Tiễn đưa nhà văn Tô Hoài về cõi vĩnh hằng
VOV.VN - Hàng trăm người đã đến tiễn biệt tác giả “Dế Mèn phiêu lưu ký” - một nhà văn tài hoa, cả đời cống hiến hết mình cho sự nghiệp sáng tác.
Sáng nay (17/7), lễ viếng và lễ truy điệu nhà văn Tô Hoài đã được cử hành trọng thể tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Hàng trăm bạn đọc, cùng đông đảo văn nghệ sĩ đã không quản trời mưa như trút, tới đưa tiễn tác giả “Dế Mèn phiêu lưu ký” về nơi an nghỉ cuối cùng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gửi vòng hoa tới lễ viếng, chia buồn cùng gia quyến nhà văn Tô Hoài. Ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Thành phố Hà Nội, Liên hiệp các Hội văn học Nghê thuật Hà Nội, lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Hội Nhà văn Việt Nam,… cùng hàng trăm văn nghệ sĩ, nhà phê bình văn học đã đến tiễn biệt nhà văn Tô Hoài.
Trong dòng người đến tiễn đưa nhà văn Tô Hoài, còn có nhiều các em nhỏ vốn yêu thích tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký”, những em học sinh đại diện cho thế hệ trẻ ngày hôm nay.
Dù trong buổi sáng tại Hà Nội trời đổ mưa rất to nhưng hàng trăm người vẫn đội mưa đến viếng và tiễn đưa nhà văn Tô Hoài
“Hôm nay trời mưa tầm tã khóc Bác Tô Hoài. Những chú Dế Mèn nằm im không cất nổi một thanh âm, chỉ có mưa là nói hộ cho lòng người, cho hàng hàng văn nhân đất Việt tiễn bác lên miền cực lạc. Con xin chúc bác lên cao xanh với nụ cười thanh thản. Chúng con luôn học bác tấm lòng với quê hương, tinh thần lao động sáng tạo quật cường”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam lưu lại dòng cảm xúc trong sổ tang.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã không giấu được nỗi xúc động khi đến viếng và vĩnh biệt một nhà văn lớn, một người anh lớn của văn đàn Việt Nam. Đối với nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Tô Hoài mất đi, đã đem theo một sự nghiệp lớn của một người cầm bút trên 70 năm. Nhà văn Tô Hoài là tấm gương lao động tận tụy, nghiêm cẩn, tích lũy vốn sống. Ông đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để nói về con người và đất nước Việt Nam mà ông vô cùng yêu mến. Đặc biệt là những người cùng khổ, những người lao động ở thị thành, những người dưới đáy xã hội giành quyền sống, quyền làm người, giành độc lập tự do cho đất nước.
Nhà thơ Hữu Thỉnh viết trong sổ tang
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Khi tôi còn là một cậu bé, Tô Hoài là một nhà văn lớn, và khi tôi đã trở thành một người đàn ông nhiều tuổi, một nhà thơ thì Tô Hoài vẫn là một nhà văn có sức ảnh hưởng rất lớn. Có hai điều tôi kính trọng ông, một là những tác phẩm mà ông viết, hai là nhân cách, là sự dâng hiến cho xã hội, một trong số ít những nhà văn trung thực với ngòi bút của mình cho đến hơi thở cuối cùng”.
Tô Hoài là tấm gương lớn cho nhân cách của một nhà văn, cho sự sáng tạo mới mẻ, cho sự sáng tạo không mệt mỏi”.
"Dế Mèn phiêu lưu ký" và các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài sẽ mãi trường tồn cùng thời gian
Trong lễ truy điệu, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đọc lời điếu văn, thuật lại cuộc đời nhà văn tài hoa, luôn một lòng cống hiến cho nền văn học nước nhà: “Tô Hoài, một nhà văn, nhà văn hóa lớn, nhà hoạt động xã hội uy tín, một công dân Thủ đô ưu tú. Những gì ông đã sang tạo ra, chắc chắn sẽ còn mãi với đời, giúp chúng ta sống đẹp hơn, giàu có hơn về tinh thần, thanh thản hơn về vật chất, trọn vẹn hơn với tố chất con người Thăng Long – Hà Nội bất khuất và nhân hậu, thanh lịch và văn minh, đó cũng chính là chất con người Việt Nam được lan tỏa khắp đất nước chúng ta. Tô Hoài thật sự là một tài năng, một nhân cách, một cây bút lớn, tiêu biểu của nền văn học Việt Nam đương đại; là một tấm gương lao động nghệ thuật cần mẫn, nhiệt huyết, trách nhiệm… để đội ngũ văn nghệ sĩ và chúng ta noi theo. Lịch sử ghi nhận và tôn vinh ông! Cầu chúc cho linh hồn nhà văn Tô Hoài siêu thoát cõi vĩnh hằng”.