Cần loại bỏ tệ nạn bằng giả

Chuyện bằng giả thực sự là thứ tệ nạn, rất đáng lên án... Vấn đề đặt ra là có cách nào hạn chế tình trạng bằng giả?

Thời gian gần đây, trong quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng các cấp, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị phát hiện một số trường hợp cán bộ đảng viên sử dụng văn bằng giả… Cán bộ sử dụng bằng giả là tệ nạn không kém phần nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đội ngũ cán bộ trong bộ máy công quyền và hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước, cần được loại bỏ…

Chuyện không học mà có bằng, dân gian gọi là học giả bằng thật. Lại có chuyện không học mà có bằng, nhưng là bằng giả, dân gian gọi là học giả bằng giả. Lại cũng có thứ học qua quýt kiểu đánh trống ghi tên, học thầy thi… tiệm, kết cục vẫn có cái bằng, suy cho cùng, vẫn là thứ học giả, và cái bằng ấy, dù là thật, dân gian vẫn gọi đấy là bằng rởm…

Bằng giả đủ kiểu bị phát hiện tại một “lò” làm bằng cấp giả tại TP HCM

Chuyện bằng giả thực sự là thứ tệ nạn, không kém phần nghiêm trọng, rất đáng lên án. Công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên làm việc trong bộ máy công quyền, hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước dính vào chuyện bằng giả, lại càng đáng lên án.

Trước hết, đó là những người không tự trọng, thiếu trung thực, không còn biết xấu hổ. Họ không có năng lực học lên hoặc không chịu bỏ thời gian, công sức để học hành đến nơi đến chốn, nhưng lại muốn có bằng cấp để tiến thân…

Tấm bằng, chứng chỉ là thứ văn bản mang tính pháp lý công nhận bậc học, trình độ học vấn được đào tạo của mỗi cá nhân, do những cơ quan tổ chức có thẩm quyền cấp phát. Muốn có bằng cấp, chứng chỉ phải trải qua thi cử, học hành; việc học hành phải diễn ra trong một thời gian, không gian cụ thể, phải lao tâm khổ tứ, đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Thường những người sử dụng bằng giả hay ham hố quan chức, quyền lực, tìm mọi cách để có chức có quyền.  Có tấm bằng giả-thậm chí nhiều tấm bằng giả "lận lưng" họ tự cho mình là người "được đào tạo cơ bản", "học hành tử tế" và tìm cách đấu đá, luồn lách, chạy chọt để có vị trí trong hệ thống.

Những kẻ vô sỉ bằng cách này hay cách khác để sở hữu tấm bằng giả, họ có thể làm được nhiều việc tồi tệ hơn thế. Người sử dụng bằng giả, một khi có chức có quyền họ rất đố kỵ với những người thực tài, học hành tử tế; và tìm cách vô hiệu hoá những người dưới quyền có học có tài.

Càng nhiều những người bằng giả trong bộ máy công quyền thì cơ hội tiến thân cho những người thực học thực tài càng ít đi. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân ngày càng có nhiều công chức viên chức có năng lực rời bỏ cơ quan Nhà nước tìm đến khu vực khác-mà báo chí vẫn gọi đó là "hiện tượng chảy máu chất xám".

Chuyện không học mà có bằng, dốt nát vẫn được công nhận góp phần làm xấu đi hình ảnh nền giáo dục nước nhà vốn coi trọng thực học thực tài, làm xói mòn đạo đức xã hội vốn coi trọng tri thức, coi trọng việc học: "không thầy đố mày làm nên".

Trong câu chuyện bằng giả thì ngành giáo dục đào tạo không có lỗi, nhưng lại phải gánh chịu những hệ luỵ tai tiếng mà thứ tệ nạn này mang tới. Một khi những người không học, ít học, thiếu năng lực lại sử dụng những văn bằng chứng chỉ giả để leo lên những vị trí cao trong bộ máy lãnh đạo, có quyền quyết định những chủ trương, chính sách liên quan đến quốc kế dân sinh, thì hậu quả thật khôn lường. Mặt khác, tệ nạn bằng giả, suy rộng ra, làm tăng thêm tệ nạn chạy chức, chạy quyền, mua quan bán chức…

Có cách nào hạn chế tình trạng bằng giả?

Theo chúng tôi, không nên xem bằng cấp là yếu tố quyết định để đánh giá năng lực để tuyển chọn và cất nhắc, đề bạt cán bộ. Chính vì việc quá đề cao tiêu chuẩn bằng cấp đã khiến một bộ phận chạy đua bằng cấp, kể cả mua bằng giả. Cần quan tâm tuyển dụng cán bộ trẻ đã được đào tạo cơ bản, và  giao việc cho họ, đánh giá họ qua kết quả công việc.

Việc Bộ Nội vụ đang hoàn thiện Đề án thí điểm đưa 600 thanh niên ưu tú có trình độ đại học đi rèn luyện kinh nghiệm điều hành, quản lý với tư cách phó chủ tịch các xã nghèo, khó khăn trong cả nước là một cách đào tạo cán bộ cơ bản, lâu dài, góp phần loại dần tệ nạn bằng giả trong cán bộ.

Thứ hai, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ quá trình đào tạo, cấp phát bằng cấp, chứng chỉ… Hãy chấm dứt tình trạng đặc quyền đặc lợi trong việc cấp văn bằng chứng chỉ để không còn những trường hợp học giả, bằng thật, không đến trường lớp nhưng vẫn được cấp bằng.

Thứ ba, các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi cán bộ, công chức, viên chức làm việc, hơn ai hết nắm rõ quá trình công tác, học hành, đào tạo của từng cá nhân, phải chịu trách nhiệm nếu đề bạt, cất nhắc những trường hợp sử dụng bằng giả.

Thứ tư, phải xử lý thật nghiêm những trường hợp sử dụng bằng giả. Những người sử dụng bằng giả rất không xứng đáng là cán bộ, đảng viên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên