Về Cư Mgar (Đắk Lắk) dự lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

VOV.VN - Cúng sức khỏe là một nghi lễ truyền thống, đánh dấu thành tựu và cột mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi người đàn ông Ê Đê. Nghi lễ này cũng thể hiện lòng hiếu thảo, sự quan tâm của con cháu, người thân trong gia đình dành cho người lớn tuổi.

Từ sáng sớm, nhà bà H Thinh Kbuôr và ông Y Lê Niê đã nhộn nhịp người ra vào. Người giúp chặt lá cây, cột rượu cần, người tham gia nấu ăn; người thì giúp mổ gà, heo, chuẩn bị lễ vật cúng. Ông Y Lê Niê, chủ nhà cho biết, đây là gia đình đang chuẩn bị tổ chức lễ cúng sức khỏe cho ông Y Hai Kbuôr, bác ruột của bà H’ Thinh: “Tổ chức lễ cúng sức khoẻ cho ông bác của gia đình, đúng ngày sinh của bác nên chúng tôi tổ chức lễ cúng sức khoẻ này, cầu mong bác được khoẻ mạnh, bình an. Trước ngày tổ chức lễ, chúng tôi chuẩn bị heo, gà, rượu cần, cồng chiêng và một số thứ khác nữa. Thông báo cho họ hàng buôn xa, làng gần về chung vui với gia đình và chúc phúc cho bác”.

Mâm lễ vật đã được chuẩn bị xong, với cây nến cắm trên lư đồng, một nhúm than còn đỏ lửa, chén đồng đựng rượu, trầu thuốc, cơm, một con gà nướng. 8 ché rượu cần cột sẵn giữa nhà để làm lễ, trong đó 1 ché cúng cho ông bà tổ tiên, 5 ché cúng sức khỏe cho ông Y Hai và các ché còn lại để đãi khách.

Tiếng chiêng đồng vang lên, báo hiệu lễ cúng bắt đầu. Tiếng chiêng cũng ngân vang trong suốt quá trình diễn ra lễ cúng. Người được cúng ngồi phía vách Đông ngôi nhà sàn, cạnh các lễ vật. Ở phía đối diện là thầy cúng, người thân và khách mời.

Lễ cúng sức khỏe trải qua 3 lần cúng, gồm cúng mời ông bà tổ tiên về dự lễ, cúng khấn cầu sức khỏe người được làm lễ và cúng cảm ơn, nhận sự chúc mừng từ người thân, họ hàng.  

Rạng rỡ trong chiếc áo thổ cẩm Ê Đê, ông Y Hai Kbuôr (Aê H’Rao), năm nay đã 82 tuổi rất vui mừng khi được con cháu tổ chức lễ cúng sức khỏe. Đây là lần thứ 4 ông được làm lễ như thế này.

“Hôm nay là ngày vui, ngày tốt lành, cảm ơn con cháu, họ hàng, tổ chức lại lễ cúng này, nhắc nhớ lại truyền thống của ông bà từ xưa. Tôi giờ tuổi cao sức yếu nên lễ cúng này thay cho lời chúc phúc của con cháu để tôi có thêm nhiều sức khỏe, sống vui vẻ. Tôi cảm thấy phấn khởi lắm, cảm ơn gia đình, con cháu và cả buôn làng đến chung vui”.

Sau mỗi nghi thức cúng, ông Y Hai và thầy cúng cùng ăn miếng cơm, nếm miếng thịt, uống rượu cần như một cách đón nhận những điều tốt đẹp mà nghi lễ mang đến. Thầy cúng trao cần rượu cho ông Y Hai và thực hiện nghi thức trao vòng đồng. Sau đó đến lượt con cháu, người thân trong gia đình, dòng họ cũng lần lượt đeo vòng đồng, tặng quà cho ông Y Hai.

Theo thầy cúng Y Chôch Niê (Aê Lê), ở buôn Mlăng, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk, người Ê Đê xem vòng đồng như một chứng nhân biểu tượng cho một cam kết vững bền, một ước mong trường thọ. Trong lễ cúng sức khỏe, trao vòng đồng là một nghi thức quan trọng đánh dấu cột mốc phát triển, trưởng thành cũng như thành tựu của một đời người. Thầy cúng Y Chôch Niê cho biết, qua mỗi lần cúng thì vòng đồng được khắc thêm một khấc. Con cháu, người thân trong gia đình cũng sẽ tặng vòng đồng như một sự chúc phúc cho người được làm lễ.

“Mỗi người con cháu, họ hàng trong đại gia đình của người được làm lễ cúng thì đều chúc phúc cho người đó bằng cách đeo vòng đồng, dây chuyền, tặng quà cho người được làm lễ. Đó không chỉ là sự chung vui mà còn nhằm nhận mặt họ hàng, con cháu trong đại gia đình, dòng tộc, khẳng định mối quan hệ thân thiết ruột rà, khi nhà có việc gì thì cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Đeo vòng đồng cũng thể hiện cho sự khẳng định mối quan hệ thân thiết đó”.

Với người Ê Đê, cúng sức khỏe là một nghi lễ quan trọng đánh dấu một cột mốc hay một thành tựu trong cuộc đời mỗi người, nhất là đối với người đàn ông. Với mỗi cá nhân thì được tổ chức cúng sức khỏe là một niềm vinh dự lớn vì thường là gia đình có điều kiện mới có thể thực hiện. Chính vì thế, trong đời sống hiện đại ngày nay, những lễ cúng như thế này ngày càng ít được tổ chức. Ông Y Wem H Wing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc khôi phục nghi lễ cúng sức khỏe cũng như nhiều nghi lễ tốt đẹp khác là một cách làm hay để tiếp tục giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của các dân tộc tại địa phương.

“Việc cúng sức khỏe ngày hôm nay vừa khôi phục lại văn hóa truyền thống đặc sắc của người Ê Đê trong việc cúng sức khỏe cho người thân, giáo dục thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa của việc cúng sức khỏe để sau này nhân rộng ra và góp phần quảng bá hình ảnh tốt đẹp dân Cư Mgar, qua đó góp phần phát triển du lịch trong cộng đồng trên địa bàn huyện”.

Trong không gian lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê, người dân và du khách tận mắt thấy những nét độc đáo văn hóa được hiển hiện. Đó là không gian văn hóa cồng chiêng, có tiếng chiêng mới thực hiện lễ cúng. Đó văn hóa rượu cần, lễ cúng càng lớn, số ché rượu càng nhiều, ché đựng rượu càng quý, thể hiện vai trò, vị thế của gia chủ. Đó còn là văn hóa ẩm thực, qua đôi bàn tay của các chị em, những món ăn truyền thống hội tụ trên mâm cơm mừng trong bữa tiệc. Cùng với đó là sự gắn kết gia đình, dòng tộc và sự hiếu thảo của con cháu, sự kính trọng người lớn tuổi trong gia đình, dòng họ người Ê Đê.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng tại Tây Nguyên
Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng tại Tây Nguyên

VOV.VN - Tại các tỉnh Tây Nguyên, cứ mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, dù không trở về mảnh đất Phú Thọ dâng hương tại Đền Hùng, song mỗi người dân nơi đây đều có thể dâng hương, cúng lễ, tưởng nhớ đến công đức của Quốc tổ. Ngoài những đền thờ Vua Hùng được xây dựng, nhiều ngôi đình truyền thống, một số điểm du lịch, cũng đã thiết chế không gian phù hợp cho những người con nước Việt.

Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng tại Tây Nguyên

Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng tại Tây Nguyên

VOV.VN - Tại các tỉnh Tây Nguyên, cứ mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, dù không trở về mảnh đất Phú Thọ dâng hương tại Đền Hùng, song mỗi người dân nơi đây đều có thể dâng hương, cúng lễ, tưởng nhớ đến công đức của Quốc tổ. Ngoài những đền thờ Vua Hùng được xây dựng, nhiều ngôi đình truyền thống, một số điểm du lịch, cũng đã thiết chế không gian phù hợp cho những người con nước Việt.

Huyền thoại sử thi Tây Nguyên
Huyền thoại sử thi Tây Nguyên

VOV.VN - Với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, sử thi chứa đựng cả một bề dày văn hóa, một chiều dài lịch sử cũng như những kinh nghiệm sống được tích lũy lâu đời.

Huyền thoại sử thi Tây Nguyên

Huyền thoại sử thi Tây Nguyên

VOV.VN - Với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, sử thi chứa đựng cả một bề dày văn hóa, một chiều dài lịch sử cũng như những kinh nghiệm sống được tích lũy lâu đời.

Trưng bày nhiều cổ vật đặc sắc tại  "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai"
Trưng bày nhiều cổ vật đặc sắc tại "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai"

VOV.VN - Triển khai Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, sáng 5/12, tại khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức khai mạc Chương trình "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai".

Trưng bày nhiều cổ vật đặc sắc tại  "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai"

Trưng bày nhiều cổ vật đặc sắc tại "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai"

VOV.VN - Triển khai Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, sáng 5/12, tại khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức khai mạc Chương trình "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai".