Truyện tranh Việt về đâu?
Vượt qua nhiều năm dài bị lép vế, truyện tranh Việt Nam đang trở lại với sự tươi mới, nhưng cũng không thiếu trắc trở chông gai.
Sự trở lại lợi hại
Thập niên 90 của thế kỷ trước, độc giả Việt từng say mê với Dũng sĩ Hesman của hoạ sỹ Nguyễn Hùng Lân, bên cạnh loạt truyện tranh đầu tiên của Nhật Bản du nhập vào Việt Nam. Dần dần thị phần truyện tranh gần như nhường hết cho truyện tranh Nhật. Ít năm sau cũng có những bộ như Thần đồng đất Việt, Tí quậy gây dư luận, nhưng cũng chỉ như đá ném ao bèo. Ở đây không tính đến những cuốn truyện thiếu nhi, cổ tích kể theo lối vẽ tranh minh họa.
Nguyễn Thành Phong bắt đầu khuấy động thị trường truyện tranh Việt bằng cuốn Sát thủ đầu mưng mủ, một cuốn “thành ngữ sành điệu bằng tranh”. Dù bị thu hồi vì có nội dung không phù hợp nhưng cuốn sách là một ca thú vị, sau có hẳn tọa đàm về ngôn ngữ thời @. Cuốn Phê như con tê tê của Phong sau này có chỉnh sửa, bổ sung và được chính thức phát hành. Tuy nhiên phải chờ tới khi Long thần tướng (nhóm Phong Dương comic) ra mắt, đạt giải thưởng International manga award (Giải manga quốc tế tại Nhật Bản), độc giả mới thực sự có cảm giác về sự hiện hữu của truyện tranh Việt.
Long Thần tướng vốn xuất phát từ thời cặp đôi họa sỹ Nguyễn Thành Phong, tác giả kịch bản Nguyễn Khánh Dương học phổ thông, đã in báo, nhưng Dương nói “nội dung nhạt”. Sau này khi quyết tâm ra mắt bộ Long Thần tướng, đôi bạn thân này “có tham vọng khá lớn về nội dung, cách thức thể hiện chuẩn quốc tế”, cho nên tác phẩm mang đậm lịch sử Việt nhưng lại được giám khảo đánh giá cao. Tập 1 chỉ mang tính chất giới thiệu, phần hấp dẫn nằm ở hai tập sau nhưng vẫn được đánh giá cao. Giải Bạc cho cuốn sách này khá bất ngờ, Thành Phong nói, bởi trước đó truyện tranh Đất rồng của Việt Nam tham gia giải năm 2013 cũng chỉ được giải Đồng.
Cộng đồng đọc và mến mộ truyện tranh nội hẳn không lạ Comicola, công ty sản xuất truyện tranh chiếm 80-90% giới làm truyện tranh trẻ Việt Nam. “Toàn bộ truyện do chúng tôi liên kết xuất bản hai năm qua nhiều hơn tổng đầu truyện tranh Việt Nam xuất bản trong 10 năm”, Khánh Dương nói. Long Thần tướng ít nhiều tạo thành cú hích để những người trẻ thêm động lực.
Tại Ngày hội truyện tranh Việt Nam lần 2 cuối tuần qua, độc giả được nhắc lại một loạt cuốn gần đây gây sốt như Nhóm máu O (Dương Minh Đức), Lớp học mật ngữ của nhóm BRO-đạt 50 nghìn bản lần đầu ấn hành, Địa ngục môn của Can Tiểu Hy. Vũ Đình Lân đạt giải Silent manga Nhật Bản với Back home - tác phẩm về người lính trong chiến tranh. Giải thưởng của Lân thuộc thể loại truyện tranh bỏ hết lời thoại, hoạ sỹ dẫn dắt bằng tranh vẽ.
Nguyễn Thành Phong nhận giải thưởng tại Nhật cho Long Thần tướng. |
Ra sách - không như mơ
“Tôi và Phong xác định bằng mọi cách phải ra được Long Thần tướng”, Khánh Dương chia sẻ trong cuộc trò chuyện tại văn phòng Comicola, nơi vừa là nơi họp hành, giao dịch thậm chí lớp học chia sẻ cho giới trẻ muốn đeo đuổi truyện tranh. Hồi ấy Dương đang làm tại một công ty quyết định nghỉ việc để chỉ làm chân sửa máy in, nối mạng ở NXB Đại học Sư phạm để biết được quy trình xuất bản. Sau này nhờ thân quen nên mọi người sửa, giúp đỡ rất nhiều và “cầm quyết định xuất bản trong tay muốn khóc”, Dương kể. Cậu là người sáng lập, điều hành Comicola cùng những người khác.
