“Chỉ mặt, đặt tên” đối tượng tham nhũng
VOV.VN -Nói nhiều về bộ phận tham nhũng cũng chẳng để làm gì, khi không chỉ ra được những địa chỉ cụ thể.
Những phát biểu của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mấy ngày qua đã hâm nóng dư luận, khi cho rằng công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Nhiều vụ việc các cơ quan chức năng còn “giơ cao đánh khẽ”. Điều đó cho thấy cuộc chiến chống giặc “nội xâm” là rất khó khăn phúc tạp, nếu không có sự quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở.
Câu chuyện lãng phí được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây là: “Ai cũng phải kêu trời vì xót ruột, nhìn thấy sờ sờ mà… đành chịu, không thấy quy trách nhiệm, quy tội được ai”.
Lãng phí diễn ra khắp nơi, trên mọi lĩnh vực: Đất đai bỏ hoang, công trình xây dựng dang dở, khiến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng đầu tư của Nhà nước phơi mưa phơi nắng; tình trạng giải phóng mặt bằng ì ạch, làm phát sinh thêm hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tỉ đồng; giải ngân chậm làm giảm giá trị đồng vốn, tổ chức lễ hội tràn lan, cán bộ sử dụng phương tiện làm việc vượt tiêu chuẩn cho phép.
Đặc biệt là tình trạng xây dựng trụ sở hoành tráng nhưng không sử dụng hết công năng. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, ông K’So Phước phải kêu: “Cơ quan phục vụ dân mà xây lộng lẫy như cung điện, gây phản cảm vì dân còn nghèo, tỉnh còn khó khăn”.
Vì thế, mặc dù báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng lãng phí của Tổng Thanh tra Nhà nước chỗ nào cũng thấy “rất quyết liệt” và “đạt được những kết quả quan trọng”… với số tiền tiết kiệm hơn 6.000 tỷ đồng từ các địa phương, và nếu tính cả khối cơ quan Trung ương, Bộ, ngành là gần 16.000 tỷ đồng trong năm nay, vẫn chưa đủ sức thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Không sự lãng phí nào là vô cớ, nhất là ở những dự án lớn, số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng, mà lại không phải là tiền của cá nhân ai. Không thể có lãng phí trong dân, bởi mỗi đồng tiền dân làm ra là mồ hôi công sức của họ. Lãng phí chỉ xảy ra ở những cơ quan, dự án dùng tiền Nhà nước.
Một khi của chung không được giám sát hiệu quả bằng cơ chế chính sách thì lãng phí sẽ xảy ra. Phía sau những dự án hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng kia là câu chuyện “phết, phẩy” của một số cá nhân có chức có quyền. Mà “phết, phẩy” nào cũng to, cũng nặng. Nên lãng phí là một biểu hiện khác của tham nhũng.
Không phải ngẫu nhiên khi thảo luận về cơ chế, chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại nhận định: “Tiêu cực, bôi trơn và nạn chạy chọt ở khâu nào cũng có… không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy chức vụ này, chức vụ kia. Mặc quần đùi áo trắng, vợt mấy chục triệu, lương như thế thì làm sao đủ tiêu? Ấy mới là ông tham nhũng”.
Có tham nhũng thì phải chống tham nhũng. Bởi đó là “giặc nội xâm”, là quốc nạn làm suy yếu đất nước. Mà đã là quốc nạn thì cần phải đấu tranh quyết liệt để tiêu diệt. Nói như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’So Phước là: “Không thể cứ đi đánh lơ vơ đâu đấy, mà cần tập trung vào các trọng điểm. Những nơi có nhiều tiền, nhiều quyền là nơi dễ tham nhũng nhất và là tham nhũng lớn. Nên đánh thẳng vào đó. Đấy mới là con cá lớn”.
Biết có cá lớn, sâu lớn, có cả bầy sâu; biết rằng “người ta đã ăn của dân không từ một thứ gì”, và biết rằng có “một bộ phận không nhỏ” tham nhũng thì cần phải biết nói thẳng ra, công khai minh bạch diện mạo những con “cá lớn”. Bởi cá lớn mới tham nhũng lớn, cá con chỉ tham nhũng vặt. Sâu và bầy sâu là “bộ phận không nhỏ”.
Nhưng nói nhiều về bộ phận này cũng chẳng để làm gì, khi không chỉ ra được những địa chỉ cụ thể. Chỉ phê phán một bộ phận vô hình đó thì chẳng chết ai, nguy hiểm hơn là bộ phận không nhỏ đó sẽ nhờn thuốc và ngày càng phình to ra.
Tham nhũng để chạy chức chạy quyền. Thế thì những người được chạy đó là ai? Bởi chạy chức lớn thì phải tìm đến người có quyền lớn. Có ai lại chạy chức chạy quyền ở chốn dân gian?
Tham nhũng khó ngăn chặn một phần bắt nguồn từ việc xử lý không nghiêm. Không ít vụ án tham nhũng, khi khởi tố thì ồn ào dữ dội, nhưng qua nhiều lần xét xử, nhiều lần thay đổi tội danh, án đã xẹp xuống, do những “con cá lớn” quẫy đạp và thoát lưới pháp luật.
Không phải vô cớ mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề “có tham nhũng hay không trong lực lượng chống tham nhũng”.
Thế thì chống tham nhũng- lãng phí, nói phải đi đôi với làm. Làm thật sự và quyết liệt./.