Cơ hội xoay chuyển cục diện kinh tế - xã hội

(VOV) -Chúng ta đã có điểm tựa từ những thành công trong công tác điều hành kinh tế xã hội 11 tháng qua

11 tháng của năm 2012 đã đi qua, tình hình kinh tế xã hội đã bộc lộ rất rõ những điểm sáng, những kết quả tích cực và bộc lộ cả những nút thắt cần tiếp tục tháo gỡ. Dấu ấn trong công tác điều hành vĩ mô ở chỗ, tình hình  kinh tế xã hội đã ổn định hơn, nhiều chỉ số quan trọng của nền kinh tế đạt mục tiêu, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội cũng thu được kết quả khả quan trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn. Đó là những điểm tựa quan trọng giúp Chính phủ xoay chuyển cục diện kinh tế - xã hội năm 2013, năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2015, theo hướng tích cực hơn.

Mặc dù chồng chất khó khăn của năm 2011 để lại, lại thêm ảnh hưởng từ khó khăn của kinh tế thế giới, nhưng tình hình kinh tế xã hội năm 2012 của nước ta vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, mang dấu ấn của điều hành vĩ mô. Nhìn chung, tình hình kinh tế xã hội 11 tháng qua tiếp tục ổn định, lạm phát được kiềm chế, thị trường tiền tệ được kiểm soát, tỷ giá ổn định, thặng dư kim ngạch xuất khẩu, lãi suất tín dụng giảm 5 – 7% so với năm 2011, kiều hối chuyển về gần chục tỷ USD, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, tạo ra gần 1,4 triệu việc làm mới so với cùng kỳ năm trước; tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và bị thương. Sản xuất công nghiệp vẫn tăng trên 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất nông nghiệp cũng đạt khá, là chỗ dựa vững chắc cho xuất khẩu của năm nay.

Có thể so sánh để thấy những kết quả đạt được của năm nay là tích cực. Nếu kết thúc năm ngoái chỉ số giá tiêu dùng tăng trên 18%, thì đến hết tháng 11 năm nay, con số này chỉ tăng 6,52%. Một con số đẹp ngoài dự báo của rất nhiều tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, thể hiện rõ vai trò quản lý điều hành của Chính phủ. Về xuất khẩu, nếu năm 2011 nền kinh tế nhập siêu khoảng 9 tỷ USD thì đến hết tháng 11/2012, cán cân xuất nhập khẩu đã cân bằng. Cần nhấn mạnh rằng, cân bằng cán cân xuất nhập khẩu là mong đợi của cấp điều hành vĩ mô suốt nhiều năm qua.

Hay như vấn đề điều hành tỷ giá. Với sự quyết tâm giữ ổn định đồng nội tệ, từ giữa năm ngoái đến nay, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ luôn được kiểm soát trong biên độ biến động cho phép. Chính hiệu quả từ sự điều hành này đã tạo lòng tin của xã hội vào tiền đồng Việt Nam, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ổn định xã hội. Nếu cuối năm ngoái, lãi suất cho vay tới trên 20%/năm, thì từ nhiều tháng nay, lãi suất giảm xuống trần 15%/năm…

Ngoài ra, việc giải ngân các dòng vốn đầu tư cũng được đẩy mạnh, trong đó có dòng vốn ODA. Dấu ấn của điều hành vĩ mô còn thể hiện ở chỗ, Chính phủ đã chỉ đạo các thành viên thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chi hàng chục nghìn tỷ đồng hỗ trợ, trợ cấp các đối tượng chính sách, những vùng gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ.

Có thể nói, năm 2012, điều hành vĩ mô đã có sự đồng bộ hơn, kiên định hơn với mục tiêu rõ ràng, cụ thể; bước đầu đã có những thành công.  

Thế nhưng, thách thức trước mắt và cả năm 2013 còn lớn, đòi hỏi các cơ quan điều hành vĩ mô tiếp tục thể hiện hết trách nhiệm của mình, không thể lơ là, chủ quan. Đó là ổn định vĩ mô chưa vững chắc, lạm phát tiềm ẩn tăng cao, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chậm được xử lý và nguy cơ tăng, dẫn đến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chậm.

