Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Sự bình dị lớn lao...
VOV.VN -Thế thôi, chỉ một danh xưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không phải kê thêm những chức tước dài dòng.
Vị Đại tướng-Người Lính Già Võ Nguyên Giáp đã ra đi, đã rời cõi người ta, về cõi bên kia…Đó là cách nói tuân theo quy luật sinh tử muôn đời. Nhưng, thực sự những gì đang diễn ra thì sự ra đi của Vị Đại tướng-Người Lính Già Võ Nguyên Giáp đang không tuân theo quy luật ấy...
Sự bình dị lớn lao đã càng làm Ông bất tử!
Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Trong cuộc họp lần thứ hai của ban tổ chức tang lễ diễn ra ở hội trường Bộ Quốc phòng, chiều thứ 6 (10/10), anh Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng có đề xuất với Ban tổ chức tang lễ, rằng xin các vòng hoa viếng Ba anh chỉ ghi một dòng chữ Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Võ Hồng Nam cũng đề nghị Ban tổ chức, các cơ quan báo chí truyền thông kính thông báo với đồng bào khi đến viếng Ba anh, không mang theo lễ vật phúng viếng.
Thế thôi, chỉ một danh xưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không phải kê thêm những chức tước dài dòng. Vị Đại tướng Tổng Tư lệnh quân đội từng giữ nhiều chức vụ, nhiều trọng trách, nhưng hầu như trong đời vẫn bộ quân phục thân thuộc, nghiêm ngắn, bình dị. Bữa cơm hàng ngày của vị khai quốc công thần vẫn đạm bạc quả trứng kho, đĩa rau luộc…chẳng khác bữa cơm hàng ngày của mọi thường dân. Quả là “Cơm ăn chẳng quản dưa muối/Áo mặc nài chi gấm thêu”(Nguyễn Trãi).
Cũng hôm diễn ra cuộc họp quan trọng này, phía Bộ Quốc phòng chiếu lên màn hình 3 mẫu bia đá để chọn 1 đặt trước phần mộ Đại tướng. Ba mẫu bia màu sắc, hình khối, chất liệu và nội dung như nhau, chỉ có hoa văn viền quanh bia là khác nhau. Mẫu bia thứ nhất hoa văn họa tiết cách điệu có phần bay bướm, phóng khoáng. Mẫu bia thứ hai hoa văn đường kỷ hà, viền quanh ngay ngắn, gãy gọn….Còn mẫu bia thứ ba không có hoa văn viền quanh. Gia đình và Bộ Quốc phòng chọn mẫu bia thứ hai. Nếu tôi được phép chọn, tôi cũng chọn mẫu bia thứ hai này, bởi nó phù hợp với tính cách giản dị và ngay ngắn của con người Đại tướng.
Câu chuyện quyết định chọn nơi an táng Đại tướng cũng rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Cuộc họp lần một (8/10), tại Ban Tổ chức trung ương do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, anh Võ Hồng Nam cũng giãi bày chuyện tối hệ trọng này. Anh nói, việc chọn nơi an táng của Ba anh đã được gia đình và Đại tướng chuẩn bị từ khi Đại tướng qua tuổi 90. Cũng đã đến đôi ba nơi, Ba Vì, Thái Nguyên, rồi về quê, nơi ông nội, bà nội anh an nghỉ, nhưng vì lý do này lý do khác mà Ba anh không đồng ý. Rồi đến khi qua Đèo Ngang, tức dải Hoành Sơn, phía Quảng Bình, nơi hình hài Tổ quốc thắt lại, nhận ra vùng đất Vũng Chùa-Đảo Yến sơn hải giao hòa, đất trời quần tụ, lại quay hướng Biển Đông, thế là quyết định chọn. Anh Võ Hồng Nam nói, gia đình vẽ sơ đồ rồi xin ý kiến Ba anh. Khi ký vào bản sơ đồ này Đại tướng có dặn các con: Đây mới là ý nguyện của Ba và gia đình. Khi Ba qua đời, phải xin ý kiến của tổ chức. Tổ chức đồng ý mới thực hiện. Anh Võ Hồng Nam cũng nói, cha anh còn dặn, không được làm phiền tổ chức, phải chấp hành tổ chức!
Cả một đời Đại tướng đã chấp hành tổ chức. Có việc gì tổ chức giao mà Ông không hoàn thành? Là thế hệ lập quốc, bậc khai quốc công thần, lại đức độ hơn người, võ công hiển hách vang vọng năm châu, nhưng Người một mực “dĩ công vi thượng”, lại tổ chức cũng tối thượng!
Có nhà báo đã bình luận, sự ra đi của Đại tướng là một kỳ tích, kỳ tích thu phục nhân tâm, hội tụ lòng dân. Trong vòng 5 ngày, trước ngày diễn ra lễ viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ quốc gia, đã có hơn một triệu lượt đồng bào trong nước và bạn bè nước ngoài đến nhà riêng Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội nghiêng mình trước vị Đại tướng của Nhân dân! Có người lại bình luận, ngay cả khi ra đi, Đại tướng vẫn làm nên trận thắng lớn, không thua kém trận Điện Biên Phủ dưới đất, trận Điện Biên phủ trên không. Đó là trận thắng lòng dân. Một sự ra đi mà nhân lên sức mạnh lòng dân, sức mạnh dân tộc!
Có nhà văn sinh ra ở vùng đất Nam Bộ gọi Đại tướng là Ông Già-Ông Già rực rỡ. Tôi hiểu ẩn ý nhà văn. Nhà văn muốn gợi hình ảnh Đại tướng mái tóc bạc trắng, lúc nào cũng tư thế ngẩng đầu, cái cười hiền hậu, không chút vướng bận phàm tục. Phải vậy chăng?
Vị Đại tướng lừng danh trận mạc đã có bao nhiêu đêm thức trắng suy ngẫm việc quân, tính toán bày binh bố trận? Cũng vị tướng lừng danh ấy có bao nhiêu chiều, bao nhiêu sáng độc thoại với cây đàn? Lại cũng vị tướng lừng danh ấy có bao nhiêu tháng ngày trong cõi người ta mà nhìn vào hư vô, lặng lẽ thiền định, cân bằng bản ngã để vượt lên chính mình, để trở về là mình? Có người nói, Ông là người cộng sản chân chính, là học trò xuất sắc, đồng chí thủy chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có người nói, Ông đã tu trọn kiếp tu, đã đắc đạo ngay ở cõi trần.
Trong cõi người ta xưa nay không hiếm trường hợp ông nọ bà kia mũ cao áo dài, xe xe ngựa ngựa nhưng khi họ đang sống sờ sờ mà nhân dân đã đưa tang, mai táng họ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi sống đã trong lòng dân, mãi mãi trong lòng dân, cả khi ông đã rời cõi người ta…