Xã hội vẫn ưu tiên cho các mục tiêu kinh tế mà "bỏ quên" văn hoá

VOV.VN - Một số nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cho rằng, toàn xã hội vẫn đặt ưu tiên tuyệt đối cho các mục tiêu kinh tế mà "bỏ quên" văn hoá. Văn hoá cần được đặt ngang hàng với kinh tế.

Sáng 2/3, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam”. Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các ban, ngành cùng đông đảo các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Tọa đàm nhằm mục làm rõ và nhận thức sâu sắc hơn, những quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đặc biệt là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, góp phần xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam dân tộc, hiện đại.

Phát biểu đề dẫn tại buổi Toạ đàm, PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tạo nền tảng lý luận quan trọng để hình thành các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn cách mạng. Dưới ánh sáng của Đề cương, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ đã chung tay xây dựng được nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam xã hội chủ nghĩa với những thành tựu to lớn, toàn diện. Đề cương đã thực sự trở thành một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của nền văn nghệ dân tộc trong suốt 80 năm qua và đang tiếp tục là kim chỉ nam cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại toạ đàm, các đại biểu đã cùng nhau nhìn lại chặng đường phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà. Từ đó chỉ ra những thành tựu, hạn chế trong việc thực hiện tư tưởng chủ đạo của Đề cương là “Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa” nền văn hóa. Khẳng định vai trò là “một bộ phận tinh tế, cốt lõi của văn hóa”, đội ngũ văn nghệ sĩ - trí thức cần phải không ngừng vượt lên trong bối cảnh quốc tế và quốc gia chuyển biến mau lẹ, phức tạp với những đòi hỏi, thách thức mới để phát huy giá trị, ý nghĩa của Đề cương về văn hóa Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Tham luận tại toạ đàm, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, không chỉ các cấp quản lý, ngành, địa phương, mà ngay cả cộng đồng và thậm chí trong gia đình còn chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng.

"Trong chặng đầu của thời kỳ đổi mới, điều này có thể cảm thông được khi chúng ta phải dồn góp toàn lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và giữ vững quốc phòng, an ninh nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng sau đó, cả một thời gian dài, dưới áp lực tăng trưởng và tác động của kinh tế thị trường, toàn xã hội vẫn đặt ưu tiên tuyệt đối cho các mục tiêu kinh tế mà “bỏ quên” văn hóa. 

Nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hoá, văn học còn rất thấp, chưa đa dạng hóa; thiếu trọng tâm trọng điểm. Nguồn lực tái sinh để tái đầu tư từ chính sự nghiệp phát triển văn hóa, do phát triển công nghiệp văn hóa đưa lại cũng còn rất hạn chế". 

Còn theo NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, nếu văn hoá được quan tâm và đầu tư đúng mức, sẽ đồng hành cùng sự phát triển của đất nước tốt hơn. Văn hóa có điều kiện phát triển khi có tiềm lực kinh tế.

"Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến vấn đề số lượng nhiều nhưng tác phẩm để lại dấu ấn, hay những tác phẩm đi cùng năm tháng chưa có, chưa xuất hiện. Vậy phải tạo ra thần thái của xã hội như thế nào để người nghệ sĩ lại dốc lòng sáng tác? Đầu tư bằng sự quan tâm, bằng lòng tin, bằng kích thích vô hình, cảm nhận của nghệ sĩ, để văn hóa thực sự ngang hàng với kinh tế. Các văn bản, chỉ thị, nghị quyết về văn hóa đã có nhiều, đầy đủ, chỉ là có quyết tâm hay không mà thôi".

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng cho rằng, trong tình hình đất nước hiện nay, cần có sự quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện các Nghị quyết đã có của Đảng về văn học nghệ thuật nổi riêng và về văn hoá nói chung. Cụ thể, cần có sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ những cơ quan làm văn hoá, quản lí văn hoá và những cơ quan cấp kinh phí. Những thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu cần được loại bỏ.

"Xin lấy một ví dụ nhỏ về kinh phí hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật của Chính phủ cấp hàng năm cho Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và Hội VHNT tỉnh, thành phố trong cả nước luôn rất ách tắc, chậm trễ, với quá nhiều văn bản, giấy tờ gửi đi, trình lên, gửi xuống... gây khó khăn cho hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật cũng như văn nghệ sĩ trong cả nước. Tôi tin, nếu có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, tình hình sẽ không như vậy" - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh. 

Phát biểu kết luận toạ đàm, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, dưới sự tác động mạnh mẽ từ mặt trái của cơ chế thị trường, toàn cầu hóa, và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền văn học, nghệ thuật nước nhà đang đứng trước những khó khăn, thử thách rất lớn và còn không ít hạn chế, yếu kém. Với tinh thần biện chứng, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, từ đó nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn phát triển mới.

Qua lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ tại Tọa đàm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đặt ra 4 yêu cầu lớn trong giai đoạn phát triển mới. 

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ chỉ đạo, quản lý về bản chất, đặc trưng của văn học, nghệ thuật, vị trí, vai trò của lĩnh vực quan trọng này đối với sự phát triển bền vững đất nước. Văn học, nghệ thuật phải được xem là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và của từng ngành, từng địa phương. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đẩy mạnh công tác thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật thành luật, cơ chế, chính sách và các quy định phù hợp với thực tiễn, có khả năng điều chỉnh sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực này.

Thứ hai, yêu cầu tiếp tục tiếp thu toàn diện, có chọn lọc lý thuyết văn nghệ nước ngoài, trên cơ sở đó tập trung nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam. Phát huy mạnh mẽ vai trò của phê bình văn học, nghệ thuật.

Thứ ba, yêu cầu phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng văn học, nghệ thuật; tập trung cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ. Vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa thành luật và những cơ chế chính sách cụ thể hơn nữa nhằm hướng đến xây dựng môi trường văn hóa sáng tạo để phát huy cao nhất tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Thứ tư, yêu cầu về việc tiếp tục nâng cao năng lực thẩm mỹ của công chúng, nhất là công chúng trẻ; yêu cầu về việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đối với các lĩnh vực dịch vụ văn học, nghệ thuật trong bối cảnh mới để tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực quan trọng, tinh tế này trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chương trình nghệ thuật "Đề cương về văn hoá Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử"
Chương trình nghệ thuật "Đề cương về văn hoá Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử"

VOV.VN - Tối 28/2, chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023) đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chương trình nghệ thuật "Đề cương về văn hoá Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử"

Chương trình nghệ thuật "Đề cương về văn hoá Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử"

VOV.VN - Tối 28/2, chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023) đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Văn hoá - Hội tụ - Bản sắc và Phát triển”
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Văn hoá - Hội tụ - Bản sắc và Phát triển”

VOV.VN - Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam với chủ đề “Văn hoá - Hội tụ - Bản sắc và Phát triển” phát sóng vào tối 28/2 trên VOV1.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Văn hoá - Hội tụ - Bản sắc và Phát triển”

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Văn hoá - Hội tụ - Bản sắc và Phát triển”

VOV.VN - Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam với chủ đề “Văn hoá - Hội tụ - Bản sắc và Phát triển” phát sóng vào tối 28/2 trên VOV1.

Tâm và Tầm - "chìa khóa" kiến tạo văn hóa Việt Nam
Tâm và Tầm - "chìa khóa" kiến tạo văn hóa Việt Nam

VOV.VN - Kế thừa tinh hoa của Đề cương Văn hóa Việt Nam, nhất là học tập tinh thần cách mạng, tầm nhìn xa của Đề cương, chúng ta thử mường tượng về một nền văn hóa tương lai sau hơn 20 năm nữa sẽ ra sao?

Tâm và Tầm - "chìa khóa" kiến tạo văn hóa Việt Nam

Tâm và Tầm - "chìa khóa" kiến tạo văn hóa Việt Nam

VOV.VN - Kế thừa tinh hoa của Đề cương Văn hóa Việt Nam, nhất là học tập tinh thần cách mạng, tầm nhìn xa của Đề cương, chúng ta thử mường tượng về một nền văn hóa tương lai sau hơn 20 năm nữa sẽ ra sao?