Trang Hạ: “Phụ nữ hạnh phúc hay bất hạnh, là lựa chọn của họ”

VOV.VN -“Dù phụ nữ hạnh phúc hay bất hạnh, mình vẫn phải tôn trọng lựa chọn của họ”,  Trang Hạ chia sẻ về tiểu thuyết “Chồng xứ lạ” vừa ra mắt của chị.

“Chúng ta luôn mong muốn mọi phụ nữ đều có hạnh phúc đúng không? Nhưng có điều quan trọng hơn là, dù họ hạnh phúc hay bất hạnh, thì mình vẫn phải tôn trọng lựa chọn của họ. Và tin là mọi chuyện đều rất ổn”- Trang Hạ chia sẻ về tiểu thuyết “Chồng xứ lạ” vừa ra mắt của chị.

Ra mắt tiểu thuyết "Chồng xứ lạ" của Trang Hạ

 Vì sao chị chọn tên sách là “Chồng xứ lạ” mà không phải là “Vợ xứ lạ” hay “Làm dâu Đài Loan”…?

- Tên tiếng Hoa của cuốn tiểu thuyết này là: “Chồng thân yêu và xa lạ ơi”. Người Việt Nam mình thường có quan niệm “lấy chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho”. Thế nên biết đâu lấy chồng xa chẳng qua chỉ là điều chẳng đặng đừng, chứ không ai muốn.

Ví dụ bạn người miền Bắc nhưng muốn lấy chồng miền Nam, người ta vẫn hỏi “sao lặn lội vào tận  đây”…

Đó là cách nhau chỉ một chặng đường thôi, cùng một tiếng nói, một nền văn hóa mà chúng ta còn cảm thấy vất vả. Nữa là họ đi sang quốc gia khác.

Cho nên tôi cho là, khoảng cách giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) không phải là hơn hai giờ bay, nó còn là trùng trùng điệp điệp những nỗi niềm. Đó là kỳ vọng của gia đình, là cái chắt lưỡi của hàng xóm, là việc xa bạn bè thuở nhỏ… Nó chính là nỗi niềm mà chỉ những người lấy chồng xa thì họ mới hiểu được. Nỗi niềm ấy không gọi được thành tên.

Trang Hạ và người bạn thân thiết - cô Nguyễn Liên Hương, giảng viên tiếng Việt tại ĐH Quốc gia Đài Loan trong ngày ra mắt sách.

Thông điệp chính trong “Chồng xứ lạ” là nhân sinh quan về hạnh phúc và sự tử tế hiếm hoi trong đời. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Nhân vật chính có một đi một hành trình “đi xuống” thế này. Ngọc là con gái Sài Gòn gốc, xinh đẹp, tốt nghiệp đại học, biết hai ngoại ngữ, nhưng đi lấy một ông thầy bói Đài Loan.

Những biến cố nơi đất khách quê người biến một cô có tri thức thành một gái bao. Và độc giả sẽ luôn nhìn thấy đó là một sự sa ngã về đạo đức của cô tiểu thư Sài Gòn.

Nhưng nếu nhìn ngược lại, Ngọc luôn khao khát vươn lên và thoát khỏi hiện tại!  Ngọc lựa chọn lấy người đàn ông Đài Loan chỉ bởi vì cô đã bị một người đàn ông Việt Nam và gia đình anh ta sỉ nhục, hủy hôn chỉ vì cô mất trinh.

Do đó, cô ấy chỉ cần lấy người đàn ông nước ngoài để xóa đi quá khứ của mình, chứ không phải vì anh ta giàu có.

Khi Ngọc lựa chọn chịu vất vả chứ không phá thai, bởi vì đứa con mới là điều tuyệt vời của cô ấy. Ngọc để con ở lại Việt Nam để bám trụ ở Đài Loan kiếm tiền, rồi sẽ đưa con sang. Bởi vì nếu về nước sống, con của cô sẽ vẫn là một thằng con lai. Cô ấy cũng muốn con mình sống ở nơi mà trường học không có sự kỳ thị, nơi công viên không có hàng rào và kim tiêm, thực phẩm không bị trộn thuốc trừ sâu…

Lựa chọn ấy là tử tế chứ. Cô ấy cũng có quyền lựa chọn nơi mình muốn sống. Làm sao mà cứ phải ép họ phải trở về?

Trong mỗi lựa chọn, Ngọc chưa khi nào nghĩ đến bản thân mình. Cô ấy luôn nghĩ cho con cái, gia đình, nghĩ đến tư cách của mình, mình không bao giờ phạm pháp, dù có cực khổ tới đâu…

Cho nên, “Chồng xứ lạ” cho độc giả một cái nhìn khác hẳn về những thứ mình tưởng là lẽ thường. Và nếu bạn nói rằng cô dâu lấy chồng Đài Loan là bi kịch, thì cuốn sách này cho bạn một góc nhìn khác về nỗ lực sống mạnh mẽ của những người phụ nữ.

Ngày 18/2/2016, Giám đốc NXB Phụ Nữ - bà Khúc Thị Hoa Phượng và nhà văn Trang Hạ đã có cuộc giao lưu tặng sách tới các cô dâu Việt Nam tại Đài Bắc và Tủ sách văn học Việt Nam tại Thư viện thành phố Đài Bắc, nhân dịp ra mắt "Chồng xứ lạ" tại Đài Bắc. Đây là một trong những hoạt động của NXB Phụ Nữ chăm sóc các độc giả phụ nữ Việt tại nước ngoài, sau khi bộ sách Làm dâu các nước Đức, Anh, Mỹ... của NXB Phụ Nữ đã gây tiếng vang trong độc giả Việt năm 2015.

Nhiều người phụ nữ sang Đài Loan làm ôsin, hoặc lấy chồng và bao nhiêu năm nay họ không về? Hoặc là họ trốn ra ngoài, hoặc là họ đã có hạnh phúc riêng. Theo chị, vấn đề này là như thế nào?

- Tôi không thể khái quát hết được bởi mỗi người có một lựa chọn. Tuy nhiên, có một người bạn của tôi ở văn phòng Đài Bắc, rất cảm thông về điều này. Khi phỏng vấn, vài năm nay có hiện tượng, khá nhiều người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan sau một thời gian họ đi làm giúp việc ở đây.

Tức là họ có 2 thân phận. Đầu tiên là sang Đài Loan để làm kinh tế, sau đó có tiền quay trở về thì họ lại sang Đài Loan tìm hạnh phúc. Họ nói thế này, khi tiền họ gửi về nhà, chồng họ xài hết, anh chị em chồng mượn hết. Họ thấy là sau 3 năm họ đi giúp việc hoặc làm công nhân về, thì gia đình họ hầu như không thay đổi. Chỉ thêm được cái tủ lạnh, cái ti vi mà lúc họ về thì nó đã cũ rồi.

Điều này làm cho mâu thuẫn gia đình tăng lên rất nhiều?

- Đúng vậy. Mâu thuẫn này, không chỉ là về tiền, mà còn về vai trò của mỗi người trong gia đình. Sau vài năm ở Đài Loan về, người phụ nữ trở thành con người khác, cái nhìn khác, ý thức về giá trị bản thân đã khác. Nhưng họ quay trở lại thì nơi họ đã sống không hề thay đổi.

Đây là điều khá là tế nhị với các gia đình. Rất nhiều vết rạn sẽ xuất hiện khi cả hai không còn cùng quan điểm sống nữa. Khi một người đã đi rất xa, làm được rất nhiều việc, nhưng người kia vẫn đứng ở vị trí cũ, nhìn nhận mọi thứ như cũ, thì không thể tránh được đổ vỡ.

Chúng ta luôn mong muốn mọi phụ nữ đều có hạnh phúc đúng không? Nhưng có điều quan trọng hơn là, dù họ hạnh phúc hay bất hạnh, thì mình vẫn phải tôn trọng lựa chọn của họ. Và tin là mọi chuyện đều rất ổn.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Nhà văn không thể sống bằng độc giả

“Đây là lần cuối tôi in cuốn sách này, dù là cuốn văn học nghiêm túc nhất của tôi”. Trang Hạ nói.

Chị bảo, “Bạn tin không, nhà văn bây giờ không thể sống được bằng độc giả, khi đại đa số họ không còn thói quen mua sách. Họ thích đọc miễn phí”.

Chia sẻ của Trang Hạ khiến tôi bất ngờ. Bởi trong số 14 cuốn sách của Trang Hạ, rất nhiều cuốn thực sự là “best seller” (sách bán chạy nhất), nhưng chỉ có “Chồng xứ lạ” là cuốn tiểu thuyết duy nhất, có chất văn chương nhất như chị vừa thừa nhận.

“Bởi vì sách thị trường thì tôi bán rất chạy, còn văn học đích thực thì khó bán. Nên tôi muốn in nó lần cuối, coi như đánh dấu giai đoạn văn nghiệp của mình, và mang tặng cho các cô dâu Đài Loan mà thôi”- Trang Hạ tiếp lời.

Chị bảo, bạn nhớ rất nhiều người chửi các liền anh liền chị hát quan họ bằng micro trên ao ở Hội Lim chứ? Tôi thì cho rằng, công chúng nào thì nghệ thuật ấy. Bạn là thứ công chúng chỉ có thể đứng ở bên bờ nghe loa hát thôi, thì bạn đừng có mà chửi nghệ sĩ. Bởi vì ít nhất thì bạn chưa bao giờ tìm cách trở thành công chúng đích thực.

Nghe thì có vẻ rất bi kịch, nhưng sự thực là như thế!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trang Hạ: Mẹo để bé nghe lời mẹ ngay
Trang Hạ: Mẹo để bé nghe lời mẹ ngay

VOV.VN -Muốn bé đáp ứng mẹ trực tiếp và ngay tức khắc, thì điều đầu tiên, bạn phải là một người mẹ trực tiếp và ngay tức khắc.

Trang Hạ: Mẹo để bé nghe lời mẹ ngay

Trang Hạ: Mẹo để bé nghe lời mẹ ngay

VOV.VN -Muốn bé đáp ứng mẹ trực tiếp và ngay tức khắc, thì điều đầu tiên, bạn phải là một người mẹ trực tiếp và ngay tức khắc.

Trang Hạ: Đừng trả giá hai lần cho cùng một sai lầm
Trang Hạ: Đừng trả giá hai lần cho cùng một sai lầm

VOV.VN - Sai lầm thì ai cũng mắc phải, nhưng quan trọng là cách chúng ta giải quyết nó...

Trang Hạ: Đừng trả giá hai lần cho cùng một sai lầm

Trang Hạ: Đừng trả giá hai lần cho cùng một sai lầm

VOV.VN - Sai lầm thì ai cũng mắc phải, nhưng quan trọng là cách chúng ta giải quyết nó...