"Báo hóa tạp chí": Lấn sân, bát nháo trong hoạt động báo chí
VOV.VN - Phải chăng, việc cấp phép hoạt động cho các cơ quan báo chí, tạp chí điện tử, trang tin điện tử tổng hợp còn khá dễ dãi và nhiều kẽ hở?
Cả nước hiện có trên 840 cơ quan báo chí, trong đó 184 báo in, 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập, 67 đài phát thanh, truyền hình. Đại đa số cơ quan báo chí đã phát huy mặt tích cực, phục vụ nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, không ít cơ quan báo chí (nhất là tạp chí điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp) đã đi quá xa tôn chỉ, mục đích, làm giảm sút niềm tin của công chúng, cần phải được tăng cường xử lý bằng những chế tài nghiêm minh.
Cần xử lý nghiêm tình trạng lấn sân, bát nháo trong hoạt động báo chí |
Cũng như các pháp nhân khác, một cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động tại Việt Nam đều phải rõ tôn chỉ, mục đích. Nghĩa là, cơ quan báo chí đó, tờ báo đó, nhất là báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp đó, phải có đối tượng phục vụ rõ ràng. Được phép và không được phép đăng tải thông tin trong lĩnh vực nào và mô hình tổ chức, cũng như phạm vi hoạt động đến đâu?...vv.
Tuy nhiên, với 74 tạp chí điện tử, gần 1640 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động trên cả nước, tình trạng “báo hóa tạp chí”; “báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp” vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí có thời điểm tràn lan, khiến công chúng không phân biệt đâu là báo, đâu là tạp chí, đâu là trang tin thông tin điện tử tổng hợp. Bởi vì không ít tạp chí điện tử cũng đăng tải tin bài hàng ngày, hàng giờ như báo điện tử trong tất cả các lĩnh vực với tỉ lệ cao hơn số lượng tin bài dành cho đối tượng mà tạp chí đó phục vụ.
Nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp cũng xây dựng giao diện gần giống như một tờ báo điện tử rồi dẫn đường truyền truy cập chủ yếu là tin bài tiêu cực, gây sốc; những tin bài gợi trí tò mò, hiếu kỳ từ các tờ báo điện tử với số lượng dày đặc, để tăng số lượng người đọc, thu hút quảng cáo.
Nguy hiểm hơn, không ít tạp chí điện tử còn giới thiệu phóng viên đi tất cả các bộ ngành, địa phương lấy thông tin, viết bài điều tra, chống tiêu cực theo kiểu “vạch lá tìm sâu”. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, kể cả cá nhân đã từng phàn nàn về tình trạng phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí, tạp chí điện tử có hành vi chèo kéo, vòi vĩnh, thậm chí dọa dẫm… để xin hợp đồng tài trợ, quảng cáo.
Không ít nơi than phiền hiện tượng phóng viên của tạp chí chuyên ngành, nhưng vẫn liên hệ các cơ quan, tổ chức không liên quan để phỏng vấn, lấy thông tin; liên hệ các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, thậm chí đến cả trạm y tế xã, trường mầm non để đề nghị ký kết hợp đồng quảng cáo, tài trợ. Có cơ quan tạp chí chuyên ngành còn tự ý làm “Thẻ phóng viên” hoặc ký một “Giấy giới thiệu” nhưng cho phép nhân viên của mình đến tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp để “hoạt động nghiệp vụ”…vv.
Tình trạng nêu trên tồn tại, phải chăng là do việc cấp phép hoạt động cho các cơ quan báo chí, tạp chí điện tử, trang tin điện tử tổng hợp còn khá dễ dãi và nhiều kẽ hở để nhiều nơi “mập mờ” hoạt động gần giống báo điện tử?
Phải chăng, công tác quản lý nhà nước về báo chí chưa chặt chẽ, công tác “hậu kiểm” sau cấp phép còn buông lỏng, hoặc chế tài xử phạt còn “giơ cao đánh khẽ”?
Phải chăng các tạp chí và trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động theo cơ chế “tự thu tự chi”, nên cơ quan chủ quản đã “khoán trắng”, khiến những đơn vị này tự tung tự tác, bất chấp pháp luật?
Phải chăng, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, chưa có kỹ năng, phương pháp tiếp cận và trả lời báo chí, hoặc chấp nhận im lặng để mặc những vi phạm trong hoạt động báo chí có đất sống?
Đó là những vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản báo chí trong việc thực hiện “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, lấp các “lỗ hổng” trong pháp luật về báo chí hiện hành, để “khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí”. "Tạp chí điện tử phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử”; đồng thời xử lý nghiêm tình trạng "báo hóa tạp chí" hiện nay./.
Thủ tướng ký phê duyệt quy hoạch báo chí toàn quốc đến 2025
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí