Văn Cao - một gương mặt thơ cách tân
VOV.VN - "Ông không phải cách tân theo một phong trào hay giai đoạn mà đó là sự cách tân thường nhật, theo từng cảm xúc".
"Với thơ, Văn Cao có một cách đi riêng so với những người bạn đồng hành cùng thời, đó là lời gọn và ý sắc với hình ảnh giàu ý nghĩa đời sống”. Đó là nhận định của các nhà thơ, nhà phê bình văn học tại tọa đàm và giới thiệu tập: “Văn Cao- tác phẩm thơ” diễn ra sáng nay (30/12) tại Hà Nội nhân kỉ niệm 18 năm ngày mất của ông.
Văn Cao chỉ được biết nhiều với tác giả của “Tiến quân ca”, “Trường ca sông Lô" và rất nhiều bài hát tiền chiến xuất sắc khi ông mới 20 tuổi như “Thiên thai”, “Buồn tàn thu”, “Suối mơ”, “Cung đàn xưa”…
Văn Cao |
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao phải nhìn nhận toàn diện với 3 lĩnh vực là âm nhạc, hội họa và thơ.
Về âm nhạc, theo giới nghiên cứu âm nhạc thì nhạc sĩ Văn Cao là số 1 của thế kỉ 20, vượt qua Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Tranh của ông không còn lưu lại nhiều nhưng tác phẩm tranh hay minh họa bìa sách do Văn Cao vẽ bao giờ cũng đặt ra lối mới. Với những người làm thơ thì Văn Cao có một vị trí khá lớn nhưng đối với bạn đọc, ông không được biết nhiều bởi nhiều lý do khách quan.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết: “Tôi rất phục cách dùng chữ trong thơ Văn Cao, bởi vì chữ ông dùng không câu nệ vần điệu, không dùng những chữ quen mà toàn dùng những chữ mới. Nó vừa dễ hiểu nhưng để ngẫm hết ý thì lại khó. Có bài “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” viết năm 1945 về nạn đói khiến người ta nhớ mãi. Còn những bài viết theo không khí tiền chiến thì được xếp vào những bài thơ hàng đầu của tiền chiến”.
Cuốn sách "Văn Cao- tác phẩm thơ" tập hợp 64 bài thơ của nhà thơ Văn Cao |
Chính vì những lối làm thơ mới ấy, Văn Cao được xem là một gương mặt thơ có nhiều cách tân. Nhà báo Vũ Bằng từng nói “Văn Cao viết cho hôm nay nhưng cũng có ý thức viết cho ngày sau”. Còn nhà thơ Trần Ninh Hồ cho rằng: thơ của Văn Cao đầy tính nhạc, họa và luôn mới trong tư tưởng và cảm xúc. Các bài thơ của ông thường ngắn, không vần, gần như một lời độc thoại nhưng khiến cho người đọc nhớ được là do ấn tượng, với “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, “Khuôn mặt em”, “Ai về Kinh Bắc”…
“Càng nghĩ về vấn đề cách tân trong thơ thì càng phải nghĩ về Văn Cao nhiều hơn. Ông không phải cách tân theo một phong trào hay giai đoạn mà đó là sự cách tân thường nhật, theo từng cảm xúc. Văn Cao là trường hợp của tuổi trẻ giữa thế kỉ 20. Dưới 20 tuổi, ông đã viết những bài thơ ghê ghớm. 22 tuổi ông viết “Tiến quân ca”. Tuổi trẻ thời ấy - giữa thế kỉ 20 là tuổi trẻ vô cùng đáng kinh ngạc” – nhà thơ Trần Ninh Hồ cho biết.
Kỉ niệm 18 năm ngày mất nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao, tập sách “Văn Cao- tác phẩm thơ” vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành bao gồm 64 bài thơ trong cả cuộc đời cầm bút của Văn Cao./.