Tập đầu ra mắt bắt đầu gây tiếng vang, bởi tác giả và người thực hiện chu đáo nhờ đến sự tư vấn của nhà nghiên cứu sử, trang phục cổ Trần Quang Đức. Lần đầu in 5.000 cuốn và tái bản một lần. Tuy nhiên, các nhà xuất bản lớn, các nhà phát hành lớn hầu như khoanh tay đứng từ xa quan sát đội trẻ xoay xở, lượng đặt hàng không nhiều. Gây quỹ cộng đồng là hình thức duy nhất nhóm có thể lựa chọn. Hình thức này không mới ở nước ngoài, nhưng Việt Nam thì khác. Cộng đồng yêu thích truyện tranh Việt Nam móc hầu bao trả tiền trước cho cuốn sách sắp ra đời. Coi như sống bằng niềm tin thật.
Sau Long Thần tướng, những cuốn tiếp nối dễ dàng xuất bản hơn hẳn, bởi Cục Xuất bản bắt đầu có những quan tâm nhất định. Mối lo phát hành cũng dần được cải thiện. Một loạt cuốn truyện sau đó đều ra mắt dưới dạng gây quỹ cộng đồng. Có những cuốn gây quỹ thất bại thì công ty tự bỏ tiền ra xuất bản và chấp nhận rủi ro. Sau này Long Thần tướng ra tập 2 cũng chỉ được in 5.000 bản, bởi tập đầu ra mắt năm 2014 đúng lúc thị trường đói truyện tranh, nhưng thời gian qua ồ ạt các đầu truyện lần lượt ra mắt. Chưa kể giới trẻ vẫn ham truyện tranh Nhật hơn. “Nếu đặt lên bàn cân, bỏ qua tính tự hào dân tộc, họ sẽ mua truyện Nhật”, Khánh Dương nói.
Khát vọng Việt
Không nói về giá cả liệu giới làm truyện tranh Việt có tự tin về chất lượng? “Hoàn toàn tự tin. Sau khi một tờ báo nổi tiếng của Nhật đăng mấy trang truyện tranh và phỏng vấn Dương Minh Đức, tác giả Nhóm máu O, một tác giả manga nổi tiếng của Nhật viết khen ngợi bằng tiếng Việt rằng chất lượng không thua kém truyện của Nhật”, Khánh Dương tự hào.
Vài ba năm gần đây, cộng đồng đọc truyện tranh bắt đầu có tín hiệu cởi mở hơn. “Trước đây truyện tranh Việt Nam bị coi là chất lượng không tương xứng, nay hầu hết có chỗ đứng trên thị trường”, Vũ Đình Lân nói. Lân là người từng chấp nhận bỏ mức lương 25 triệu đồng/tháng, để kiếm chừng ấy tiền trong vòng vài tháng, theo lời kể của Khánh Dương.
Tuy nhiên không ít người lo ngại các nét vẽ của hoạ sỹ trẻ dù đẹp nhưng vẫn mang nặng tính manga của Nhật Bản. Đình Lân và một số tác giả khác có ý phân bua, manga Nhật là một trong những nền truyện tranh lâu đời, sức ảnh hưởng lớn tới nhiều quốc gia, thậm chí Trung Quốc, Nhật Bản cũng không ngoại lệ. “Việc học hỏi một nền truyện tranh thành công không có gì là xấu. Nếu biết cách đưa những câu chuyện, chi tiết đời sống của người Việt thì chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một nền truyện tranh của người Việt, có bản sắc riêng”, Vũ Đình Lân khẳng định. Dù vậy Lân cũng thừa nhận do cậu sáng tác theo dòng đấu trí nên chưa có cơ hội này, hứa hẹn trong tương lai sẽ có tác phẩm gần gũi với Việt Nam hơn.
Không chỉ mong ước có được những tác phẩm đậm chất Việt Nam hơn nữa, những cuốn như Long Thần tướng còn nuôi dưỡng khát vọng làm những cuốn truyện tranh lịch sử hấp dẫn. Đừng nói giới trẻ Việt Nam không thích lịch sử, chẳng qua họ không thích học kiểu hàn lâm mà thôi. Phim lịch sử, truyện lịch sử làm cho ra hồn lo gì không có người xem, người đọc. Càng không nên lo trẻ ham đọc truyện tranh thì hỏng hết văn hoá đọc. “Nếu lo ngại thế thì Mỹ chết lâu rồi. Cả nước Nhật đọc truyện tranh. 6/10 phim ăn khách của Mỹ đều chuyển thể từ truyện tranh, ăn sâu vào văn hoá. Họ chưa chết, chưa mất gốc, sao mình phải lo”, Khánh Dương nói./.