Con ba ba không có lỗi

Vụ án con ba ba ở Quảng Bình sau khi khép lại đã tạo nên nhiều luồng dư luận khác nhau.

Vụ án con ba ba ở tỉnh Quảng Bình đã được xét xử với phần thắng thuộc về bị đơn – tức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình-người đã ra quyết định xử phạt một doanh nghiệp vận chuyển 600 con ba ba hoa đi bán mà không có giấy chứng nhận của ngành Kiểm lâm. Oái ăm là từ lâu, con ba ba đã là một giống thủy sản được khuyến khích nuôi và tiêu thụ bình thường như bao loài thủy sản khác. Vì vậy, vụ án con ba ba ở Quảng Bình được dư luận cho là mất nhiều hơn được.

Ảnh minh họa

Tháng 9 năm ngoái, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình bắt giữ lô hàng chở 600 con ba ba hoa của Công ty TNHH Tiền Hậu ở Đồng Tháp vận chuyển ra Bắc tiêu thụ. Vì cho rằng Công ty này không có Giấy phép vận chuyển của kiểm lâm địa phương nên Kiểm lâm Quảng Bình đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh này xử phạt hành chính 500 triệu đồng. Không đồng tình với quyết định này, doanh nghiệp đã khởi kiện ra tòa. Vụ án được xét xử ngày 20/7 vừa rồi và phần thắng đã thuộc về bị đơn. 

Kẻ thắng người thua trong một vụ kiện là chuyện bình thường, nếu đó là phán quyết được đưa ra từ một vị quan tòa thượng tôn pháp luật. Vụ án con ba ba ở Quảng Bình sau khi khép lại đã tạo nên nhiều luồng dư luận khác nhau. Bởi từ đầu, lý lẽ của Kiểm lâm Quảng Bình về việc bắt giữ lô hàng của Công ty TNHH Tiền Hậu không mấy thuyết phục.

Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho rằng ba ba hoa là động vật có nguồn gốc từ rừng nên việc gây nuôi, vận chuyển, tiêu thụ nếu không có giấy phép của kiểm lâm địa phương là vi phạm pháp luật. Trong khi theo Quyết định 57 ngày 2/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn thì “ba ba, tên khoa học là Trionyx sinensis, thuộc loài ba ba hoa, xếp vào nhóm B (nhóm các đối tượng nuôi nước ngọt), cùng với ba ba gai, là những giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh thông thường”.

Vì vậy, ông Dương Tiến Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định trên báo Dân Việt rằng: "Với loài ba ba này, khi vận chuyển, chủ hàng chỉ cần có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y là được. Ngoài ra, không cần thêm bất cứ loại giấy tờ nào, vì đây không phải là loài động vật quý hiếm".

Ngoài ra, Bộ Thủy sản năm 2005 cũng đưa ba ba vào "Danh sách đối tượng nuôi trồng thuỷ sản áp dụng cho các mô hình khuyến ngư"; Quyết định 337 ngày 10/4/2007 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng quy định: nuôi ba ba thuộc nhóm ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Trên thực tế thì cách đây gần 20 năm, con ba ba hoa đã được nhiều gia đình ở Hưng Yên, Hải Dương nuôi theo kiểu trang trại, ngành thủy sản lúc đó cũng đã xây dựng nhiều mô hình khuyến khích nông dân làm giàu với con vật nuôi này. Hiện cả nước có hàng ngàn hộ nuôi ba ba với sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm; nhà hàng, quán ăn kinh doanh các món đặc sản chế biến từ ba ba cũng không thấy có văn bản nào nghiêm cấm?    

Có thể Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình chưa cập nhật đầy đủ văn bản của các ngành chức năng nên mới dẫn tới việc làm tắc trách này. Nhưng thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, “cái gì không biết thì tra google” như cách nói cửa miệng của nhiều người thì liệu có khó quá không, khi chỉ cần một cái nhấp chuột, những cán bộ ở Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình sẽ có ngay hàng ngàn kết quả liên quan đến những qui định về việc nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, trong đó có con ba ba.

Thế nhưng, tại phiên xử ngày 20/7 vừa rồi, họ vẫn cố tình viện dẫn cuốn giáo trình của Trường Đại học Lâm Nghiệp, trong đó có đoạn viết rằng: “ba ba là động vật có nguồn gốc từ rừng”. Để rồi vị quan tòa cấp tỉnh cũng dễ dàng thỏa hiệp, đẩy phần thiệt cho dân.  

Đến lúc này, mọi người mới vỡ lẽ rằng: “Ai bảo anh chàng đi buôn lại đi kiện chủ Chủ tịch tỉnh ra quyết định sai? Giá chỉ cần kiện ông Kiểm lâm tham mưu sai thì có khi phiên tòa đã có một bản án khác”.

Suy cho cùng thì con ba ba chẳng tội tình gì. Có chăng là ở lối hành xử của những người thừa hành pháp luật. Cái mất không còn ở chỗ khoản tiền phạt bao nhiêu, vì nếu làm sai, người dân sẽ phải gánh chịu. Mà lớn hơn là ở vô cảm hoặc sự tha hóa của một số người có chức quyền. Họ đang nhân danh cho tổ chức để áp đặt ý chí cá nhân lên đầu người dân, họ thách thức và coi thường công luận! Chính họ đang tự bôi nhọ lên thanh danh của nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Cái mất ấy mới thực sự đáng sợ! ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên