Chìm tàu ở Cần Giờ: Trách nhiệm ở đâu?
VOV.VN-Khi tai nạn xảy ra, chính vì sợ trách nhiệm mà thông tin không được đầy đủ, dẫn tới người bị nạn không được ứng cứu kịp thời.
Thi thể cuối cùng các nạn nhân trong vụ tai nạn chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM vào ngày 2/8 vừa qua đã được tìm thấy. Nguyên nhân ban đầu cũng phần nào đã sáng tỏ, nhưng hậu quả mà nó gây ra quá lớn, quá đau xót không chỉ đối với người thân, gia đình nạn nhân mà còn với cả xã hội. Làm sao để không còn nỗi đớn đau ấy, làm sao để không còn phải rút ra bài học từ những vụ tai nạn tương tự là đòi hỏi của dư luận đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành chức năng và cả đối với từng người dân.
9 con người đã vĩnh viễn ra đi sau khi không thể chống đỡ, không thể mòn mỏi chờ đợi nổi sự cứu giúp. Nhiều câu hỏi, nhiều điều “giá như” đã được đặt ra từ vụ tai nạn thương tâm này.
Cho đến giờ, vẫn chưa ai trả lời được rõ ràng vì sao 2 trong 3 chiếc ca nô đang bảo trì, sửa chữa lại được sử dụng để chở nhiều khách đi đường biển xa đến vậy?!
Rõ ràng, khi sử dụng phương tiện này, cơ quan, người tổ chức chuyến đi không thể không biết. Sự tắc trách, vô trách nhiệm của họ là nguyên nhân đầu tiên để xảy ra tai nạn.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích trong vụ chìm tàu (Ảnh; Thanh niên) |
Về nguyên tắc, những chiếc ca nô chở khách đoàn theo hải trình sẽ phải trình báo với trạm biên phòng thuộc vùng biển tuần tra quản lý. Nếu được kiểm tra, ngăn chặn kịp thời chắc hẳn tai nạn đã không xảy ra. Nhưng cả lúc ca nô vào lẫn khi ra, lực lượng bộ đội biên phòng không hề biết vì “không được trình báo”. Lỗi đương nhiên thuộc đơn vị tổ chức và tài công. Tuy nhiên, bộ đội biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng không thể ngoài cuộc.
3 chiếc ca nô chở đến hàng chục con người, không phải “cái kim, sợi chỉ” để có thể lọt qua nơi xuất bến là Cảng vụ Vũng Tàu. Mặc dù theo biện minh của người có trách nhiệm là “không được thông báo” thì về công tác quản lý, họ buộc phải biết.
Khi tai nạn xảy ra, chính vì sợ trách nhiệm mà thông tin không được đầy đủ; chính sự lúng túng, không rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan chức năng và cả sự vô cảm của một số người đã dẫn tới người bị nạn không được ứng cứu kịp thời.
Sau những gì đã diễn ra mới thấy, lâu nay con người đã quá coi thường mọi thứ. Từ việc quản lý phương tiện, sử dụng phương tiện, quy trình vận hành, theo dõi hải trình, lộ trình, tiếp nhận, xử lý thông tin, tổ chức cứu hộ, cứu nạn và đáng tiếc là coi thường ngay cả tính mạng của chính mình.
Trong vụ tai nạn này, chiếc ca nô theo thiết kế chỉ được chở không quá 12 người. Vậy mà có đến 30 người trên nó. Với một phương tiện bình thường đã là quá nguy hiểm, không nói nó lại là phương tiện đang trong quá trình bảo trì, sửa chữa. Chở quá số người quy định dường như đã là chuyện quá bình thường, không chỉ chủ phương tiện, người điều khiển coi “đương nhiên là thế” mà cả những hành khách cũng đương nhiên chấp nhận. Nó không chỉ xảy ra ở một loại hình phương tiện mà hầu như trên tất cả các phương tiện tham gia giao thông. Vụ thảm nạn giao thông đường bộ tại cầu Serepok (Đắk Lắk) làm chết 34 người vào tháng 5/2012 là một ví dụ. Theo quy định, chiếc xe khách chỉ được chở từ 47 đến 49 người, nhưng trên hành trình từ Đắk Lắk đi TP HCM đã chở tới 57 người.
Sau mỗi vụ tai nạn, nhiều bài học đều được rút ra. Nhưng, thực tế đã cho thấy, chỉ có hậu quả nặng nề từ những vụ tai nạn là còn dai dẳng, âm ỉ trong cuộc sống của những người bị thương tật, của người thân, gia đình người bị nạn; còn đối với các cơ quan quản lý những bài học ấy dường như rất dễ bị lãng quên.
Sự lãng quên ấy còn có cả ở ngay chính của người tham gia giao thông. Vì “quên” nên trong nhiều trường hợp họ là tác nhân góp phần cho những vụ tai nạn thêm nặng nề, nghiêm trọng. Lẽ ra họ phải là người bảo vệ cho tính mạng, tài sản của mình thì họ vẫn chấp nhận những việc làm vi phạm pháp luật về giao thông, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc, đau lòng như vụ ca nô bị chìm ở Cần Giờ. Rõ ràng là, nếu như ý thức được mối hiểm nguy; nếu như tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật thì đã không xảy ra sự việc đặc biệt nghiêm trọng như vậy.
Để không còn xảy ra tai nạn tương tự, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã quyết định thành lập ngay một tổ điều tra đặc biệt, yêu cầu các cơ quan phải báo cáo kiểm điểm trách nhiệm, cung cấp thông tin, chủ động điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn; đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị. Đây là việc làm cần thiết đối với một cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này và phần nào làm vơi bớt nỗi đau của gia đình các nạn nhân. Nhưng điều cần hơn cả, chính là ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm của mỗi người trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội./.