Chính quyền đã thực sự vì dân?

(VOV)-Nếu chính quyền địa phương bảo đảm quyền lợi người dân trong các hoạt động kinh tế, xã hội thì sẽ không có sự việc đáng tiếc xảy ra.

Những hệ lụy về môi trường, về cuộc sống của người dân tại các khu công nghiệp dường như đã trở thành câu chuyện quá đỗi bình thường mà người dân là đối tượng phải gánh chịu. Nhưng khi đã vượt ngưỡng mức độ chịu đựng thì người dân buộc phải lên tiếng. Tiếc rằng, tuy họ là số đông nhưng lại đơn độc trong hành trình đòi hỏi sự công bằng, đòi hỏi được trả lại cuộc sống yên bình như họ vốn được hưởng. Những bất ổn xã hội, những vi phạm pháp luật cũng từ đây mà nảy sinh. Lòng tin của người dân vào các cấp chính quyền, vào đội ngũ lãnh đạo ở địa phương, vào chính sách pháp luật vì thế cũng giảm sút.

Ngày 11/6 vừa qua, gần 100 người dân ở xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã tập trung trước cổng công ty thuốc lá nguyên liệu Khatoco để phản đối doanh nghiệp này gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân xung quanh.

Người dân thôn Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương "phong tỏa" Nhà máy Xi măng Phúc Sơn (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Ngày 13/6, bức xúc trước hoạt động sản xuất trái phép gây ô nhiễm môi trường của công ty Trường Khánh, một số người dân thôn Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã chặn đoàn xe chở nguyên vật liệu và phong tỏa nhà máy của công ty. Nhiều cuộc phản ứng của người dân ở một số địa phương khác cũng đã và đang diễn ra.

Trước hết phải khẳng định rằng, đây là những hành vi bộc phát, không đúng quy định của pháp luật, ít nhiều làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Nhưng không phải tự nhiên người dân có những hành động ấy. Hành động này khởi nguồn từ sự phớt lờ quy định của pháp luật, xem nhẹ lợi ích của người dân. Nó còn khởi nguồn từ sự vô cảm, cách ứng xử của chính quyền trước bức xúc không được giải tỏa của người dân.

Trong các vụ việc, cụ thể là ở Nha Trang, Khánh Hòa và Kinh Môn, Hải Dương, các doanh nghiệp đã không tuân thủ tối thiểu những quy định của pháp luật về môi trường gây hậu quả nặng nề cho người dân. Mặc dù đều mới đi vào hoạt động từ năm 2012 nhưng các công ty này thường xuyên gây tiếng ồn; tạo mùi hôi, đưa bụi bẩn vào khu dân cư lân cận, làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Nhiều người đã phải di dời đi ở nơi khác vì không thể hít thở, sinh hoạt trong môi trường quá ô nhiễm ấy. Khi có sự phản ứng của người dân, các doanh nghiệp không có biện pháp khắc phục triệt để mà tìm cách tránh né, hoặc gây sức ép, buộc người dân phải chấp nhận. Thậm chí, một số người dân đứng đơn kiện công ty Trường Khánh ở Kinh Môn, Hải Dương còn bị các đối tượng lạ mặt truy sát, tấn công. Vì thế, việc người dân phản đối cũng là điều dễ hiểu.

Trước khi tập trung đông người phản đối, ngăn chặn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân đã từng phản ánh nhiều lần tới các cấp chính quyền. Mặc dù đã có những động thái nhận đơn, cử các ngành chức năng đánh giá tác động, tổ chức nghe trực tiếp phản ánh của người dân. Nhưng dường như những việc làm ấy chỉ mang tính chiếu lệ. Bởi sau đó, đâu vẫn hoàn đấy. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động, người dân vẫn thấp thỏm lo cho công việc làm ăn, lo cho sức khỏe, không chỉ của bản thân mà của nhiều thế hệ đang sinh sống ở địa phương. Họ còn bị coi là tác nhân gây nên sự ngưng trệ hoạt động, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Thậm chí, có thể họ còn phải chấp nhận rời xa nơi mình đã sinh sống, làm việc từ nhiều năm nay để nhường chỗ cho doanh nghiệp. Cho dù doanh nghiệp đó mới hoạt động, kể cả không phép; cho dù nó gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sự thờ ơ đến vô trách nhiệm một cách khó hiểu ấy buộc người dân phải đặt câu hỏi, chính quyền đã thực sự vì dân? Hay gián tiếp đẩy người dân vào tình thế phải thực hiện hành vi không mong muốn?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng nhắc nhở, trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, các bên liên quan chú ý công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân yên ổn cuộc sống; và yêu cầu chính quyền “Đã lo cho dân thì phải cố gắng hết sức mà giải quyết thấu tình đạt lý”. Đáng tiếc, điều đó đối với một số chính quyền địa phương, như một thứ rất xa xỉ. Vì lợi ích trước mắt, vì quyền lợi của một nhóm người, của một doanh nghiệp mà họ cố tình quên đi lợi ích lâu dài, lợi ích của đông đảo người dân, lợi ích của xã hội. Vô hình trung, chính họ là tác nhân gây nên sự phản ứng gay gắt của người dân; gây nên những bất ổn không đáng có cho xã hội.

Nếu như chính quyền các địa phương thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; xử lý, giải quyết sự việc khách quan, công bằng, bảo đảm quyền lợi người dân, quyền lợi của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật…thì chắc rằng lòng tin của người dân sẽ được củng cố, họ không phải tự hợp sức với nhau phản đối doanh nghiệp, bức xúc với chính quyền.

Trong mọi trường hợp, chính quyền phải cùng người dân, bảo đảmcông bằng”, “thấu tình đạt lý”, không để những vụ việc bất ổn xảy ra, là mong muốn và là yêu cầu trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng
Sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng

(VOV) -Tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư nói: ‘Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành ở cả trong Đảng, từ Tổng Bí thư trở xuống'

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng

(VOV) -Tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư nói: ‘Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành ở cả trong Đảng, từ Tổng Bí thư trở xuống'

Đừng làm “rách” thêm manh áo người nghèo!
Đừng làm “rách” thêm manh áo người nghèo!

(VOV) -Kẻ có tiền sao nỡ làm cho bát cơm của người dân đồng bào dân tộc thiểu số vơi đi, giật tấm áo của họ rách thêm?

Đừng làm “rách” thêm manh áo người nghèo!

Đừng làm “rách” thêm manh áo người nghèo!

(VOV) -Kẻ có tiền sao nỡ làm cho bát cơm của người dân đồng bào dân tộc thiểu số vơi đi, giật tấm áo của họ rách thêm?

Cần chấm dứt ngay những hành động tự xử
Cần chấm dứt ngay những hành động tự xử

(VOV) - Nếu tình trạng tự xử không được chấn chỉnh kịp thời thì sẽ còn xảy ra nhiều hậu quả khôn lường.

Cần chấm dứt ngay những hành động tự xử

Cần chấm dứt ngay những hành động tự xử

(VOV) - Nếu tình trạng tự xử không được chấn chỉnh kịp thời thì sẽ còn xảy ra nhiều hậu quả khôn lường.

Để Bộ trưởng không phải xin lỗi nữa!
Để Bộ trưởng không phải xin lỗi nữa!

(VOV)-Người trực tiếp gây tai nạn là lái xe, nhưng nguyên nhân sâu xa là từ công tác quản lý Nhà nước về giao thông còn lỏng lẻo.

Để Bộ trưởng không phải xin lỗi nữa!

Để Bộ trưởng không phải xin lỗi nữa!

(VOV)-Người trực tiếp gây tai nạn là lái xe, nhưng nguyên nhân sâu xa là từ công tác quản lý Nhà nước về giao thông còn lỏng lẻo.

Lá phiếu và độ tín nhiệm của cán bộ chủ chốt
Lá phiếu và độ tín nhiệm của cán bộ chủ chốt

(VOV) - Nhiều địa phương lấy phiếu tín nhiệm, kết thúc đợt 2 kỳ thi Đại học… là những vấn đề được quan tâm trong tuần

Lá phiếu và độ tín nhiệm của cán bộ chủ chốt

Lá phiếu và độ tín nhiệm của cán bộ chủ chốt

(VOV) - Nhiều địa phương lấy phiếu tín nhiệm, kết thúc đợt 2 kỳ thi Đại học… là những vấn đề được quan tâm trong tuần