Thơ Hà Nội 30 năm đổi mới: Hướng đến con người cá nhân
VOV.VN - Thành tựu nổi bật của thế hệ những nhà thơ hiện đại Việt Nam sau gần
30 năm đổi mới là bước chuyển cơ bản từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng
đời tư, thế sự.
30 năm đổi mới là bước chuyển cơ bản từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng
đời tư, thế sự.
“Thơ Hà Nội - 30 năm đổi mới và phát triển” là chủ đề cuộc hội thảo do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức sáng nay (30/9). Hội thảo được xem như tổng kết bước đầu những thành tựu của thi ca Hà Nội thời đổi mới với những tìm tòi, cách tân của các nhà thơ.
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, thành tựu nổi bật của thế hệ những nhà thơ hiện đại Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới là bước chuyển cơ bản từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng đời tư, thế sự; các nhà thơ cảm nhận cuộc sống chân thực, tỉnh táo hơn bằng việc nghiêng về tiếng nói cá thể, sẻ chia về thân phận, suy tư trước cuộc đời.
Đánh dấu mốc trong tư duy của thơ thời kì đổi mới là “Bóng chữ” (Lê Đạt), “Sự mất ngủ của lửa” (Nguyễn Quang Thiều), “Vọng trắng” (Trần Anh Thái)… Tình yêu vật chất cũng tìm được chỗ đứng trong thơ tình, như một phần tất yếu của nhu cầu tâm lý và bản năng con người. Tiêu biểu như tập thơ “Ngựa biển” của nhà thơ Hoàng Hưng...
Thơ thời kỳ này cũng có những cách tân về hình thức, ngôn ngữ biểu đạt theo hướng phóng khoáng hơn, cho phép nhà thơ được thoải mái sáng tạo và thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Tiêu biểu là lớp nhà thơ trẻ như Nguyễn Bình Phương, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh…
Tại hội thảo, PGS. TS Lưu Khánh Thơ, thuộc Viện Văn học Việt Nam cho biết: “Quan niệm về chức năng của thơ ca đã thay đổi. Nó đi sâu vào tâm trạng con người, được khai thác tận cùng. Nhưng cũng có mặt hạn chế khi một số cây bút trẻ quá đi sâu vào việc khai thác cái tôi cá nhân, đề cao cái tôi mà gần như quay lưng lại với những vấn đề bức xúc, quan thiết của cộng đồng. Do đó, nhiều khi cần có sự cân bằng để hòa hợp”.
Thơ Hà Nội thời kỳ này cũng có những tiếng nói mạnh mẽ, bản lĩnh của nhiều nhà thơ nữ như Phan Thị Vàng Anh, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh… Một số gương mặt thơ nữ trẻ tuổi như Trương Quế Chi, Thanh Xuân, Nguyệt Phạm… lại có nhiều cố gắng trong việc phối hợp giữa ngôn ngữ với các phương tiện khác như âm nhạc, hình ảnh, âm thanh tiếng động để làm phong phú hơn khả năng biểu đạt của ngôn ngữ thi ca./.