Tin đồn và tiếng sáo

Đội tuyên truyền văn hóa của Tỉnh đội vỏn vẹn chỉ có sáu người, hai nam bốn nữ, vừa đủ một mâm. Một đàn gió, một đàn ghi ta, một sáo trúc.

  • Nghe nhiều truyện khác
  • Những làn điệu dân ca
  • Nghe Tiếng thơ
  • Những tình khúc thế kỷ
  • Cửa sổ tình yêu
  • Nghe NS Minh Nguyệt đọc truyện


    Ấy là tất cả nhạc cụ mà đội có buổi đầu mới thành lập. Hai người con trai đảm đương vai chủ đạo của dàn nhạc: Thạnh phong cầm và Phú ghi ta. Còn sáo trúc là Trường - cô gái có cái tên chẳng con gái tí nào nhưng thổi sáo có thể nói là  “vô địch”.

    Như trời đã định sẵn như vậy, không ai có thể thay thế được. Trường có thể chơi liền trong bốn tiếng đồng hồ, cây sáo dính chặt vào đôi môi bầu bậu vô cùng gợi cảm của cô suốt từ sáng đến trưa hoặc từ trưa đến tối, không một tích tắc di dời. Trường lại là đàn chị trong tốp nữ của đội, cô hai nhăm, lớn tuổi nhất và nghe đâu đã có người yêu ở một đơn vị không quân đã từng được đào tạo ở Liên Xô. Ba cô gái khác đều hai mươi hăm mốt, mới nhập ngũ không lâu, hơ hớ thanh xuân, chưa yêu ai và cũng chưa kịp cho các chàng trai trong các đơn vị Tỉnh đội có dịp làm quen trò chuyện tìm hiểu.

    Họ đều là học sinh đã tốt nghiệp cấp ba thi vào đại học một vài lần không đậu, bèn xung phong đi bộ đội. Sẵn có chút năng khiếu về múa hát, các cô được tuyển vào gần như ngay lập tức. Mây tóc dài chấm kheo chân, Dạ mũi dọc dừa, mắt to như gái châu Âu, Linh cằm chẻ, má bánh đúc. Ấy là những đặc điểm riêng của các cô, mọi người trong Tỉnh đội đều gọi theo các đặc điểm đó: Mây tóc dài, Dạ mắt to và Linh bánh đúc. Riêng Trường chẳng có đặc điểm gì đáng nói, nhưng lại xinh đẹp hơn tất cả. Cô có cái dáng đi tự nhiên mà uyển chuyển như chim trĩ đang múa, nhìn sau lưng mới cảm nhận được vẻ yêu kiều quyến rũ với đôi chân dài thon thả bước thong dong, cặp mông trứng cuốc đánh qua đánh lại một cách mềm mại dịu dàng như thể đang mỉm cười vẫy gọi bạn.

    Đội ra đời giữa năm, tập luyện được dăm bảy tiết mục khả dĩ có thể biểu diễn trước đám đông chiến sĩ được thì cuối năm, cấp trên bổ sung về thêm ba người, hai nam một nữ. Vậy là chín, con số may mắn, số sinh. Một trong hai chàng trai đó là Nhi, đội trưởng chính thức thay cho Thạnh phong cầm, đội phó đang phụ trách tạm thời.

    Nhi đậm người, da nâu, mặt chữ điền, râu ria lởm chởm. Nghĩa là những gì bên ngoài của anh ta đều trái với cái tên khá là đàn bà của anh. Anh không biết chơi đàn, không biết ngâm thơ, ca hát múa cũng không nốt. Chỉ có tài nói. Anh là chính trị viên đại đội dưới đơn vị điều lên, chuyên làm công tác quản lý, và dĩ nhiên anh lớn tuổi hơn tất cả, vào bộ đội lâu hơn tất cả. Như người anh trưởng ở đội vậy.

    Trong buổi ra mắt đội, trong lúc mọi người chờ đợi thủ trưởng thuyết lí về nhiệm vụ, công việc vinh quang, tư tưởng cần xác định vân vân...thì Nhi chẳng nói gì cả, chỉ kể một chuyện vui: “Tôi đã có vợ và hai cháu, đực rựa cả. Định kỳ phép năm nay rặn thêm đứa nữa, may ra được cái ngao cho đủ nếp đủ tẻ; nhưng nghĩ sợ nuôi không nổi, lại đang thời chiến, có lẽ dừng ở đây thôi. ở đơn vị cũ của tôi có cả thảy mười một cậu như tôi, có vợ con đề huề. Chúng tôi lập ra một cái hội gọi là “Hội sợ vợ”. Làm cái anh đàn ông, ai mà chẳng sợ vợ? Không sợ vợ thì sợ ai hả? Biết sợ vợ mới là người đứng đắn, chỉn chu, chính trực, hợp với đạo lý! Hội chúng tôi thường đưa ra lập luận tuyên truyền như vậy.

    Một hôm, có một cô văn công trên trung ương về biểu diễn phục vụ đơn vị, nghe được chuyện chúng tôi, liền tìm đến, nghiêm túc và đáo để nói:

    - Báo cáo! Em xin gia nhập Hội sợ vợ các anh

    - ủa, cái gì? Cô mà...?

    -Vâng, em xin gia nhập Hội sợ vợ!

    - Cô...? Cô đã hoặc sắp làm vợ, chẳng nhẽ cô lại sợ chính bản thân mình

    - Em không sợ em. Nhưng em đủ tiêu chuẩn và Hội.

    - Đủ thế nào?

    Cô ta nhoẻn cười để lộ hai hàm răng trắng đều như ngô nếp, mắt lúng liếng liếc quanh một cái mê hồn, nói:

    - Em cũng sợ vợ! Sợ vợ... các anh!

    Cả hội chúng tôi trố mắt, lặng phắt vài giây, xong tóe ra cười, cười ngặt nghẽo, cười ngả nghiêng, cười tóe khói...”

    Ba chàng trai cười phá, giống y như họ là hội viên Hội sợ vợ cùng thủ trưởng mới của họ. Năm cô gái phản ứng thành ba tốp: Mây tóc dài, Dạ mắt to thì tủm tỉm, giúi mặt vào nhau thẹn thùng như chính mình gây ra chuyện: Linh bánh đúc và cô mới về đội là Nhàn chưa có biệt hiệu thì khúc khích, ai ngồi chỗ nấy, cô quải tay ra sau gáy kẹp laị lọn tóc mặc dù nó đã được kẹp rất gọn gàng. Riêng Trường một mình một tốp không cười, đứng dậy, nét mặt trầm tư như chính ủy, cô bước qua bước lại sau lưng mọi người, nhịp mông lại nhún nhảy tự nhiên như tường ngày.

    Bấy giờ đang là giữa thời kỳ chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Máy bay Mỹ gần như rú rít suốt ngày đêm trên  bầu trời. Bom tạ, bom tấn, rốc két, bom bi... Nổ rền vang; pháo sáng lừng lựng soi mói đây đó.

    Nhân dân ta và bộ đội sản xuất, chiến đấu chống trả đều dưới tầm bom đạn của bọn giặc trời.

    Ngày tháng qua.