Bên cạnh đó, cán cân thương mại cân bằng, nhưng lại chủ yếu nhờ xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chứng tỏ sức cạnh tranh của DN trong nước còn yếu. Sức sản xuất của DN cả năm qua khá yếu,  khiến sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Bên cạnh đó là giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản, cân đối thu chi ngân sách để đảm bảo bội chi không quá 4,8%. Lại thêm sản xuất nông nghiệp gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người nông dân.

Với tinh thần sâu sát, chủ động, Chính phủ đã đề ra 9 nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong năm 2013, trong đó, tập trung hàng đầu là việc giải quyết nợ xấu và giải phóng hàng tồn kho, khôi phục sản xuất. Đặc biệt là hàng tồn kho bất động sản. Cả Quốc hội và Chính phủ đều thống nhất là cần tập trung nhiều giải pháp để giúp thị trường này ấm lên. Đến nay đã có những hướng giải pháp như chuyển đổi công năng của sản phẩm bất động sản từ nhà sang văn phòng, trường học, trụ sở công vụ…

Lối thoát đối với vật liệu xây dựng tồn kho được Bộ Xây dựng đề xuất là đẩy mạnh xây dựng nhà ở cho người nhu nhập thấp, nhà ở xã hội. Cùng với đó là phải tích cực giải ngân các nguồn vốn ODA, FDI. Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, sửa chữa quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 trong mùa khô. Khi các nguồn vốn này được giải ngân, sẽ tạo lượng cầu lớn, tạo cú huých tiêu thụ nguyên vật liệu, giảm hàng tồn kho.

Riêng với nợ xấu, NHNN đang mạnh tay xử lý. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã mạnh tay và quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu khi đưa ra yêu cầu buộc các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tính đến khả năng thu hồi vốn từ phát mại tài sản bảo đảm để tạo nguồn xử lý nợ xấu; yêu cầu các ngân hàng điều chỉnh giảm lợi nhuận nhằm mục tiêu xử lý nợ xấu. Đây là những bước đi thể hiện sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong xử lý nợ xấu. Bởi xử lý tốt nợ xấu mới tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công trọn vẹn.

Song song những vấn đề vừa nêu, thì cũng cần ưu tiên bố trí đủ vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan; đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn việc nhập sản phẩm chăn nuôi, rau củ quả và các mặt hàng tiêu dùng trái phép, không qua kiểm tra kiểm dịch về an toàn vệ sinh thực phẩm; chuẩn bị hàng hóa cho Tết Nguyên Đán, tránh việc để giá cả tăng cao, tác động xấu đến mục tiêu kiểm soát lạm phát; tiếp tục phát duy hiệu quả từ chính sách an sinh xã năm 2012, chăm lo cho người nghèo, các hộ gia đình chính sách. Kịp thời điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp; chủ động cung cấp thông tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội. 

Với những thách thức kinh tế 2013, 9 nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra đã toàn diện, đầy đủ. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp phải đồng bộ. Nói nôm na là chiếc thuyền nền kinh tế phải được chèo lái đồng bộ và đúng hướng. Biện pháp điều hành phải sát sao, quyết liệt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Quán triệt tinh thần chỉ thị tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, không chỉ trong tháng cuối năm và Tết Nguyên Đán, mà thường xuyên, lâu dài và thực tế. Nếu doanh nghiệp tiếp cận được vốn, hàng tồn kho giảm, nợ xấu giảm, tái cơ cấu ngân hàng chuyển biến tốt, thì đó là cơ sở để thúc đẩy sản xuất, củng cố niềm tin của xã hội, một điều kiện đủ để cải thiện tình hình kinh tế xã hội năm 2013. 

Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm 2012. Chúng ta đã có điểm tựa từ những thành công trong công tác điều hành kinh tế xã hội 11 tháng qua để bước vào tháng cuối cùng với nỗ lực cao nhất, thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tạo đà cho việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013 như tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 8%, bội chi không quá 4,8%, giải quyết được 1,6 triệu việc làm mới… /.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên