Tiểu thuyết Biên bản chiến tranh - Một cuốn sách thành công

VOV.VN -Hội nhà văn VN đã trao giải nhất văn học cho cuốn tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4-75 - của nhà báo Trần Mai Hạnh.

Khi biết tin Hội nhà văn Việt Nam trao giải nhất văn học cho cuốn tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 - một cây bút không chuyên của nhà báo Trần Mai Hạnh, tôi đã tới tham dự và "cười khẩy". Sự nghi ngờ có tính mặc định là thói xấu bấy nay của giới văn bút, e ngại sự chia chác và thiên vị chăng? 

Rồi từ người bạn đồng tuế, tôi nhận được nó. Cuốn sách được đọc, hút tôi về phía cực tích cực, đọc say mê không buông, đi lại tám chín lần. Nó xứng đáng là cuốn sách hay nhất bấy nay, khi bàn về chiến tranh, ở giác độ văn chương không thuần túy. Nó hay tới mức một chứng nhân như tôi tham gia trận mạc từ khi khởi phá tháng Ba Tây Nguyên, đánh truy kích quân đội VNCH mút mùa tận Sài Gòn phải gối đầu giường đọc nó, truy kích lại sự thật từng chữ một không sót. Và đúng là, nó xứng đáng nhận giải thưởng cao nhất của Hội nhà văn Việt Nam.

Trong văn học đương đại, ở thể loại tiểu thuyết hôm nay, khi nhà văn hạ bút viết theo nhịp sống hiện đại, thi pháp tiểu thuyết đã mở rộng nhiều biên độ, thể loại tiểu thuyết lịch sử để nhận diện một vấn đề nào đó của lịch sử thực không giản đơn vì nó dễ rơi vào khô cứng và một chiều, nhất là khi nhà văn ở một phía nào đó quan sát và chiêm nghiệm. Vì thế, các nhà văn đương đại đã phải vật lộn với sự thật, hòa trộn, dựng lên một dị bản hiện thực cho công chúng tiêu hóa dễ dàng "Một sự thật đã đi qua".

Biên bản chiến tranh 1-2- 3-4.75 của Trần Mai Hạnh đã vượt qua được điều khó khăn ấy, trở thành một hiện tượng hiếm hoi của tiểu thuyết hiện đại hôm nay.

Gần 600 trang sách quả là một thử thách với bạn đọc bây giờ, thiêu đốt 24 giờ để đọc song, dẫu có độ dày như thế, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 vẫn là cuốn sách hết sức cuốn hút, hút hồn để đọc ngọt ngay từ những trang đầu. 

Dùng văn học như chất men chiêu dụ, kết hợp cả thể kí sự, báo chí, tác giả Trần Mai Hạnh đã sử dụng ngòi bút rất nhuần nhuyễn, biến những sự kiện khô cứng nhất của lịch sử thành một cuốn tiểu thuyết đầy tâm huyết, tạo nên sự chuyển vận của cả hệ thống nhân vật dẫn chuyện lịch sử. Lịch sử chiến tranh vốn khô xác, đảo nhào và khô cứng, bỗng dưng lập trật tự theo ngọn bút nhà văn, trở nên hấp dẫn lạ thường, dẫn bạn đọc đi từ đường ven cuộc chiến, từ các chi tiết ở vùng chiến thuật tới trung tâm của vùng chiến lược, nóc Tổng hành dinh Tư lệnh chiến tranh VNCH và cả bộ máy nóc nhà chiến cuộc là Sứ quán Mỹ, giải mã nhiều vấn đề của chiến tranh hết sức giàu kịch tính. 

Gắn bó với cuộc chiến mà tác giả mô phỏng, tôi - một nhân chứng tham chiến bị nó cuốn theo, đọc đi đọc lại nhiều lần để hồi tưởng và suy nghĩ. Trần Mai Hạnh đã sử dụng rất nhiều tư liệu có thật, những biên bản tài liệu của chế độ VNCH mà kho lưu trữ của ta thu giữ được, còn nóng hổi mùi thuốc súng ngày 30-4-1975, cả những cuốn hồi kí mà phía người Mỹ tổ chức cho nhiều tướng lĩnh VNCH viết khi họ di tản sang Mỹ. Những câu chuyện đời tư của nhiều tướng lĩnh VNCH và cả những lời khai của chính họ, bộc lộ về phía họ vụt trở nên sự mô phỏng tính tự thuật, tự thú cao làm cuộc chiến sinh động lạ thường. 

Chính vì thế, lịch sử những tháng cuối cùng của một chế độ cũ và nát, thối tha từ trong ruột đã được dựng lại khá công bằng và cận sự thật. Cho nên, có thể nói, tiểu thuyết lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh là một cuốn sách khá điển hình ở thể loại Tiểu thuyết lịch sử khi dựng lại lịch sử với những chân dung nhân vật có thật mà không làm lịch sử bị bóp méo. 

Không sa vào những lối viết cứng nhắc cũ xưa, cứ phải: ta thắng địch thua, địch xấu ta tốt, Trần Mai Hạnh khách quan chừng mực lắm khi đã hết sức công khai và minh bạch, dựng lại rõ ra bản chất thực sự của tướng lĩnh VNCH mà nhân vật trung tâm là Tổng chỉ huy Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người chống cộng cực đoan nhất của chế độ cũ để qua đó phơi bày rõ bản chất của một thể chế tay sai, phụ thuộc hoàn toàn vào nước Mỹ. 

Ở một tầng nấc cao nhất bao trùm cuộc chiến, mặt chiến lược soi xét, Trần Mai Hạnh đã làm một việc hết sức tình cờ mà hữu ích: quan sát toàn bộ lịch sử từ trên cao, ngoài tuyến tức là người viết "bay" trên lịch sử, theo thói thường, kẻ viết dễ mắc lỗi, sa vào sở đoản từ mặt đất nhìn ghé sang.

Nhưng cũng chân thực như thế, tác giả dựng lại cả những vị tướng lĩnh mà cuộc đời riêng hay cái chết cuối cùng của họ, biểu hiện rõ với tư cách người lính, họ là những con người có danh dự và trách nhiệm, khả năng tác chiến thiện chiến. Trường hợp điển hình trong sách là vị thiếu tướng tư lệnh trưởng quân đoàn 4, quân khu 4 Nguyễn Khoa Nam. 

Tư lệnh trưởng quân đoàn 4, bàn giao sinh mạng 1,6 vạn binh sĩ và gia đình họ cho hai cán bộ mặt trận giải phóng, bàn giao nguyên vẹn các cây cầu tiến vào thủ phủ Cần Thơ, với lời hết sức nhân văn: “Không được. Cầu để nguyên không được đánh sập, “ Mệnh lệnh phá cầu không cho con người còn đi lại ấy trái với đạo làm tướng. Hắn, thiếu tướng Nam trước khi thất thủ đã đi úy lạo Quân y viện Phan Thanh Giản, thăm lại 200 thương chiến binh, trước khi nã một phát đạn Braoninh vào đầu, kết thúc một bi kịch: “chỉ sống với cần vụ , không gia đình riêng“, chả người thân ở bên. 

Trái ngược với khuôn mặt như thế, từ người hùng Ngô Quang Trưởng tới Nguyễn Cao Kỳ hay Nguyễn Văn Thiệu rõ ra nguyên vẹn những bộ mặt tay sai cho người Mỹ, bỏ binh sĩ trốn chạy, thoát khỏi sự trừng phạt của nhân dân. Những sự tháo chạy nhục nhã ấy không bôi thêm lịch sử vốn hoen bẩn, mà chỉ làm sáng tỏ bộ mặt lịch sử ở bình diện biên bản, nhìn từ sự thật, dựng lên chân dung chiến tranh, qua những sự thật đã xảy ra.

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 thành công hơn tất cả các cuốn tổng kết chiến cuộc xây dựng tiểu thuyết chiến tranh có ba điểm chính nhất được xác lập tài tình và công phu. Một là đã vẽ ra được chân dung nhân vật khá chi tiết, khái quát, đầy đủ về quá trình sống và chiến đấu của những tướng lĩnh điển hình của VNCH- bi kịch thời đại mà họ tạo ra, can dự và thất bại. Bút pháp linh hoạt: không một chiều cũ mòn và khả năng dựng nhân vật tốt về tâm lí, về hành động. 

Hai là hệ thống được cả tiến diễn của cuộc chiến trong 4 tháng cuối cùng của chiến tranh Việt Nam một cách vừa chi tiết vừa khái quát để người đọc hình dung, dễ hiểu nhất mọi cảnh tình và cảnh huống chiến cuộc rất có lớp lang thứ tự, từ bắt đầu tới khi kết thúc. Bút pháp hiện đại kết hợp ngôn ngữ, cả thể loại báo chí, hồi kí tạo nên ngôn ngữ kể có mạch, làm ra sự hấp dẫn, sinh động, tin cậy cho bạn đọc.

Ba là khách quan trong sử dụng tài liệu khi viện dẫn rất đầy đủ, tập hợp được nhiều tài liệu chi tiết, kể cả tài liệu mật lưu trữ công bố sau cuộc chiến của Bộ tổng hành dinh lẫn giải mã công trình mật từ nguồn hồi kí tướng lĩnh VNCH và cả bộ máy công cụ CIA.

So sánh trong văn học đương đại hai phía bên thua và bên thắng có hai cuốn viết rất sát sự kiện tháng Ba 1975. Thập kỉ 80-90, văn học hải ngoại ồn ào cuốn "Tháng ba gãy súng" của Cao Xuân Huy. Đây là cuốn hồi kí của một cựu trung úy Thủy quân lục chiến, thuộc quân lực VNCH. Cao Xuân Huy đã dụng công, viết với năng lực dòng giống (con nhà văn Cao Nhị) dựng lại tất cả thời gian cuộc chiến mà anh tham dự và can dự theo chiều kích từ dưới đất nhìn lên nhằm đánh giá cuộc chiến. 

Tư liệu là chính đời ông được gọi là hồi kí. Những trang viết hết sức sống động kể về cuộc thoái lui u buồn của kẻ chiến bại. Ở tâm thế: ... “Thật sự khi cầm bút viết, tôi chỉ vì một điều ấm ức với lời một ông tướng cũ của mình khi ông tuyên bố “để mất nước (là) tội chung mọi người, lớn tội lớn, bé tội bé. Tôi không đồng ý điều đó, chúng tôi đánh nhau đến viên đạn cuối cùng rồi bị bắt, như vậy không phải là chúng tôi có tội. Tôi tức quá về điều đó, tôi viết ra...".

Cao Xuân Huy viết xong, từng chương một và được nhà văn Nguyễn Mộng Giác in ngay trên Báo Văn học do Nguyễn Mộng Giác chủ biên khi đó. Cung cấp 1 lượng thông tin ở 1 giác độ, "Tháng ba gãy súng" là nguồn cho 58 thư viện thế giới, tái bản đến 10 lần.

Như thế, cuộc chiến được tái hiện ở lí do bào chữa sự thất bại mà Huy là nhân chứng tham gia vào cuộc thoái lui ngắn ngủi và nhiều bị kịch ấy. Lập lý của ông Huy là, không buông súng mà gãy súng, Cao Xuân Huy nói: “Súng của chúng tôi có phải đã bị bẻ gãy không khi mà vẫn có thể tiếp đạn cho để chúng tôi chiến đấu“. Rõ ràng, viên trung úy đã đề cao vũ khí, thứ máu mà người Mỹ muốn như là công cụ chính để thay máu cuộc chiến, tiếp sinh lực sinh khí cho binh sĩ VNCH. Huy không hề biết rằng, chiến tranh không giản đơn như thế, khi rơi bị động vào cái thế thua, buông súng còn mới nguyên, chạy dài, tháo lui khốn nạn suốt giải miền Trung tới tận Sài Gòn thất thủ.

