“Thời gian ngừng lại“: Chuyện nghề của một nhà báo VOV
VOV.VN - Là một phóng viên chuyên viết cho đối tượng người nước ngoài, nên các bài viết của Vũ Hải thường ngắn.
Nhà báo Vũ Hải (Đài Tiếng nói Việt Nam) vừa tặng bạn bè một cuốn sách ghi lại chuyện nghề của mình. Sách có tên “Thời gian ngừng lại” (Nhà xuất bản Văn học) in trên giấy tốt, bìa trang nhã. Sách có hai phần: phần 1 là những câu chuyện nghề. Phần 2 là một số bài viết mang tính nghị luận của tác giả, chủ yếu cũng là về nghề báo.
Bạn đọc sẽ rất xúc động khi đọc những lời tâm sự về ông thân sinh của Vũ Hải: một y tá ở bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), một người ân nặng nghĩa tình với quê hương Mộ Trạch, Hải Dương, một người hết lòng với người bệnh, chan hoà với bạn bè và đặc biệt: là người khơi nguồn cho Vũ Hải “niềm đam mê tiếng Pháp” để cậu con trai của mình 14 tuổi đã theo học lớp chuyên tiếng Pháp và sau đó gắn bó cả cuộc đời với tiếng Pháp. Đây cũng là bài viết có số trang in nhiều nhất trong tập sách này.
Là một phóng viên chuyên viết cho đối tượng người nước ngoài, nên các bài viết của Vũ Hải thường ngắn. Vũ Hải là người được đào tạo rất bài bản, chuyên học tiếng Pháp từ phổ thông cho tới đại học. Ra trường, vào làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều lần được cử đi học về nghiệp vụ báo chí ở Tiệp Khắc rồi ở Pháp. Chúng ta hãy nghe tác giả kể về chuyến đi Pháp đầu tiên (cuối năm 1991): theo chân một phóng viên Pháp đi tác nghiệp ngoài hiện trường, học cách lên bản tin, viết mào đầu, làm băng tiếng động (xử lý âm thanh) viết bình luận phát thanh ngắn, học cách sắp xếp, trình bày một bản tin… Đó là những giờ học rất bổ ích cho một người làm báo phát thanh, và cho một người sau này trở thành người quản lý ở một cơ quan báo chí lớn là Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tôi đã có dịp nghỉ lại trụ sở Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pháp ở số 5 rue du Tremble, Villeneuve la Garenne thuộc tỉnh Hauts-de-Seine, phía Bắc thủ đô Paris. Đây là ngôi nhà mà nhóm phóng viên đầu tiên của Đài (Kim Thâu – Vũ Hải) chọn làm trụ sở. Trong câu chuyện “Những ngày đầu làm phóng viên thường trú ở nước ngoài”, khi nói về ngôi nhà (xây theo kiểu Pavillon) như một biệt thự nhỏ, Vũ Hải quên một chi tiết: ngôi nhà rất gần sông Seine và đường vào rất đẹp, trừ mùa đông thì lúc nào cũng cây xanh rợp bóng, hoa cỏ dịu dàng.
Hơi xa trung tâm Paris một chút nhưng là một nơi để ở và nghỉ ngơi thì rất tốt. Thôi thì đủ thứ giấy tờ để ra đời một cơ quan mà các nhà báo trong nước nên biết. Nhưng tôi thích nhất một chi tiết: khi các quan chức Bộ Nội vụ Pháp phỏng vấn hai nhà báo Việt Nam để cấp thẻ hành nghề, lòng vòng đến cả chuyện NATO ném bom Nam Tư… Hai nhà báo Việt Nam “nói đùa” rằng nếu không vì cái thẻ nhà báo thì có thể nói hành động này (ném bom Nam Tư) là “lý của kẻ mạnh”… Phải nói sao để mấy ông an ninh Pháp phì cười “bảo thôi được rồi”. Đó là những bài học ứng xử mà chúng ta nên tham khảo.
Thời Vũ Hải thường trú ở Paris (1999- 2001), tôi làm Thư ký toàn soạn báo Tiếng nói Việt Nam nên hay có dịp trao đổi bài vở với anh. Hầu hết những bài viết cho báo hồi đó, nay được Vũ Hải chọn đưa trong tập sách này. Nhớ mãi cái ảnh Vũ Hải cao lòng khòng, đứng trong tầu điện ngầm Paris để viết cho chúng tôi bài “Metro ở Paris”. Những bài ngắn Vũ Hải viết đề cập nhiều nét đời thường của Paris và nước Pháp như: “Bưu điện Pháp”, “Người Pháp với Internet”, “Nạn bạo lực học đường”, “Nỗi lo của phụ huynh Pháp”, “Thực trạng nhà tù Pháp”, “Cuộc chiến chống thuốc lá ở Pháp”, “Paris: mại dâm chuyển vùng”.
Là một nhà báo Đối ngoại có nghề nên Vũ Hải khai thác rất tốt tư liệu tra cứu được kết hợp với quan sát hiện trường. Viết về Bưu điện Pháp, anh đưa ra vài con số: “Năm 1999, Bưu điện Pháp với 150 000 người làm trong lĩnh vực thư dự kiến chuyển khoảng 25 tỉ lá thư, chưa kể 385 triệu bưu kiện. Doanh số của ngành Bưu điện có thể đạt xấp xỉ 96 tỉ francs, tăng gấp 2,5% so với năm ngoái”. Một nhận xét được đưa ra: “Điều này hoàn toàn trái ngược với những dự đoán cho rằng trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện thông tin khác như điện thoại di động, fax, thư điện tử, ngành bưu điện sẽ ngày càng thu hẹp”.
Tôi có một liên tưởng: Liệu đến năm 2018, viết về Bưu điện Pháp, Vũ Hải sẽ nhận xét như thế nào? Toát lên trong bài viết là “thói quen dùng bưu điện của người Pháp những năm cuối thế kỷ 20 - một nét văn hoá rất đẹp”.
Tôi thích những chi tiết đời thường về người Pháp và nước Pháp trong những bài viết của Vũ Hải. Hóm hỉnh như bài viết “Phải đúng quy trình hay toilettes công cộng ở Cannes”. Nhà báo nay đã nhiều tuổi hơn thời ở Paris (đã là năm 2017 rồi), dạo bước dọc bờ biển… “liếc mắt xuống bãi tắm, phát hiện có vài cô phơi ngực trần như cố hứng trọn những tia nắng yếu ớt còn sót lại miền Địa Trung Hải…”. Cái toilettes công cộng ấy làm phiền khối anh người Việt vì “quy trình” rất chậm chạp của nó. Tôi không kể ra đây vì muốn người đọc cảm thấy cái chất “hóm hỉnh” trong văn phong Vũ Hải từ nguyên tác. Nhưng có lẽ nên kết thúc những kỷ niệm “duyên - nợ “ với nước Pháp của Vũ Hải ở đây.
Vũ Hải đã dành từ trang 87 đến 105 để viết về ba nhà báo lớn của Đài Tiếng nói Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời anh. Đó là bà Phạm Thi Thi - nữ phát thanh viên tiếng Pháp , người trưởng phòng tiếng Pháp tận tuỵ đã cầm tay chỉ việc cho chàng cử nhân tiếng Pháp mới ra trường. Đó là ông Nguyễn Văn Thu (còn gọi là “ ông Thu râu” để phân biệt với “ông Thu béo” cũng làm ở Đài), người đầu tiên tường thuật bóng đá trên Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng là Trưởng ban biên tập các chương trình phát thanh Đối ngoại. Đó là ông Mai Thúc Long (còn gọi là ông”hổ lửa”) trưởng ban Biên tập Đối ngoại và sau là Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam). Chuyện về ba nhân vật thành danh này thì nhiều. Nhưng cũng có thể nhận xét rằng, qua cuộc đời của họ, thấy được bước đường phát triển cùa Đài.
Sau này, ở cương vị Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Vũ Hải ít có dịp viết chuyện đời thường. Thi thoảng, nhà báo phải viết một số bài mang tính chính luận. Một số bài được tập hợp in trong tập sách này. Cũng là những đề tài thú vị mà người làm báo quan tâm như “Báo in và phát thanh phải chăng đã kết thúc sứ mạng?”; như “Phát thanh chính là bạn”, “Phát thanh với thể thao”; như “Có cần biên tập viên hay không?”; như “Minh bạch thông tin: nhu cầu thiết yếu của người dân”.
Tôi thích những vấn đề mà Vũ Hải nêu trong các bài viết của mình: “ Khoan dung: lễ vật lớn nhất của đời người”; “Lòng tin và sự tử tế”…
Rất tiếc vì thời gian và công việc nên Vũ Hải ít nói tới nghề chính mà anh làm trong nhiều năm: nghề biên dịch. Thực chất, khi chuyển ngữ một tác phẩm báo chí, biên dịch viên đã hơn một lần viết lại bài báo. Có thể nói không ngoa: họ là đồng tác giả bài báo. Ở cương vị Trưởng ban biên tập Đối ngoại, Vũ Hải đã có nhiều trăn trở và cố gắng “gò” các phóng viên trẻ, các biên dịch viên trẻ vào các hoạt động nghiệp vụ báo chí, rất chú ý nâng cao nghiệp vụ báo chí cho thế hệ phóng viên – biên tập viên trẻ. Và hệ phát thanh Đối ngoại đã gặt hái được không ít kết quả. Cũng như những câu chuyện khi Vũ Hải trúng cử một nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội. Nhiều chuyện đáng kể lắm chứ.
“Thời gian ngừng lại” để nhà báo Vũ Hải chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới của cuộc sống. Tôi mong Đài Tiếng nói Việt Nam có thêm một dịch giả mới, lần này với văn học và văn hoá Pháp. Như đã có Trịnh Lữ, Đinh Thế Lộc (tiếng Anh); Đỗ Quyên (Tiếng Trung)…
Cũng chia vui với Vũ Hải rằng sau anh, dòng họ Vũ – Võ làng Mộ Trạch có thêm một phóng viên nữa. Con trai Vũ Hải. Ngoan và cầu tiến ./.