Văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số
VOV.VN - Thực tế trên cho thấy, thời gian qua, người đọc chưa hề quay lưng với sách truyền thống mà chỉ là bớt quan tâm tới văn hóa đọc.
Trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, việc tìm hiểu kiến thức trên mạng internet trở nên phổ biến. Thế nhưng, những tiện ích này vẫn chưa bao giờ thay thế được văn hóa đọc trong giới trẻ. Tham gia "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2016", nhiều bạn trẻ có cơ hội nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách thông qua rất nhiều hoạt động ý nghĩa.
Từ sáng sớm ngày 4/10, rất đông các bạn học sinh, sinh viên đã tập trung tại trường Đại học Hạ Long để tham gia “Ngày hội sách 2016” nhằm chọn lựa cho mình những cuốn sách ưng ý. Không chỉ có các sách về tâm lý xã hội, kỹ năng sống, truyện tranh bán chạy, mà ngay cả truyện ngắn, tiểu thuyết cũng được rất nhiều bạn trẻ đón nhận. Điều này cho thấy, “văn hóa đọc” đang dần quay trở lại.
Hội thảo "Văn hóa đọc đối với thanh, thiếu niên trong kỷ nguyên số". |
Bạn Dương Hồng Sơn, sinh viên trường đại học Hạ Long bày tỏ quan điểm về tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với thế hệ trẻ hiện nay:“Việc đọc sách thực sự với bản thân mình rất quan trọng. Nhưng theo mình nghĩ, hiện thực mình nhìn thấy thanh niên bây giờ thường bỏ qua phần đọc sách mà lại lên facebook chụp ảnh, lướt web với nhiều thông tin không bổ ích cho xã hội, với cuộc sống sau này của các bạn. Mình khuyên các bạn hãy đọc sách, đừng để phí thời gian vào những chuyện như facebok thực chất chẳng để làm gì cả”.
Cũng trong buổi sáng, hội thảo "Chuyên đề văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số" đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều học sinh, sinh viên cùng các thầy cô giáo trong địa bàn toàn tỉnh.
Bạn Nguyễn Thu Trang, học sinh trường tiểu học Cao Thắng cho biết: “Theo em, đọc sách đem lại cho chúng ta những giây phút giải trí, cung cấp cho chúng ta rất nhiều những thông tin bổ ích, có thể luyện khả năng nghe, đọc nhanh. Mặc dù vậy, mỗi ngày em cũng mới chỉ dành 15, 20 phút để đọc sách thôi”.
Cũng tại hội thảo, ông Nhữ Đình Tùng, trưởng ban tuyên giáo tỉnh đoàn, khẳng định những nỗ lực của tỉnh đoàn cũng như cộng đồng trong việc khơi gợi niềm đam mê đọc sách của các bạn trẻ: “Việc thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia việc đọc sách đang là vấn đề rất quan trọng. Trong thời gian tới, Chúng tôi sẽ tăng cường tập trung tổ chức các hoạt động gắn với các phong trào ở từng đơn vị, trường học, tuyên truyền đến các bạn đoàn viên, thanh niên để có sự lan tỏa, xây dựng văn hóa đọc, phong trào đọc sách cho các bạn đoàn viên thanh niên”.
Thực tế trên cho thấy, thời gian qua, người đọc chưa hề quay lưng với sách truyền thống mà chỉ là bớt quan tâm tới văn hóa đọc. Bởi vậy, vấn đề cổ động, tuyên truyền, quảng bá sách có giá trị văn hóa, bổ ích về tinh thần và tri thức cần phải được coi trọng. Bên cạnh sự vào cuộc của hệ thống truyền thông, hệ thống thư viện, tủ sách công cộng cũng phải tham gia bằng những phương thức hoạt động mới, sinh động và hiệu quả hơn. Quan trọng hơn nữa là sự định hướng từ nhà trường, gia đình để khơi gợi niềm đam mê đọc sách của các bạn trẻ.
Nhà văn Mai Phương, chi hội trưởng chi hội nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh: “Văn hóa đọc, văn học nghệ thuật dạy cho con người thêm trưởng thành. Tôi rất mong hội thảo hôm nay là khởi đầu và làm sao cho văn hóa đọc lan truyền cho mọi người, mọi công dân mong muốn đọc sách”.
Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các đơn vị làm sách, thời gian gần đây, độc giả tỉnh Quảng Ninh ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Hy vọng, sự thay đổi này sẽ góp phần mang đến làn gió mới trong đời sống tinh thần của người dân vùng đất được mệnh danh là "một Việt Nam thu nhỏ"./.