Ăn mì gói nhặt ve chai và mơ ước về điều thần kì

Chị ve chai chuẩn bị thành tỉ phú khi các luật sư quả quyết, “người phụ nữ xuất hiện ở phút 89” chẳng có căn cớ để "đòi hỏi" 5 triệu yen Nhật. 

Ở Đắk Mil, Đắk Nông, một gia đình “chủ yếu” ăn mì gói bỗng dưng trúng thưởng 3 cây vàng, gần 100 triệu đồng chỉ nhờ việc… ăn mì gói. Gì nhỉ! Một may mắn kì diệu. (Còn chuyện ảnh ăn mì gì thì “còn lâu mới nói!”).

Trong khi đó, hân hoan vui sướng và chém gió bắt đầu xuất hiện sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu, trong đó Việt Nam xếp thứ 12, đứng trên la liệt các nền giáo dục, trên cả Anh, trên cả Mỹ.
Chị ve chai nhặt được 5 triệu yên Nhật

Thật "đau đầu" với những tin tức tưởng như tràn đầy lạc quan may mắn.

“Chuyện cổ tích” thì thường vẫn là chuyện cổ tích, bởi nếu ai cũng ảo tưởng từ câu chuyện cổ tích đương đại “tỉ phú ve chai” thì có lẽ cả nước sẽ đi nhặt rác?!

Còn thứ hạng giáo dục ư, bên cạnh thứ hạng 12 mà nhiều người coi là vẻ vang, chính OECD cũng đang chỉ ra những “điểm khác biệt” của giáo dục Việt Nam so với thế giới. Đó là tỉ lệ học sinh theo học phổ thông rất thấp, chỉ đạt 64% trong tổng số thanh thiếu niên đang ở độ tuổi 15, đứng thứ… 74/76. Không biết chừng kha khá trong số 36% thất học còn lại đang ngày ngày ăn mì gói nhặt ve chai và mơ ước về điều thần kì.

Một vài “gà nòi” đi thi không thể phản ánh "thể trạng" của cả nền giáo dục. Một thứ hạng vô nghĩa không thể tạo ra sự lạc quan, bởi nếu có, đó chỉ là thứ lạc quan tếu. Và thay vì hân hoan, chém gió về một thứ hạng chẳng để làm gì cả, chúng ta hay quan tâm đến 36% đang ở đâu đó.

Tiểu thuyết gia người Anh Thomas Hardy có một câu danh ngôn “để đời”: “Còn có trạng thái tồi tệ hơn mù lòa. Đó là thấy thứ thực sự không tồn tại”.

Liệu trong số hơn 90 triệu dân có thêm một “tỉ phú ve chai” thứ hai khi, thay vì chỉ cho người ta màu trắng bạc sau lưng áo của những chị ve chai, chúng ta lại đang vẽ vời mơ ước từ những câu chuyện thuộc diện - nói như bọn trẻ thời @ - là “có 1-0-2”.

Liệu có bao nhiêu người sẽ nhận ra rằng, người ta không thể thoát nghèo bằng cách ăn mì gói và trông đợi điều thần kì từ tấm thẻ cào cuối cùng, trong thùng mì cuối cùng?

Còn nền giáo dục ư? Hôm nay, nhân chuyện người Nhật dạy trẻ em nhặt rác và yêu thương động vật, có người đã nhắc tới những bài học giáo dục công dân toàn những “Hiến chương về quyền trẻ em” cao siêu ảo diệu mà học xong chẳng đứa trẻ nào hiểu nghĩa là gì.

Nếu không nhìn thấy sự yếu kém thì nền giáo dục của chúng ta khác gì đâu con mèo tự khen cái đuôi dài của mình!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giáo dục Việt Nam xếp thứ hạng 12 trên thế giới: Đừng vội mừng!
Giáo dục Việt Nam xếp thứ hạng 12 trên thế giới: Đừng vội mừng!

VOV.VN - Kết quả này chỉ khẳng định, việc truyền thụ kiến thức là tốt nhưng chưa phải thước đo phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

Giáo dục Việt Nam xếp thứ hạng 12 trên thế giới: Đừng vội mừng!

Giáo dục Việt Nam xếp thứ hạng 12 trên thế giới: Đừng vội mừng!

VOV.VN - Kết quả này chỉ khẳng định, việc truyền thụ kiến thức là tốt nhưng chưa phải thước đo phát triển phẩm chất và năng lực của người học.