    Năm cô gái tuyên truyền văn hóa sống và làm việc với nhau êm đẹp, thuận hòa rất mực. Nhưng không vì thế mà không có những giờ phút ngó nhìn nhau, xét nét hoặc ngờ vực nhau điều gì đó, việc gì đó. Mặc dù những giờ phút đó diễn ra một cách thầm lặng và chẳng bợn chút ác ý nào. Phụ nữ mà! Muôn đời vẫn thế, tò mò, kín đáo, bí ẩn... Đội xây dựng được vài tiết mục, đã nhiều buổi nhiều đêm trình diễn trước bộ đội và nhân dân trong vùng. Lẽ dĩ nhiên, qua các buổi đó, sự giao lưu tiếp xúc giữa lính và lính, giữa lính và nhân dân ngày càng thân mật, gần gũi, mặn nồng. Dần dà... người lâu người chóng, người khó người dễ... bốn cô gái điều có “mục tiêu” cả; hai là bạn đồng ngũ trong quân đội, hai là cán bộ các ngành dân chính ở địa phương. Chỉ mỗi Trường, người xinh đẹp nhất lại chẳng có gì. Không biết vì cô chẳng để ý đến ai hoặc chẳng có ai để ý đến cô. Từ đâu chẳng rõ, một cái tin đồn đến tai bốn cô gái trong đội là Trường không có “cái ấy”, ái nam ái nữ
    Rì rầm bàn tán. Lạ lùng, thương hại, thực hư bỏ ngỏ...Nói chị đã có người yêu ở không quân sao chẳng thấy thư từ đi lại, chẳng có tâm sự thầm thì với các chị em gái trong đội? Chao ôi, nếu thật như vậy thì tội tình cho chị quá, chị xinh đẹp thế kia, trẻ khỏe thế kia. Lẽ nào ông trời lại... Một tin ba bốn ngờ. Chị vẫn đi lại sinh hoạt, chuyện trò, luyện tập, nghỉ ngơi, trang điểm...bình thường như các em cơ mà! Có nét nào biểu hiện của nam giới đâu?..
    Chẳng lâu la gì, mấy chàng trai trong đội cũng nghe biết. Họ nhất quyết rằng cái tin đồn đó phát ra từ một cô nào đó trong đội, người ngoài khó hoặc không thể.
    Thạnh ác-coóc-đê-ông phân tích theo cái kiểu “truyện ngắn rất ngắn” của Nhi đội trưởng: “Một hôm các nàng đi tắm suối. Nước suối trong đến nỗi đứng trên bờ vẫn mồn một rõ cả những hòn cuội màu nâu màu ghi màu đen dưới đáy. Các nàng tắm theo kiểu mà các cô gái Phú Thọ vẫn tắm lâu nay “cho em xin tí xà phòng” trên sông. Nghĩa là “dân gian”! Riêng Trường thì không thế, áo nịt quần lót đoàng hoàng. Bảo là chị có cái bớt to sần sùi sau mông khó coi. Rồi cười. Các nàng khác cũng cười, bụng nghĩ: “bà chị vẽ chuyện! ở dưới này có ai dòm đâu mà sợ! Họa chăng có mấy con cá mại nó “chiêm ngưỡng”! một nàng láu lỉnh, im lặng quyết tìm cho ra bí mật. Bèn ngụp xuống nước sâu, thò tay rờ rờ vào mông Trường. Chẳng thấy bớt biếc nào cả. Luôn tiện tay cô vòng ra trước tinh nghịch chộp thử vào ngã ba bên dưới bụng Trường. ối chao ôi! Chẳng thấy gì cả. Nó hoàn toàn khác cái của mình! Nó cứ nhẵn thín, dẹt như cái trán của Phú ghi ta nhà mình kia!”
    Phú nổi cáu:

    - Sao cậu lại ví chỗ ấy với cái trán của tớ? Muốn ăn đấm hả?

    Cả bọn cười vang. Phú đỏ mặt như gấc, nắm tay định xông vô Thạnh. Nhi dàn hòa:

    - Thôi thôi, vui tí chút thôi mà. Thạnh chẳng có ý gì đâu; chẳng qua “lô gíc hình tượng” vậy thôi. Mình có câu vui kể các cậu nghe chơi, có phải... Quỳ- người về đội một lần cùng với Nhi cắt lời:

    - Khoan! Bây giờ làm sao đây, về Trường ấy?

    Nhi chép miệng:

    - Ai dám chắc thật giả trong chuyện này. Cứ để đó đã!

    Thạnh hưởng ứng

    -Thủ trưởng kể đi! Câu gì vậy?

    - Là cái câu “Thằng Bờm có cái quạt mo” ấy mà!

    - Quạt mo làm sao?

    - Chẳng phải đâu. Ca dao dân gian ta xưa vốn đậm màu phồn thực. Thật ra nó vốn là “Thằng Bờm có cái c... to”

    Tiếng cười rộ lên.

    - A... hả? Hả...

    Nhi tỉnh khô:

    - Chuyện nghiêm túc, không phải để cười. Các cậu thấy không: quạt mo lấy từ đâu? Từ bẹ cau vườn nhà phú ông chứ gì? Bờm ta nghèo xơ nghèo xác làm gì có cau mà có quạt? Hắn chỉ có cái kia thôi!

    - Có thể hắn xin mo cau được ở đâu đó!

    - Xin được ai mà xin!

    Nhi tiếp:

    - Rồi cái nắm xôi ở cuối bài nữa. Không phải nắm, mà là chõ. Một chõ hẳn hoi nhé. Cả chõ xôi Bờm mới chén no. Vậy đấy!

    Cả tốp nhao nhao:

    - Vậy là sao? Là sao?

    Nhi thủng thẳng, rành mạch:

    - Tất cả bò trâu, ao sâu cá mè, bè gỗ lim, chim đồi mồi điều không ăn được, đâu dễ gì mà lấy của Phú ông. Phú ông có nhiều bà vợ, vừa trẻ khỏe lại vừa đẹp đẽ. Trong lúc ấy ông ta lại vừa già vừa nhỏ, chẳng làm sao đáp ứng được nổi đòi hỏi của mấy bà. Bờm mình thì to nhưng đói. Ngặt cái đó không sao đổi được. Phải có một chõ xôi. Bờm ăn no mới có sức, mới giúp cho phú ông làm cho mấy bà thỏa chí. Nghĩa là Bờm ta thay phú ông “chiến đấu”.
    Thạnh, Phú bật dậy, đồng thanh la lớn:

    - Ối ối! Thủ trưởng chỉ tài bịa.

    Quỳ vuốt mặt, trầm ngâm buông từng tiếng:

    - Im lặng nào. Cũng có... cái lí... của nó đấy.

    Nhi gật đầu:

    - Chứ sao nữa. Thôi nhé, giờ chúng ta bàn công việc một lát. Chuyến này đội ta đi phục vụ các đơn vị đóng quân ở mấy huyện miền ngược. Gian khổ đấy. Nhiều quãng đường phải cuốc bộ, dốc đèo, rừng rú, rồi mưa gió, bom đạn, thú dữ, sên vắt... Bốn thằng đàn ông mình phảicố gắng nhiều, giúp đỡ các chị em trong công tác, sinh hoạt, gìn giữ, bảo vệ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ tốt trong cuộc đi dài này. Quyết tâm nhé.

    Bốn bàn tay đặt chồng lên nhau.

    Đợt biểu diễn của đội thành công ngoài sự mong muốn. Đặc biệt là tiết mục độc tấu sáo của Trường. Một cô gái thổi sáo đã hiếm. Thổi hay lại càng hiếm. Cô lại được trời ban cho sắc đẹp không thể nói là thường thường bậc trung. Tiếng sáo của cô khi trầm khi bổng hút hồn người nghe biến họ thành ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Tiếng sáo luyến láy, réo rắt thiết tha chừng như làm gà thôi gáy, chim ngừng hót, chó thôi gâu... Chiến sĩ các đơn vị mà đội đến phục vụ thôi thì có cái gì quí đều đem tặng anh chị em. Những dò phong lan, đẹp hoang dã, sững sờ. Những tấm vải dù ngụy trang loang lổ bền nhẹ, tiện lợi. Những bông hoa rừng hiếm có, những hòn đá cuội tạo hình thù kỳ thú...Và trên tất cả, là tình cảm chân thực, đậm đà giữa chiến sĩ cầm súng và chiến sĩ cầm đàn.

    Trên đường về, đội dừng lại nghỉ giữa cánh rừng bên bờ thượng nguồn con sông nước xanh leo lẻo giữa trưa nắng nóng. Cơm nước xong, mọi người mắc võng nằm dưới tán cây râm mát. Thoắt chốc, tiếng khò khò của các chàng trai đã vang lên, trong lúc các cô gái ríu rít đi tắm. Các cô kéo nhau xuống bờ sông nơi có hai bờ si rừng uồm tán ra mặt nước buông những chùm rễ dài như những bộ râu của các cụ già thông thái và ưu tư. Chẳng ngại ngần gì giữa thâm u vắng lặng, các cô trút bỏ hết áo quần trong ngoài, thoải mái lội ra giữa dòng ngập đến vai, té nước, sờ nắn nhau, cấu véo nhau chí chóe. Con gái là vậy, miễn lúc nào chỉ có nhau thôi là họ nghịch ngợm chả kém gì con trai; có khi còn vượt bậc nữa, họ sáng tạo ra những trò hoang không ngờ tới.

