Cán bộ nói lời từ chức “khó khăn”?

VOV.VN -Nếu làm quan là để phục vụ, để cống hiến và con đường thăng tiến bằng tài, bằng đức thì việc từ bỏ địa vị sẽ dễ hơn nhiều.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Đình Hương- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã nói một câu rất xót xa: “Cán bộ tham nhũng, đút lót nhau hàng trăm tỷ, nhưng chưa thấy ai từ chức vì sai phạm. Cả cuộc đời 60 năm làm công tác tổ chức, cán bộ, tôi chưa thấy ai từ chức”!

Cán bộ chỉ "từ chức" khi đã chót "nhúng chàm"? ( Ảnh minh họa: Dân trí
Thật ra, ông Hương nói cũng có cái đúng, có cái chưa hẳn đã đúng. 

Lịch sử quan trường đã chứng kiến những người “treo ấn, từ quan”. Họ từ chức nhẹ như lồng hồng. Về quê để sống một cuộc đời thanh thản. Đó là các bậc sỹ phu, trí nhân, khảng khái và khí tiết. 

Thời chính quyền về tay nhân dân, cũng có những cán bộ tự thấy mình không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, muốn được nghỉ sớm để nhường lại “ghế” cho đội ngũ kế cận. Số này cũng không nhiều, thường đếm trên đầu ngón tay.

Nhưng mấy năm gần đây, nếu ông Nguyễn Đình Hương để ý thì sẽ thấy: Đã có nhiều hơn những cán bộ “mạnh dạn” xin được “nghỉ hưu non”, xin được thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội “vì lý do sức khỏe”. Tưởng rằng, văn hóa từ chức đã nhen nhóm trong chốn quan trường. Tiếc thay, dư luận lại không mấy hoan nghênh, thậm chí nghi ngờ về động cơ của họ. Không nghi ngờ sao được khi mới chỉ trước đó không lâu, “tên tuổi” của những cán bộ này được nhắc tới nhiều trong các cuộc thanh tra, kiểm tra. “Treo ấn, từ quan” với những cán bộ như vậy, khác gì tìm cách thoái lui, trốn tránh trách nhiệm, muốn được “hạ cánh an toàn”? 

Vậy nên, nếu ông Nguyễn Đình Hương mong muốn cán bộ sai phạm nên từ chức thì dư luận lại không mong điều đó. Họ chờ đợi các bước xử lý tiếp theo. Quan hay dân đều phải bình đẳng trước pháp luật. Sai đến đâu, xử đến đó. Không phải cứ có dấu hiệu sai phạm là tìm cách rút lui. Quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên sai phạm cũng khẳng định điều này, kể cả anh tại vị hay đã rũ bỏ chức tước. 

Xưa, các bậc sỹ phu từ quan là để giữ khí tiết. Nay, cán bộ “từ ghế” vì có dấu hiệu “nhúng chàm”. Họ cực chẳng đã mới phải làm như vậy.

Về cơ bản, việc cán bộ từ chức vẫn hết sức "khó khăn". 

Mặc dù, trách nhiệm của người đứng đầu đã được khẳng định trong nhiều văn bản, nghị quyết. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về hoạt động của ngành mình, địa phương mình, đơn vị mình… Thế nhưng, khi xảy ra sai phạm hay sự cố đáng tiếc, trách nhiệm lại thuộc về tập thể. Chỉ khi nào, cái ghế của họ có nguy cơ “lung lay”, khó giữ thì họ mới nhận thức rõ hơn về việc “nên ở” hay “nên về”.

Nếu làm quan là để phục vụ, để cống hiến và con đường thăng tiến bằng tài, bằng đức thì việc từ bỏ địa vị sẽ dễ hơn nhiều. Nay, khi cụm từ “chạy chức, chạy quyền” được nhắc tới như một vấn nạn thì việc từ chức càng trở nên khó khăn. Xung quanh chiếc “ghế” có quá nhiều ràng buộc mà không phải bỗng chốc, nói “nghỉ” là “nghỉ” được ngay. 

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhắc tới “văn hóa từ chức” trong một phiên họp thường kỳ cách đây 2 năm và đề nghị Bộ Nội vụ phải xây dựng một Nghị định về nội dung này. Hội nghị Trung ương 7 vừa qua cũng yêu cầu phải xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ. 

Nhưng, mọi chế tài đều trở nên vô nghĩa. Vấn đề ở đây là đạo đức, là cốt cách, là liêm sỉ. Nếu xã hội không thiếu những thứ đó thì ông Nguyễn Đình Hương đã không phải xót xa khi nói rằng “Cả cuộc đời 60 năm làm công tác tổ chức, cán bộ, tôi chưa thấy ai từ chức”!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên