại có sức hấp dẫn với công chúng hôm nay?
Trước hết, cuốn sách này không dàn trải mà chỉ tập trung mô tả sự sụp đổ, nhìn từ bên trong, của chế độ VNCH ở giai đoạn quyết định nhất của cuộc chiến dài nhất mà nước Mỹ can dự vào, từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1975, thông qua hàng loạt sự kiện dồn dập xảy ra trên chiến trường và chính trường miền Nam và thông qua ứng xử của các nhân vật, từ sĩ quan, tướng lĩnh đến chính khách của chế độ Sài Gòn. Sự dồn nén của thời gian và không gian khiến các sự kiện, sự việc liên quan đến sự sống còn của chính thể VNCH cũng như số phận, thân phận của các cá nhân "xếp hàng trong thể chế ấy" trở nên vô cùng gay cấn, căng thẳng.
Hoàn cảnh điển hình tạo điều kiện phát lộ những sự việc điển hình, tính cách điển hình. Điều đáng nói là tất cả các sự kiện, sự việc và nhân vật hiện diện trong cuốn sách này đều có thật, được tác giả kể lại một cách chân thực, sống động và chính xác đến từng chi tiết, cả thời gian và địa điểm.
Những bức thư và điện văn của Tổng thống Mỹ R.Nixon và G.Ford gửi Nguyễn Văn Thiệu và trả lời của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa; toàn bộ các văn bản đệ trình và các báo cáo tình báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, các quyết định, sắc phong; toàn bộ các bức điện chỉ huy tác chiến của Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn trong toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ; các bản tường trình cùng lời khai của hàng chục tướng lĩnh các quân đoàn, sư đoàn, các tướng lĩnh thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn được tác giả viện dẫn trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này đều là những tài liệu nguyên bản.
Điều đáng nói nữa là cuốn sách được viết với một cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, không chen bất cứ bình luận, nhận xét cá nhân nào của tác giả.
Chính vì thế, đọc cuốn sách này, độc giả luôn có cảm giác pha trộn rất lạ giữa một tiểu thuyết và một cuốn biên niên sử. Có thể nói, lối viết hiện đại - tốc độ và hành động, vừa gần với báo chí vừa giàu sức tưởng tượng, sự pha trộn hài hòa giữa chất văn học và tường thuật sự kiện lịch sử khiến cho những câu chuyện mà nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh kể trở nên hấp dẫn, lôi cuốn.
Đây cũng là một gợi ý thú vị về cách viết, cách dạy lịch sử vốn khô khan trong hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay, khiến cho nhiều học sinh và cả sinh viên cũng không mấy thiết tha với sử học, không mấy quan tâm và thiếu hiểu biết về lịch sử nước nhà.
Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng (giữa) cùng hai nhà báo Trần Mai Hạnh (phải) và Văn Bảo tại cửa rừng Tây Ninh sáng sớm 29/4/1975.
Trần Mai Hạnh viết được cuốn sách này là do ông có cơ may được cử là Đặc phái viên Thông tấn xã Việt Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử từ đầu, đi trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc TTXVN khi đó dẫn đầu, ông may mắn có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Không những có cơ may của lịch sử mà ông còn có cơ duyên trong cuộc sống khi được nhiều cán bộ, nhiều cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc và khai thác những tài liệu quý giá từ phía bên kia.
Ý định xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này nảy sinh trong ông ngay từ những giờ phút huy hoàng ngày 30/4/1975, khi ông chợt nghĩ những sự kiện, sự việc đang diễn ra trước mắt chỉ ngày mai thôi đã là quá khứ, đã là lịch sử. Công việc sưu tầm, tập hợp tư liệu được tiến hành ngay từ ngày ấy, nhưng ông không ngờ phải mất một thời gian dài đến thế. Nhờ cơ may của lịch sử và những cơ duyên trong cuộc sống, cộng với tài năng, tâm huyết và sự lao động không mệt mỏi cuối cùng ông đã hoàn thành "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75".
Cuốn sách không chỉ phục vụ nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc nói chung mà phần nào còn có tác dụng tham khảo, tra cứu đối với các nhà nghiên cứu, sáng tác văn học nghệ thuật.
Gấp lại cuốn sách này, tôi có một cảm nhận rất rõ: Một thể chế nếu chỉ được tạo dựng và củng cố bằng sức mạnh vật chất ngoại lực, thiếu tính chính danh và đặc biệt là thiếu niềm tin thì tự thân nó đã tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ, thất bại.
Tự bạch ở phần đầu cuốn sách, Trần Mai Hạnh viết: "Cuốn sách không may gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm của tác giả. Rất mong sự ra mắt muộn mằn của nó được đón nhận với sự cảm thông và lượng thứ của bạn đọc...". Riêng tôi thì nghĩ: Nếu cuộc đời ông không sóng gió thăng trầm đến thế thì đã dễ gì ông có được một cuốn sách dầy dặn, chững chạc với giọng văn điềm tĩnh, thuyết phục, chan chứa tình yêu đất nước đến thế./.