Bị phạt vì nói xấu Chủ tịch tỉnh trên Facebook: Ai được, ai mất?
VOV.VN -Nhân viên nói xấu Chủ tịch bị kỷ luật. Còn Chủ tịch cũng đã bị bêu xấu. Trong câu chuyện này cả hai đều “mất”.
Một số cán bộ, trong đó có cả cô giáo, ở tỉnh An Giang vừa bị kỷ luật, phạt tiền vì nói xấu chủ tịch tỉnh An Giang trên mạng xã hội Facebook. Đây không phải là lần đầu tiên có những cá nhân bị xử phạt khi sử dụng Facebook để nói xấu các tổ chức, cá nhân.
Ngay ở lứa tuổi học sinh, nhiều em bị kỷ luật vì sử dụng mạng xã hội để nói xấu thầy cô, bạn bè, xúi giục cãi lộn, đánh nhau... Một số trường phổ thông cơ sở và trung học phổ thông đã nhận thức rõ ảnh hưởng của mạng xã hội trong việc hình thành nhân cách, lối sống của học sinh nên nhà trường đã ra những qui định cụ thể đối với học sinh khi sử dụng Facebook. Ban đầu những qui định này vấp phải sự phản đối của nhiều người, kể cả phụ huynh học sinh, cho rằng, như vậy là các em không có quyền tự do. Thế nhưng, quan điểm của các nhà quản lý giáo dục ở những ngôi trường này “Tự do phải đi đôi với tuân thủ pháp luật”, khi học sinh tuân thủ pháp luật, nội qui nhà trường tuyệt đối có nghĩa là các em có tự do tuyệt đối.
Với những người đã đi làm, là cán bộ nhà nước, việc đưa những mâu thuẫn gia đình, cơ quan lên Facebook để “xả”, để chia sẻ, “dằn mặt” nhau... không còn là hiếm. Những vụ việc như vậy ở các mức độ khác nhau đã được giải quyết bằng cách này, cách khác êm thấm hơn. Hoặc có thể những người bị nói xấu, bị hại… cũng không muốn làm to chuyện.
Cơ quan quản lý không thể cấm cán bộ, nhân viên không được vào Facebook, không được sử dụng Facebook. Bởi Facebook là thành tựu lớn của công nghệ thông tin hiện đại. Nhờ có Facebook mà mỗi cá nhân có thể kết nối với cộng đồng xã hội, với thế giới một cách dễ dàng. Thế nhưng, như bất kỳ một công dân nào khác, cán bộ, công chức, viên chức khi sử Facebook phải tuân thủ các qui định của luật pháp về việc sử dụng mạng xã hội, rộng hơn nữa là các chuẩn mực về đạo đức và văn hóa ứng xử.
Trong câu chuyện ở An Giang, ngoài lý do là cách ứng xử của những cán bộ ở địa phương này với Facebook chưa phù hợp, dư luận cũng có quyền đặt nghi vấn “Trong cách điều hành của lãnh đạo địa phương chưa ổn nên mới có những phản ứng thái quá của cán bộ dưới quyền như vậy?”.
Giá như có một cơ chế đối thoại dân chủ, thẳng thắn, biết lắng nghe, biết điều chỉnh… thì câu chuyên này đã không trở nên ồn ào như vậy.
“Xấu chàng thì hổ ai?”. Kỷ luật những cán bộ này là một chuyện nhưng dư luận có quyền đánh giá về cách điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương này. Cuối cùng là cả đôi bên đều “mất”.
Facebook là một mạng ảo. Ảo không có nghĩa là không ai nhìn thấy mình, không ai biết mình là ai để có thể “thản nhiên xả” bất cứ thì gì mình muốn lên đó. Ảo đấy nhưng lại là thật. Chơi Facebook thế nào, cái gì nên và không nên đưa lên Facebook… cũng là điều đáng phải cân nhắc. Nói tóm lại phải có những chuẩn mực về văn hóa facebook.
An Giang kỷ luật nhiều người “nói xấu” Chủ tịch tỉnh trên Facebook
Cộng đồng những người chơi Facebook, có những trang cá nhân thu hút được cả triệu người theo dõi, bình luận, tranh luận về những chủ đề rất có ý nghĩa trong cuộc sống. Thế nhưng cũng có người chỉ gây sự khó chịu cho người khác bằng việc “khoe” quá nhiều về bản thân... Hoặc bày tỏ sự uất ức, cay cú về một chuyện gì đó xảy ra với mình. Nếu không “tỉnh” Facebook sẽ làm cho những người quá mê nó trở thành “nghiện ngập”, sai lệch về ứng xử trong đời sống thực. Bởi khi sống trong một thế giới “ảo” họ nhận được nhiều lời tung hô, khen ngợi, nên ảo tưởng mình là số 1, là quan trọng nhất, là xinh đẹp hơn người,vv… để khi bước vào cuộc sống thật họ lại trở nên lạc lõng.
Nói xấu bạn bè, đồng nghiệp, lãnh đạo… trên Facebook chỉ là một khía cạnh cần phải điều chỉnh đối với người sử dụng facebook. Còn vô vàn cách sử dụng Facebook bị cộng đồng mạng lên án. Bởi Facebook là xã hội. Những gì lệch chuẩn sẽ bị phản ứng, bị đào thải và bị lên án. Như lời Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son: “Nói xấu trong đời thường cũng không được và nói xấu trên mạng cũng không được… Nếu nhẹ xử phạt hành chính, cao thì có thể xử lý hình sự”./.