Tôi, một binh sĩ khác chiến tuyến, sau khi đọc "Tháng ba gãy súng" năm 1996, 1998, Cao Xuân Huy sang Đức tìm tới nhà. Chúng tôi cự nhau dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh treo giữa nhà tôi, nói về cái sự thảm bại của binh sĩ VNCH và tôi nói rõ: “Anh đã viết hồi kí, chiếu rọi lịch sử của một nhúm người, nhóm có anh cựu Thủy quân lục chiến khoác áo chiến bại. Rõ là nguyên do chiến tranh bại trận không trúng và không đúng. Ở ngã tư Bẩy Hiền, tôi vượt qua cả một dãy dài xe bọc thép M113 của các anh thơm sực mùi Mỹ. Tôi thấy trên xe bản đồ Sài Gòn còn bọc nilon mới tinh-xi-on. Các anh rơi vào cái thế phải chạy và phải thua. Thua là tất yếu của lịch sử trớ trêu bắt đầu từ Tháng Ba, từ sự rút chạy hỗn oạn tùy nghi không ai đủ sức chỉ huy của cả quân đoàn Ba các anh, nên nhúm các anh gãy súng. AR15 đã gãy, trước các họng súng AK 47.

Thật ra, cuốn hồi kí ấy được Cao Xuân Huy thể hiện khá sinh động, khái quát được toàn bộ diễn tiến cuộc tháo lui của một người lính dũng cảm và đánh nhau có mục đích. Nhưng bản thân cuốn hồi kí ấy là thái độ một chiều, của một kẻ chiến bại, không khái lược sự thất bại tất yếu, do đâu, vì sao mà sinh phát tội lỗi của đám tàn binh ấy, từ các sĩ quan chóp bu VNCH, không mang tải được một ý nghĩa giải oan cho chiến cuộc mà nó, cuốn hồi kí của Huy chỉ là sự giải oan cho chính anh, một tên lính thất trận.

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh có cách nhìn ở tâm thế khác. Bay qua một tầng nấc trên cao quan sát cả dải lịch sử đã diễn ra và tái hiện. Tiểu thuyết của Trần Mai Hạnh, bằng tư liệu cụ thể, những tài liệu chính nhất của các cơ quan đầu não tối mật, những biên bản nóng của nhiều nhân chứng, sĩ quan cao cấp VNCH, chính khách chế độ đã chỉ ra sai lầm lớn nhất, sự thất bại có tính chiến lược và chiến thuật của tất cả nền tảng tạo nên sức mạnh quân sự của VNCH. Chính vì lẽ đó mà những trang viết của Trần Mai Hạnh hiện ra rõ lắm một cuộc chiến với tầm vóc và kích cỡ khác, đẫm máu và khốc liệt. Nó khái lược toàn bộ cái thế thua được, hết thất bại này tới thất bại khác của cả một guồng máy chiến tranh bị động, chế độ mục ruỗng tận bàn đế.

Vô hình chung, tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của một người viết không chuyên nghiệp đã chứng minh được tính tất yếu về quy luật của chiến tranh ở phần thế thắng thua, thuộc về lịch sử khó chối cãi. Nó không hề nhắc tới những tướng lĩnh và binh sĩ của phe ta mà là bản anh hùng ca viết rõ ra bằng chữ. Đầy đủ một nghệ thuật cuộc chiến mở màn từ Tháng Ba lịch sử ở Tây Nguyên.

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà văn Trần mai Hạnh đã được hoàn chỉnh dịch ra tiếng Anh vào tháng 3/2017. Thêm một lần cung cấp cho chính sử triết thuyết chiến cuộc công bố ra toàn thế giới, gọi tên đúng của chiến cuộc tháng Ba 1975, mở rộng sự thật cuộc chiến gọi ra, dóng lên thuyết lý giản dị nhất cho toàn bộ công chúng dễ nhận biết trong sử văn học Việt. 

Nó, đúng là một sự kiện của văn học nước nhà, xứng đáng tầm vóc, kích cỡ của một con người đặc biệt yêu đất nước, hết sức kính trọng sự hy sinh mất mát của biết bao chiến sĩ quân giải phóng mà dóng bút viết ra, nhọc nhằn công phu dựng lên biên niên sử đồ sộ trong một góc nhìn xuyên qua chiến tranh, trong tâm thế vừa chứng nhân, vừa khách quan đánh giá chiến tranh, với tư cách một nhà văn vừa đủ độ "chín", nhãn quan "chín", thẩm thấu suốt chiều kích lớn lao của cuộc chiến từ tháng 1 tới tháng 3 và tháng 5, làm rõ ra lịch sử bi tráng của toàn dân tộc trên một thất bại không thể nào thay đổi được của một chế độ đã mục ruỗng để mà sụp đổ. Sụp đổ một cách hết sức có lý và tự nhiên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ra mắt “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” phiên bản tiếng Anh
Ra mắt “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” phiên bản tiếng Anh

VOV.VN - Sách vừa có giá trị về văn học, vừa có giá trị về lịch sử và báo chí, những tài liệu nguyên bản được xem là tuyệt mật ở thời điểm đó của phía bên kia.

Ra mắt “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” phiên bản tiếng Anh

Ra mắt “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” phiên bản tiếng Anh

VOV.VN - Sách vừa có giá trị về văn học, vừa có giá trị về lịch sử và báo chí, những tài liệu nguyên bản được xem là tuyệt mật ở thời điểm đó của phía bên kia.

Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày thành lập
Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày thành lập

VOV.VN - Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại chặng đường xây dựng và phát triển Hội Nhà văn Việt Nam.

Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày thành lập

Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày thành lập

VOV.VN - Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại chặng đường xây dựng và phát triển Hội Nhà văn Việt Nam.

Ngày sách Việt Nam tôn vinh tác phẩm “Đường Cách mệnh“
Ngày sách Việt Nam tôn vinh tác phẩm “Đường Cách mệnh“

VOV.VN - Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 được tổ chức gắn liền với kỷ niệm 90 năm ngày ra đời tác phẩm "Đường Cách mệnh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày sách Việt Nam tôn vinh tác phẩm “Đường Cách mệnh“

Ngày sách Việt Nam tôn vinh tác phẩm “Đường Cách mệnh“

VOV.VN - Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 được tổ chức gắn liền với kỷ niệm 90 năm ngày ra đời tác phẩm "Đường Cách mệnh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Đỗ Quý Doãn ra mắt tập thơ “Rằng thương nhau cho trọn”
Nhà thơ Đỗ Quý Doãn ra mắt tập thơ “Rằng thương nhau cho trọn”

VOV.VN - Chiều 6/4 tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm và ra mắt tập thơ "Rằng thương nhau cho trọn" của nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn.

Nhà thơ Đỗ Quý Doãn ra mắt tập thơ “Rằng thương nhau cho trọn”

Nhà thơ Đỗ Quý Doãn ra mắt tập thơ “Rằng thương nhau cho trọn”

VOV.VN - Chiều 6/4 tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm và ra mắt tập thơ "Rằng thương nhau cho trọn" của nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn.

Từ bài tường thuật đầu tiên đến biên bản tiếng Anh của một cuộc chiến
Từ bài tường thuật đầu tiên đến biên bản tiếng Anh của một cuộc chiến

Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, phiên bản tiếng Anh sẽ ra mắt bạn đọc.

Từ bài tường thuật đầu tiên đến biên bản tiếng Anh của một cuộc chiến

Từ bài tường thuật đầu tiên đến biên bản tiếng Anh của một cuộc chiến

Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, phiên bản tiếng Anh sẽ ra mắt bạn đọc.