    Nghĩ tới tin đồn trước đây khi mới được điều về đội, Nhi đang thiu thiu bỗng nhổm dậy trên võng, lặng lẽ đứng lên nghe ngóng một lát. Xác định nơi các nàng đang vui đùa dưới sông, Nhi đi xiết về phía trên chừng trăm mét. Anh nấp vào một gốc cây um tùm ghé nhìn xuống những “tòa thiên nhiên” trắng lốp chỉ từ vai trở lên. Ước lượng cự ly và vị trí xong xuôi, anh trút bỏ hết áo quần ngoài nhảy xuống nước như một chú rái cá. Anh vốn quê bờ sông, tài lặn lội được rèn luyện từ khi mới chập chững biết đi. Nên dưới lòng sông, anh vẫn nhẹ nhàng và tỏ tường chẳng khác gì trên bộ. Không một tiếng động nhỏ, Nhi trườn như trạch cốm đến đúng chỗ Trường đang đứng kỳ cọ. ối chao! đúng như cụ Nguyễn Du đã tả. Trong làn nước như gương, Trường “dày dày sẵn đúc”, lồ lộ động tiên. Lượn một vòng êm ru quanh hai chân cô, Nhi nhìn lại một lần nữa cho rõ, rồi luột đi khỏi, còn lặng êm hơn khi trườn tới. Anh lên bờ mặc quần áo, trở lại nơi võng nằm. Chút rung cảm thèm muốn thường tình của đàn ông nhanh chóng tan đi nhường chỗ cho một niềm vui vì hạnh phúc tha nhân; mà tha nhân giờ đây lại là một cô gái đồng đội nữ chiến sỹ của anh...

    Đội tiếp tục con đường trở về Tỉnh đội. Nhi nháy Phú lại gần, rỉ tai:

    - Dạo nọ thằng Thạnh nó “sáng tác” ba láp. Cô Trường hoàn toàn như vợ tau ở nhà. Còn hơn vợ tau ở điểm tươi trẻ non xanh.

    - Ủa, anh biết chắc chắn à?

    - Ừ. Tao có tài xem tướng mặt mà. Nhi cười tủm, bước dấn lên đầu đoàn.
    Tin đồn như đỉa đói. Vẫn cứ dai dẳng truyền đi trong đơn vị, cả những đơn vị khác cũng lõm bõm, lan ra ngoài dân chúng trong vùng đóng quân nơi sơ tán. Không biết Trường có nghe hay không mà cứ tỉnh bơ. Cô vẫn hồn nhiên như cây cỏ, đi lại, làm việc, tập luyện, vui đùa cười nói như mọi người, cứ như chẳng bợm chút nghĩ ngợi vấn vương.

    Thoắt mấy năm nữa trôi qua. Dạ, Nhàn đã có chồng. Linh, Mây cũng rục rịch cho ngày phép cưới sắp tới. Trường vẫn phòng không.

    Rất nhanh chóng khi Nhi khẳng định rằng cái anh lính không quân của cô, chẳng qua là vô hình vô ảnh, chính cô đã bịa ra để tự an ủi mình mà thôi. Oái oăm sao cho thân phận cô gái. ở đời người tốt, người xinh có khi lại gặp rủi ro, bất hạnh. Những tin đòn thổi vu vơ, vớ vẩn nhiều khi lại làm cho người trong chuyện bị xâm hại, khổ đau. Trường đã hai bảy hai tám tuổi rồi, tuổi xuân chẳng mấy chốc nữa sẽ bay đi mất, làm sao níu kéo? Nhi bỗng thấy một nỗi buồn da diết ập tới. Như chính anh là đối tượng, người giữa cuộc. Anh ngẫm nghĩ ngày đêm. Chẳng một ai hay biết, chỉ mỗi mình anh độc nhất. Vậy anh phải có trách nhiệm, cần có trách nhiệm trong việc này. Một trách nhiệm gần như vô can nhưng lại rịt ràng, thắt buộc, chẳng thể rũ bỏ.
    Nhi bắt được thư nhà, báo tin thằng em trai đã thi đỗ đại học, ra trường được nhận ngay công tác đúng ngành nghề thủy lợi đã học. Hắn muốn mở một cuộc liên hoan gia đình bằng tháng lương đầu tiên của hắn, ước mong sao anh trai có mặt. Nhi sực nghĩ, đây rồi...! ờ chẳng đâu xa lạ, người nhà mình mà sao lâu nay mình không nghĩ tới? Anh xin phép về làng quê vài hôm.
    Hai anh em xuất hiện tại doanh trại nơi sơ tán của Tỉnh đội bộ vào một ngày chủ nhật. Mấy chàng trai trẻ trong đội đã biến mất từ tăm từ sáng sớm. Họ có “thủ đô” tương lai của họ ở đâu đó trong vùng. Lại chỉ mỗi Trường ở nhà; cô xuống bếp giúp các chiến sỹ anh nuôi thêm một tay nấu nướng, lau rửa, quét dọn...Trong phòng ở của thủ trưởng mình, Trường nhìn thấy một thanh niên cao lớn, trắng trẻo, mặt mày khá dễ coi, có thể nói là đẹp trai. Duy chỉ có mũi khoằm khoằm. Song đó là dấu hiệu của tính cách hết sức đàn ông của anh ta mà thôi. Trường bỗng thấy lòng mình xao động, cô gật đầu chào khách hai má chợt ran ran.

    - Giới thiệu với cô Trường, đây là Nguyên em trai tôi – Nhi vừa pha nước vừa nói.

    Họ làm quen với nhau vừa nhát gừng vừa sôi nổi. Nhưng là sự sôi nổi có kìm nén của buổi ban đầu. Nước nôi trò chuyện một lát, Nhi kéo hai  người ra lùm phi lao sau nơi doanh trại sơ tán dạo mát. Họ vừa lang thang vừa nói chuyện làng xóm quê hương vừa sản xuất vừa chiến đấu một cách không bình thường chút nào nhưng lại bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
    Chợt phía đông có tiếng rù rù lan tới. Máy bay giặc. Báo động! Báo động! Tiếng kẻng phía doanh trại đập dồn giục mọi người mau tìm nơi ẩn nấp. Ba người ngồi thụp xuống những gốc phi lao. ầm ầm ầm ầm... Bom nổ hai đầu. Nguyên nhổm ngực kêu:

    - Đằng kia có cái hốc dài! Chạy.

    Nguyên vụt đi. Hai người lướt theo. Tiếng kim khí rít xé. Chúng nó bổ nhào cắt bom. “Nằm xuống”! Nhi thét, chồm kéo cô gái ngã sấp, phủ mình lên trên. Vừa lúc, một chùm bom bi vãi xuống như trấu, lửa nhấp nháy, xèo xèo, tiếng nổ chao qua đảo lại như một cái chảo khổng lồ rang ngô lửa cháy rừng rực. Khói mịt mù trùm lấp tất cả. Chẳng thấy ba người đâu.

    *

    Ngồi trước mặt tôi là một ông già quắc thước tóc dài bạc trắng như mây nửa vàng nửa ghi sáng nhạt anh ánh như màu bạch kim. Khuôn mặt ông đầy đặn, hồng hào, rõ ràng là không đều với mái tóc của ông.

    Ông chép miệng:

    - Mới đó mà đất nước giải phóng hoàn toàn đã hơn ba chục năm. Thời gian nước chảy chim bay...ôi chao!

    - Thưa bác, năm nay bác bao nhiêu ạ? Được mấy anh chị ạ?

    - Tôi còn vài năm nữa mới đến tuổi hưu. Vợ chồng tôi được hai: một trai một gái. Đúng chính sách.

    - Ôi vậy mà bác đã gây dựng được một cơ ngơi hoành tráng.-Tôi đảo mắt qua trang trại- Rừng cây ăn trái này, hệ thống tưới tiêu này...Đang đương chức  mà bác đủ thì giờ thế này, mấy ai theo được?

    - Cũng tàm tạm anh à. Tôi chỉ vạch kế hoạch chương trình và tiến độ thôi. Bà xã tôi đảm đương cả đấy - ông già bỗng chốc - Anh có tin rằng bà ấy vốn là văn công không? Văn công Tỉnh đội ta, giờ đây gọi là Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đó. Ghê chưa?

    - Bác tìm được người vợ tuyệt vời.

    - Ông anh tôi giới thiệu cho đấy. bà ấy hơn tôi hai tuổi nhưng lại trẻ hơn tôi rất nhiều. Anh tôi vốn là sếp của bà ấy mà. Anh hy sinh ngay lúc chúng tôi mới gặp nhau lần đầu.

    Rồi ông kể những gì đã xảy ra hơn ba mươi năm về trước khi ông vừa đỗ kỹ sư ra làm việc cho nhà nước.

    Có tiếng sáo từ đâu đó phía sau nhà chỗ chúng tôi đang ngồi vọng lại. Dìu dặt, vời vợi, xa xăm.

    Chủ nhà im lặng hồi lâu như theo dõi nỗi lòng mà lời sáo gửi gắm. Rồi chậm rãi:

    - Bà nhà tôi đấy, anh à. Bà ấy đang nhớ nghề, nhớ tới những đồng đội cũ một thời./.

    Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên